Hóa ra não cố tình quên

DALMEET SINGH CHAWLA 28/10/2020 07:10 GMT+7

TTCT - Các nhà nghiên cứu phát hiện não có những quy trình chủ động cho quên. Rất có thể, “quên đi” chính là trạng thái mặc định của não.

 

Suốt từ xưa đến nay, khoa học vẫn tập trung nghiên cứu cách não thu thập và lưu trữ thông tin thành trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn... Vì sợ “quên” mà nghiên cứu “nhớ”, nhưng trớ trêu thay, việc quên của não lại chẳng mấy người quan tâm.

“Phần lớn những thứ đang diễn ra trong đời tôi, nhiều khả năng rồi tôi sẽ chẳng nhớ gì khi 80 tuổi. Chẳng hiểu sao lĩnh vực thần kinh học lại không xem ‘quên’ là việc quan trọng?” - Michael Anderson thắc mắc. Ông là nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge, từ những năm 1990 đã chỉ tập trung tìm hiểu về sự quên.

“Nếu không có quá trình quên, ta sẽ hoàn toàn không có ký ức” - Oliver Hardt, chuyên gia của Đại học MacGill, khẳng định. Theo chuyên gia về “nhớ và quên” này, nếu cái gì cũng nhớ thì não sẽ ngập ngụa những ký ức “vớ vẩn”. Ông nói, do não không biết được ngay thông tin nào là quan trọng nên cứ gặp thông tin là nó ra sức cố mã hóa cho bằng hết đã, càng nhiều càng tốt, sau đó từ từ xóa đi gần hết. Bằng chứng là nhiều người sau một ngày có thể nhớ lại mọi sự kiện (kể cả những chi tiết lăng nhăng nhất) trong ngày hôm đó, nhưng chỉ mấy ngày sau, mấy tuần sau là quên. “Quên là một bộ lọc - Hardt nói - Quên giúp lọc đi những thứ mà não thấy là không quan trọng”.

Vài năm gần đây, cuối cùng thì người ta cũng chịu thực hiện một số thí nghiệm để tìm hiểu về bản chất của bộ lọc này.

Engram và quên kiểu bị động

Ở loài có vú, ký ức cũng nhiều loại. Ký ức mới thường nằm ở hồi hải mã, ký ức cũ được lưu ở vỏ não. Nếu nhớ có nhiều loại thì quên cũng có nhiều dạng. Thời trước, các lý thuyết về quên chủ yếu nhấn mạnh vào quá trình quên thụ động, coi mất ký ức là hậu quả của việc tự nhiên hỏng đi hay không sao truy cập được các dấu vết “bằng xương bằng thịt” của một số ký ức, gọi là các engram.

Quá trình quên bị động như thế có thể là do mối nối giữa các neuron chuyên mã hóa ký ức tự nhiên bị hỏng, do các neuron đó chết ngẫu nhiên, do hỏng hóc của những hệ thống thường ra vẫn giúp củng cố và ổn định ký ức mới, hoặc do mất đi những gợi ý chỉ dẫn về bối cảnh cũ... khiến khó mà lấy lại được một ký ức.

Tuy nhiên giờ đây, các nhà nghiên cứu đang quan tâm nhiều hơn tới các cơ chế quên chủ động, trong đó não chủ động xóa hoặc giấu đi các engram ký ức.

Quên nội tại - não chủ động quên

Năm 2017, người ta xác định được dạng một dạng quên chủ động gọi là quên nội tại, liên quan đến một tập hợp tế bào mà hai nhà thần kinh học Ronald Davis và Yi Zhong gọi là “các tế bào quên”; chúng chuyên tiết ra những chất làm thoái hóa các engram của tế bào “nhớ”.

Trong một thí nghiệm, Ronald Davis cho ruồi giấm ngửi một mùi hương và đem “chích” điện chúng. Khi cho ngửi lại mùi ấy vào lần thí nghiệm sau, lũ ruồi giấm bèn tránh xa do ký ức đã gắn liền với trải nghiệm giật điện kia: rõ ràng là chúng có trí nhớ. Biết trong não ruồi giấm có một số tế bào liên tục tiết ra dopamine vốn là một chất vừa giúp hình thành ký ức vừa giúp xóa ký ức, Davis đã thử ngăn lại không để dopamine tiết ra ở não ruồi, và ông thấy trí nhớ của ruồi tăng lên gấp đôi trong thử nghiệm trên.

Nhóm của Davis giải thích như sau: ngay sau khi hình thành một ký ức mới thì cũng là lúc cơ chế quên nhờ dopamine bắt đầu xóa ký ức đó ngay. Ấy là do các tế bào luôn có khuynh hướng “bảo tồn”, phục hồi những thay đổi về cấu trúc, quay về trạng thái gốc trước khi bị hình thành các engram “vết hằn ký ức”.

May thay, não vẫn nhận ra có một số ký ức là quan trọng, thế là nó tung ra ngay một quy trình khác để củng cố, bảo tồn các engram ký ức quan trọng ấy. Từ đó ta có sự cân bằng giữa cái nhớ vào với cái quên đi. Davis nhận thấy tính chủ động của não là ở đây: đâu đó trong não luôn có một thứ phán quan tỉnh táo, báo cho não biết ký ức nào đáng nhớ về lâu về dài, và ký ức ấy sẽ được “ghi đè” lên quy trình quên.

Từ ruồi giấm chuyển sang chuột, năm 2016, nhà thần kinh học Zhong ở Bắc Kinh thấy trong các neuron hồi hải mã của não chuột có một chất tên là Rac1. Khi ức chế Rac1 thì ký ức được giữ lại lâu hơn, tới 120 tiếng thay vì 72 tiếng. Còn tăng hoạt chất Rac1 lên ký ức chỉ giữ lại được chưa tới 24 tiếng.

Tóm lại, cả Davis và Zhong đều cho rằng trong não có các quy trình thường xuyên xóa đi những ký ức vừa mới được hình thành. Những quy trình này là tự thân, do dopamine và Rac1 điều phối, và rất có thể là một cơ chế mặc định của não: cứ thế đều đặn và chầm chậm, bền bỉ xóa đi mỗi ký ức mới toanh. Để làm gì? Để lấy chỗ mà còn nhớ.

Neuron mới và ký ức cũ

Neurogenesis là quy trình sinh ra tế bào não mới. Trước kia người ta thấy, nếu trước khi học mà cho dùng các thuốc thúc đẩy neurogenesis thì dường như việc học hành có tốt hơn. Và nếu dùng thuốc ngăn lại quá trình neurogenesis ở hồi hải mã thì cũng cản trở luôn sự hình thành ký ức mới.

Nhưng hồi năm 2014, khi thí nghiệm trên chuột, nhà thần kinh học Paul Frankland (Đại học Toronto) đã thấy “có vấn đề”. Đầu tiên họ huấn luyện cho chuột bạch một nhiệm vụ để tạo nên ký ức trong não chuột. Kế tiếp, họ dùng thuốc để thúc quá trình neurogenesis, xem thử các neuron mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến cái ký ức “học hành” đã được lưu trữ kia. Một tháng sau, khi Frankland và cộng sự mang những con chuột ra thử, họ thấy những con dùng thuốc kích neurogenesis có trí nhớ tệ hơn hẳn so với những con không dùng thuốc. Frankland ngờ rằng quy trình sinh neuron mới đã gây khó khăn cho việc gọi ra những ký ức trước đó được giữ trong hồi hải mã của não chuột.

Nói nôm na thì những mạch nối thần kinh được thêm vào ấy đã đè chồng lên mạch điện lưu giữ những ký ức cũ, làm hỏng các engram ký ức cũ, hoặc khiến cho khó mà tách ký ức cũ khỏi ký ức mới. Người ta lại thấy khi kích thích quy trình neurogenesis ở đồi hải mã lên, ký ức mới bị ảnh hưởng nhưng ký ức lâu ngày có vẻ không sao. Frankland giải thích rằng do những ký ức cũ đã được não “nhanh tay” chuyển sang lưu trữ ở vỏ não thành trí nhớ dài hạn. Như vậy quá trình neurogenesis ở đồi hải mã sẽ làm hỏng các ký ức trong vòng một tuần hơn là những ký ức có nhiều tháng, nhiều năm trước đó.

Vẫn còn nhiều thứ lù mù

Một trong những băn khoăn lớn của con người là ký ức. Khi ký ức bị quên dù vì bất kỳ cơ chế nào, chúng sẽ ra sao? Mọi dấu vết của chúng đều bị xóa đi sao? Hay chúng vẫn tồn tại dưới một dạng nào đó mà ta không “chạm” tới được? Ta có thể điều khiển được việc quên không?

Từ chục năm trước, hai vợ chồng nhà khoa học Robert Calin-Jagerman và Irina Calin-Jagerman vẫn nghiên cứu về sự hình thành ký ức ở loài sên biển. Đến năm 2017, họ đã chuyển sự chú ý sang việc quên của loài này. Trong pha đầu của thí nghiệm, họ chích điện vào chỉ một bên thân sên biển. Kết quả, sên biển “học được” cách đáp ứng phản xạ ở nửa bên thân ấy.

Rồi họ để cho đám sên biển quên đi cái đáp ứng đã học được kia trong vòng một tuần, đến mức khi kích thích (bằng các tác nhân khác), hai nửa cơ thể của sên biển đã phản ứng đồng đều.

Tiếp đến họ lại đem sên biển ra chích điện một lần nữa, đồng đều hai bên thân. Họ thấy bên nửa thân từng bị chích điện có phản ứng nhiều hơn là bên nửa thân chưa bị chích trước đó. Họ kết luận (nghe rất đơn sơ) rằng khác biệt này cho thấy một mảnh nào đó của ký ức vẫn còn tồn tại trong não con vật. Và con vật đã thay đổi hành vi do hệ thần kinh của nó đã kịp mã hóa trải nghiệm đau đớn trước đó, đến nỗi sau cả một tuần dài, não sên vẫn chưa trở lại được trạng thái lúc chưa mang ký ức đau thương. Kết luận của họ (nghe có vẻ không liên quan) là: ký ức không phải cứ thế mà biến mất hoàn toàn.

Để tìm hiểu xem sau khi trải qua các quá trình quên thì cái gì còn sót lại, vợ chồng nhà Calin-Jagemans đã xem xét đến tận cơ cấu gene của sên biển, và đặc biệt chú ý tới khoảng 1.200 gene mà các nghiên cứu trước đó đã cho biết là có liên quan đến việc lưu trữ ký ức ở loài này. Họ phát hiện trong số đó có 11 gene vẫn còn hoạt động ở một bên não của sên nhưng lại biến mất ở nửa não bên kia, ngay cả khi con sên về sau rõ ràng đã quên hẳn cú sốc điện.

Vì sao 11 gene này vẫn hoạt động tích cực và chức năng của chúng là gì thì chưa ai biết. Có thể chúng chính là những gene liên quan tới ký ức bị chích điện, hoặc lưu giữ các ký ức ấy hoặc tẩy xóa các ký ức ấy. Mọi thứ còn để ngỏ đó, đợi các thí nghiệm sau...

Ứng dụng gì?

Biết rõ vai trò của các gene, các chất, các quy trình gây quên thì được gì? Thì ta có thể can thiệp và đảo ngược hoặc trì hoãn lại các bệnh mất trí nhớ, lú lẫn. Bên cạnh đó, tuy ta vẫn quen với quan niệm rằng quên là xấu, là đáng buồn, nhưng thực ra trong một số trường hợp quên lại là việc tốt. Nếu can thiệp được vào các cơ chế quên, khoa học có thể giúp người ta quên đi những ký ức xấu dễ dàng hơn và nhớ những ký ức tốt được lâu hơn, thậm chí có thể dùng trong cai nghiện.

Davis, người nghiên cứu việc quên ở ruồi giấm, nói rằng tiềm năng của việc ứng dụng trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn vào việc hiểu rõ tới đâu các cơ chế quên chủ động của não. Nhưng theo ông, vẫn còn rất nhiều cơ chế mà khoa học chưa biết. Và giả dụ đến một ngày khoa học có thể chủ động làm người ta nhớ và quên, thì lúc đó lại vẫn phải đối diện với sự chặt chẽ của các nhà đạo đức học. Theo nhà thần kinh học Paul Frankland, nếu ai đó bảo có thể cho người ta quên một cách chọn lọc (tức chọn ra ký ức gì cần xóa thì cho xóa) thì nghe cũng sợ thật; nhưng nếu có thể tạo ra một thứ thuốc gì đó để quên đi mọi việc một cách đồng đều thì sao? Trong một số trường hợp, theo Paul Frankland, vấn đề đạo đức là... không thành vấn đề.■

Phạm Phong (lược dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận