Họa sĩ vạn đò

MINH TỰ 02/05/2009 10:05 GMT+7

TTCT - Đó là trường hợp “độc nhất” của hội họa Huế, không phải ở lối vẽ tranh như “không vẽ” và gam màu “nhẹ như không”, mà ở chỗ anh là một đứa con của vạn đò.

Phóng to
Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên

Trong một lần trò chuyện, họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế, nói: có một người vẽ tranh còn tinh khiết lắm, ở ẩn trên Hương Hồ. Chúng tôi liền tìm lên làng Thọ Khương, vùng quê ngoại ô Huế ở phía thượng nguồn sông Hương. Ngôi nhà nhỏ của họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên vẫn tĩnh lặng bên bờ sông Hương dù ba mặt là bụi đường và tiếng ồn chợ búa. “Tui vẽ vời được mấy sản”, người họa sĩ với khuôn mặt hiền lành khắc khổ thủng thẳng nói. Hỏi anh xưởng vẽ ở đâu, anh cười “Làm chi có” rồi chỉ tay ra ngoài hiên. Cái sàn nhà cũ kỹ vương vãi những vệt màu, ngổn ngang củi đuốc và mấy thứ đồ vật linh tinh, đó là nơi anh ngồi vẽ từ 5 giờ sáng mỗi ngày và miệt mài đến tối. Huy nói cũng như người tu đạt đạo đâu cần câu nệ đến chùa chiền, kinh kệ, quan trọng là tranh của anh ta vẽ như thế nào.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyên

Học vẽ từ năm 10 tuổi, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1968. Năm 1969 đoạt giải nhất triển lãm tranh Mùa xuân tại Huế. Triển lãm lần đầu tiên tại Phòng Thông tin văn hóa Pháp tại Huế vào năm 1970. Từ 1970 bỏ vẽ cho đến 1996. Bắt đầu vẽ trở lại khi chủ nhân gallery Lã Vọng từ Hong Kong ghé Huế, đến tận nhà gợi ý vẽ và đặt mua tranh. Năm 1996, 1997 triển lãm chung với nhóm họa sĩ Việt Nam tại Mỹ. Hiện bày tranh ở gallery Ngọc Diệp, 1 Hùng Vương và 4 Lương Thế Vinh, Huế, Furama Đà Nẵng.

Đó là những bức sơn dầu nhưng nhẹ như thể tranh lụa, gam màu nhã và lạnh với xanh thanh đạm của nước sông, nâu cũ kỹ của những chiếc đò, xám bàng bạc của khói sông chiều và trắng lễnh loãng sương mai. Thi thoảng điểm xuyết một vài vệt đỏ của ánh lửa thuyền chài, của cô gái vạn đò không rõ nét mặt. Cái không gian buồn bã với những phận người tưởng như suốt đời “không cất mặt lên nổi” đã trở nên thơ mộng, phiêu bồng như chốn thiên thai.

Trên tranh của họa sĩ Tuyên không hề có dấu cọ hoặc dao bay hoặc bất cứ dụng cụ vẽ tranh nào. Các mảng màu không có ranh giới. Chúng tan vào nhau. Hóa ra là do anh vẽ bằng những ngón tay. Vẽ như không vẽ! Cũng như cái khoảng không dưới mỗi bức tranh của anh vậy, hầu hết chúng không có nhan đề. Họa sĩ cười xòa và nói: “Để người xem tự thưởng thức và đặt tên theo cách của họ”.

Những bóng đò nhạt nhòa trên sông nước như hiện về từ ký ức xa mờ và trôi bềnh bồng về xa xăm. Những chiếc đò mà người Huế quen gọi là chiếc nôốc không rõ hình dạng, tan loãng vào không gian vời vợi của đất trời, như chính cách sống của người họa sĩ này: sống là mỗi ngày xóa đi cái bản ngã chật hẹp và tạm bợ của mình. Anh nói có hai thứ còn lại với mình qua hơn 60 năm trôi nổi trên cõi đời này, đó là chiếc đò và tiếng chuông chùa buổi sáng.

Ba mẹ Tuyên là dân vạn đò Thọ Khương trên sông Hương nằm cách chùa Thiên Mụ chừng hơn cây số về phía thượng nguồn (“tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Khương” đó mà!). Cậu bé Tuyên được sinh hạ trong khoang đò chật chội và buồn tủi vào năm 1947. Cha anh quyết cho con lên bờ đi học để may ra thoát kiếp vạn đò, và anh đã học một mạch đến khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Xuống đường tham gia tranh đấu cho hòa bình, anh bị cảnh sát rượt đuổi và chiếc đò nhỏ đã thành nơi ẩn nấp an toàn.

Ngày trốn lính, chiếc đò ấy cũng lại là nơi chở che kín đáo cho đứa con vạn chài. Cứ chui xuống chiếc đò, đẩy ra giữa sông là cảnh sát mất dấu. Chiếc đò trôi nổi biết đâu mà lần. Năm 1970 buồn bã với thời cuộc, anh rời bỏ giá vẽ và xuống đò sống hẳn cuộc đời ngư phủ. Ngày đêm lênh đênh trên sông nước, đi theo con cá để kiếm cơm. “Đêm bủa lưới xong nằm gác chân mạn đò nhìn ngắm sao trời thỏa thích, thấy đời đơn giản lắm”. Tuyên nói tranh anh vì vậy có “hơi hám thuyền chài”. Nó ăn sâu trong máu rồi. “Hễ cầm cọ lên là hiện ra con đò. Vẽ chi cũng ra đò”. Mấy chục bức hiện đang treo ở gallery Ngọc Diệp (Huế) hầu như toàn đò là đò.

Nhưng rồi chiếc đò hiền lành ấy không che chở được đứa con mình. Trong một cuộc truy nã, cảnh sát đã ập vào đò và bắt Tuyên đi. Họ nói là phát hiện một cơ sở Việt cộng dưới đò, nhưng lý do để họ buộc anh đi nhà tù Côn Đảo chính là những bức tranh phản chiến đăng trên tạp chí Mặt Trận Tranh Thủ Hòa Bình. Năm 1974, rời Côn Đảo trở lại với vạn đò Thọ Khương, Tuyên bị bắt đi lính cho đến ngày giải phóng trở về với “lon quèn” binh nhì. Người cựu tù Côn Đảo này tiếp tục đoạn đời quá ư nhọc nhằn kiếm cơm nuôi con bằng đủ thứ nghề: buôn xăng dầu, sơn xe đạp, buôn phân, công nhân cây xanh...

Và đêm đêm lại lênh đênh trên sông nước với manh lưới và mái đò, từ khi sao Hôm mọc cho đến khi chuông chùa khai kinh thì chèo đò về bến. “Mờ sáng trên sông nghe tiếng chuông chùa hay lắm, có khi là chuông Thiên Mụ khai trước, cũng có khi là chuông Huyền Không. Nhờ rứa mà tui vẫn giữ được lòng dạ nhẹ nhàng” - người họa sĩ kể về quãng đời bầm dập của mình với nụ cười nhẹ như thể không có gì xảy ra.

Sân nhà ngổn ngang tre và gỗ. Anh cho biết đang làm một nhà chồ trên bờ sông Hương trước nhà, bên cạnh rặng tre nhìn qua bên kia là bãi bồi Lương Quán bạt ngàn hoa cải vàng. Anh sẽ ngồi ở đó để ngắm sông, để đêm đêm nghe tiếng quẫy đuôi của con cá và vẽ những bức tranh vạn đò với sắc màu “nhẹ như không”.

Phóng to
Loạt tranh không đề của Nguyễn Văn Tuyên

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận