TTCT - Cùng buổi sáng thứ hai 25-5, tờ China Daily chạy tít: “Cư dân Hong Kong hi vọng luật an ninh dập tắt bạo lực”, trong khi tờ South China Morning Post đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể tin luật an ninh của Bắc Kinh chỉ nhắm vào nhóm thiểu số bạo lực ở Hong Kong?”. Hai góc nhìn đều mang sắc thái Trung Quốc, song có những đặc điểm riêng, phản ánh tiến trình nhất thể hóa Hong Kong trong 50 năm, tính từ 1997. Hong Kong, 1967. Ảnh: pinterestHình ảnh trên trang chủ hai tờ báo cũng khác nhau. China Daily (Trung Quốc Nhật Báo) đăng hình chụp một vỉa hè ở Hong Kong, cảnh năm người dân đeo khẩu trang, tụm quanh một cái bàn trên đó có một tờ danh sách và một số giấy tờ khác.Chú thích hình: “Một cư dân ký tên trong chiến dịch đường phố hậu thuẫn (việc ban hành) luật an ninh cho Đặc khu hành chính Hong Kong, hôm 23-5-2020”. Còn tờ South China Morning Post (SCMP - Bưu Điện Hoa Nam) là tấm hình kèm chú thích: “Hơi cay đã được bắn ra, bắt bớ đã diễn ra khi hàng ngàn người phản đối luật an ninh quốc gia”.Hai góc nhìnTấm hình của SCMP “khói lửa”, còn tấm hình của China Daily thì yên bình, với sáu chai nước tinh khiết nhãn hiệu VITA rất thịnh hành ở hòn đảo này - không rõ có do năm người kia mang đến và cùng đặt một hàng ngang lên bàn trong khi chờ ký tên hay của ai.Theo bài báo, hôm chủ nhật 24-5, người dân Hong Kong đã lên tiếng ủng hộ luật an ninh quốc gia tại Hong Kong do cơ quan lập pháp Trung Quốc đưa ra, hi vọng nó có thể khôi phục hòa bình trong thành phố, giải thoát thành phố khỏi bạo lực đường phố khiến nhiều doanh nghiệp và sinh kế của người dân gặp hiểm nguy.Cụ thể, sự ủng hộ luật an ninh được bài báo định lượng rõ ràng: “Đến 9h30 tối chủ nhật, một kiến nghị ủng hộ luật mới này, được đưa ra hôm thứ bảy ở Hong Kong, đã nhận được chữ ký của hơn 490.000 người”.Đúng bài bản, bài báo trích lời một nhân chứng là cựu công chức 77 tuổi đã ký tên ủng hộ dự luật nói: “Hình phạt nặng là liều thuốc phù hợp để xử lý một xã hội hỗn loạn”. Ông nói rằng Hong Kong cần một quyết tâm như vậy vì thành phố đã phải chịu đựng bạo lực và hỗn loạn do “những kẻ phản bội” và một nhóm nhỏ những kẻ bạo loạn đã mất ý thức về bản sắc dân tộc.Vị cựu công chức mạnh mẽ lên án: “Những kẻ đó đang tước đi quyền lợi của người khác vì lợi ích chính trị của họ, và hi sinh tự do của người khác vì tự do của chính họ”.Bài báo cũng trích lời một ông “nhà băng” châu Âu có trụ sở tại Hong Kong yêu cầu không nêu tên bác bỏ những suy đoán rằng luật an ninh quốc gia sẽ là một đòn giáng mạnh vào vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong.Ông này bày tỏ: “Nếu luật này đóng góp cho sự an toàn và an ninh của thành phố, cá nhân tôi sẽ hoan nghênh nó. Ngành tài chính luôn thích một môi trường ổn định”. Ông nói ông không lo lắng về môi trường kinh doanh tại Hong Kong ngay cả khi luật mới gây ra biến động thị trường ngắn hạn, như một số người phản đối nó dự đoán.Trong khi đó, SCMP cho thấy một hình ảnh của Hong Kong khác. Trong tấm ảnh của họ, có vẻ những người biểu tình ở ngã tư đường Hennessy (theo tên John Pope Hennessy, toàn quyền Anh thứ 8 của Hong Kong, từ 1877 tới 1883) với đường Percival (theo tên Alexander Percival, thương nhân và nhà hàng hải người Anh, một “đại bản” - ông chủ lớn - của Hong Kong thời thuộc địa) không “úy kỵ” gì con virus corona.Không rõ họ có nghĩ rằng hơi cay làm virus tê liệt hay không, nên ào ào xông pha trước tốp cảnh sát vũ trang? Bài tường thuật biểu tình cho biết: “Cảnh sát nói có ít nhất 180 người đã bị bắt vì tình nghi tụ tập trái phép và gây rối trật tự công cộng”.Bài tường thuật cũng cho biết tại phiên họp của Quốc dân Đại hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định đạo luật mới sẽ không làm tổn hại quyền tự trị hay tự do của Hong Kong.Bài báo trích lời ông Vương giải thích rằng dự thảo luật chỉ nhằm vào một nhóm hành vi rất hạn hẹp gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, chẳng hạn tội phản quốc, ly khai, kích động chống đối hoặc lật đổ chính quyền.“Luật sẽ không tác động gì tới mức độ tự trị cao của Hong Kong, các quyền và tự do của cư dân Hong Kong, hay các quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài tại Hong Kong. Luật sẽ cải thiện hệ thống pháp luật của Hong Kong và đem lại sự ổn định lớn hơn, một chế độ pháp trị hơn và một môi trường kinh doanh tốt hơn cho Hong Kong”, theo lời ông Vương.Bài tường thuật ghi nhận: “Một số người đã phá phách các cửa hàng, trong khi ít nhất hai người phản đối biểu tình đã bị các nhóm mặc áo đen tấn công nghiêm trọng”. Áo đen là “đồng phục” của những người biểu tình Hong Kong.Gần cuối bài là bối cảnh của đợt biểu tình mới: “Các cuộc biểu tình nổ ra chỉ vài giờ sau khi Phó thủ tướng Trung Quốc Han Zheng (Hàn Chính), lãnh đạo cao nhất của Bắc Kinh phụ trách Hong Kong, nói với các đại biểu tại cơ quan lập pháp Hong Kong rằng không được đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh thúc đẩy luật an ninh quốc gia và chính quyền đại lục sẽ thực hiện điều này cho tới kỳ cùng”.Đầu dây mối nhợ……Là dự thảo luật an ninh quốc gia Hong Kong đang được thảo luận trong phiên họp thứ ba của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc lần thứ 13, từ ngày 22 đến 28-5-2020, và dự kiến đến cuối phiên họp sẽ được bỏ phiếu thông qua.Tân Hoa xã loan tin này rất rành mạch: “Một dự thảo quyết định thiết lập và cải thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong (HKSAR) để bảo vệ an ninh quốc gia đã được đệ trình lên cơ quan lập pháp quốc gia của Trung Quốc để cân nhắc vào thứ sáu”. Đầu tiên, đây là một đạo luật cho Đặc khu hành chính Hong Kong, do Quốc hội Trung Quốc biểu quyết, và “để bảo vệ an ninh quốc gia” (nói chung) là chính.Wang Chen (Vương Thần), phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, giải thích rằng từ khi Hong Kong về lại với “đất mẹ”, Trung Quốc đã thực hiện vững chắc các nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, “người dân Hong Kong cai trị Hong Kong” với quyền tự chủ ở mức độ cao.Ông Wang khẳng định việc thực thi “một quốc gia, hai chế độ” đã đạt được thành công chưa từng có ở Hong Kong. Tuy nhiên, theo ông, ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro với an ninh quốc gia tại đặc khu này, trở thành vấn đề nổi cộm, làm tổn hại đến luật pháp và đe dọa chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước.Chính vì thế, cần có các biện pháp dựa trên luật pháp và mạnh mẽ để ngăn chặn và trừng phạt các hoạt động đó. Các biện pháp này chính là dự luật sắp được thông qua. Tân Hoa xã viết: “Xét tình hình Hong Kong hiện nay, các nỗ lực phải được thực hiện ở cấp nhà nước để thiết lập và cải thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính để bảo vệ an ninh quốc gia”.Có thể hiểu lý do của đạo luật: các cuộc biểu tình năm ngoái tại Hong Kong đã thực sự được xem là một mối đe dọa với an ninh Trung Quốc, nên cần giải quyết tận gốc bằng một đạo luật được thông qua ở Quốc hội Trung Quốc.Bài trong mục Ý kiến của SCMP 25-5 nêu một góc nhìn khác: “Sau một năm kỳ lạ đánh dấu bằng nhiều tháng bất ổn dân sự và sự bùng nổ COVID-19, đã có hi vọng rằng cuộc sống bình thường cuối cùng có thể trở lại Hong Kong.Nhưng nay Hong Kong phải đối mặt với mối đe dọa kiểu khác”. Bài báo cũng nhắc điều 23 trong Luật cơ bản của Hong Kong, một đạo luật nền tảng cho nền tư pháp đặc khu được Trung Quốc cam kết tôn trọng, ít ra là tới hết thời hạn 50 năm, vào năm 2047.Nguyên văn điều 23: “Đặc khu hành chính đặc biệt Hong Kong có quyền tự thông qua luật pháp của chính mình nhằm ngăn cấm những hành động phản bội, ly khai, kích động phản loạn, lật đổ chống lại chính quyền nhân dân ở trung ương, hay hành động ăn cắp bí mật quốc gia, nhằm ngăn cấm các tổ chức hoặc cơ quan chính trị nước ngoài tiến hành các hoạt động chính trị ở đặc khu, và nhằm ngăn cấm các tổ chức hay cơ quan chính trị của đặc khu thiết lập quan hệ với các tổ chức hay cơ quan chính trị nước ngoài”. Quả là một điều khoản quá sức nhạy cảm.Tất nhiên, trên đây chỉ là một bài trong mục Ý kiến của SCMP, còn có cả những bài ý kiến khác, đúng với tinh thần “tự do ý kiến”, như bài: “Sự hoài nghi Trung Quốc khiến người dân Hong Kong mù quáng trước ý định của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy luật an ninh quốc gia”.Tác giả, một luật sư, đặt ngược vấn đề: “Khó khăn tạm thời này không có nghĩa là “một quốc gia, hai chế độ” sẽ chấm dứt. Sẽ không ngoa khi nói rằng điều đáng buồn nhất ở Hong Kong là việc mọi sự cố liên quan đến Trung Quốc đại lục đều được sử dụng hằng ngày như một cái cớ để tuyên bố cái chết của Hong Kong và chế độ pháp trị của nó. Tất cả mọi chuyện đều bị nhìn nhận qua lăng kính chính trị…”.Dễ hiểu là các góc nhìn khác nhau như thế về một vấn đề, ngay cả trên chỉ một tờ báo - dù đã là tờ báo 117 năm tuổi. Ở mức độ rộng lớn, đó chính là một ý nghĩa nữa của tình trạng “lưỡng long nhất thể”, hay “một quốc gia, hai chế độ”.Câu hỏi bây giờ là liệu có thể nào sau nửa thế kỷ hay xa hơn nữa, những khác biệt sẽ gặp nhau, thay vì cứ mãi phi-thời-gian, mãi không hiểu nhau như ngày hôm qua và bao nhiêu năm trước nữa?■ Tags: Trung QuốcHong KongLuật an ninhNăm 1997
Khoảng 10.000 khán giả đi nghe Sơn Tùng M-TP, Soobin, HIEUTHUHAI, trèo lên cây, đu cả hàng rào ĐẬU DUNG 24/11/2024 Khu vực bờ hồ và trước Nhà hát lớn Hà Nội ùn tắc kéo dài do lượng người đổ về đại nhạc hội có Soobin, HIEUTHUHAI, Sơn Tùng M-TP, Orange, Hòa Minzy, Issac…
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Các bên vào cuộc xem xét việc Đàm Vĩnh Hưng hát ở hải ngoại khi đang bị cấm diễn HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Ông Tạ Quang Đông - thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết đang làm việc với các bên liên quan đến việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị cấm biểu diễn trong nước nhưng đi diễn ở nước ngoài.
Hezbollah tấn công Israel bằng hàng chục tên lửa và drone MINH KHÔI 24/11/2024 Hezbollah tuyên bố đã phóng hàng chục tên lửa và máy bay không người lái (drone) vào Israel, tập trung vào Tel Aviv và các mục tiêu quân sự ở miền nam.