TTCT - Từng đổi đời, xây nhà lầu, biệt thự, sắm xe hơi nhờ nuôi gấu và bán mật, nhưng nay hàng loạt người nuôi đòi trả lại gấu cho Nhà nước vì giá mật rớt thảm hại. Đó là chuyện đang xảy ra tại làng Phụng Thượng và xóm Mỏ Gang, khu 5 thị trấn Phúc Thọ (Hà Nội). Biển hiệu rao bán mật gấu, chào hàng trại gấu “lấn chiếm lề đường” ở Phụng Thượng - Ảnh: Việt HàNăm 1990, từ một làng chuyên nuôi rắn độc, người dân Phụng Thượng nhảy sang nuôi gấu. Ban đầu chỉ có tám hộ nuôi khoảng 100 con, nhưng đến năm 2005 các trại gấu đã bung ra cả thị trấn Phúc Thọ với tổng cộng 59 trại và 325 con. Số gấu này được người dân mua bán từ những đường dây săn bắn, buôn bán động vật trái phép.Ngay sau đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về quản lý số gấu nuôi, ngăn chặn tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên, toàn bộ số gấu ở Phúc Thọ được Hạt kiểm lâm Đan Phượng gắn chip theo dõi, các trại được đưa vào hồ sơ quản lý.Nuôi cầm chừngNhưng khi số gấu nuôi bung ra nhiều như nuôi heo, không chỉ ở riêng Phúc Thọ (Hà Nội) mà cả Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương..., nhiều khách hàng ngoảnh mặt vì cho rằng hút mật gấu “kiểu công nghiệp” này không đảm bảo chất lượng, không thật sự chữa được bệnh như quảng cáo. Vì thế giá mật cứ rớt dần theo năm tháng, từ 250.000 đồng/cc thời hoàng kim nay còn 15.000-20.000 đồng, thậm chí 12.000 đồng/cc.Ông Vũ Văn Phúc, chủ một trại gấu hiện chỉ còn bốn con ở Phụng Thượng, cho biết tất cả đều được gắn chip, cứ vài tháng hoặc đột xuất kiểm lâm đến kiểm tra một lần, nếu mất gấu hoặc mất chip là chủ sẽ bị xử lý ngay. Vì vậy, gấu phải nuôi bất di bất dịch ở trại, không thể vận chuyển, sang tay cho người khác.Một chủ trại khác ở Phụng Thượng tiết lộ: “Năm 2007-2008, chủ nào nhanh tay bán tháo được gấu cho người khác, nơi khác thì hên vì sau đợt đó kiểm lâm theo dõi, kiểm soát chặt lắm, không thể mua bán, vận chuyển đi xa được”. Theo anh, chỉ còn một cách để “giải phóng” gấu là bỏ đói, giảm khẩu phần ăn cho chúng mắc bệnh, nhiễm dịch chết rồi báo kiểm lâm đến xác nhận xong là xẻ thịt, đem đi tiêu thụ, chở ngược đến biên giới xuất sang Trung Quốc hoặc bán cho các lò nấu cao làm “gia vị”.Từng xảy ra trường hợp “bỗng dưng mất tích” hơn 80 con gấu ngựa ở Phụng Thượng do các chủ trại đã bán tháo cho các chủ khách sạn ở Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ trong một đêm với giá 15-20 triệu đồng/con nhằm gỡ lại chút vốn, nhiều con khác bị giết thịt, bán giá chỉ 5-6 triệu đồng/con.Theo thống kê của Hạt kiểm lâm Đan Phượng, đến tháng 4-2013 ở Phúc Thọ chỉ còn 37 trại với 257 con gấu. Đây là số gấu được nuôi theo kiểu cầm chừng.Bà Thương, vợ ông Phúc, tính trung bình mỗi ngày một con gấu ăn hết 5-6kg gồm bột ngô, gạo, đậu xanh... và các món ăn phụ, tổng cộng 30.000 đồng/ngày (chưa kể 10.000 đồng tiền điện, nước, thuê người làm vệ sinh, chăm sóc), một tháng gần 1 triệu đồng. Trong khi một năm gấu nuôi chỉ cho hai lần chích mật, bình quân mỗi túi mật là 200cc (nhiều con do ăn uống kém, lúc chích rút xong chỉ được 70cc) bán giá 20.000 đồng/cc thì chỉ được có 4 triệu đồng cho sáu tháng trời. Vậy là lỗ nặng, nuôi nhiều càng lỗ.Những con gấu ở Phụng Thượng và thị trấn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang được nuôi cầm chừng - Ảnh: Việt HàGiao cho nhà nước đòi đền bù“Nếu Nhà nước có chủ trương tiếp nhận, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao lại toàn bộ gấu” - bà Thương nói. Tuy nhiên, bà và nhiều chủ trại khác ra điều kiện phải “đền bù” cho người nuôi mỗi con gấu 60-70 triệu đồng vì họ đã bỏ ra khá nhiều tiền nuôi gấu từ lúc nhỏ (mua về) tới bây giờ. Vợ chồng anh Khuất Duy Luyện ở khu 5 cũng đưa ra điều kiện tương tự: “Năm 2005, tôi phải bỏ ra gần 80 triệu đồng mua mỗi con gấu này, có con gần 100 triệu đồng. Nếu không thì chúng tôi cứ để nuôi như thế thôi”. Trong khi đó, tại trại gấu An Cảnh ở thị trấn Phúc Thọ, chủ trại chỉ đề nghị “Nhà nước, đặc biệt là Cục Kiểm lâm, hỗ trợ mỗi con gấu vài triệu đồng, thậm chí vài trăm ngàn đồng cũng được để chúng tôi chuyển hướng sang nuôi con khác, làm việc khác”. Hiện trại gấu này đang “ôm” gần 30 con, là một trong những trại còn nuôi nhiều gấu nhất ở Phúc Thọ.Trao đổi với chúng tôi, phó cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đỗ Trọng Kim cho biết quy chế mới nhất về quản lý gấu nuôi được ban hành kèm theo quyết định số 95/2008/QĐ-BNN đã nêu rõ: nếu chủ nuôi có nguyện vọng tự nguyện chuyển giao gấu lại cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh thì chỉ cần liên hệ với chi cục kiểm lâm ở địa phương để làm thủ tục sau khi được xác nhận hồ sơ gấu là hợp pháp, đã gắn chip theo dõi.Còn nếu bàn giao gấu trên phạm vi cả nước hoặc gấu bàn giao cho kiểm lâm tỉnh nhưng địa phương không có trung tâm bảo tồn, cứu hộ thì các chi cục kiểm lâm phải đề nghị Cục Kiểm lâm xem xét, quyết định.Tuy nhiên trước “giao kèo” của hàng loạt chủ trại gấu về khoản hỗ trợ “đền bù”, ông Kim khẳng định khó thực hiện vì Nhà nước sẽ không có đủ kinh phí chi trả, nếu có nơi nhận chuyển giao, nuôi hộ đã là tốt lắm rồi. Bản thân các trung tâm cứu hộ cũng phải bỏ kinh phí để bảo tồn gấu nuôi mà các chủ trại “nhả” ra. Thêm nữa, trước đây Nhà nước từng tốn nhiều kinh phí để gắn chip cho hàng ngàn con gấu, rồi quản lý, giám sát...“Hiện người dân nuôi gấu chỉ có rất ít mà chủ yếu là các đại gia. Nhiều chủ trại đã giàu lên nên bây giờ đòi hỗ trợ, đền bù e là khó” - ông Kim nói.Những con gấu ở Phụng Thượng và thị trấn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang được nuôi cầm chừng - Ảnh: Việt HàCòn đến 2.400 con gấu nuôiCũng chung quan điểm này, ông Lê Văn Hùng, phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Đan Phượng, cho rằng đến nay Nhà nước vẫn coi nuôi gấu, khai thác mật là trái phép, gắn chip chỉ là giải pháp để quản lý số gấu nuôi chứ không phải là hợp pháp hóa, Nhà nước cũng không ủng hộ việc người dân nuôi gấu. Trong trường hợp không muốn chuyển giao thì người dân sẽ phải nuôi và bảo tồn đến khi gấu chết. Mọi việc mua bán, vận chuyển mà không thông qua cơ quan kiểm lâm đều là vi phạm.Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, khó khăn hiện nay là thiếu cơ sở có đủ điều kiện tiếp nhận, cứu hộ gấu để phục vụ mục đích nghiên cứu và giáo dục môi trường. Song ngoài Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chỉ có thêm vài nơi như Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) và Củ Chi (TP.HCM), Vườn quốc gia Cúc Phương...Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Việt kiều Úc, giám đốc Trung tâm Cứu hộ gấu - cho biết nếu như năm 2005 khi mới xây dựng trung tâm thì rất khó để có gấu cứu hộ. Nhưng nay số lượng gấu tăng lên rất nhanh vì ngoài lượng gấu được cứu hộ từ các trại do nuôi trái phép, không có gắn chip, khá nhiều gấu được các trại chủ động chuyển giao cho trung tâm. Tính đến tháng 5-2013, trung tâm đã tiếp nhận 106 con gấu. “Dù trung tâm đang tiếp tục được mở rộng, nhưng mức tối đa chỉ có thể tiếp nhận khoảng 200 con” - ông Tuấn khẳng định.Về lâu dài, điều lo ngại nhất là hiện vẫn còn gần 2.400 con gấu được nuôi tại các trại và gia đình để khai thác mật, nhưng chủ đang có nguyện vọng trả lại cho Nhà nước. “Chúng tôi vừa thảo luận với Bộ NN-PTNT về việc giúp xây thêm một số trung tâm cứu hộ gấu để đáp ứng lộ trình giải quyết 2.400 con gấu này” - ông Tuấn nói thêm.Để làm được việc này, trung tâm sẽ phải kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ, song ngược lại Nhà nước phải cam kết triệt để cấm săn bắt và cho nuôi nhốt trái phép hoặc dưới hình thức “hợp pháp hóa” bằng gắn chip như hiện nay. Còn nếu vẫn cứ cho phép nuôi tại trại và hộ gia đình thì giải pháp xây thêm trung tâm cũng không mang lại ý nghĩa.Hơn 10.000 cơ sở được CITES cấp phépTrách nhiệm quản lý các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã là của Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam.Hiện Nhà nước cho phép người dân nuôi nhốt một số loài động vật hoang dã như gấu, hổ, trăn, rắn, cá sấu... với điều kiện phải khai báo, đăng ký với cơ quan kiểm lâm, đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện nêu trong nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.Đến thời điểm này, Cites Việt Nam đã cấp chứng nhận đủ điều kiện cho hơn 10.000 cơ sở nuôi các loài động vật hoang dã trong cả nước. “Tuy nhiên, người dân cần phải cân nhắc, không nên nuôi theo phong trào rồi sau đó đòi trả lại cho Nhà nước như hiện nay” - ông Đỗ Quang Tùng, phó giám đốc phụ trách Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam, khuyến cáo.Ông Tùng cũng không đồng tình với cách nuôi dưỡng gấu ở các trại như hiện nay.“Phần lớn gấu nuôi đều có nguồn gốc từ tự nhiên, bị săn bắt, mua bán trái phép rồi đưa về khai thác mật. Việc đua nhau săn bắt gấu đã đe dọa môi trường tự nhiên, làm cạn kiệt loài gấu hoang dã. Các chủ nuôi cần có trách nhiệm với gấu, không nên chỉ vì giá mật rẻ, không còn cho thu lời như trước mà tìm cách bán tháo, bỏ đói, để mặc gấu nhiễm bệnh...” - ông nói và cho biết thêm Cites Việt Nam đang được giao soạn thảo lại thông tư về quy chế quản lý gấu (mới) để thay thế quy chế cũ được ban hành kèm theo quyết định số 95/2008/QĐ-BNN.Trong quy chế mới sẽ bổ sung và nhấn mạnh thêm các quy định về điều kiện nuôi nhốt gấu như chuồng trại, tiêu chuẩn vệ sinh, chế độ thức ăn, thú y cho gấu.. Tags: Nuôi gấuTrại gấuLàng Phụng ThượngCites Việt NamLoài gấu hoang dãNuôi nhốt gấuTrung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam
Xót xa nhìn biển nước mênh mông muốn chạm mặt những cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống HỒNG QUANG 10/09/2024 Nước lũ sông Hồng, sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Lũ lụt chưa từng có ở miền Bắc: Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ hồ thủy điện Thác Bà CHÍ TUỆ 10/09/2024 Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký công điện gửi 3 tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp, không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng DUY LINH 10/09/2024 Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu.
Cả gia đình một cô giáo mầm non tử vong do sạt lở đất HÀ QUÂN 10/09/2024 Một gia đình 4 người, cháu nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi đã tử vong sau trận sạt lở đất trong đêm tại Yên Bái.