Xe điện Trung Quốc đang ở đâu?

NGUYỄN THÀNH TRUNG 31/03/2025 09:04 GMT+7

TTCT - Nếu cần một câu chuyện để kể về ngành xe điện của Trung Quốc, thì đó chính là hãng xe BYD (Build Your Dreams), với công nghệ đột phá sạc đầy trong 5 phút đang gây chấn động ngành này ở quy mô thế giới.

xe - Ảnh 1.

Ảnh: Asia Times

Tháng 10-2011, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Bloomberg, tỉ phú xe điện Mỹ Elon Musk đã cười khúc khích khi được hỏi về đối thủ BYD: "Bạn đã thấy xe của họ chưa?... Tôi không tin rằng họ cung cấp một sản phẩm vượt trội". Musk cho rằng BYD khó thể thách thức Tesla của ông trong lĩnh vực xe điện, và tỏ vẻ khinh thường tiềm năng của các công ty Trung Quốc.

Gần 12 năm sau, khi được yêu cầu nêu tên đối thủ cạnh tranh khó khăn nhất vào tháng 1-2023, ông trả lời là "một công ty nào đó ở Trung Quốc". Chỉ xấp xỉ một thập kỷ, các công ty xe điện Trung Quốc, đặc biệt là BYD, đã bắt đầu đe dọa và hạ bệ các công ty xe điện phương Tây. 

"Những gì người Trung Quốc đã có thể làm trong 10 đến 12 năm qua về chất lượng xe là khá đáng kinh ngạc - Mark Fields, cựu giám đốc điều hành của Ford, thừa nhận với hãng tin CNBC - Thiết kế đã được cải thiện rất nhiều, chất lượng cũng được cải thiện rất nhiều".

Vào quý cuối cùng của năm 2024, BYD đã vượt qua Tesla của Musk để trở thành hãng xe điện bán chạy nhất. Công ty Trung Quốc này hiện là nhà sản xuất xe điện và xe lai (kết hợp giữa pin và động cơ xăng) lớn nhất thế giới.

Nhanh bằng tốc độ đổ xăng?

Hôm thứ hai 17-3, họ công bố công nghệ "siêu nền tảng điện tử" mới có thể sạc xe nhanh gần bằng tốc độ đổ đầy bình xăng, tức khoảng 6 phút. Nhà sáng lập BYD, ông Vương Truyền Phúc, cho báo chí biết công nghệ mới cho phép công ty "giải quyết hoàn toàn nỗi lo về việc sạc pin của người dùng". 

Công nghệ này được xếp hạng 10C, có nghĩa là xe có thể sạc đầy trong 1/10 giờ, hoặc sáu phút, tương ứng mỗi giây sạc tăng thêm khoảng 2km phạm vi hoạt động của xe. Như vậy, xe sử dụng công nghệ này đạt được phạm vi hoạt động 400km chỉ với 5 phút sạc. BYD cũng cho biết họ sẽ lắp đặt mạng lưới gồm 4.000 "trạm sạc nhanh" này khắp Trung Quốc.

Để so sánh, đối thủ chính của BYD, Tesla, có mạng lưới "bộ siêu sạc" hiện cũng chỉ ở mức cung cấp đủ điện trong 15 phút để lái xe khoảng 270km. Thị trường đã phản ứng nhanh chóng với tuyên bố về công nghệ mới của BYD, và cổ phiếu BYD tăng mạnh vào hôm thứ ba 18-3. Cổ phiếu BYD niêm yết tại Hong Kong tăng hơn 6% ngay sau khi mở cửa, đạt mức cao mới trong 52 tuần.

xe - Ảnh 2.

Xe điện Trung Quốc nhập cảng ở Bỉ. Ảnh: Reuters

Michael Dunne, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Dunne Insights, bình luận với đài CNBC của Mỹ qua email: "Sạc nhanh hơn chắc chắn là điểm cộng, nhưng nó xếp sau phạm vi pin tổng thể và sự tiện lợi của các cổng sạc là những ưu tiên đối với chủ sở hữu xe điện. 

BYD đang trở nên thành thạo hơn nhiều trong việc kể những câu chuyện đột phá về công nghệ của họ. Một công ty kỹ thuật truyền thống đã bổ sung một chiều hướng tiếp thị quan trọng vào kho vũ khí cạnh tranh của họ".

Nguồn gốc của BYD là một nhà sản xuất pin dường như đã mang lại cho công ty lợi thế sản xuất quan trọng. Đây không phải là điều mới mẻ. Việc tích hợp theo chiều dọc - sở hữu chuỗi cung ứng thay vì mua các bộ phận từ nơi khác - đã giúp công ty có thể kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn nhiều so với các hãng xe thuê ngoài hoạt động sản xuất pin. 

Hơn nữa, trong khi các nhà sản xuất xe khác tập trung vào pin chứa niken, mangan và coban đắt tiền (pin NMC), BYD tiên phong trong việc sử dụng hóa chất lithium sắt phosphate (pin LFP) rẻ hơn.

Ông Dunne cũng cho rằng nền tảng sạc nhanh của BYD có thể dẫn đến sự thay đổi trong hành vi của chủ sở hữu xe điện. Giải quyết nỗi lo lắng về phạm vi hoạt động của xe điện là điều có thể mang tính "cách mạng". 

"Rất ít chủ sở hữu xe điện sạc xe từ mức cạn pin lên mức đầy. Thay vào đó, họ có xu hướng sạc thêm khi pin còn ít như chúng ta làm với điện thoại. "Sạc trong 5 phút" có thể thay đổi hành vi đó", ông nói.

Câu chuyện về cuộc đời của nhà sáng lập BYD cùng hãng "Xây dựng giấc mơ của bạn" (Build Your Dreams) khá hấp dẫn. Tỉ phú Vương Truyền Phúc sinh ở một ngôi làng nông thôn tỉnh An Huy, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, vào năm 1966. 

Ông mồ côi cha mẹ khi còn là thiếu niên và được anh trai và chị gái nuôi dưỡng. Ông đặt niềm tin vào sự phát triển công nghệ pin, và do đó thành lập BYD vào năm 1995 khi chưa đầy 30 tuổi.

Hai khách hàng chính của ông thời điểm đó là Motorola và Nokia. Từ mảng pin điện thoại và thiết bị điện tử, ông đã mở rộng để đầu tư mua lại một nhà máy xe hơi vào năm 2003 để sản xuất xe lai. 

Ông đồng thời xây dựng BYD thành nhà sản xuất pin lớn thứ hai thế giới, chỉ sau đối thủ CATL, cũng của Trung Quốc. Công ty ông được tỉ phú Warren Buffet đầu tư, góp phần biến BYD thành hãng xe điện hàng đầu thế giới. Nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ đã đặt cược rằng BYD có thể mở rộng vị thế dẫn đầu trong sản xuất xe điện và bán pin cả cho hãng xe đối thủ.

Các công ty Trung Quốc như BYD đang buộc các hãng xe phương Tây phải thay đổi cách tiếp cận với xe điện nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh trong một ngành đang phát triển. 

Tháng 6-2024, tỉ phú Vương Truyền Phúc nói với cử tọa là lãnh đạo ngành xe hơi tại một hội nghị ngành ở Trùng Khánh: "Nếu bạn không đủ mạnh, họ [tức châu Âu và Mỹ] sẽ không sợ bạn". Đối với nhà sáng lập BYD, thuế quan cao của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là dấu hiệu cho thấy sức mạnh mới của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc.

Xe điện Trung Quốc đang ở đâu? - Ảnh 3.

Gian hàng của BYD trong một triển lãm xe hơi ở Munich, Đức. Ảnh: Reuters

Được hỗ trợ đủ kiểu

Không chỉ BYD, các hãng xe điện khác của Trung Quốc cũng có các bước tiến vượt bậc về công nghệ. Dù có giá thấp hơn, xe điện Trung Quốc thường có pin mạnh và công nghệ tiên tiến hơn xe các hãng phương Tây. 

Eunice Lee, nhà phân tích chuyên về xe hơi châu Á tại công ty đầu tư Bernstein, nói trên trang Mother Jones rằng các hãng xe điện Trung Quốc XPeng và Zeekr cũng đã đạt tới mức sạc 10 phút là đi được thêm từ 450-570km.

Sự trỗi dậy của BYD và ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc nói chung là nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bắc Kinh dưới hình thức trợ cấp, giảm thuế và ưu đãi cho người tiêu dùng suốt hơn một thập kỷ qua. 

Các chính sách công nghiệp của Trung Quốc hỗ trợ cụ thể cho nhà sản xuất xe hơi khởi nghiệp, bao gồm mở rộng đáng kể cơ sở hạ tầng sạc công cộng và sạc tại nhà tương đối rẻ, cũng như các ưu đãi trực tiếp và gián tiếp cho người mua xe điện. 

Ngoài trợ cấp mạnh mẽ của chính phủ, thị trường trong nước lớn, sản xuất có tính cạnh tranh về chi phí và tập trung vào công nghệ pin, đặc biệt là LFP, cùng quá trình cạnh tranh khốc liệt giữa hàng trăm nhà sản xuất xe điện đã thúc đẩy đổi mới nhanh chóng ngành công nghiệp này.

Trung Quốc hiện đã trở thành thị trường sản xuất và bán xe điện lớn nhất thế giới, với bộ tứ thương hiệu nổi tiếng BYD, NIO, XPeng và Geely. Các công ty xe điện nước ngoài nổi tiếng như Tesla cũng đã thành lập các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, nơi đang làm ra hơn 60% xe điện của cả thế giới và cung cấp 80% pin cho những chiếc xe này. 

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) năm 2024, có tới 45% số xe trên đường phố Trung Quốc là xe điện, so với 25% ở châu Âu và khoảng 11% ở Hoa Kỳ. Điều này cũng phù hợp với những gì chính quyền Trung Quốc cam kết về khí hậu toàn cầu, nhưng đồng thời tạo ưu thế cho ngành công nghiệp xe điện. Một mũi tên bắn trúng hai con chim.

Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) so sánh thị trường xuất khẩu xe hơi toàn cầu, tỉ lệ xuất khẩu xe của Trung Quốc đã thay đổi lớn hai thập kỷ qua. Vào đầu thế kỷ 21, phương Tây và các đồng minh thống trị danh sách 10 nước xuất khẩu xe hơi hàng đầu thế giới. 

Năm 2000, xe Trung Quốc chỉ có thị phần 0,3% trên toàn cầu. Tới năm 2023, họ đã là nước xuất khẩu xe lớn nhất thế giới, vượt qua Nhật Bản. Năm 2024, xuất khẩu xe chở khách của Trung Quốc tăng gần 20%, đạt gần 5 triệu chiếc; trong đó "xe năng lượng mới" (NEV), bao gồm xe chạy bằng pin hoàn toàn và xe lai, đạt 1,28 triệu chiếc, bất chấp mức thuế bổ sung với xe điện do Trung Quốc sản xuất mà EU vừa áp.

Không chỉ ở châu Âu, các thương hiệu xe Trung Quốc tại các thị trường mới nổi cũng thành công phần lớn nhờ vào chiến lược định giá và sự đa dạng về mẫu mã. Theo các chuyên gia trong ngành xe điện, mức giá cao và lựa chọn sản phẩm hạn chế của Tesla khó thể thu hút được người mua tại các thị trường mới này. 

John Jörn Stech, chuyên gia về xe hơi và cố vấn chính tại Shiftgate Consulting có trụ sở ở New York, nói với trang Rest of World: "Các hãng Trung Quốc liên tục tung ra các mẫu xe mới và cập nhật sản phẩm của họ. Để so sánh, các sản phẩm của Tesla trông khá đơn điệu và cũ kỹ với người tiêu dùng Trung Quốc và châu Á, những người có sở thích về những điều mới mẻ". ■

Tesla có mặt tại một số thị trường Đông Nam Á, nhưng tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc ở hầu hết các thị trường. Theo trang carnewschina.com, tại Thái Lan, thị trường xe điện lớn nhất khu vực, 5 thương hiệu xe điện hàng đầu năm 2024 đều là của Trung Quốc, trong đó BYD dẫn đầu với thị phần gần 40%. Tesla đứng thứ 6 với chỉ 4.121 xe được bán ra vào năm 2024, chiếm 6%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận