TTCT - Các khóa họp của Hội đồng Y tế thế giới (WHA, tức World Health Assembly) thông thường chỉ là những sự kiện thuần túy chuyên môn, đến hẹn lại lên và không mấy được chú ý. Nhưng riêng kỳ họp năm nay, giữa mùa đại dịch, lại có quá nhiều lý do để quan tâm. Hoạt động của WHO đang bị phủ bóng bởi những tính toán chính trị. Ảnh: Politico Khóa họp lần thứ 73 của WHA không chỉ khác các lần trước bởi đây là lần đầu tiên họp trực tuyến trong bối cảnh cách ly xã hội, mà còn vì sự khác biệt “nổ chan chát” trong chính kiến và thái độ giữa các nước thành viên đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cách ứng phó dịch COVID-19. Ngay trước hội nghị, một dự thảo nghị quyết mang tựa đề “WHA73: Phản ứng COVID-19” do Liên minh châu Âu (EU) đề xướng từ ngày 15-4 đã được 40 nước cùng ký trình (EU và các nước chủ yếu thuộc châu Phi), đồng thời đăng trước trên website của hội nghị, qua đó đòi kiểm tra lại vai trò của cả WHA và WHO. Đề xuất sau đó được 122 nước ủng hộ. Do là một hội nghị trực tuyến, mỗi quốc gia có thể chọn đưa ra diễn văn viết hay ghi âm, ghi hình sẵn để tỏ thái độ của mình, đồng thời cũng là dịp giới thiệu bản thân đã chống dịch như thế nào trong thời gian qua. Có những nước đã không đăng đàn. Ngược lại, có nước như Philippines đã chọn phát biểu tới hai lần, cả trong dạng bài viết lẫn dạng nghe nhìn, chữ nghĩa khác nhau song cùng một nội dung, mà chủ yếu là hoan hô đương kim tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom và tổ chức này. Thí dụ này cho thấy hội nghị tuy không trực tiếp phát biểu mặt đối mặt song vẫn đầy tính tranh biện, không chỉ về WHO và ông Tedros. Vai trò của ông Tedros Trong cả hai bài phát biểu, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco T. Duque III, sau khi thuật lại việc nước ông chống dịch, tuyên xưng sự phó thác của nước ông đối với ông tổng giám đốc WHO: “Chúng tôi muốn ca ngợi tiến sĩ Tedros vì sự lãnh đạo của ông trong việc ứng phó khẩn cấp đại dịch. Chúng tôi kêu gọi hỗ trợ bền vững cho Chương trình Khẩn cấp y tế của WHO”. Đất nước ông sẽ tiên phong trong sứ mệnh “phò” WHO xây dựng trật tự mới: “Các quốc gia thành viên, các bạn có cam kết vững chắc của Philippines là sẽ kề vai sát cánh cùng các bạn để khôi phục một thế giới an toàn và khỏe mạnh hơn”. Cũng ngỏ lời biết ơn WHO còn có Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến WHO... Campuchia ủng hộ trọn vẹn sự lãnh đạo và phối hợp của WHO trong đối phó toàn cầu với COVID-19. Campuchia sẽ tiếp tục hợp tác với WHO”. Cũng thế, Bộ trưởng Y tế Venezuela, Carlos Humberto Alvarado González, cho biết lập trường chính phủ nước này: “Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác nhân đạo và đoàn kết của Tổ chức Y tế thế giới và Liên Mỹ (WHO/PAHO) và hệ thống Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc, Nga, Cuba, Iran và các tổ chức quốc tế khác. Cuối cùng, chúng tôi muốn chúc mừng tiến sĩ Tedros Adhanom vì sự lãnh đạo phi thường của tổ chức ông trong đại dịch”. Một câu trong phát biểu của Bộ trưởng Duque III gợi ý nhiều suy nghĩ: “Lập trường của WHO đối với việc hỗ trợ các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn là rất quan trọng trong việc đảm bảo công bằng và khả năng phục hồi chống lại đại dịch”. “Đảm bảo công bằng” là gì ở đây? Phải chăng ông ngụ ý trong chống dịch cũng như phục hồi sau dịch đang có tình trạng không công bằng giữa các nước giàu và nghèo, rằng hiện nhờ WHO nên sẽ công bằng hơn? Ông Duque III dẫn dắt thảo luận theo hướng ông đã vạch ra: “Hơn bao giờ hết, thế giới cần ý chí tập thể ở mức cao nhất và hợp tác để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”. Tất nhiên, các “ông lớn” đã hờm sẵn những món tiền công bố đóng góp cho công cuộc đối phó dịch COVID-19 để lần lượt qua video loan báo như trong một cuộc tố bài poker. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa 2 tỉ đôla cho hai năm tới “nhằm giúp đối phó dịch COVID-19 và phát triển kinh tế xã hội tại các nước bị dịch, nhất là các nước đang phát triển”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo khối EU hôm 4-5 đã nhất trí dành 7,5 tỉ euro cho chương trình ACT-A “hỗ trợ mạnh mẽ nghiên cứu, đẩy nhanh triển khai, để mọi người đều có thể tiếp cận các thành quả”. Song, câu chuyện mà Bộ trưởng Y tế Philippines đưa ra - ủng hộ WHO để đảm bảo sự công bằng trong chống dịch và phục hồi sau dịch - lại là điều đáng tranh cãi. Có một thực tế của đại dịch lần này là hầu hết tất cả các nước lớn, dù là về kinh tế, y tế, binh bị... như Mỹ, Nga, Nhật Bản, khối EU... đều đang “xính vính” vì COVID-19. Ngay lúc này, hai nước Mỹ và Nga đang “giãy giụa” vì số người nhiễm và số người chết cứ mỗi ngày một tăng. Nhiều nước Âu-Mỹ đã không sẵn sàng để chống dịch và trong làn sóng toàn cầu hóa, cũng do họ khởi xướng, đã chuyển việc sản xuất nhiều mặt hàng y tế thiết yếu ra hết nước ngoài, để rồi từ các chi tiết của máy bay tàng hình F-35 cho tới khẩu trang bằng vải đều phải dựa vào “công xưởng của thế giới”. Đã qua giữa tháng 5 rồi mà từ Mỹ, Nga, tới Pháp, Anh vẫn còn rón rén chưa dám “mở cửa” xã hội hoàn toàn thì làm sao có thể đi đầu, nói gì đến lãnh đạo thế giới trong giai đoạn hồi phục sau dịch! Thành ra, cái “thế giới an toàn và khỏe mạnh hơn” chỉ có thể là những nước nào đã ra khỏi dịch sớm nhất, hồi phục sớm nhất, trọn vẹn nhất! Thông tin đa chiều Trong khi nhiều nước vẫn đang phải giằng co giữa chống dịch và thoát cách ly xã hội, Trung Quốc đã thong dong tuyên bố hết dịch từ tận 4-4, với những tổn thất nhân mạng được chỉnh sửa lại cho “chính xác hơn”, khu trú gần như chỉ tại Vũ Hán. Không lạ khi thông điệp của ông Tập nhấn mạnh tấm lòng quảng đại của Trung Quốc: “Với tình yêu và lòng trắc ẩn, chúng tôi đã rèn giũa được sức mạnh tổng hợp phi thường trong cuộc chiến chống COVID-19. Chúng tôi đã hành động với tinh thần cởi mở, minh bạch và trách nhiệm”. Còn quan hệ cộng tác Trung Quốc - WHO là tối hảo, bất khả chê trách: “Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho WHO và các nước liên quan một cách kịp thời nhất. Chúng tôi đã công bố bộ gen (virus) trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát và điều trị với thế giới không chút chần chừ. Chúng tôi đã làm tất cả trong khả năng để hậu thuẫn và hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu”. Tất nhiên, trong một diễn đàn lớn, tiếng nói đa chiều là khó tránh khỏi. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung Hoo, bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, nêu vấn đề theo một hướng khác: “Chúng ta cần tăng cường chia sẻ kịp thời thông tin, dữ liệu và minh bạch kiến thức về COVID-19”. “Chúng ta” là ai? “Chia sẻ” là chia sẻ thế nào, những gì, tới đâu, khi nào? Ông Park giải thích: “Hàn Quốc đã chia sẻ với cộng đồng quốc tế một cách minh bạch các biện pháp ứng phó cùng đặc điểm và phân tích các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận”. Một điều chắc chắn là thiên hạ có thể tin tưởng hoàn toàn các bộ kit xét nghiệm cung ứng từ Hàn Quốc. Không ai nghĩ rằng lời hứa “đất nước chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình cho thế giới” của ông Park là hứa cuội. Nêu một vấn đề khác, gai góc hơn, nhưng cũng liên quan chuyện chia sẻ thông tin chống dịch, Bộ trưởng Y tế Nhật Kato Katsunobu đặt câu hỏi sao không để vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), một hình mẫu chống dịch thành công khác, được chia sẻ thông tin. “Điều quan trọng là phải huy động tất cả các thông tin và kiến thức sẵn có trên thế giới để giải quyết COVID-19 và cứu được càng nhiều mạng người càng tốt”, ông Katsunobu nói. Hiểu rõ đang có làn sóng nghi ngờ và đòi điều tra nhiều thứ liên quan tới COVID-19, ông Tập đề ra phương hướng làm việc với WHO: “Trung Quốc ủng hộ ý tưởng đánh giá toàn diện việc đối phó toàn cầu với COVID-19 sau khi dịch đã được kiểm soát để tổng hợp kinh nghiệm và giải quyết các thiếu sót. Công việc này nên dựa trên cơ sở khoa học và chuyên nghiệp, do WHO đứng đầu và tiến hành một cách khách quan và vô tư”. Sẽ không khỏi xuất hiện những câu hỏi như: Sao không đánh giá ngay bây giờ mà phải đợi hết dịch? Tại sao WHO lại đứng đầu cuộc kiểm tra nỗ lực chống dịch? WHO tự đánh giá thì sao có thể “khách quan và vô tư”? Phải chăng một cuộc điều tra độc lập sẽ là tốt hơn? Ngay cả trong một trò chơi như bóng đá, việc coi lại băng ghi hình phải là quyền của trọng tài chứ đâu thể giao cho cầu thủ? Lại là Bộ trưởng Katsunobu của Nhật Bản nêu thẳng vấn đề: “Tác động của đại dịch này rất lớn. Tôi muốn nói đến yêu cầu đánh giá vô tư, độc lập và toàn diện để xem xét lại cách đối phó của WHO”. Không khó để nhận ra màu sắc chính trị phủ bóng lên những vấn đề chuyên môn y tế thế nào.■ Về nội dung điều tra, các nước nhất trí yêu cầu cụ thể cần đánh giá “(i) hiệu quả của các cơ chế xử lý của WHO; (ii) các nước thực thi các Quy định y tế quốc tế (IHR) như thế nào; (iii) đóng góp của WHO cho các nỗ lực toàn diện của LHQ; và (iv) các hành động của WHO cùng mốc thời gian liên quan đến đại dịch”. Phản hồi dự thảo nghị quyết, Hoa Kỳ ra tuyên bố bản dự thảo tối quan trọng ở chỗ sẽ là “các bước quan trọng đầu tiên cần thiết để đảm bảo rằng khi chúng ta đối mặt với đại dịch tới, chúng ta sẽ có một Tổ chức Y tế thế giới và một hệ thống quốc tế có khả năng phản ứng hiệu quả và quyết đoán nhằm cứu mạng người”. Hoa Kỳ cũng nói họ muốn việc “đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng của WHO” “sẽ bắt đầu ngay lập tức”. Theo đoàn Hoa Kỳ, “điều này sẽ giúp chúng ta có hiểu biết đầy đủ và minh bạch về nguồn gốc virus, thời gian biểu các sự kiện, các trao đổi ban đầu và quá trình ra quyết định để phản ứng của WHO với đại dịch”, từ đó rút ưu khuyết điểm để “cải cách WHO cùng các tổ chức hỗ trợ nhằm giúp họ đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi và quan trọng của mình”. Tags: WHOCOVID-19Tedros AdhanomWHAHội đồng y tế thế giới
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Trung ương thảo luận phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV THÀNH CHUNG 19/09/2024 Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 10, Trung ương Đảng thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Kế hoạch nâng cấp sân vận động Thống Nhất với 149 tỉ hiện ra sao? THẢO LÊ 19/09/2024 Ban Dân dụng công nghiệp TP.HCM đang kiến nghị Sở Xây dựng sớm thẩm định, phê duyệt dự án nâng cấp sân vận động Thống Nhất để hoàn thành, đưa vào phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.
Đua mua hàng gia dụng Tupperware của Mỹ khi hãng 78 tuổi tuyên bố phá sản THẢO THƯƠNG 19/09/2024 Tupperware mới nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ.
Israel không kích Lebanon, ngăn chặn được âm mưu ám sát chính khách NGHI VŨ 19/09/2024 Đây là diễn biến mới nhất sau vụ nhiều bộ đàm của nhóm Hezbollah phát nổ hôm 18-9, tiếp nối vụ hàng ngàn máy nhắn tin bất ngờ phát nổ trên khắp Lebanon trước đó.