​Hòn đảo “đêm đầy bão”

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH 02/04/2015 18:04 GMT+7

Không được mệnh danh là “quần đảo bão tố” như những hòn đảo ở Trường Sa, nhưng Bạch Long Vĩ giúp chúng tôi nhận ra sống ở đây là một thử thách.

Đảo Bạch Long Vĩ nhìn từ âu thuyền - Ảnh: Ngọc Quang

Lúc 5g sáng, hơn 120 hành khách tập trung ở bến Bính để lên chiếc tàu khách Bạch Long của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hải Phòng. Hành trình dự kiến là sáu giờ cho quãng đường hơn 70 hải lý (gần 140km).

Quãng đường dọc sông ra cửa biển khá êm, nhưng từ Cát Hải thẳng ra Bạch Long sóng bắt đầu mỗi lúc mỗi mạnh, lên đến cấp 6, cấp 7. Gần 13g, cách Bạch Long Vĩ chừng 30 hải lý, thuyền trưởng quyết định... quay về đảo Cát Bà tạm trú vì sóng quá lớn, sức khỏe nhiều hành khách không đảm bảo.

NHỮNG MÁI TÔN BA MÀU

Sau một đêm trú ẩn ở Cát Bà, 5g sáng 2-3 con tàu rúc còi, khách trên tàu đã vơi bớt vì khá nhiều người sức khỏe không cho phép đã đón tàu khác về lại Hải Phòng. Sau năm giờ, con tàu đã vượt chặng đường 50 hải lý đến Bạch Long Vĩ.

Bước chân lên đảo, ấn tượng với chúng tôi không phải là âu cảng rất rộng đang ôm trong lòng hàng trăm con tàu đánh cá mang biển số nhiều tỉnh thành đang neo đậu, mà chính là những mái nhà. Có những mái nhà lợp đến ba loại tôn, từ loại mái tôn màu nâu xám đã cũ kỹ với sóng tôn chạy thẳng đến loại tôn giả ngói hình vảy cá, rồi mảng tôn sóng vuông màu mới hơn. Ít người để ý đó là thông điệp của hòn đảo nhỏ giữa tâm vịnh Bắc bộ này: mỗi màu tôn, mỗi loại tôn chính là ký ức về nhiều cơn bão lớn đã tràn qua nơi đây.

Sau một trận bão, ở đất liền có thể tìm ra loại tôn cùng hiệu để lợp lại mái nhà. Nhưng ở hòn đảo cách xa Hải Phòng 140km, tìm được tôn cùng loại không dễ, có được vật liệu lợp thay vào chỗ những tấm đã bị bão cuốn bay là đã mừng.

Buổi tối hôm đó, tại quán ăn Thịnh Gù trên trục đường trung tâm đảo, khi thấy chúng tôi định nhấc bàn ghế ghép lại thành một bàn dài để ngồi chung nhiều người, ông chủ quán trạc tuổi 50 liền nói: “Nhấc được thì ăn không phải trả tiền!”. Hóa ra chân bàn và giá đỡ là những thanh thép phi 20mm được hàn thành bộ khung chịu lực cắm xuống nền nhà và đổ bêtông giữ chặt. Mặt bàn là những tấm bêtông đúc dày gần 10cm. Thêm một ký hiệu nữa về sự kiên cố cần thiết trên hòn đảo này.

Và thêm bao câu chuyện liên quan đến bão, như nhà máy điện gió được xây từ năm 2004 với cột trụ đỡ chong chóng được thiết kế thật kiên cố đã bị quật đổ trong trận bão hồi tháng 10-2009, hơn 300 chiếc tàu cá của hơn 2.000 ngư dân trú trong âu tàu cũng bị bão quật tan tác.

Trên những con đường quanh đảo vẫn thấy những cột đèn đường bị gãy do bão được thu dọn xếp thành từng đống to. Chưa từng được mệnh danh là “quần đảo bão tố” như những hòn đảo ở Trường Sa, nhưng Bạch Long Vĩ giúp chúng tôi nhận ra sống ở đây là một thử thách.

ĐỜI THƯỜNG GIỮA TRÙNG DƯƠNG

Hai mẹ con chị Lan - một hộ gia đình từ Thủy Nguyên (Hải Phòng) ra đảo sinh sống - Ảnh: Ngọc Quang

Bạch Long Vĩ là hòn đảo đầu tiên được xây dựng theo mô hình “Đảo thanh niên” trong cả nước. Trên chuyến tàu ra đảo, tôi cắm headphone nghe đi nghe lại suốt hành trình bài Bạch Long Vĩ đảo quê hương của nhạc sĩ Huy Du với giọng ca của cố NSND Lê Dung.

Giai điệu bài ca như những con sóng gối nhau lớp lớp, như những ngọn gió trưa thổi qua hòn đảo nhỏ đầy tha thiết: “Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Em đứng trên biển Đông, thôn xanh Phù Thủy Châu, mênh mông sóng bạc đầu, gió rì rào năm tháng. Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Sóng vỗ bao tình thương, gió mang đi ngàn phương, quê hương đuôi rồng trắng, quê hương của hải bào. Tiếng hát em vang trời cao”. Tiếng hát ấy giờ chúng tôi đang nghe vang lên trong những căn nhà nhỏ của những đôi vợ chồng trẻ đã chọn Bạch Long Vĩ làm quê hương.

Hơn 20 năm trước, tháng 2-1993 chuyến tàu chở 62 thanh niên của Tổng đội TNXP Hải Phòng ra xây dựng “Đảo thanh niên” đã phải trải qua hành trình gần hai ngày đêm. Kể từ thế hệ TNXP đầu tiên của năm 1993, giờ Bạch Long Vĩ đã có năm thế hệ TNXP nối nhau. Huyện đảo hiện có 80 hộ với gần 500 dân, không chỉ có hộ gia đình TNXP mà nhiều hộ dân từ đất liền ra đây lập nghiệp.

Có khá nhiều mô hình “chồng bộ đội, vợ TNXP” như trường hợp đại úy Nguyễn Đình Quyền, sĩ quan thuộc đơn vị rađa đóng quân trên đảo và chị Nguyễn Thị Thương, một TNXP ra đảo từ 12 năm trước. Họ sống cùng hai con (học lớp 7 và lớp 3) trong căn hộ cạnh trụ sở của Tổng đội TNXP Bạch Long Vĩ.

Sau thời gian ở đơn vị, anh Quyền về nhà cùng phụ vợ chăn nuôi. Trên vuông đất quanh nhà, anh đã xây một hệ thống chuồng trại. Mỗi tháng vợ chồng anh chăn nuôi một lứa lợn 20 con, mua lợn tầm 1 triệu đồng/con 30kg chở từ Thủy Nguyên (Hải Phòng) ra, nuôi thúc vỗ béo chừng một tháng, được 50-60 kg/con thì xuất chuồng với giá 3 triệu đồng/con. Mỗi lứa như thế, vợ chồng anh thu lãi được gần chục triệu đồng. Nơi đảo xa này, với hàng trăm tàu thuyền ngư dân các vùng miền hằng ngày cập đảo, thịt lợn cung không đủ cầu.

Trên trục đường bêtông trung tâm đảo có một cửa hàng bán không thiếu thứ gì, từ áo quần, giày dép, rau quả củ, xăng dầu cho đến những chai rượu ngâm bào ngư và hải sâm - một đặc sản của Bạch Long Vĩ. “Siêu thị” mini ấy là của vợ chồng anh Lê Văn Chuyển.

Mờ sáng, chúng tôi đã thấy anh chạy xe máy kéo theo chiếc xe kéo xuống cảng, nơi có con thuyền chở hàng từ Thủy Nguyên vừa cập bến. Anh tự mình bốc những thùng hàng rau quả lên xe kéo rồi thồ tất cả về cửa hàng.

Đối diện với “siêu thị” của anh Chuyển là cửa hàng điện thoại của hai vợ chồng Lan và Thanh. Ngoài bán điện thoại, chị Lan tận dụng mặt bằng bán rau, mà xem chừng rau lại đắt hàng hơn cả điện thoại vì ở đảo thiếu nước ngọt để tưới nên một phần rau xanh được đặt hàng từ Thủy Nguyên theo tàu ra, bán với giá không quá cách biệt. Chị Hoàn, bán thịt lợn ngay ngã tư gần quán Thịnh Gù, nói với chúng tôi: “Ở đây chị bán 100.000 đồng/kg thịt, giá như trong đất liền”.

Đảo còn có khá nhiều hộ là “dân ngụ cư”. Khi chúng tôi ghé thăm khu nhà A ở phía tây nam đảo, một ngư dân vừa đi lưới cá về. Số cá không nhiều, ngoài con cá nóc nhím nặng đến vài cân có thêm vài con cá mú bông và tôm biển. Ông là Trần Chí Trai, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) nhưng sống với nghề biển ở Sầm Sơn. 13 năm trước, từ Sầm Sơn ông cùng gia đình ra Bạch Long Vĩ thuê một căn phòng ở khu A để ngày đánh lưới, đêm về câu mực. Cuộc sống ở đảo xa có vẻ dễ thở hơn nên ông bám trụ đến giờ.

HỒ NƯỚC NGỌT CHO “ĐẢO VÔ THỦY”

Một khu phố mới của những hộ gia đình TNXP trên đảo - Ảnh: Đà Trang

Chuyến ra Bạch Long Vĩ của chúng tôi trùng với dịp Thành đoàn Hải Phòng tổ chức khởi công xây hồ chứa nước ngọt có dung tích 60.000m3 với kinh phí gần 200 tỉ đồng cùng với hệ thống thủy lợi cho đảo. Đây có thể được coi là “mốc lịch sử” với Bạch Long Vĩ nếu biết đảo này ngày trước từng có tên là “đảo Vô Thủy” (đảo không có nước ngọt). Mãi đến đầu thế kỷ 20, khi tìm được một vài điểm có thể đào giếng, cư dân bắt đầu ra đảo sinh sống.

Tư liệu báo chí năm 1944 nói rằng thời bấy giờ Bạch Long Vĩ đã có 70-80 nóc nhà với chừng 200 dân, trong đó có khoảng 60 phụ nữ và 30 trẻ em (2). Có lẽ nhờ giếng nước ngọt ban đầu ấy mà sự sống đâm chồi và đảo Vô Thủy có thêm một tên mới: Phù Thủy Châu (viên ngọc nổi trên mặt nước) mà nhạc sĩ Huy Du đã nhắc tới trong ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương.

Khi cư dân trên đảo và ngư dân đánh bắt trên ngư trường thường xuyên cập thuyền để tiếp tế nước ngọt tăng lên, lượng nước trên đảo cạn kiệt. Anh Quyền bảo vào mùa hè, cả đảo chỉ có vài hộ có giếng còn nước có thể kinh doanh. Mỗi lần hết nước trong bể dự trữ, gia đình anh phải mua một xe bồn chừng 4m3, cả tiền nước lẫn tiền xe là 800.000 đồng.

Tại khu vực khởi công hồ chứa nước ngọt, chúng tôi gặp anh Vũ Thanh Toàn đang cõng con gái 3 tuổi, đôi mắt ánh lên niềm hi vọng về nguồn nước ổn định đang sắp sửa thành hiện thực. Anh Toàn là thượng úy, công tác hậu cần ở Huyện đội Bạch Long Vĩ, vợ anh - chị Cao Thị Tình - đang ở lực lượng TNXP. Không riêng gia đình anh Toàn, hàng trăm cư dân của đảo mong chờ hồ nước ngọt này. Mỗi công trình trên đảo nhỏ đều chan chứa tin yêu của đất liền.

Buổi sáng trước khi chia tay Bạch Long Vĩ, chúng tôi đến viếng chùa Bạch Long và đền thờ Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương. Một ngôi chùa Việt trầm mặc, một ngôi đền thờ vị thánh hộ quốc uy nghi, ngần ấy thôi đủ cho chúng tôi tin rằng Bạch Long Vĩ sẽ là vọng gác tiền tiêu giữa tâm vịnh Bắc Bộ.

Đứng trên điểm cao đèn biển Bạch Long Vĩ, chúng tôi nhận ra đảo như một cánh cung với lưng núi ưỡn ra phía bắc, hai mũi đất ở hai đầu đảo như hai cánh tay dang rộng ôm vòng thành một âu thuyền phía đông nam và tây nam để chở che bao bọc, dù cuồng phong bão tố vẫn luôn tràn qua đây.               

Trên các bản đồ hàng hải, Bạch Long Vĩ còn có tên gọi Nightingale. Tuy nhiên, Tuần báo Đông Dương số 200 ra ngày 29/06/1944 đăng tải một nghiên cứu thám sát  về đảo Bạch Long Vĩ của Đông Dương do Hội Lapicque và Công ty tiến hành mà Cục văn thư lưu trữ nhà nước dẫn lại đã viết “Trên các bản đồ của Anh và một số bản đồ của Pháp, Bạch Long Vĩ được đặt tên là Nightingale, có thể xuất xứ từ tên con tàu từng cập bến nơi đây hoặc theo nghĩa không hay trong tiếng Anh (night in gale: đêm đầy bão) do đặc điểm thời tiết xấu, vùng này thường xuyên có bão”. “Bạch Long Vĩ có nghĩa là Đuôi Rồng Trắng, hay còn được biết đến tên gọi khác là Vô Thủy Đảo (Đảo không có nước). Dân bản xứ còn gọi đây là Hải Bào đảo do nơi đây rất dồi dào nguồn bào ngư”.

 link tham khảo: http://www.archives.gov.vn/Pages/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?itemid=240&listId=c2d480fb-e285-4961-b9cd-b018b58b22d0&ws=content

(1),(2): www.archives.gov.vn/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận