TTCT - Sự thương cảm của toàn thế giới với sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II là rất lớn, và cũng chân thành. Nhưng tang lễ lấy nhiều nước mắt không nên khỏa lấp thực tế rằng khái niệm "toàn thế giới" được những người đăng tin cố tình hay vô tình viết sai. Điều này có nhiều lý do lịch sử, lại càng nhiều lý do thời sự.Ảnh: Page SixNữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào ngày 6-2-1952 sau cái chết của cha mình. Triều đại của bà, 70 năm và 214 ngày, thuộc về những thời trị vì dài nhất trong lịch sử nhân loại, dài hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào ở Anh, và cho đến nay bà là một trong những nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất thế giới. Những ai hôm nay ngót nghét 100 tuổi sẽ không thể quen cảm giác một thế giới không có Elizabeth II. Dù ít thực quyền, hình ảnh bà được vô tư đánh đồng với Vương quốc Liên hiệp Anh. Và nếu không có gì thay đổi thì Vua Charles III sẽ kế thừa hào quang đó.Nền quân chủ khủng longNói gì thì nói, Đế chế thế giới Anh (nguyên bản là British Empire, nhưng vĩ đại đến nỗi chỉ cần viết tắt Empire cũng đủ) là khái niệm đi liền với khối thuộc địa lớn nhất trong lịch sử từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, và từ cuối kỷ nguyên Napoléon đến Thế chiến I, nó vẫn là cường quốc số 1 toàn cầu.Vào thời điểm huy hoàng nhất, tạm tính năm 1922, với 458 triệu dân và khoảng 33,67 triệu km², Empire bao gồm 1/4 dân số thế giới và chiếm 1/4 diện tích đất liền của hành tinh, đến nỗi ở Anh "Mặt trời không bao giờ lặn" - một sáo ngữ mà Đế quốc Anh chỉ chịu chia sẻ với đế chế kẻ cướp Tây Ban Nha ngày nào. Ngày nay, Anh đã buộc phải trao trả độc lập cho nhiều thuộc địa và nhượng địa, nhưng cái bóng "bảo hộ" vẫn còn. Những ảnh hưởng về chính trị, luật pháp, ngôn ngữ và văn hóa của Empire tiếp tục nặng ký với nhiều nơi trên thế giới. Tương tự, nhiều ranh giới thuộc địa đóng vai trò không nhỏ trong các cuộc xung đột địa chính trị ngày nay.Nhưng khi Nữ hoàng vẫn còn đó, tại Đại học Oxford của Anh hồi tháng 6-2021 đã diễn ra một cuộc vận động sinh viên khiến dư luận xôn xao. Đám thanh niên hỗn xược nhất trí thông qua quyết định hạ bức chân dung Nữ hoàng trong phòng đa năng. Họ nêu lý do: với một bộ phận xã hội, hình ảnh của bà tượng trưng cho "lịch sử thuộc địa giai đoạn cuối" của Vương quốc Anh. Thay vào đó, nên treo một tác phẩm nghệ thuật trung tính hơn, để mọi người - bất kể theo chính kiến gì - đều có thể cảm thấy thoải mái.Bộ trưởng giáo dục đương thời, Gavin Williamson, phẫn nộ trước sự phạm thượng trên và gọi quyết định của đám sinh viên là "vô lý". Theo ông, Nữ hoàng là "nguyên thủ quốc gia và là biểu tượng cho những gì tốt đẹp nhất của nước Anh". Trong suốt thời gian trị vì, bà đã "nỗ lực không mệt mỏi" để "thúc đẩy các giá trị như bao dung, cởi mở và tôn trọng của Anh trên toàn thế giới".Vấn đề là nhiều người không nghĩ như ông bộ trưởng.Quan nhất thời...Ở đây, nên nhìn lại khái niệm "bảo hoàng hơn vua" từ một góc khác. Chính vì hoàng gia Anh không có chút thực quyền, nên họ chẳng làm gì khả dĩ mếch lòng dân chúng. Người dân, vốn ở xứ nào mà lại chẳng thấy vài điều đáng phàn nàn với chính quyền, tìm thấy ở triều đình vàng son kia niềm an ủi không nhỏ, ở dạng "ngày xưa tử tế", và cứ thế tung hô cái vỏ lộng lẫy. Giống như vua Thái Lan, đại công tước Luxembourg hay thân vương Monaco, nhiệm vụ của các vua chúa thời nay phần lớn là cắt băng khánh thành nhà dưỡng lão, đi thăm vườn trẻ, gửi bó hoa phân ưu khi nước ngoài có ai chết và khuyến dụ vài điều phải đạo khi có gì ồn ào trong xã hội.Nếu hỏi các sử gia hay những người bị tác động tiêu cực trong cuộc, ta sẽ có một câu trả lời chính xác và khách quan hơn. Cố Nữ hoàng từ lâu đã trị vì đế chế ngày một teo tóp. Lúc bà lên ngôi, Đế chế Anh đã thu hẹp đáng kể. Thuộc địa Ấn Độ ly khai vào khoảng năm 1947. Sau năm 1952, quá trình phi thực dân hóa tiếp diễn, tăng tốc vào những thập niên 1960 và 1970 khi hàng loạt nước châu Phi quay lưng lại với các mẫu quốc.Nhiều thuộc địa cũ của Empire tiếp tục phấn đấu giành độc lập chính trị, một số trở thành các nước cộng hòa. Ví dụ Pakistan trở thành cộng hòa Hồi giáo vào năm 1956, tiếp theo là Ghana năm 1960, rồi Nam Phi, Tanzania, Nigeria, Uganda, Kenya, Malawi, Gambia và Sierra Leone. Guyana cũng đi theo con đường này, Malta và tiếp đến là Trinidad và Tobago. Mới năm ngoái, vương miện Anh lại rụng thêm một viên đá quý là Barbados - hòn đảo Đại Tây Dương xinh đẹp này từ 30-11-2021 cũng đã trở thành nước cộng hòa.Các nước khác về mặt hiến pháp có chế độ quân chủ nghị viện, tức về mặt tổ chức nhà nước cũng tương tự Vương quốc Anh, với quốc hội mạnh áp đảo, bao gồm cả thủ tướng. Trong 15 thực thể thuộc khối Thịnh vượng chung, Elizabeth II hay bây giờ Charles III vẫn chính thức là nguyên thủ quốc gia, nhưng không phải với tư cách nữ hoàng hay vua Anh, mà là danh hiệu riêng cho từng nước: vua Jamaica, vua New Zealand hoặc vua Tuvalu...Vàng bạc châu báu đâu ra?Nghe tin Nữ hoàng qua đời, ngoài những lời bày tỏ sự chia buồn và kính trọng, những tiếng chỉ trích cũng không ít, chủ yếu liên quan đến di sản thuộc địa của Empire. Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Tagesspiegel ở Berlin, sử gia Jürgen Zimmerer ở Hamburg đã cáo buộc hoàng gia Anh "hưởng lợi cá nhân từ chủ nghĩa thực dân". "Đó là hàng triệu euro do cướp bóc mà ra", ông Zimmerer lớn tiếng, và dẫn những chứng cứ nhãn tiền, như "suốt nhiều thập kỷ, đá quý từ các cuộc chinh phạt thuộc địa được sử dụng trang sức cho vương miện".Một tài khoản Twitter đã bỏ công tính toán cứ 6 ngày một lần, lại có một quốc gia kỷ niệm ngày độc lập khỏi Anh! Đây là cớ để nghỉ lễ thường xuyên nhất trên thế giới. "Nếu Nữ hoàng ngỏ lời xin lỗi về chế độ nô lệ, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tân thực dân..., có lẽ tôi sẽ hành xử một cách nhân đạo và cảm thấy buồn rầu khi bà qua đời - giáo sư Mukoma Wa Ngugi đăng trạng thái - Là một người Kenya, tôi không cảm thấy gì cả. Vở kịch này thật phi lý".Kenya nằm dưới sự cai trị của Anh từ năm 1895 và chính thức mang danh thuộc địa vào năm 1920. Nước này chỉ giành được độc lập vào năm 1963, 11 năm sau khi Elizabeth II lên ngôi. Farooq Kperogi, giáo sư truyền thông tại Đại học công Kennesaw ở Georgia, nói với CNN: "Di sản của Nữ hoàng bắt đầu từ chủ nghĩa thực dân và chưa hết liên can", và ông kết luận: "Không có lòng trắc ẩn hay sự cảm thông nào do cái chết của Nữ hoàng khơi dậy có thể xóa bỏ điều đó".Tính sổÁp lực phải lên tiếng về những hành động tàn bạo và bất công trong quá khứ nhân danh chủ nghĩa thực dân ngày càng lớn, và không dừng ở yêu sách vĩ mô chung chung, mà đã có con tính cụ thể. Ở Nam Phi đã xuất hiện những lời kêu gọi đòi lại tài sản bị Anh "khai thác thuộc địa". Ví dụ như viên kim cương "Ngôi sao châu Phi" đang gắn trên vương trượng hoàng gia, hay "Ngôi sao châu Phi số hai" trên vương miện của Charles III.Hai viên đá quý này đều xuất thân từ Cullinan, viên kim cương lớn nhất mọi thời, được phát hiện ở Nam Phi vào năm 1905 và được chính quyền thuộc địa Nam Phi "hiến tặng" cho hoàng gia Anh. Thợ kim hoàn trong Công ty Royal Asscher ở Amsterdam đã tách Cullinan thành 9 viên đá lớn và hàng chục viên nhỏ hơn. Theo Royal Collection Trust, tổ chức quản lý bộ sưu tập của hoàng gia Anh, viên kim cương Cullinan 3.106 carat ở dạng tự nhiên có "kích thước bằng trái tim người", được tặng cho Vua Edward VII năm 1907, hai năm sau khi nó được phát hiện trong một mỏ tư nhân ở Nam Phi. Nghị sĩ Nam Phi Vuyolwethu Zungula kêu gọi Anh bồi thường cho tất cả những đau khổ do nước Anh gây ra và "trả lại tất cả vàng và kim cương bị Anh đánh cắp". Đại diện đảng đối lập Nam Phi EFF, Leigh-Ann Mathys, thì muốn "hồi hương tất cả tài sản ăn cắp của thuộc địa". Một bản kiến nghị đòi trả lại đá quý cho Nam Phi gần đây đã thu thập được hơn 6.000 chữ ký.■Hoàng gia Anh dường như đã ngộ ra rằng im lặng không phải khôn ngoan như lời sáo ngữ. Thế hệ hậu duệ đang cố gắng xoa dịu và hòa giải. Hồi đầu năm nay, vợ chồng hoàng tôn (nay là hoàng tử) William và Kate có chuyến đi 8 ngày đến vùng Caribê. Ở Jamaica, nơi người Anh từng bắt hàng trăm nghìn người đưa về làm lao động cưỡng bức ở các đồn điền trồng mía, William gọi vai trò lịch sử của Anh trong buôn bán nô lệ là "đáng ghê tởm" và "vết nhơ lịch sử".Nên biết rằng Vương quốc Anh cũng liên tục khoe rằng họ đã bãi bỏ chế độ nô lệ ngay từ năm 1834. Tuy nhiên, họ ỉm đi một chi tiết là quyết định này đi kèm với khoản bồi thường khổng lồ cho… các chủ nô. Đến nay, đám nô lệ và hậu duệ vẫn chưa nhận được xu teng nào! Tags: Nữ hoàng Anh Elizabeth IIHoàng gia AnhElizabeth IIThực dânThuộc địaNô lệBuôn bán nô lệ
Khép lại ngày hội Việt Nam xanh, trao giải Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 và Tái tạo xanh NGỌC HIỂN 10/11/2024 Cũng trong tối 10-11, gala trao giải Tái tạo xanh và Tuổi Trẻ Start-up Award 2024 đã diễn ra trong khuôn khổ bế mạc 2 ngày hội Việt Nam Xanh.
Nhiều doanh nghiệp về tay người Thái 'chăm' chia cổ tức BÌNH KHÁNH 10/11/2024 Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền. Thậm chí một doanh nghiệp bất ngờ tăng tỉ lệ cổ tức bằng tiền mặt từ 24% lên 133%.
Biển Đông khả năng đón liên tiếp bão số 8 và bão số 9 CHÍ TUỆ 10/11/2024 Dự báo sau khi bão Yinxing (bão số 7) suy yếu, Biển Đông có thể đón liên tiếp cơn bão số 8 (bão Toraji) và bão số 9.
Rần rần với các phiên livestream xuyên đêm, săn siêu sale 11-11 NHƯ BÌNH 10/11/2024 Trào lưu “shoppertainment” (mua sắm kết hợp giải trí) tiếp tục tạo sức hút mới cho thị trường mua sắm cuối năm, đặc biệt dịp Lễ độc thân 11-11 năm nay.