TTCT - Ngày 6-10, tại quảng trường Độc lập (Kiev) và trên khắp 20 thành phố khác của Ukraine đã diễn ra biểu tình chống “công thức Steinmeier” vừa được chính quyền Ukraine ký với Nhóm tiếp xúc hồi đầu tháng. Cựu tổng thống Poroshenko tham gia biểu tình phản đối “công thức Steinmeier”. Ảnh: Reuters Nhà tổ chức biểu tình là Phong trào chống đầu hàng, do những người dân tộc và ủng hộ cựu tổng thống thất cử Petro Poroshenko thành lập mới hôm 2-10. Tổng thống Volodymyr Zelensky phải lên tiếng kêu gọi người biểu tình “đừng để bị thao túng và khiêu khích”. Có thể nói ông Zelensky đang va phải thách thức lớn nhất kể từ khi đắc cử tổng thống Ukraine: phản ứng của phe đối lập trước tin Kiev đã ký “công thức Steinmeier” (xem khung) về giải quyết những vấn đề ở đông Ukraine. Bài toán khó Ngày 1-10, các phương tiện truyền thông nhất loạt đưa tin tại cuộc làm việc ở Minsk, Nhóm tiếp xúc về đông Ukraine (gồm các đại diện Ukraine, Nga và Donbass) đã nhất trí “công thức Steinmeier”. Cụ thể, theo TASS, các bên đã “ký vào lá thư gởi OSCE [Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu] thông báo sự ủng hộ với công thức Steinmeier và có ý định thực hiện công thức này”, thế nhưng nội dung cụ thể liên quan đến công thức được ủng hộ này là gì lại không được công bố. Một ngày sau, 2-10, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Quốc hội Ukraine thuộc Đảng Đầy tớ nhân dân (ủng hộ Tổng thống Zelensky) Bohdan Yaremenko đã “nói rõ” rằng tại đàm phán ở Minsk, đại diện Kiev “không ký vào công thức Steinmeier, mà chỉ thông báo bằng văn bản rằng phía Ukraine hài lòng với công thức”. Cụ thể, theo lời ông này, Kiev chỉ nói về việc tổ chức bầu cử tại các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk. Bất chấp những động thái này, những người dân tộc ngày 2-10 đã biểu tình trước Phủ tổng thống ở Kiev. Họ yêu cầu an ninh Ukraine công khai thực chất của “công thức Steinmeier” và đòi ông Zelensky từ chức. Đảng của một người đối lập khác, bà Yulia Tymoshenko, nhận định công thức Steinmeier là “mối đe dọa chủ quyền Ukraine”. Còn trên Facebook, các chính trị gia tuyên bố công thức “là kịch bản Bosnia cho sự tan rã Ukraine” (người dẫn chương trình truyền hình chính trị Taras Berezovets), là “bán rẻ Ukraine” (Viktor Taran của Đảng Gói cải cách khẩn cấp)… Cựu chủ tịch Quốc hội Ukraine và hiện là đại biểu Quốc hội nước này Andrey Paruby viết: “Những gì xảy ra ở Minsk là một nỗ lực thanh lý nhà nước Ukraine! Tất cả những người ủng hộ nhà nước thống nhất phải liên kết lại để ngăn chặn một sự đầu hàng”. Chủ tịch Đảng Tự do Oleg Tyagnibok tuyên bố Kiev “sẽ không thực hiện” thỏa thuận Minsk lẫn công thức Steinmeier, gọi việc ký kết là sự đầu hàng lợi ích quốc gia của Ukraine. Cộng sự của cựu tổng thống Poroshenko, Yury Biryukov, còn dự đoán cuộc họp Normandy “sẽ đặt vấn đề về việc trưng cầu ý dân lần nữa về Crimea”. Ở Nga, tờ Tầm Nhìn khẳng định với việc Kiev chuẩn thuận công thức Steinmeier, “đảng chiến tranh ở Ukraine đã thua”. Bộ Ngoại giao Nga đánh giá cao việc ký kết công thức này. Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) cho rằng đây là một “thành tựu nghiêm túc” của Matxcơva, còn lãnh đạo các cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk cho rằng việc ký kết “công thức Steinmeier” là sự thừa nhận quyền của người dân Donbass tự quyết định số phận của mình. “Công thức Steinmeier”: Từ lời nói đến văn bản Chiến sự giữa quân đội Kiev và dân quân thân Nga nổ ra ở Donbass (đông Ukraine) từ tháng 4-2014, khi các cộng hòa tự xưng ra đời theo sau việc thay đổi quyền lực ở Kiev vào tháng 2-2014. Đến nay, xung đột vũ trang ở đông nam Ukraine đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng, hơn 30.000 người bị thương, hàng trăm người mất nhà cửa. Kiev cáo buộc Nga tham gia chiến sự phía dân quân, trong khi Matxcơva phủ nhận. Hiện các bên đang cố gắng thông qua thỏa thuận được ký kết ở Minsk ngày 11 và 12-2-2015 tại Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp, Đức - tức “bộ tứ Normandy”. “Công thức Steinmeier” được các bên phê chuẩn bằng lời tại cuộc họp của “bộ tứ Normandy” ở Paris tháng 10-2015. Tuy nhiên, sau đó Kiev đã đưa thêm các yêu cầu bổ sung: ngừng bắn hoàn toàn, khôi phục sơ bộ quyền kiểm soát của Kiev tuyến biên giới Donbass với Nga, đưa quân gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc vào… Một số yêu cầu được cho là không thể thực hiện vì trái ngược với thỏa thuận Minsk. Các cuộc gặp của bộ tứ Normandy gần như tê liệt ở giai đoạn cuối của trào tổng thống Poroshenko. Hai cuộc gặp năm 2016 và 2018 diễn ra không có sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiếp đó, các cuộc trao đổi về tình hình đông Ukraine của bộ tứ diễn ra, nếu có, cũng chỉ qua điện đàm. Hi vọng về việc nối lại đàm phán “công thức Steinmeier” xuất hiện sau khi Đảng Đầy tớ nhân dân của ông Zelensky thắng cử áp đảo, với lời hứa giải quyết bế tắc Donbass. Tân Tổng thống Zelensky nhiều lần đòi gặp thượng đỉnh Normandy, nhưng Matxcơva cho rằng gặp gỡ sẽ vô ích nếu trước đó không có được những bước đi cụ thể giải quyết tình hình Donbass, và một sự đồng tình trên văn bản “công thức Steinmeier” là yêu cầu của Kremlin. Cả Berlin lẫn Paris cũng nhất trí với cách tiếp cận này. Kiev không còn cách nào khác là chấp thuận. Dự kiến “công thức Steinmeier” được Nhóm tiếp xúc ký kết vào ngày 18-9 vừa qua tại Minsk. Thế nhưng vào giờ chót, đại diện Ukraine là cựu tổng thống Leonid Kuchma từ chối ký vào văn bản, nhắc lại yêu cầu của Kiev về quyền kiểm soát tuyến biên giới Donbass - Nga. Chỉ đến ngày 1-10, văn bản trên mới nhận đủ chữ ký của các bên. “Nhân tố Trump” Điều gì đã diễn ra trong hai tuần đó? Trước tiên là việc Matxcơva kiên trì lập trường phải thỏa thuận được bằng văn bản “công thức Steinmeier” trước bất cứ cuộc gặp thượng đỉnh nào, và yêu cầu này đã được Berlin lẫn Paris hưởng ứng. Tiếp đó là cuộc gặp đầu tiên của tân Tổng thống Zelensky với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25-9. Cuộc gặp không mang đến cho ông Zelensky kết quả mong muốn. Washington không đưa ra một sáng kiến mới nào giúp Kiev giải quyết bế tắc đông Ukraine. Ngược lại, ông Trump còn gởi ngược ông Zelensky trở lại làm việc với ông Putin: “Tôi thật sự hi vọng ông và Tổng thống Putin sẽ gặp gỡ và có thể giải quyết vấn đề của các ông”. Bẽ bàng hơn là việc giải mật cuộc điện đàm Trump - Zelensky hồi tháng 7, trong đó ông Zelensky than phiền về sự thiếu nhiệt tình của Đức, Pháp trong giải quyết vấn đề đông Ukraine và bày tỏ sự trông đợi vào Washington. Còn ông Trump lại đề nghị người đồng cấp Ukraine tiếp tục cuộc điều tra công ty khí đốt liên quan đến Hunter Biden, con trai cựu phó tổng thống Joe Biden, có thể là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Việc “xổ toẹt” cuộc trò chuyện giữa hai nguyên thủ cho thấy với chính trường Hoa Kỳ thời điểm hiện tại, dân chủ hay sự ổn định của Ukraine không phải là mối quan tâm chính, nếu không muốn nói đó chỉ là công cụ trong cuộc đấu tranh chính trị sống mái Dân chủ - Cộng hòa. Vụ từ chức của Kurt Volker - đại diện đặc biệt Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - ở Ukraine hôm 24-9 là tín hiệu cuối cùng cho Kiev: muốn hay không, đông Ukraine là việc của Ukraine và Kiev phải thương lượng với Matxcơva cũng như phải tự biện minh với Đức và Pháp, các nước trong bộ tứ Normandy mà ông Zelensky từng “lỡ” than phiền với Trump. K. Volker, người có lập trường cứng rắn trong việc hỗ trợ Ukraine chấm dứt chiến sự, phải từ chức do bị tình nghi dính líu đến những thỏa thuận của ông Trump với Ukraine liên quan tới vụ nhà Biden! Người Ukraine cần gì? Theo một kết quả thăm dò của nhóm nghiên cứu độc lập Ukraine “Rating” công bố hôm 2-10, hơn một nửa người Ukraine được hỏi ủng hộ sử dụng các biện pháp phi quân sự để giải quyết tình hình đông Ukraine. Cụ thể, 34% ủng hộ việc chấm dứt chiến sự, công nhận các vùng đất này là “lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng và đóng băng cuộc xung đột”, 23% ủng hộ trao cho các lãnh thổ này quy chế tự trị trong lòng Ukraine. Nhưng cũng 23% muốn tiếp tục chiến sự đến khi khôi phục hoàn toàn chủ quyền ở Donbass, chỉ 6% đồng ý tách lãnh thổ này khỏi Ukraine. Cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa số người được hỏi (59%) không thể đánh giá “công thức Steinmeier” về giải quyết tình hình Donbass, trong khi 23% phản đối ý tưởng này và 18% ủng hộ. “Công thức Steinmeier” vì thế chỉ là một bước nhỏ trên con đường còn dài cho một Ukraine không còn chiến sự. Trước mắt, bất chấp phản ứng của phe đối lập, ông Zelensky có thể tự tin với sự ủng hộ của Quốc hội mà đảng của ông chiếm đa số. Nhưng vẫn chưa rõ ông sẽ tiếp tục đường lối ra sao khi ngay trong nội bộ đảng vẫn còn đầy chia rẽ. Chẳng hạn ông David Arakhamya, chủ tịch phái “Đầy tớ nhân dân” trong Quốc hội, gọi “công thức Steinmeier” là “bước đi kỹ thuật” cần cho hội nghị Normandy. Còn đại diện chính phủ trong Quốc hội, bà Irina Vereshuk, lại khẳng định “chẳng có công thức nào được ký cả, thực tế là không có, chỉ có thỏa thuận miệng”. ■ Công thức giải quyết tình hình đông Ukraine mang tên Steinmeier, theo tên cựu ngoại trưởng (và hiện là Tổng thống) Đức Frank Walter Steinmeier đưa ra năm 2015. Công thức này về cơ bản thực hiện phần chính trị của thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột Donbass: xác định quy chế đặc biệt của Donbass. Theo đó, lãnh thổ do các cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk kiểm soát cần có quy chế đặc biệt tạm thời để có thể tiến hành các cuộc bầu cử địa phương. Những cuộc bầu cử này phải được Cơ quan về các định chế dân chủ và nhân quyền của OSCE đồng ý. Nếu cơ quan này xác nhận các cuộc bầu cử đã diễn ra theo đúng các nguyên tắc dân chủ, các cấp chính quyền địa phương sẽ được công nhận là hợp pháp và các cộng hòa tự xưng sẽ nhận quy chế đặc biệt lâu dài trong thành phần Ukraine. Trong “công thức Steinmeier” không có yêu cầu trao cho Kiev quyền kiểm soát biên giới với Nga. Ngược lại, Donbass và Matxcơva cũng nhượng bộ: chấp nhận để Ukraine thêm vào hiến pháp và các luật khác quy chế đặc biệt của Donbass. Tags: UkraineĐông UkraineCông thức Steinmeier
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.