TTCT - Sau hơn 1/4 thế kỷ về lại với "đất mẹ", nhiều thay đổi lớn đang diễn ra với hệ thống quản trị nhà nước và tư pháp độc lập của Hong Kong. Khi nữ thủ tướng Anh, "bà đầm thép" Margaret Thatcher gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh vào ngày 24-9-1982 để bàn về tương lai của thuộc địa Anh Hong Kong, bà đã gặp gỡ một người đàn ông nhỏ con có tính cách cứng rắn còn hơn cả bà. Ông Đặng không công nhận "những hiệp ước bất bình đẳng" về Hong Kong mà nhà Thanh đã ký với vua Anh vào nửa sau thế kỷ 19 sau hai cuộc chiến tranh nha phiến. Ông nói rất rõ với bà Thatcher rằng Hong Kong phải quay về "đất mẹ" vào năm 1997.Ảnh: scmp.com22 vòng đàm phán sau đó dẫn đến Tuyên bố chung Trung - Anh ký kết năm 1984 khẳng định Hong Kong sẽ được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Trong thỏa thuận đó, Trung Quốc sẽ để Hong Kong có 50 năm (tới 2047) duy trì hệ thống quản trị nhà nước kiểu tư bản chủ nghĩa với nhiều quyền tự do khác biệt hoặc không có ở Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, Bắc Kinh cho phép Hong Kong có quyền tự trị đáng kể về chính trị bao gồm hành pháp, lập pháp và độc lập tư pháp theo khuôn khổ "nhất quốc lưỡng chế", tức "một quốc gia, hai chế độ".Vụ án an ninh lớn nhấtNhưng những lời hứa đấy có vẻ không được bền. 27 năm sau ngày Hong Kong được trao trả, hôm thứ năm 30-5 vừa rồi, một tòa án ở vùng lãnh thổ này, với ba thẩm phán được chính quyền lựa chọn cẩn thận, đã buộc 14/16 nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tội danh âm mưu lật đổ nhà nước trong vụ án an ninh lớn nhất trên lãnh thổ Trung Quốc dựa trên luật an ninh quốc gia được chính quyền đại lục thông qua vào năm 2020.Hai người được tha bổng là luật sư Lưu Vĩ Thông (Lawrence Lau) và cựu ủy viên hội đồng quận Lý Dư Tín (Lee Yue-shun). Trong số 14 người bị kết tội âm mưu lật đổ chế độ, có những tên tuổi hàng đầu như cựu dân biểu Hong Kong Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), nhà báo Hà Quế Lam (Gwyneth Ho), Lâm Trác Đình (Lam Cheuk-ting), Hoàng Bích Vân (Helena Wong) hay Trần Chí Toàn (Raymond Chan). Họ có thể đối mặt mức án tối đa là chung thân, dù hiện chưa rõ khi nào tuyên án.Tất cả 16 bị cáo ban đầu đều là thành viên của một nhóm lớn hơn gồm 47 người - "Hong Kong 47", bao gồm các nhà hoạt động, nhân viên xã hội, giáo viên, các nhà lập pháp mãn nhiệm, bác sĩ, thủ lĩnh giới trẻ... Họ có độ tuổi khác nhau và phổ quan điểm chính trị rộng, từ dân chủ ôn hòa đến đòi quyền tự quyết. Trong đó có một số nhân vật ủng hộ dân chủ nổi bật như ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ tờ Apple Daily, nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và cựu giáo sư luật Đới Diệu Đình của Đại học Hong Kong.Vụ xét xử thu hút sự chú ý của dư luận Hong Kong. Ảnh: ReuteresHọ bị buộc tội âm mưu lật đổ do tham gia cuộc "bầu cử sơ bộ không chính thức" và tất nhiên không thông qua chính quyền vào tháng 7-2020. Những người bị kết tội, cùng 31 người khác đã nhận tội trước đó, sẽ bị kết án có thể từ 3 năm đến chung thân. Hầu hết bị cáo đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt trong cuộc truy quét rạng sáng vào đầu năm 2021.Phương Tây thì cho rằng "bầu cử sơ bộ" chỉ là cách phe dân chủ thăm dò ý kiến cử tri trước cuộc bầu cử chính thức, nhưng chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh không nghĩ vậy. Các bị cáo đã tổ chức "bầu cử" tại năm khu vực nhằm nhận diện các ứng viên "dân chủ" mạnh nhất để đưa ra tham gia bầu cử hội đồng lập pháp thành phố (LegCo) dự kiến diễn ra hai tháng sau đó, vào tháng 9-2020. Bằng cách này, phe đối lập hy vọng chiếm được đa số trong tổng số 70 ghế hội đồng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đại biểu lập pháp sau đó đã bị hoãn do đại dịch COVID-19.Từ nhân nhượng đến siết chặtĐây là một phần trong Dự án 35+ nhằm tối đa hóa cơ hội của phe đối lập với mục tiêu giành quyền kiểm soát LegCo). Dự án 35+, nếu thành công, sẽ cho phép các đảng theo khuynh hướng dân chủ thành lập một liên minh đủ mạnh ở LegCo hòng phủ quyết và ngăn chặn các dự thảo luật quan trọng, dẫn tới nguy cơ làm tê liệt hoạt động của chính quyền Hong Kong. Nhà chức trách nói chiến lược này là hành động lật đổ chính quyền, theo luật an ninh quốc gia ban hành tháng 6-2020.Hôm 30-5, ba thẩm phán Tòa án tối cao Hong Kong Trần Khánh Vĩ (Andrew Chan), Lý Vận Đằng (Alex Lee) và Trần Trọng Hoành (Johnny Chan) đã đồng ý với lập luận của bên công tố rằng nếu các ứng cử viên ủng hộ dân chủ được bầu, họ sẽ tìm cách "phủ quyết hoặc từ chối thông qua