Khám sức khỏe định kỳ: Trò đối phó?

THÙY DƯƠNG 13/08/2013 03:08 GMT+7

TTCT - Việt Nam có tỉ lệ tử vong do ung thư thuộc hàng cao nhất thế giới, chủ yếu vì khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện thì đã ở giai đoạn khó cứu. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và phòng ngừa bệnh đã trở thành điều bắt buộc trong luật, nhưng nhiều nơi làm chỉ để đối phó.


Người lao động kỳ vọng được tầm soát bệnh chuẩn xác với những lần khám sức khỏe định kỳ - Ảnh: Minh Đức

Không chỉ có tình trạng cơ quan, tổ chức xem thường việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, nhiều cơ sở y tế không đủ chuẩn vẫn tổ chức khám.

Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, theo Bộ luật lao động, phải được thực hiện ít nhất một lần/năm, đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại thì ít nhất sáu tháng/lần. Tuy nhiên không ít cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể bỏ lơ hoặc tổ chức khám để đối phó với đoàn kiểm tra, chứ chưa thật sự quan tâm đến sức khỏe của người lao động. Thậm chí có nơi chỉ mua gói khám bệnh 100.000 đồng.

Từ cơ sở khám vi phạm

TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, giám đốc Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, cho biết thông tư 13/2007-TT-BYT về việc hướng dẫn khám sức khỏe quy định cơ sở khám sức khỏe phải có bác sĩ khám các chuyên khoa: nội, ngoại, sản phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, có bác sĩ hoặc kỹ thuật viên làm các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, X-quang, có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật để làm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu (công thức máu, đường máu), xét nghiệm nước tiểu (đường niệu, protein niệu), X-quang tim phổi.


 

Trong khi nhiều người lao động không được khám sức khỏe hoặc khám chưa đạt chất lượng thì cũng có một số công ty sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng cho một gói khám sức khỏe. 

Theo một bác sĩ ở Medic, có những công ty sẵn sàng thử vi khuẩn HP qua xét nghiệm máu, tầm soát ung thư cho toàn bộ cán bộ công nhân viên trong cơ quan. Nhưng nhiều bác sĩ cho rằng điều này không cần thiết và lãng phí vì tìm vi khuẩn HP chỉ có ý nghĩa với những người có triệu chứng của bệnh dạ dày.

Việc tầm soát ung thư cũng chỉ mang tính chất tương đối vì kết quả này có độ chính xác chưa cao. Nhiều người khi xét nghiệm máu tầm soát ung thư lần đầu dương tính, một tháng sau xét nghiệm lại âm tính.

Cũng theo thông tư này, người lao động được khám sức khỏe định kỳ sẽ được khám tổng quát (nội, ngoại), khám chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, xét nghiệm máu (công thức máu, đường máu, tổng phân tích nước tiểu), chụp X-quang tim phổi. 

Thế nhưng thực tế nhiều phòng khám đa khoa chưa đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lao động, bằng nhiều cách đã đến các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể… tiếp thị để nhận khám sức khỏe định kỳ cho những đơn vị này.

Với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, càng ít chi phí cho việc này càng tốt và việc khám sức khỏe định kỳ chủ yếu để đối phó với đoàn kiểm tra, nên đây cũng chính là đất sống cho những cơ sở y tế không đủ điều kiện. Thay vì đoàn khám phải có đầy đủ bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên thì chỉ có 1-2 bác sĩ.

Theo một bác sĩ trưởng phòng khám một bệnh viện lớn ở TP.HCM, với số bác sĩ ít ỏi, người có nhu cầu khám thì đông mà yêu cầu của doanh nghiệp phải “nhanh, gọn” thì chuyện bác sĩ chỉ cần nhìn mặt bệnh nhân để phân loại bệnh, sau đó ra kết luận sức khỏe cho người lao động một cách cảm tính là “chuyện thường ngày”.

Mới đây, qua kiểm tra năm trung tâm y tế dự phòng quận huyện, đoàn thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện cả năm trung tâm chưa có chấp thuận của Sở Y tế để triển khai việc khám sức khỏe, có bốn phòng khám đa khoa, trung tâm y khoa, hai bệnh viện tư nhân cũng trong tình trạng chưa được chấp thuận triển khai khám sức khỏe nhưng đều tiến hành khám sức khỏe định kỳ cho người có nhu cầu. Ngoài ra tại 15/17 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, đoàn còn phát hiện một bác sĩ khám 2-3 chuyên khoa, y sĩ khám sức khỏe cho người lao động. Hầu hết các phòng khám đều có bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm nhưng chỉ có tên mà không có mặt, thường trực chỉ có kỹ thuật viên.

Siêu âm là khâu quan trọng trong các đợt khám sức khỏe định kỳ, nhưng nhiều trường hợp phải bỏ thêm tiền túi mới được thực hiện - Ảnh: Minh Đức

Đến gói khám 100.000 đồng!

Theo y tá trưởng Phạm Tôn Hà - phụ trách khu khám chương trình Trung tâm y khoa Medic (TP.HCM), không ít công ty, doanh nghiệp… thể hiện rõ việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chỉ mang tính đối phó với đoàn kiểm tra. 

Khi biết đoàn kiểm tra sắp tới, công ty, doanh nghiệp vội vàng gọi đến Trung tâm y khoa Medic đề nghị ký hợp đồng khám sức khỏe định kỳ gấp. Vội vàng như vậy chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra nhằm tránh bị phạt.

Y tá Phạm Tôn Hà cho rằng thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo thông tư 13 chỉ giúp người lao động phát hiện tương đối một số bệnh. Gói khám bệnh theo thông tư 13 sẽ có giá khoảng 300.000 đồng/người, còn để khám sức khỏe định kỳ có chất lượng thì chi phí cho một người lao động khoảng 500.000 đồng. Ngoài những bước khám theo thông tư 13, người lao động sẽ được làm thêm siêu âm bụng và một số xét nghiệm như xét nghiệm mỡ, đạm, viêm gan siêu vi B, điện tim…

Mỗi năm, Medic nhận hợp đồng khám cho hàng ngàn doanh nghiệp nhưng đến 70% trường hợp chọn gói khám chưa thật sự đạt chất lượng, nhiều doanh nghiệp chỉ khám tổng quát chung (khám nội, ngoại khoa) mà bỏ qua các bước khám chuyên khoa như: tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt…

Cũng theo y tá có nhiều năm kinh nghiệm này, gói khám giá thấp mà Medic gặp nhiều nhất là ở các cô giáo mầm non, tiểu học. Mỗi giáo viên mầm non, tiểu học chỉ được nhà trường chi 100.000 đồng để khám sức khỏe định kỳ. Số tiền này chỉ đủ cho các cô siêu âm bụng màu với giá 100.000 đồng. Các cô đã tiết kiệm bằng cách chọn siêu âm bụng trắng đen và chụp thêm X-quang phổi (chụp và in phim 50.000 đồng).

Một số cô lo lắng sức khỏe của mình đã bỏ tiền túi để được khám tổng quát và làm thêm các xét nghiệm như thử máu đường, mỡ. Qua những trường hợp bỏ thêm tiền ra khám bệnh, các bác sĩ đã phát hiện nhiều giáo viên mầm non bị suy dinh dưỡng và thiếu máu. T

heo các bác sĩ, nhiều cô có nguy cơ mắc bệnh đường mũi họng, nhưng phần khám này hầu như bị bỏ qua do không đủ chi phí khám. Nếu thực hiện gói khám chỉ có 100.000 đồng thì các bác sĩ chưa đủ cơ sở để phân loại sức khỏe cho người lao động.

 Nhiều doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động

Ông Huỳnh Tấn Dũng, chánh thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đây là lỗi mà thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội thường phát hiện và phạt các doanh nghiệp. Theo ông Dũng, số lượng doanh nghiệp mà thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội đi thanh tra hằng năm không nhiều, nên số doanh nghiệp bị phạt vẫn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay.


____________

Tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ khỏi phải bàn, nhưng quan trọng hơn là khám sao cho đúng, tầm soát sao cho chuẩn?

Khám sức khỏe không chỉ dừng lại ở việc khám mà qua hỏi - đáp, bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh tiềm ẩn cũng như nắm được thông tin để theo dõi bệnh - Ảnh: Minh Đức

Ung thư dạ dày là một bệnh khá phổ biến trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 15.000 ca mắc mới và là nguyên nhân dẫn đến tử vong cho khoảng 13.000 ca. Tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày ở nước ta cao gấp 4, 5 lần các nước lân cận. Điều đáng buồn là chỉ có khoảng 10% ca được phát hiện sớm.

Đây chỉ là một ví dụ cho một loại bệnh. Thông tin này có thể làm bạn đọc bức xúc và ái ngại về chất lượng của hệ thống y tế nước ta, nhưng thật ra ít người nhận ra nguyên nhân sâu xa của nó hoàn toàn không phải do yếu tố chuyên môn và trình độ, mà do vấn đề nhận thức.

Khám bệnh và khám “khỏe”

Trước hết, có thể khẳng định ngay là không chỉ với chứng bệnh trên mà đối với hầu hết bệnh lý khác, người dân ta thường đến khám ở giai đoạn trễ khi mà các chọn lựa điều trị ít nhiều đã bị hạn chế và giảm tác dụng. Sự chậm trễ này bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ về việc khám bệnh. Trước giờ ta chỉ nghe nói đi khám bệnh chứ có bao giờ nghe đến đi khám… khỏe? Nhưng nếu đã khỏe thì cần gì phải đi khám?

Đối với người ngoài ngành y, trạng thái sức khỏe được định nghĩa khá đơn giản: bệnh có nghĩa là không khỏe, ngược lại khỏe có nghĩa là... không bệnh. Khỏe thì đi làm, đi học; không khỏe thì đi khám, đó là một logic rất rõ ràng và dễ nhớ. Tuy nhiên, có một trạng thái khá đặc biệt và vô cùng quan trọng nhưng thường bị bỏ qua: có bệnh nhưng vẫn khỏe.

Trên thực tế, trừ những tai nạn theo kiểu trời ơi đất hỡi như cây đè hay xe đụng, phần lớn bệnh tật đều diễn biến qua hai giai đoạn: tiền lâm sàng và lâm sàng. Giai đoạn tiền lâm sàng tương ứng với thời kỳ các tác nhân gây bệnh đã xuất hiện và tiến triển theo chu kỳ của nó nhưng bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện bên ngoài. Bệnh vẫn có thể nhận biết được nếu thực hiện các xét nghiệm tương ứng. Tùy theo loại bệnh mà thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Đối với ba nhóm bệnh thường gặp nhất: bệnh ung thư, truyền nhiễm và rối loạn chuyển hóa, cách thể hiện của ba nhóm bệnh này gần tương tự nhau (xem bảng).

Không có một mốc cụ thể nào giữa giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng. Rất nhiều bệnh nhân vẫn cảm thấy mình rất khỏe nhưng qua xét nghiệm hoặc qua hỏi bệnh tỉ mỉ của bác sĩ, những triệu chứng nghiêm trọng mới lộ ra. Đó chính là ý nghĩa của việc khám khi “khỏe”.

Khám định kỳ để tầm soát bệnh thông thường và bệnh nguy hiểm nhất - Ảnh: Minh Đức

Ý nghĩa của việc khám định kỳ

Như đã giải thích, việc khám “khỏe” là nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị hiệu quả hơn. Tuy nhiên khám thế nào là đủ và đúng? 

Đó là một câu hỏi khó vì những hướng dẫn không phù hợp sẽ dẫn đến sự tiêu phí tài nguyên y tế và của cải xã hội một cách nghiêm trọng. Dựa vào đặc tính bệnh lý của những bệnh thường gặp, người ta khuyến cáo việc khám sức khỏe định kỳ nên được thực hiện hằng năm, trừ khi có chỉ định đặc biệt cần theo dõi sát hơn.

Nội dung khám định kỳ có thể được kể tên tùy theo nhóm đối tượng khám. Có rất nhiều nhóm bệnh khác nhau nên việc tầm soát và thăm dò không thể nào đảm bảo 100%, chỉ giới hạn trong những bệnh thông thường và nguy hiểm nhất. Các gói khám kiểm tra định kỳ thường bao gồm việc khám nội tổng quát và phụ khoa, X-quang phổi, siêu âm bụng, điện tim, độ loãng xương, các xét nghiệm bao gồm công thức máu, nước tiểu, chức năng gan thận, các chất mỡ và cholesterol, acid uric và các xét nghiệm viêm gan.

Một số tầm soát ung thư phổ biến như tìm máu ẩn trong phân cho ung thư đường tiêu hóa và PAP cho ung thư cổ tử cung. Tất cả nội dung khám có thể thực hiện trong một buổi khám với chi phí phù hợp.

Một trong các trở ngại ngăn cản việc khám định kỳ là cảm giác “mất tiền vô ích” khi nhận được kết quả khám bình thường. Người được khám đôi khi không ý thức được nếu không thực hiện cuộc khám thì hai chữ “bình thường” kia không ai có thể dám chắc được. Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, nhất là đối với tầng lớp lao động nghèo, là sợ tốn tiền.

Thật sự mà nói, chi phí cho một cuộc khám tổng quát tiêu chuẩn có khi không bằng một bữa nhậu với bạn bè, so với lợi ích mà nó mang lại thật không đáng để tiếc rẻ. Nói cho đầy đủ, hiện một số phòng khám chuyên “vẽ ra chuyện” hoặc có xu hướng lạm dụng xét nghiệm và kỹ thuật cao cũng khiến người ta e dè. Dù sao, có ý thức tìm hiểu và chọn lựa nghiêm túc một cơ sở hay bác sĩ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình là một điều nên làm.

Ngoài ra, cần nhớ việc khám định kỳ là một quá trình chứ không phải một lần khám đơn độc. Vì thế cần chọn lựa những nơi có khả năng lưu trữ và theo dõi bệnh nhân ổn định thay vì phải đổi bác sĩ mỗi năm theo ý thích.

Thay đổi nhận thức của một xã hội không phải là điều dễ dàng. Song song với việc tuyên truyền và nâng cao trình độ dân trí, việc xây dựng một mạng lưới y tế cơ sở với các bác sĩ gia đình có thể thực hiện công tác quản lý và theo dõi sức khỏe hiệu quả là điều rất cần thiết. Hiện nay, những vấn đề này đã được nhận ra và đang được thay đổi dần. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình này thì sự chung tay, chung sức của mỗi thành viên là điều không thể thiếu được.

 • Đối với bệnh ung thư: giai đoạn tiền lâm sàng thường kèm với giai đoạn sớm khi khối u phát triển tại chỗ. Đây là cơ hội vàng để bệnh nhân có thể được trị khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngược lại, khi khối u đã phát triển gây triệu chứng (gầy sút, suy nhược, kém ăn...) hay biến chứng (tắc nghẽn, chảy máu, di căn xa...) thì việc điều trị hoặc không khả thi, hoặc kèm với những di chứng nặng nề, chưa nói đến việc gia tăng chi phí đáng kể.

• Đối với bệnh truyền nhiễm: trừ những bệnh cấp tính, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mãn tính có thời gian tiền lâm sàng rất lâu. Những căn bệnh của thời đại như nhiễm HIV, HBV, HCV có thể có giai đoạn tiền lâm sàng lên đến 5-10 năm. Người bệnh có thể trải qua thời gian ủ bệnh ban đầu vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, sau đó bệnh có thể tiến triển thầm lặng nhiều năm mà không biểu hiện ra ngoài. Một số ca có thể trở thành ký chủ mang mầm bệnh nhưng vẫn chung sống một cách hòa bình, nói cách khác: hoàn toàn khỏe mạnh.

• Đối với các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp như tiểu đường, tăng lipid máu, các bất thường về xét nghiệm có thể tìm thấy nhiều năm trước khi bệnh thể hiện ra bằng các biến chứng: bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh não…


Y tế dự phòng và Y tế đối phó

Sự khác biệt giữa khám bệnh và khám “khỏe” phần nào đó nói lên trình độ nhận thức chung về chăm sóc sức khỏe của xã hội. Một khi các cá thể chỉ quan tâm đến sức khỏe của mình khi có chuyện xảy ra, dù là triệu chứng hay biến chứng, đó chính là quan điểm chăm sóc theo cách đối phó, hay nói cách khác là “nước đến chân mới nhảy”. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tỉ lệ thương tật và tử vong cao. Xét về lâu về dài, những sự mất mát về con người và của cải là không thể tính hết được.

Ở các nước phát triển, quan điểm y tế dự phòng đã được thực hiện bài bản từ hàng chục năm nay. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là một phần bắt buộc trong chính sách của mọi nhà bảo hiểm y tế. Những chương trình tầm soát ung thư, đánh giá nguy cơ tim mạch, kiểm tra các rối loạn chuyển hóa... không còn là những khái niệm cao xa mà thật sự đi vào ý thức của mỗi người dân. Nhờ vậy, các bệnh lý được phát hiện và điều chỉnh rất sớm, góp phần cải thiện tiên lượng của bệnh và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Y tế dự phòng cũng không phải là điều gì mới lạ ở ta. Mỗi thành phố, quận huyện đều có những trung tâm y tế dự phòng với những bộ phận chuyên trách về sức khỏe cộng đồng, an toàn dinh dưỡng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, theo dõi bệnh nghề nghiệp... Nhưng đáng tiếc phần đông vẫn quen với cách nghĩ bệnh nhẹ thì đi phòng mạch, bệnh nặng đi bệnh viện. Do đó những con số đau lòng có lẽ vẫn sẽ còn tồn tại trong thời gian dài.
____________

Có nhất thiết phải tổ chức cho toàn bộ nhân viên tại một nơi để khám tất cả chuyên khoa? Hay chỉ cần mua bảo hiểm sức khỏe cho người lao động, họ sẽ tùy theo tình trạng thay đổi sức khỏe của mình mà tìm đến đúng địa chỉ, khám đúng những gì mình cần?

Khám sức khỏe cần có đủ thời gian để bác sĩ tìm hiểu bệnh, không thể “nhìn mặt đoán bệnh” - Ảnh: Minh Đức

Nhìn về khía cạnh kinh tế và nhu cầu thật sự của bệnh nhân, khám sức khỏe tổng quát cũng có nhiều điều để bàn.

Tốn tiền vô ích?

Khám sức khỏe định kỳ ở chúng ta đôi khi được ví như đi thi qua nhiều vòng. Một đội ngũ bác sĩ (BS) gồm nhiều chuyên khoa: nội, ngoại, da liễu, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, phụ khoa tham gia một đợt khám sức khỏe, mỗi BS chuyên khoa đánh giá sức khỏe của bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ I-V (rất tốt - rất yếu). Nếu có một chuyên khoa đánh giá rất yếu thì kết quả cuối cùng ghi nhận là bệnh nhân có tình trạng sức khỏe chung rất yếu, ví dụ anh không đủ răng nhai cũng bị đánh giá sức khỏe rất yếu!

Một công ty để đối phó với quy định của Nhà nước thuê một đội BS tới khám sức khỏe định kỳ một ngày cho 300 công nhân, tất cả công nhân đều phải đi đủ chuyên khoa và còn chụp cả X-quang, làm xét nghiệm máu... Không biết các công nhân đó có thấy mình được chăm sóc sức khỏe hay thấy mình bị hành, nhiều khi kết quả họ cũng chẳng hiểu nó là gì vì không có thời gian nói chuyện với BS.

Việc khám sức khỏe cho doanh nghiệp, công ty là một nguồn doanh thu không nhỏ đối với các cơ sở y tế. Nhiều cơ sở y tế mới mở phải sống dựa vào nguồn thu này, khám sức khỏe tổng quát giá thật tốt với nhiều xét nghiệm. Kết quả nhân viên nào đi khám bệnh cũng thấy mình có bệnh, không gan nhiễm mỡ thì thiếu máu cơ tim, tăng mỡ trong máu, nhiễm vi trùng H. Pylori…

Hậu quả là cơ sở y tế trong tuyến bảo hiểm của Nhà nước phải trả thêm một số tiền để các nhân viên này đi khám cho ra các bất thường đó, mất nhiều thời gian và tiền bạc cuối cùng không đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe như mong đợi. Nhiều công ty mới khám xong hôm nay kết quả tốt nhưng mấy ngày sau thấy đồng nghiệp kết quả tốt đó nhập viện vì ung thư di căn!

Phát triển BS gia đình và sử dụng bảo hiểm

Như vậy làm sao để khám sức khỏe tốt? Đầu tiên, việc khám sức khỏe định kỳ phải là tự nguyện. Những chuyên ngành nào cần bảo đảm sức khỏe thì Nhà nước cho phép các cơ sở y tế được trang bị đủ và đúng theo chuyên ngành đó khám, còn các doanh nghiệp chỉ cần mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên là đủ. Khi khám sức khỏe định kỳ, người khám phải chuẩn bị tốt bệnh sử của mình và không cần thiết phải khám tất cả chuyên khoa.

Ở các nước phát triển, BS gia đình là người thực hiện khám tổng quát. BS gia đình có hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, các yếu tố gia đình, tình trạng sức khỏe của chính bệnh nhân qua các lần thăm khám trước. Bệnh nhân nên có thời gian trao đổi với BS các thay đổi của cơ thể mình, BS và bệnh nhân thảo luận các nguy cơ và từ đó đưa ra các phương pháp khảo sát thích hợp.

Ví dụ: tầm soát ung thư đại tràng ở tuổi 40 nếu có yếu tố gia đình ung thư đại tràng. Không nên làm thật nhiều xét nghiệm máu để tìm ung thư vì không có xét nghiệm nào chính xác hoàn toàn. Các kết quả khám từng năm cần được lưu lại tốt để so sánh và khuyến khích các hoạt động thay đổi lối sống phòng ngừa bệnh tật hơn mỗi bất thường là một loại thuốc.

Chúng ta đang khuyến khích phát triển BS gia đình để giảm tải y tế, nhưng theo các thông tư hướng dẫn khám tổng quát, BS gia đình coi như bị loại khỏi cuộc chơi vì không được khám tổng quát mà phải là BS chuyên khoa! Từ đó chúng ta đang làm tăng quá tải bệnh viện vì việc khám tổng quát muốn đủ các chuyên khoa bắt buộc (tám chuyên khoa) thì phải vào bệnh viện. Như thế không biết đến bao giờ giảm được quá tải!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận