Khi ngôn từ cũng phải theo thời thế…

NGUYỄN VŨ 02/04/2025 14:25 GMT+7

TTCT- Thời thế đổi thay, chính khách này lên, nhân vật kia xuống, nhưng tưởng cứ mặc cho dòng biến động chính trị ấy xoay vần, ngôn ngữ vẫn cứ là thứ bất biến.

ngôn từ - Ảnh 1.

Thời thế đổi thay, chính khách này lên, nhân vật kia xuống, nhưng tưởng cứ mặc cho dòng biến động chính trị ấy xoay vần, ngôn ngữ vẫn cứ là thứ bất biến. Nhưng không. Ở Mỹ, ngôn ngữ thay đổi chóng mặt theo từng trào lưu chính trị.

Những từ biến mất dưới thời ông Trump

The New York Times hôm 7-3 đã liệt kê khoảng 300 từ họ cho là các cơ quan chính phủ dưới thời Tổng thống Donald Trump cảnh báo nhân viên chớ mà dùng trong các văn bản chính thức, trong đó có nhiều từ trông rất vô hại như pronoun (đại từ), identity (bản sắc), diverse (đa dạng)…

Cần đặt những từ này vào một bối cảnh cụ thể mới hiểu vì sao các cơ quan này muốn tránh. Ví dụ, phe Cộng hòa và những người ủng hộ ông Trump thường cho rằng các nỗ lực đa dạng hóa, bình đẳng và dung hợp (diversity, equity, inclusion - thường được viết tắt thành DEI, hàm ý cần ưu tiên cho người da màu, phụ nữ, người thuộc cộng đồng LGBTQ…) là đi ngược với tinh thần coi trọng tài năng, rằng cổ vũ cho DEI sẽ dẫn tới tuyển dụng người không xứng đáng hay người có năng lực thấp. 

Vì thế các cơ quan chính phủ của ông Trump không những phải từ bỏ các chương trình DEI mà còn phải loại bỏ các từ ngữ liên quan khỏi văn phong chính thức.

Có những từ bị loại bỏ là do ý muốn của ông Trump, như ông muốn đổi tên vịnh Mexico thành vịnh Mỹ, vì vậy mà cụm từ Gulf of Mexico thành ra "húy kỵ". 

Chuyện cấm dùng pronoun thì xuất phát từ một phong trào của giới cấp tiến Dân chủ. Khi tự giới thiệu mình, bà Kamala Harris, phó tổng thống của ông Biden, có lần nói: "I am Kamala Harris, my pronouns are she/her", bởi bà muốn nhấn mạnh chuyện bình đẳng giới, theo đó giới tính là do cá nhân chọn, muốn tự xưng mình là she hay he hay they đều được. Giới bảo thủ Cộng hòa cho chuyện này là kỳ quái nên liệt từ pronoun vào danh sách tránh dùng.

Nhìn chung, danh sách gần 300 từ "húy kỵ" này chia thành nhiều nhóm, chủ yếu phản ánh sự khác biệt của hai phe, bảo thủ và cấp tiến, về các vấn đề xã hội. Không chấp nhận quan điểm của phe cấp tiến cho rằng nạn kỳ thị chủng tộc ở Mỹ ăn sâu vào hệ thống xã hội, vào thể chế, mọi người ai cũng có phần chịu trách nhiệm, phe bảo thủ muốn loại bỏ những từ liên quan như anti-racism (chống phân biệt chủng tộc), biased (có thiên kiến), injustice (bất công), institutional (thể chế)… 

Không đồng tình với phong trào khuyến khích trẻ em nếu muốn có thể chuyển giới mà không cần sự đồng ý của bố mẹ, phe bảo thủ muốn xóa các từ như trans (chuyển giới), biologically female (xét về mặt sinh học là giới tính nữ).

Thể hiện rõ nhất của việc biên tập để xóa các từ không mong muốn là trong nội dung các trang web Chính phủ Mỹ. The New York Times cất công so sánh để tìm ra các trường hợp nội dung bị thay đổi như thế. 

Chẳng hạn, trang web của Cơ quan Hàng không liên bang quảng bá cơ hội việc làm, trước đây viết "Bạn sẽ là một phần của lực lượng lao động đa dạng" nay chỉ còn "Bạn sẽ là một phần của lực lượng lao động". 

Các nội dung từng là một phần của lịch sử cũng bị xóa như trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ bỏ Thỏa thuận Paris về khí hậu ra khỏi những đàm phán Mỹ từng tiến hành.

Những từ cấm kỵ thời ông Biden

Thật ra thời chính quyền tổng thống Joe Biden cũng chuộng nhiều từ lạ, tránh dùng nhiều từ mà giới cấp tiến cho là không "phải đạo" nhưng các chọn lựa cách dùng từ này là do từng cá nhân, từng tổ chức hay cơ quan chứ không thành một chính sách chung áp dụng cho tất cả. 

Chẳng hạn, Hiệp hội Giáo dục quốc gia, một tổ chức nghiệp đoàn của giáo chức Mỹ, đề nghị không dùng từ "mother" (mẹ) nữa, thay vào đó là "birthing parent" - một đề nghị phải nói là rất kỳ quái. Lý giải cho đề nghị này là lập luận có những người chuyển giới nữ thành nam, nay họ chọn sinh con mà gọi họ là "mother" thì không đúng với giới tính tự nhận của họ. Gọi "birthing parent" là bao trùm hết mọi giới.

Chính Đại học Stanford cũng biên soạn hẳn một tài liệu dài, liệt kê hẳn các từ cấm dùng và đưa ra từ thay thế. Chẳng hạn, họ yêu cầu người Mỹ nay không được tự gọi mình là "American" nữa mà phải viết "U.S. citizen" vì họ cho rằng dùng American thì những người khác trên châu Mỹ tính sao đây. 

Danh sách khuyến cáo không được dùng từ "master" để chỉ việc học thành thạo một môn nào đó vì "master" ngoài nghĩa nắm vững còn có nghĩa làm chủ, là chủ nhân như ngày xưa các "master" là chủ nô lệ. Sự phi lý kéo dài suốt cả danh sách các từ cấm kỵ như "crazy" (điên), "immigrant" (người nhập cư), "prisoner" (tù nhân), "homeless person" (người vô gia cư)…

Nhìn chung cách đối xử với ngôn ngữ của hai phe, bảo thủ và cấp tiến, cũng gần như nhau. Phe cấp tiến không muốn làm phật lòng một số cộng đồng nào đó nên bắt toàn xã hội phải chiều theo. Sợ phật lòng người vô gia cư nên thay "homeless person" bằng "person without housing"; áy náy với người khuyết tật thì đòi thay "handicapped parking" thành "accessible space". 

Cách đây không lâu, thống đốc bang Wisconsin cũng biên tập dự thảo ngân sách bang để loại bỏ các từ "husband" thay bằng từ "spouse", "father" thay bằng "parent who did not give birth", "wife" thay bằng "person" cũng chỉ để làm hài lòng cộng đồng LGBTQ, khiến dân Wisconsin được một mẻ cười trên mạng xã hội.

Cuộc chiến ngôn ngữ ở Mỹ như quả lắc, khi thì văng qua phải (bỏ tấm hình chụp chiếc máy bay Enola Gay từng được dùng để ném bom nguyên tử xuống Hiroshima vì có từ gay là đồng tính) khi thì vật qua trái (dùng từ Mx trước tên để chỉ một người có giới tính không xác định). Cho nên thời nay, phải hiểu chính trị mới nắm được hết ngữ nghĩa thứ tiếng Anh do người Mỹ dùng. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận