TTCT - Trong khi Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp liên tục để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Nga cũng tích cực tìm đầu ra mới cho tài nguyên của mình trong tương lai. Ảnh: China DialogueTuần này EU lại nhóm họp để bàn giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng, sau khi cuộc họp khẩn hôm 9-9 nhằm giải tỏa "đòn đánh năng lượng của Nga" - như ví von của tờ The Wall Street Journal - chưa thu được kết quả mong muốn.Đau đầu giá trần khí đốtHọp báo ở Brussels hôm 7-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã giới thiệu 5 bước giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại: (1) tiết kiệm, giảm tiêu thụ trong giờ cao điểm, (2) đặt trần lợi nhuận với các nhà máy sản xuất điện không bằng khí đốt (năng lượng tái tạo, hạt nhân, thủy điện, than…) do có chi phí sản xuất thấp, (3) kêu gọi "đóng góp đoàn kết" từ các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch có lợi nhuận cao để chuyển cho những công ty và người dân dễ bị tổn thương, (4) hỗ trợ thanh khoản cho các công ty năng lượng, (5) áp giá trần với khí đốt mua từ Nga.Tiếp đó ở cuộc họp khẩn ngày 9-9, đề xuất cuối cùng của bà Von der Leyen gây nhiều tranh cãi. Trong khi Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy đồng ý, khoảng 10 nước EU, trong đó có Ba Lan, Ý, Hy Lạp và Bỉ, đề nghị việc áp giá trần phải được thực hiện với khí đốt của tất cả các nhà cung cấp, chứ không chỉ Nga. RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Hervé van der Streten nói "áp giá trần khí đốt Nga sẽ không làm giảm giá khí đốt ở EU", còn theo Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo, "một mức trần giá linh động với tất cả khí đốt nhập khẩu, để các nước có lý do bán khí đốt cho EU, chứ không cho thị trường châu Á, mới đảm bảo an ninh nguồn cung". Cuối ngày 9-9, Cao ủy đặc trách năng lượng EC Kadri Simson thông báo: các nước EU chưa nhất trí về mức giá trần khí đốt nhập từ Nga, và sẽ quay lại chủ đề này với các đề xuất mới.Theo The Financial Times, EU đã xây dựng hai phương án. Phương án 1 là giới hạn giá tối đa với tất cả khí đốt nhập từ Nga, hoặc lập một cơ quan thống nhất mua khí đốt của Nga để thương lượng giá cho cả khối. Phương án 2 là phân chia EU thành các khu vực xanh và đỏ, tùy theo nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Vùng xanh sẽ không cần áp giá trần. Các nước thuộc vùng này có thể mua khí đốt với giá cao, sau đó tạo điều kiện để dòng khí đốt chảy đến vùng đỏ. Ý tưởng này sẽ không dễ tổ chức và cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước EU.Nhưng dù cho phương án là gì, EU nhận thức rằng kế hoạch áp giá trần "có thể phá vỡ mọi mối quan hệ năng lượng với Nga".Một số nhà xuất khẩu Mỹ cũng phản ứng về đề xuất áp giá trần vì họ có thể cũng bị ảnh hưởng. Mỹ là nước xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang EU lớn nhất và đã tăng mạnh thị phần trong năm nay, sau khi Nga giảm nguồn cung. Từ tháng 1 đến tháng 6-2022, nguồn cung LNG của Mỹ cho châu Âu đã tăng 2,6 lần, lên 23 triệu tấn. Charlie Riedl - giám đốc điều hành của Trung tâm LNG, Washington - cho biết hôm 9-9 rằng các biện pháp giới hạn chắc chắn "sẽ bóp méo và phá hoại thị trường năng lượng, tạo ra những hậu quả không lường trước được. Chúng tôi hy vọng các bộ trưởng năng lượng EU sẽ tránh cách tiếp cận này". Các chuyên gia bình luận trong trường hợp EU dùng biện pháp hành chính để khống chế giá, Hoa Kỳ có thể sẽ chuyển hướng dòng LNG trở lại thị trường châu Á.Ẩn số Ấn Độ và Trung QuốcTrước đó vào ngày 2-9, các nước G7 cũng đã thảo luận về việc áp giá trần với mặt hàng dầu mỏ của Nga. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết mức giá trần này sẽ "thấp hơn giá thị trường nhưng cao hơn giá thành". Trả lời Reuters, ông Adeyemo cho biết Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn từ Nga, đã "đồng ý tiếp tục đàm phán về việc tham gia sáng kiến của G7" và "Washington hy vọng Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc". Mặt khác, ông Adeyemo còn khuyến cáo sẽ trừng phạt những ai "trốn tránh việc thực hiện chế độ giá trần bằng cách làm giả tài liệu hoặc che giấu nguồn gốc hoặc giá dầu theo luật nội địa của những khu vực thực hiện chế độ giá trần". Theo Bộ Tài chính Mỹ, các hạn chế sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12 tới.Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ nhằm tạo ra liên minh quốc tế rộng rãi ủng hộ áp giá trần với dầu của Nga không dễ thành công. Viện Russtrat ngày 10-9 dẫn lời Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri nói: "Nhiều người trên thế giới nghi ngờ đề xuất giới hạn giá dầu Nga, và đây không phải ý kiến cá nhân của tôi, mà là ý kiến của thị trường". Ông nhấn mạnh: "Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với Nga, và không chỉ về dầu mỏ". Theo Business Standard (Ấn Độ), vào tháng 5 và 6, giá dầu thô Nga bán cho Ấn Độ rẻ hơn lần lượt 16 và 14 USD/thùng so với giá trung bình 110 USD/thùng.Hiện chưa rõ G7 muốn áp mức giá trần bao nhiêu với dầu của Nga. Theo Reuters, các tài liệu của Chính phủ Nga cho thấy giá thành sản xuất dầu ở mức 44 USD/thùng và giá trần có thể được áp là vào khoảng 60 USD/thùng. Giá thị trường hiện là khoảng 85 USD/thùng. Đáp lại, Matxcơva đã tuyên bố sẽ ngưng bán dầu cho các quốc gia ủng hộ áp đặt các biện pháp hạn chế giá dầu Nga.Châu Âu đoàn kết đến đâuTrước khi các bộ trưởng năng lượng EU họp khẩn, Bloomberg 8-9 đưa tin Đức bày tỏ "bức xúc trước cách hành xử của các đối tác châu Âu trong các hợp đồng khí đốt song phương". Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habek cho biết trong khi Berlin đã dàn xếp được với Đan Mạch và Áo, thì các thỏa thuận song phương về tương trợ khí đốt mà Đức dự định ký với Hà Lan, Luxembourg, Bỉ và Ba Lan đã chưa đi tới đâu. Lý do chính khiến các nước này từ chối là vì họ "không muốn bù tiền cho các nhà cung cấp trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức".Hiện Đức vẫn đang đàm phán với CH Czech và Ý. CH Czech nói sẵn sàng ký thỏa thuận, nhưng chỉ khi có giới hạn về khoản tiền bù từ chính phủ cho các nhà cung cấp. Thỏa thuận với Ý sẽ là một thỏa thuận ba bên với Thụy Sĩ, vì khí đốt cần phải qua Thụy Sĩ để vào Đức. Bloomberg viết: "Thiếu đoàn kết có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí đốt của Đức".Nhiều nước EU cũng thất vọng với Na Uy, quốc gia châu Âu nắm khoảng 1/4 nguồn cung nhiên liệu cho EU. Hồi cuối tháng 8, các nhà nhập khẩu EU đã đề nghị Na Uy cung cấp khí đốt cho họ với giá thấp hơn giá thị trường để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Terje Åsland nói các công ty dầu mỏ Na Uy hoạt động trên cơ sở thương mại, và nhà nước sẽ không áp đặt giá cố định thấp hơn giá thị trường cho các doanh nghiệp. Dự kiến, lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng của Na Uy đến cuối năm nay đạt 100 tỉ euro.Sẽ có "OPEC khí đốt?"Trong phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông hôm 7-9 ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định thị trường EU không còn là ưu tiên với Nga. Ông Putin tuyên bố Nga sẽ "thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã ký nhưng sẽ không cung cấp dầu, khí đốt, than để làm tổn hại chính mình".Nói về các thị trường khí đốt khác ngoài châu Âu, kênh Telegram của Viện Russtrat nói Nga có cơ hội chiến lược để lập một "OPEC khí đốt" nếu hợp tác được với Iran. Theo Russtrat, bước đầu tiên đã được thực hiện: biên bản ghi nhớ trị giá 40 tỉ USD giữa Gazprom và Tập đoàn dầu khí quốc gia Iran NIOC về phát triển các mỏ dầu và khí đốt của Iran, các dự án LNG và xây dựng đường ống khí đốt xuất khẩu. Kênh này bình luận: "Thời thế đã thay đổi. Đã đến lúc nhìn vào việc cung cấp tài nguyên thiên nhiên của Nga cho EU qua lăng kính chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chứ không phải qua lăng kính thu nhập từ xuất khẩu. Tại sao Nga phải cung cấp tài nguyên giá rẻ để tăng cường tiềm lực kinh tế của các quốc gia công khai thù địch với mình?". Hiện Nga sản xuất 643 tỉ m3 (bcm) khí đốt mỗi năm, còn Iran là 174bcm. Để so sánh: Hoa Kỳ sản xuất 732bcm.■Tại Vladivostok hôm 7-9, ông Putin đã gặp Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene và thảo luận về việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua lãnh thổ Mông Cổ. Mặt khác, tờ Vzglyad 7-9 dẫn lời Vitaly Markelov, phó chủ tịch Gazprom, cho biết Gazprom đã bắt đầu sản xuất LNG tại Nhà máy Portovaya ở Saint Petersburg. Sau khi đường ống dẫn khí đốt Dòng Phương Bắc 1 ngừng hoạt động, đây được coi là nỗ lực của Gazprom để thay thế cung ứng khí đốt đường ống bằng LNG.Trong dài hạn, Nga sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho châu Âu. "Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài đàm phán với Trung Quốc về việc xây dựng đường ống dẫn khí thứ hai Sức Mạnh Siberia 2, và phát triển theo hướng LNG. Nếu chúng ta muốn xuất khẩu khí đốt sang một nơi khác ngoài Trung Quốc, thì chỉ có thể xuất dưới dạng LNG", chuyên gia của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Igor Yushkov nói với tờ Vzglyad. Theo đó, nếu Dòng Phương Bắc 1 ngưng hẳn hoạt động, thì Nga sẽ thừa ra 55 tỉ m3 khí đốt không bán được, đồng nghĩa họ sẽ cần tới 20 trạm LNG quy mô trung bình như Portovaya để hóa lỏng lượng khí này. "Không thể hoàn thành việc này chỉ trong vài năm. Cần thời gian, tiền bạc và quyết định chiến lược", ông Yushkov nói. Tags: NgaKhủng hoảng năng lượngEUKhí đốtChiến tranh UkraineDòng phương Bắc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.