John Wick - người thổi còi

JOHN WICK 30/05/2009 19:05 GMT+7

TTCT - Uy tín của chính phủ Gordon Brown (Anh) đã sút giảm nghiêm trọng kể từ 11-5: đó là ngày tờ Telegraph khởi đăng một loạt bài tố cáo các nghị sĩ thuộc Công Đảng cầm quyền lẫn Đảng Bảo thủ đối lập sử dụng công quỹ làm việc riêng.

Phóng to
John Wick trong trả lời phỏng vấn qua video cho Telegraph. Sau khi điều tra chắc chắn các thông tin được rò rỉ không phải là ăn cắp, John Wick mới tiếp cận với báo chí. Ông tiết lộ các đĩa CD này là bản sao không được đăng ký, hậu quả của việc bảo mật kém cỏi, thiếu chuyên nghiệp của bộ máy hành chính quốc hội. (The Sun) - Ảnh: Telegraph

Dù Thủ tướng Anh đã xin lỗi nhưng mọi việc có vẻ chưa dừng lại...

Chứng cớ là ngày 22-5, tờ nhật báo lớn nhất Anh đã “thừa thắng xông lên” bằng việc công khai luôn danh tánh người thổi còi. Đó là một cựu sĩ quan lực lượng không nhiệm đặc biệt (SAS) John Wick, năm nay 60 tuổi.

Việc truyền thông Anh “gây thù chuốc oán” với các ông nghị đã rõ. Sau khi liên tục đưa tin các bậc phụ mẫu đã dùng tiền thuế của dân để sửa chữa vườn tược, hồ bơi, nhà vệ sinh, sắm hệ thống báo động, mua thảm lót nhà..., tờ báo Anh bị áp lực phải “khai” ai đã rò rỉ cho họ những thông tin “tế nhị” này. Lúc đầu các ông nghị định kéo Scotland Yard (Sở Cảnh sát Anh) vào cuộc, nhưng cảnh sát kiên quyết từ chối tìm kiếm các dấu vết tội phạm hình sự trong vụ việc này. Không đầy hai tuần sau, “người thổi còi” đã tự trình diện.

Người môi giới

Áp lực bầu cử sớm

Báo chí Anh dự kiến Thủ tướng Anh Gordon Brown có thể sẽ phải cải tổ nội các do xìcăngđan xài “tiền chùa” này. Cựu bộ trưởng nội vụ David Blunkett nghe đâu đã có cuộc gặp mật với ông Brown khiến có đồn đại về sự trở lại chính phủ của Blunkett.

Các nghị sĩ cũng sẽ đối mặt với những ngày tháng khó khăn, khi có dự báo khoảng 300 ông nghị sẽ phải ra đi hoặc mất ghế trong cuộc tổng tuyển cử sớm mà Thủ tướng Brown đang bị áp lực phải tổ chức trước thời hạn!

John Wick có một xuất thân đáng nể: từng chỉ huy lực lượng chống khủng bố của Anh trong 10 năm tại ngũ. Hiện nay ông điều hành một công ty tại London, chuyên thương lượng giải cứu con tin trong các cuộc chiến ngoài lãnh thổ Anh. Việc một cựu sĩ quan, từng được huấn luyện tại Sandhurst và phục vụ trong binh đoàn nhảy dù, đứng sau vụ rò rỉ thông tin này khiến không ít người kinh ngạc.

Mọi việc bắt đầu từ việc một người giấu mặt rao bán các đĩa CD chứa những thông tin về các khoản đề nghị thanh toán của các nghị sĩ với quốc hội, vốn trước giờ được giữ kín, cho hai nhật báo Anh. Họ yêu cầu 5.000 bảng cho thông tin về mỗi nghị sĩ, tổng cộng sẽ là 300.000 bảng.

Tuy các tờ báo được chào mời này không mua thông tin, nhưng lại rò rỉ thông tin trong các bài báo về việc xài “tiền chùa” của các ông nghị Công Đảng. Một tờ còn cáo buộc Bộ trưởng nội vụ Jacquy Smith lấy tiền công chi cho hai cuộn băng khiêu dâm mà chồng bà xem.

Sau hợp đồng không thành công này, Wick được mời làm người môi giới. Ông tiếp cận tờ The Times, đề nghị bán hai đĩa CD với giá 250.000 bảng Anh cộng với 50.000 bảng phí phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, The Times từ chối mua thông tin lẫn công bố danh tánh các nghị sĩ. Wick tìm đến Telegraph và một hợp đồng được ký. Không ai biết con số chính thức của hợp đồng này là bao nhiêu, mặc dù có tin đồn Telegraph đã trả một số tiền lên tới sáu chữ số!

Như vậy, thực tế Wick chỉ là người môi giới. Còn nguồn tin đầu tiên đến nay vẫn còn là bí mật.

Ngoài Wick, ngày 22-5, The Wall Street Journal còn nêu tên Henry Gewanter - một chuyên gia đối ngoại Mỹ làm việc tại London - là nhà môi giới trong vụ rò rỉ thông tin này. Gewanter là bạn của Wick và có nhiều kinh nghiệm tiếp cận với báo chí. Tuy nhiên đến ngày 22-5 ông này vẫn từ chối bình luận thông tin trên.

“Phần việc tôi đã xong”

Phóng to

Bộ trưởng tài chính Anh Alistair Darling, “nạn nhân” mới nhất trong đợt tấn công của Telegraph. Ông bị cáo buộc sử dụng quỹ công để trả tư vấn khai thuế - Ảnh: P.A.

Trong phần trả lời phỏng vấn độc quyền qua video cho Telegraph, John Wick nói ông nhận thức được các mối họa từ hành động của mình, nhưng trước sự phẫn nộ của công luận ông quyết định tiến thêm bước nữa. “Người thổi còi” nói: “Chúng ta đã tiến tới một giai đoạn xã hội khi mọi người muốn biết tất cả và họ được quyền đó”.

Đưa những thông tin này, Telegraph nêu rõ: tuy là người ủng hộ Đảng Bảo thủ nhưng Wick đã đặt những thiên kiến chính trị sang một bên để công khai tất cả thông tin. Wick giải thích: “Việc công bố thông tin phải xuyên suốt, bất kể đảng nào, và Đảng Bảo thủ cũng phải chấp nhận hậu quả như những đảng khác”. (John là thành viên Câu lạc bộ Carlton, vốn chỉ thu nạp các ủng hộ viên Đảng Bảo thủ).

Ông cũng giải thích vì sao ông công khai thông tin trên ở thời điểm này thay vì phải đợi theo lịch vào tháng 7 (thời điểm 646 nghị sĩ sẽ công khai các khoản xin thanh toán lại với Quốc hội Anh theo tiêu chuẩn nghị sĩ). Đó là vì các ông nghị đang ra sức “phù phép” nên nếu không sớm công khai sẽ không còn “vật chứng”.

Wick nói: “Cả xã hội quan tâm việc các nghị sĩ chi xài thế nào và công khai chúng ra sao. Những gì tôi cung cấp là các cứ liệu thật, chỉ ra rằng hệ thống giám sát chi tiêu của chúng ta đã thối rữa”. Wick bổ sung răng ông chẳng hối tiếc gì về việc đã làm bởi hi vọng sẽ giúp quốc hội hoàn thiện hơn.

“Tôi đã hoàn thành vai trò của mình trong lịch sử. Giờ đến phiên những người khác quyết định cách tốt nhất để tiến lên và trừng phạt những kẻ đã lộ diện”

Có lẽ phần nào nguyện vọng của Wick đã thành hiện thực. Thủ tướng kiêm chủ tịch Công Đảng Anh Gordon Brown và Chủ tịch hạ viện Michael Martin tuyên bố bắt đầu việc trả lại số tiền chùa các bậc quan đã xài. Đồng thời từ nay các ông nghị bị cấm sử dụng quỹ công vào các chi phí không liên quan tới hoạt động của quốc hội... Đặc biệt, tuyên bố trên của chủ tịch Martin cũng là tuyên bố cuối cùng của ông với tư cách Chủ tịch hạ viện, bởi ông đã phải từ chức ngày 21-5.

Cần nói rõ Martin là chủ tịch hạ viện đầu tiên của Anh bị buộc từ chức trong 300 năm qua, sau khi 23 nhà lập pháp ký tên bất tín nhiệm ông do cách thức giải quyết các khoản chi tiêu của các nghị sĩ.

Phóng to
Ông nghị Ian Gibson và con gái. Ian Gibson đòi thanh toán lại gần 80.000 bảng trong bốn năm tiền lãi vay nợ và các hóa đơn cho căn hộ mà ông kê là nơi ông trú lại để làm việc ở London, thực tế đây là nhà của con gái ông - Ảnh: Telegraph

Đến nay, ngoài Martin là “nạn nhân” cú huýt còi của Wick còn có David Cameron, lãnh đảo Đảng Bảo thủ trong quốc hội, cũng tuyên bố ra đi, Thứ trưởng tư pháp Shahid Malik mất chức, hai nghị sĩ Công đảng bị khai trừ, bốn nghị sĩ khác tuyên bố sẽ không ra tái cử.

Telegraph dự báo có thể có thêm nhiều nghị sĩ nữa phải rời quốc hội khi làn sóng Wick khởi xướng vẫn tiếp tục quét qua Westminster.

Kết thúc cuộc trả lời phỏng vấn, Wick nói: “Tôi đã hoàn thành vai trò của mình trong lịch sử. Giờ đến phiên những người khác quyết định cách tốt nhất để tiến lên và trừng phạt những kẻ đã lộ diện”.

Phóng to
Simon Heffer và Alan Haselhurst
Truyền thông không “tha”

Kể từ 11-5 đến nay Telegraph không ngừng tấn công. Sau 17 ngày liên tục “tra tấn” các ông nghị Anh bằng cách lần lượt phanh phui các khoản xài riêng nhưng được những ông nghị tham kê khai để nhận tiền nhà nước, ngày 24-5 tờ báo chuyển mũi dùi sang các quan chức chính phủ.

Trang báo điện tử ngày 24-5 giới thiệu các quan chức chính phủ đã sử dụng các cơ chế trợ cấp khác nhau để rút rỉa hàng chục nghìn bảng Anh mỗi năm cho việc riêng như thế nào. Từ việc xin chi tiền “tư vấn truyền thông”, sử sụng quỹ công để trả cho tư vấn khai thuế cá nhân... cho đến lấy văn phòng phí sắm máy ảnh, máy quay video xách tay, mua sắm cho người thân. Như Bộ trưởng nội vụ Jacquy Smith mua iPhone cho chồng hết 240 bảng, người được kê là “trợ lý” của bà.

Một số nhà báo London đã tuyên bố sẽ tự ứng cử làm nghị sĩ ở những khu vực bầu cử của mình do các ông nghị của họ dính vào vụ tai tiếng “xài chùa”. Mới nhất là nhà báo Simon Heffer của Telegraph, ngày 26-5 tuyên bố sẽ là ứng viên tiềm năng chống lại ông nghị Alan Haselhurst nếu ông này “không trả lại 12.000 bảng phí dọn vườn và hứa sẽ sửa chữa sai lầm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận