Gà lôi lam mào trắng: Để có cuộc hồi hương thực sự

PHẠM TUẤN ANH 03/04/2025 06:51 GMT+7

TTCT - "Ai đưa tôi đi chụp được con gà lôi lam mào trắng sinh sống trong tự nhiên, tôi tặng ngay 10.000 USD". Tuyên bố của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong lĩnh vực chụp ảnh thiên nhiên hoang dã, cho thấy gà lôi lam mào trắng hiếm như thế nào.

 gà lôi  - Ảnh 1.

Bà Phạm Tuấn Anh và các tình nguyện viên đi thực địa tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Ảnh: VIETNATURE

Gà lôi lam mào trắng (GLLMT) được mô tả lần đầu tiên từ cuối thế kỷ 19. Đó là năm 1896, từ 4 cá thể do các nhà truyền giáo Pháp thu được tại Quảng Trị (mẫu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, Paris, Pháp).

Kiếm tìm và hy vọng

Từ năm 1923 đến 1929, nhà khoa học Jean Delacour tổ chức 7 chuyến nghiên cứu ở Đông Dương và thu được 64 cá thể, trong đó 28 cá thể được vận chuyển sang Pháp. Từ nguồn gốc này, có hơn 1.000 cá thể được nhân lên trong điều kiện nuôi nhốt. 

Mục đích đưa về Pháp khi đó của nhà tự nhiên học Jean Delacour là để phục vụ nghiên cứu. Nếu không có chuyến "xuất cảnh" ấy, có lẽ giờ đây chúng ta đã không thể thấy được GLLMT.

Tại Việt Nam, Vườn thú Hà Nội hiện là cơ sở duy nhất đang lưu giữ nguồn gene quý hiếm này, nguồn gốc cũng là châu Âu đưa về, từ 28 cá thể đã "lưu vong" từ xưa.

Năm 1996, Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (BirdLife International) tái phát hiện GLLMT trong tự nhiên thông qua các mẫu vật mà lực lượng kiểm lâm thu được trong quá trình ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, chỉ bốn năm sau khi tái xuất hiện, loài chim này lại "biến mất". 

Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm bằng nhiều phương pháp, bao gồm hơn 130.000 ngày bẫy ảnh tại những địa điểm tiềm năng nhất trong vùng phân bố lịch sử của nó, GLLMT đã không được ghi nhận trong tự nhiên kể từ năm 2000. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải chấp nhận rằng quần thể GLLMT, nếu còn sót lại đâu đó trong tự nhiên, thì số lượng cũng rất nhỏ và phân mảnh. Nói cách khác, xác suất tuyệt chủng của GLLMT rất cao.

Theo các chuyên gia, các mối đe dọa chính đối với sự tồn tại loài này là tình trạng mất sinh cảnh sống phù hợp do diện tích lớn rừng đất thấp đã bị tàn phá trong chiến tranh, sau đó lại tiếp tục được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, đất ở. Thêm nữa, tình trạng săn bẫy kéo dài đã làm nhiều cánh rừng trở thành "rừng rỗng", vắng bóng chim thú.

 gà lôi  - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên triển khai bẫy ảnh tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Ảnh: VIETNATURE

GLLMT kiếm ăn, làm ổ và đẻ trứng trên mặt đất, mỗi năm chỉ đẻ một lứa vào cuối xuân, trung bình từ 4-6 trứng, thực sự không nhiều để chống chọi với các mối nguy hiểm rình rập hằng ngày trong rừng thẳm từ các loài thiên địch và cả con người, trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu ngày càng bất định. 

Trong khi đó, quần thể nuôi nhốt của loài GLLMT ngày càng già đi và có thể mất đi một số tập tính hoang dã sau gần một thế kỷ sống dưới sự chăm chút của con người. Vì thế, thời gian còn lại để phục hồi GLLMT không phải là vô tận, nên phải hành động ngay để cứu loài này trước khi quá muộn!

Từ hơn mười năm nay, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (Viet Nature), tiền thân là Chương trình tại Việt Nam của Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế cùng các đối tác địa phương, các chuyên gia bảo tồn và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đang nỗ lực chuẩn bị cho hành trình trở về quê hương của loài này. Tính từ những ngày đầu tìm kiếm, tái phát hiện loài "gà lạ" này trong những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đã tròm trèm 30 năm nỗ lực đưa GLLMT trở lại thiên nhiên.

Cố hương thực sự

Ba địa điểm với sinh cảnh phù hợp nhất tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong (Quảng Bình), Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Huế) và Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) được lựa chọn và chuẩn bị cho việc tái thả GLLMT. 

Các địa điểm này phải được tuần tra bảo vệ thường xuyên để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ săn, bẫy và các tác động khác làm xáo trộn nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã. 

Đồng thời, các cuộc khảo sát bằng phương pháp bẫy ảnh cũng được tiến hành định kỳ để giám sát các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài thiên địch của GLLMT như cầy, rắn, các loài chim ăn thịt…

 gà lôi  - Ảnh 3.

Các địa phương ghi nhận sự xuất hiện của gà lôi lam mào trắng ở miền Trung Việt Nam. Ảnh đăng trên tạp chí trên BirdingASIA 42 (2024)

Trung tâm nhân nuôi bảo tồn các loài chim trĩ quý hiếm do Viet Nature khởi xướng đã từng bước được thành hình trên diện tích đất gần 4,5ha tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với công suất tối đa 300 con gà trưởng thành. 

Hiện nay, khối chuồng nhân nuôi đầu tiên rộng gần 800m2 đã hoàn thành, có thể chứa tối đa 10-12 cặp gà, sẵn sàng đón nhận gà giống bố mẹ sẽ chuyển từ châu Âu về trong nửa đầu năm 2025. Trung tâm sẽ áp dụng biện pháp nhân nuôi sinh sản hoàn toàn tự nhiên, để cho gà mẹ tự ấp và nuôi con, huấn luyện lại cho gà các tập tính hoang dã, và thích nghi lại với khí hậu nhiều mưa, nắng, gió của quê hương miền Trung.

Dự kiến, khoảng năm 2027, những "chiến binh" GLLMT đầu tiên sẽ được thả thử ra ngoài thiên nhiên và giám sát tại các địa điểm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, không còn săn bẫy hay tác động có hại khác của con người.

Chương trình phục hồi GLLMT sẽ được coi là thành công khi tạo dựng được ít nhất ba quần thể tồn tại bền vững trong tự nhiên, mỗi quần thể tối thiểu 200 cá thể trưởng thành. Đây sẽ là một hành trình học hỏi của cả GLLMT và các nhà bảo tồn, nhưng nếu thành công, chúng ta sẽ làm nên lịch sử, một kết thúc có hậu cho hơn một thế kỷ thăng trầm cùng đất nước.

Hành trình trở về này rất cần sự đồng hành và sẻ chia của cộng đồng, của các nhà hảo tâm, của tất cả những ai quan tâm đến số phận của loài GLLMT ở trong và ngoài nước.

Có thể nói, để đi đến được giai đoạn này là nhờ thành quả của một chương trình nghiên cứu khoa học nghiêm khắc và bền bỉ, có sự hỗ trợ của chuyên gia bảo tồn thế giới và sự góp sức của các cơ quan địa phương cũng như các tổ chức khoa học và xã hội trong nước. 

Giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự chung tay góp sức của cộng đồng. Công sức của các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước sẽ đổ sông đổ biển nếu người Việt chúng ta không thành công với việc chấm dứt nạn săn bẫy, phá rừng… 

Dĩ nhiên, các tổ chức tham gia vào dự án cũng phải lường hết những bất trắc để có biện pháp ngăn ngừa. Ví dụ, những người trực tiếp được huấn luyện bảo vệ GLLMT khi tái thả ra tự nhiên sẽ là những người địa phương, được đào tạo, huấn luyện kỹ càng vì sẽ không ai làm tốt hơn chính người bản địa. Đồng thời, cũng phải có vùng đệm để bảo vệ từ xa cho khu vực tái thả.

Hy vọng chúng ta sẽ thúc đẩy được những hành động thiết thực như chấm dứt tiêu thụ chim thú hoang dã, dạy và làm gương cho trẻ con về việc cần phải bảo vệ sự đa dạng của cây cỏ chim muông. Và một ngày không xa, những cố gắng đó sẽ trả lại cho thiên nhiên những gì vốn thuộc về nó…

*Tác giả Phạm Tuấn Anh là giám đốc Viet Nature.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận