Hòa giải hậu apartheid

DANH ĐỨC 15/12/2013 02:12 GMT+7

TTCT - Năm năm giữ chức tổng thống quả là ngắn ngủi so với 27 năm lao tù của ông Nelson Mandela. Tuy nhiên, vị tổng thống đầu tiên của Nam Phi hậu apartheid đã đặt nền móng hòa giải ở đất nước vô cùng phân hóa này.

Một cậu bé viết lên tường thông điệp dành cho cựu tổng thống Nelson Mandela khi viếng thăm tòa nhà quốc hội ở Cape Town ngày 9-12 - Ảnh: Reuters

Thật vậy, trách nhiệm khó khăn nhất mà ông Nelson Mandela đã đảm nhận trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1994-1999 là làm sao giải quyết những oan cừu của lịch sử mà không tạo thêm những oan cừu mới. Thực hiện được điều này cũng là để không chà đạp lên chính chính nghĩa của phong trào ANC (Đại hội dân tộc Phi) của ông, tức chấm dứt tệ nạn phân biệt chủng tộc, và cũng đừng chà đạp tương lai của đất nước này.

Thanh toán những hận thù trong quá khứ luôn là một cám dỗ rất lớn như chính ông Mandela đã thừa nhận trong một phỏng vấn dành cho tờ Sunday Independent ngày 6-12-1998: “Ngoại trừ những tội ác chống lại người Do Thái trong Thế chiến thứ hai, không có cái ác nào đã bị cả thế giới lên án như nạn phân biệt chủng tộc”.

“Bầy đàn” tách riêng

Apartheid (heid: bầy đàn) là từ ngữ do Đảng Quốc gia của người da trắng ở Nam Phi đặt ra vào năm 1948 để định chế hóa chính sách phân biệt chủng tộc nhằm duy trì sự thống trị của họ cả về mặt chính trị lẫn đất đai... Hậu quả kinh tế - xã hội của chính sách apartheid là đến năm 1978, 4,5 triệu người da trắng sở hữu đến 87% đất đai, chiếm đến 75% thu nhập quốc gia, trong khi 19 triệu người da đen phải chia nhau 13% đất đai, chia nhau không đầy 20% thu nhập quốc gia.

Trong đời sống hằng ngày, tỉ lệ bác sĩ/số dân nơi người da trắng là 1/400, còn nơi người da đen là 1/44.000 người; từ đó tỉ lệ tử vong trẻ em da trắng là 2,7%, trẻ em da đen ở thành thị là 20%, còn ở nông thôn lên đến 40%. Con em người da trắng được chi ngân sách giáo dục 696 USD/người/năm, trong khi con em da đen chỉ 45 USD/người/năm (1).

Trong một đất nước độc lập, không còn là thuộc địa lại có hai nhóm công dân hạng nhất và hạng chót là điều không thể chấp nhận được, nhất là khi dựa trên cơ sở màu da! Bởi thế phong trào ANC nổi lên vào năm 1961 chống lại chủ nghĩa apartheid và đến năm 1991 thì chính tổng thống Frederik De Klerk của chế độ này thấy thời thế đã thay đổi, nên tự ý xóa bỏ các đạo luật thời kỳ này và kêu gọi thiết kế một bản dự thảo hiến pháp mới.

Hàn gắn bằng tha thứ

Lên nắm quyền năm 1994, qua năm sau ông Mandela đã cho ra đời đạo luật Đoàn kết hòa giải quốc gia. Theo đó, Nam Phi không bạo lực đòi nợ máu hay trừng trị tội phạm chiến tranh Đức quốc xã kiểu tòa án Nuremberg của quân đồng minh, trái lại sẽ tập trung vào việc bù đắp và phục hồi các nạn nhân.

Một Ủy ban Sự thật và hòa giải (TRC) được thành lập, tạo điều kiện cho các nạn nhân cất lên tiếng nói của mình, thuật lại vụ việc họ bị vi phạm như thế nào, trên tinh thần đã được ghi trong lời bạt của Hiến pháp: “...Có một nhu cầu hiểu biết nhưng không để trả thù, nhu cầu sửa sai nhưng không để trả oán, nhu cầu hỉ xả nhưng không tự biến thành nạn nhân”.

Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu, giải Nobel hòa bình 1984, được bầu chọn làm chủ tịch của TRC. Tôn chỉ hoạt động của TRC được ông giải thích như sau: “Sự tha thứ sẽ dẫn đến sự thú nhận, và sự hàn gắn sẽ đến, qua đó góp phần vào việc đoàn kết và hòa giải dân tộc”. Ủy ban Ân xá (AC) có quyền ân xá cho những tội ác vì động cơ chính trị một khi đã được thú nhận đầy đủ và trung thực, trong một số điều kiện nhất định (2).