bất kỳ ngân sách nào" do chính quyền Hong Kong đưa ra. Bên công tố do đó cáo buộc rằng các đảng dân chủ coi việc đạt được đa số lập pháp là "vũ khí hiến pháp cực kỳ nguy hiểm", với ý đồ lạm dụng quyền lực để phủ quyết bừa bãi các dự luật. Tòa án cho rằng hành động này sẽ dẫn đến "can thiệp nghiêm trọng, làm gián đoạn hoặc suy yếu việc thực hiện nhiệm vụ và chức năng theo luật pháp của chính quyền Hong Kong".Tiến sĩ Lê Ân Hạo (Eric Yan-ho Lai), nhà nghiên cứu tại Trung tâm luật châu Á ở Đại học Georgetown (Mỹ), bình luận: "Phiên tòa này không chỉ là dành cho 47 cá nhân đấy, mà là phiên tòa xét xử phong trào dân chủ ở Hong Kong". Có thể nói, nếu ông Đặng Tiểu Bình có công trong việc Hong Kong được chuyển giao một cách êm thấm, thì Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc kiểm soát chặt hơn với thành phố này. Ông Tập đã nói rõ mục tiêu: Hong Kong phải nằm trong tay những "người yêu nước". Trước đó, chính quyền đại lục đã tỏ ra mềm mỏng khi không can thiệp mạnh tay với các cuộc biểu tình của phong trào "Dù vàng" chiếm đường phố Hong Kong suốt nhiều tháng vào năm 2014.Những cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Hong Kong đã khiến đại lục thay đổi quan điểm chính sách. Ảnh: Sky NewsLúc bấy giờ, giới trẻ thành phố xuống đường đòi hỏi bầu cử đặc khu trưởng theo phổ thông đầu phiếu nhưng không đi tới đâu và các nhóm biểu tình rồi cũng tan rã. Tuy nhiên năm năm sau đó, xã hội Hong Kong lại rơi vào vòng xoáy mới. Mùa hè năm 2019, những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hong Kong nổ ra. Suốt nhiều tháng, người biểu tình bày tỏ phản đối đề xuất lập pháp được Bắc Kinh thông qua cho phép dẫn độ tội phạm bị buộc tội từ Hong Kong sang xét xử ở đại lục. Sau đó, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã rút dự luật lại nhưng biểu tình vẫn tiếp tục đến khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.Nhìn nhận lạiBiến cố năm 2019 được coi là bước ngoặt trong quan điểm về mô hình "nhất quốc lưỡng chế" của Trung Quốc. Để khôi phục sự ổn định của Hong Kong, chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra quyết đoán hơn, với luật an ninh quốc gia mới thông qua vào ngày 30-6-2020. Luật này hình sự hóa mọi bất đồng chính kiến và áp dụng định nghĩa rất rộng cho các tội danh khủng bố, lật đổ, ly khai và thông đồng với thế lực nước ngoài. Nó cũng cho phép Bắc Kinh thành lập lực lượng an ninh ở Hong Kong và ảnh hưởng đến việc lựa chọn thẩm phán xét xử các vụ án an ninh quốc gia. Đến đây, "mức độ tự chủ cao" và nền tư pháp độc lập trong thỏa thuận trao trả cách đây hơn một phần tư thế kỷ coi như đã không còn.Là một trung tâm tài chính toàn cầu với hệ thống thuế tương đối thấp, mạng lưới tài chính phát triển cao, hệ thống tư pháp độc lập và khả tín, cùng các đặc điểm đậm chất tư bản chủ nghĩa, Hong Kong từng là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới và khác biệt so với các trung tâm tài chính đại lục như Thượng Hải và Thâm Quyến. Nhiều công ty và ngân hàng đa quốc gia đặt trụ sở khu vực châu Á tại Hong Kong, như một cửa ngõ mở vào đại lục. Vị trí địa lý tất nhiên là quan trọng, nhưng chính bộ máy tư pháp đáng tin cậy của Hong Kong với những quy định sòng phẳng và khả đoán của hệ thống thông luật Anh, mới là khác biệt quyết định. Giờ thì giới kinh doanh phương Tây sẽ phải chờ xem luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong sẽ được thực thi tới đâu khi cân nhắc những khoản đầu tư mới của họ ở đây.■ Những thay đổi lớn trong luật pháp và hệ thống bầu cử vào năm 2021 đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các ứng viên thân đại lục đắc cử đặc khu trưởng và thành viên LegCo. Cụ thể, quy định mới nói chỉ những "người yêu nước" và "tôn trọng" Đảng Cộng sản Trung Quốc mới có thể tranh cử. Kết quả là chỉ có một ứng viên được phép tranh cử trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2022: ông Lý Gia Siêu (John Lee), cựu lãnh đạo lực lượng cảnh sát thành phố. Với LegCo, trước năm 2021 một nửa trong 70 thành viên của cơ quan này được bầu bằng bỏ phiếu trực tiếp, nửa còn lại do các nhóm nghiệp đoàn khác nhau ở Hong Kong, vốn thường thân chính quyền, lựa chọn. Hiện giờ chỉ còn 20 thành viên được bầu trực tiếp và 70 người được chọn từ các nghiệp đoàn. Hơn thế nữa, tất cả 90 ghế (LegCo tăng ghế cũng từ 2021) hiện đều thuộc các đại biểu thân chính quyền, do các ứng viên dân chủ tẩy chay bầu cử. Tags: Hong KOngTrung Quốc đại lụcAn ninh quốc giaTập cận bìnhPhiên tòa xét xử
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.