TTCT - Có lúc nào bạn thắc mắc vì sao các công trình nghiên cứu khoa học, nhất là các phát hiện liên quan đến sức khỏe lúc nói thế này, lúc nói thế khác; các lời khuyên cứ chỏi nhau chan chát về chuyện ăn trứng, uống rượu vang, thưởng thức tách cà phê. Câu chuyện sau đây có thể làm bạn bớt phần ngạc nhiên. Năm 1996, một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu tuyên bố phát hiện gen SLC6A4 có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị trầm cảm ở người. Đây là một phát hiện quan trọng vào lúc đó vì nó có thể giúp chẩn đoán các rối loạn tâm lý, đánh giá hành vi có thể dẫn đến nguy cơ tự tử hay dự báo được mức độ đáp ứng thuốc trị trầm cảm ở bệnh nhân. Suốt 20 năm sau đó có hơn 450 công trình nghiên cứu về gen này được công bố. Nên nhớ cách đây 20 năm, kỹ thuật xác định trình tự ADN không hề rẻ, cũng không dễ dàng như ngày nay. Khi các nhà nghiên cứu muốn biết gen nào có thể tác động lên bệnh nào họ thường phỏng đoán và chọn ra các “gen ứng viên” có tiềm năng nhất. Với trầm cảm, SLC6A4 là một ứng viên sáng giá vì nó chịu trách nhiệm đưa một hóa chất gọi là serotonin vào tế bào não mà serotonin đã được khẳng định có mối quan hệ với trầm cảm. Ngoài SLC6A4, người ta còn nghiên cứu 17 “gen ứng viên” khác, tổng cộng có hơn 1.000 nghiên cứu về 18 gen này và bệnh trầm cảm được thực hiện. Nay một nghiên cứu sử dụng các phương tiện hiện đại hơn, sử dụng dữ liệu từ nhiều nhóm tình nguyện, mỗi nhóm từ 62.000 đến 443.000 người đã kiểm tra xem thử những người bị trầm cảm có gen SLC6A4 hay không. Hoàn toàn không có. Thậm chí chẳng có dấu vết gì của cả 18 gen từng được nghiên cứu sâu rộng suốt 20 năm qua. Đó là nghiên cứu của Richard Border (Đại học Colorado, Boulder) và cộng sự công bố vào tháng 5-2019. Hóa ra hơn 1.000 nghiên cứu đã xây lâu đài trên cát, trong phút chốc bỗng sụp đổ - chuyện thật hóa thành giả. Các nhà nghiên cứu từng bàn về chuyện SLC6A4 ảnh hưởng như thế nào lên trung tâm cảm xúc của não bộ, nó khác nhau từ nước này sang nước khác như thế nào, rồi cách nó tương tác với gen khác. Scott Alexander, một blogger trong lãnh vực này, viết: Nay đọc lại các nghiên cứu này “cứ như thể họ miêu tả chu kỳ sống của con kỳ lân, kỳ lân ăn gì, mọi phân loài của kỳ lân, miếng thịt kỳ lân nào là ngon nhất, kể cả câu chuyện đầy tình tiết cuộc vật lộn giữa kỳ lân và Bigfoot”. Kỳ lân là con vật chỉ tồn tại trong các huyền thoại. Thật ra, theo tờ Atlantic, giới khoa học đã cảnh báo về mối liên hệ giữa SLC6A4 và trầm cảm từ mấy năm nay. Khi việc phân tích toàn bộ bộ gen người đã dễ dàng hơn, các nhà di truyền học phát hiện hầu hết các bệnh chịu tác động từ hàng ngàn gen, mỗi gen một ít. Để đo lường các tác động nhỏ nhoi này, cần so sánh giữa hàng trăm ngàn người tình nguyện. Thế mà các cuộc nghiên cứu ngày xưa chỉ quan sát bình quân 345 người. Không thể nào với mẫu nhỏ như thế mà lại phát hiện tác động lớn như từng công bố. Vào năm 2005, Marcus Munafò thuộc Đại học Bristol có ấn tượng mạnh với nghiên cứu về gen SLC6A4 nên đã cố gắng lập lại, thay vì chỉ dùng mẫu 1.000 người như nghiên cứu nguyên thủy năm 1996 đã tăng lên thành 100.000 người và không phát hiện bất kỳ mối quan hệ nào giữa gen này và chứng trầm cảm. Thế nhưng sau năm 2005 tốc độ xuất bản các công trình “tán” về SLC6A4 và trầm cảm lại tăng lên gấp bốn lần, tiêu tốn biết bao nhiêu công sức và tiền bạc. Tờ Atlantic cho rằng nhiều ngành khoa học khác, từ tâm lý học đến nghiên cứu ung thư cũng chịu cảnh tương tự: cả một phân nhánh nghiên cứu sụp đổ vì dựa vào kết quả sai lạc trước đó. Lý do có nhiều: các nhà nghiên cứu cứ biến báo dữ liệu cho đến khi họ đạt được một kết luận gì đó hấp dẫn hay đặt lại câu hỏi để câu trả lời có tính liên quan. Cũng có thể họ chọn kết quả tích cực để xuất bản còn kết quả tiêu cực gạt sang một bên - vài ba lần như thế thì bằng chứng giả tạo lại được khẳng định. Có thể các nhà nghiên cứu không cố ý lừa gạt ai cả, đây chỉ là hệ quả của một môi trường học thuật coi trọng việc xuất bản, nhất là in nghiên cứu trên các tạp chí uy tín, coi trọng nghiên cứu mang tính phát hiện, xem nhẹ nghiên cứu mang tính kiểm chứng. Mô hình này tưởng thưởng chuyện xây lên cao chứ không để ý đến chuyện củng cố nền tảng - nền tảng sụp thì mọi lâu đài trên đó sụp theo. Nếu chúng ta đọc và tin vào các nghiên cứu xây trên một nền tảng bị biến báo, đó cũng là một dạng “fake news” được bảo chứng.■ Tags: Thật giả1.000 nghiên cứuXây trên cát
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".