Có thể thấy cách tiếp cận vấn đề giải quyết tội ác apartheid của TRC gần với khái niệm công lý phục hồi, trái ngược với khái niệm công lý báo ứng. Trên một bình diện khác, ông Mandela cùng chính phủ của ông, khi chọn tổng giám mục Anh giáo Tutu chủ trì TRC, đã dựa trên khái niệm “vì tin sẽ được tha thứ, nên xưng tội để được tha thứ” để thuyết phục những ai dính líu đến apartheid ra thú tội và xin ân xá nhằm nhanh chóng hòa giải dân tộc.

Điển hình ở cấp cao nhất là trường hợp hòa giải giữa cựu bộ trưởng tư pháp và trật tự trị an cuối thập niên 1980 Adriaan Vlok với mục sư Frank Chikane, lãnh đạo hội đồng các hội thánh Nam Phi và là một thủ lĩnh chống apartheid vào cuối thập niên 1990. Cựu bộ trưởng này dính líu đến một âm mưu đầu độc bất thành mục sư kia.

Mãi đến năm 2006, ông Vlok đã đến gặp Chikane, tay cầm quyển Kinh thánh và xin được tha thứ, sau đó quỳ xuống rửa chân mục sư này - tái hiện nghi thức Giêsu rửa chân các môn đồ. Mục sư Chikane phát biểu với BBC (ngày 11-8-2007) rằng ông không còn hận thù hay cay đắng gì những ai liên quan đến vụ mưu sát ông. Thế nhưng cựu bộ trưởng Vlok vẫn bị truy tố vào năm 2008 do lẽ đã không ra thú tội và xin ân xá.

Ông Mandela qua đời ngày 5-12 tại Johannesburg, thọ 95 tuổi - Ảnh: designyoutrust.com

Xin ân xá để được ân xá

Yêu cầu dứt khoát mà đạo luật Đoàn kết và hòa giải năm 1995 đặt ra là phải thú nhận rồi xin ân xá để được ân xá. Như trường hợp TRC vào năm 1996 trả tự do cho một cựu đại úy cảnh sát bị tuyên 30 năm tù vì tội thảm sát 11 phụ nữ và trẻ em vô can vào năm 1988 dưới trào cựu tổng thống De Klerk và đang thụ án từ năm 1991.

Bản án này nặng trong bối cảnh chính quyền De Klerk là chính quyền chuyển tiếp kết thúc chế độ apartheid. Cựu đại úy cảnh sát Brian Mitchell là chủ mưu vụ tấn công một mục tiêu ngỡ rằng có một nhóm đầu não ANC đang họp. Song đám cảnh sát này lại vào lộn một khu nhà vườn, trong đó những phụ nữ và trẻ em này đang thức canh đám tang. Họ bỏ chạy nhưng vẫn bị cảnh sát rọi đèn pin đuổi bắn tới chết.

Việc TRC trả tự do cho tù nhân mới thi hành án có năm năm này được báo New York Times lúc đó bình luận (3) là “một động thái báo hiệu rằng các tội ác apartheid ghê tởm nhất sẽ được tha thứ hơn là trừng phạt”, và rằng “ân xá trường hợp này là để kích thích thêm nhiều người khác xin ân xá”.

Còn trang chủ của SAHO, một viện nghiên cứu giáo dục lịch sử độc lập ở Nam Phi, nhấn mạnh rằng đương sự đã xin ân xá đủ 11 tội danh giết người và đã được ân xá tất cả (4).

Đất đai hoàn trả

Nếu đã tha thứ các oan cừu cũ bao nhiêu thì cũng phải cố gắng bù đắp bấy nhiêu cho các nạn nhân ruột thịt mình. Trong số các tổn thất vật chất, đáng kể nhất là đất đai. Đạo luật “Đất đai của người bản địa” (The Natives Land Act) ban hành cách đây đúng 100 năm (1913) buộc người da đen phải vô ở trong các “khu bảo tồn”, vô hình trung đất đai trước kia của họ lọt vào tay người da trắng.

Hàng loạt đạo luật tăng cường chiếm dụng đất đai khác lần lượt được thông qua như “Đạo luật tài sản và đất đai người bản địa trong khu vực thành thị”, “Đạo luật hạn chế buôn bán và chiếm dụng đất đai”, “Đạo luật khu vực sinh sống của các nhóm dân”, “Đạo luật tái định cư người bản địa và ngăn ngừa chiếm ngụ bất hợp pháp”...

Cứ thế mà người da đen mất đất đai vào tay người da trắng.

Một trong những việc làm đầu tiên của Chính quyền Mandela là ban hành một tu chính án cho phép những ai đã mất đất từ sau năm 1913 khiếu nại đòi trả đất. Tất nhiên, trong thực tế việc trả lại đất này thực thi không dễ dàng. Song một khi đã xóa oan cừu ngay từ đầu thì với thời gian có thể đắc nhân tâm. Thế là tháng 1 năm nay, đạo luật được tu sửa thêm: cho phép khiếu nại lấy lại đất đai mất trước năm 1913 (5).

(1): Apartheid and the people of South Africa, Disproportionate Treatment circa 1978.(2), (4), (5): http://www.sahistory.org.za(3): http://www.nytimes.com/1996/12/11/world/south-africa-frees-apartheid-killer-hinting-at-broad-amnesty.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận