Cả thế giới đang uống matcha

NGỌC KHANH 01/07/2025 15:37 GMT+7

TTCT - Cơn sốt uống macha lan truyền toàn cầu, nhưng người Nhật có lý do để thận trọng matcha.

a - Ảnh 1.

Thu hoạch lá trà để làm matcha ở Fujieda (Shizuoka, Nhật). Ảnh: Charly Triballeau/AFP

"Cơn lốc" màu xanh bắt mắt của loại bột trà trứ danh của Nhật Bản đã vượt khỏi biên giới quốc gia trở thành hiện tượng toàn cầu. Nhưng ở chính quê hương của nó, người trồng matcha vẫn không quá nháo nhào - thái độ như lời nhắc nhở về tính thiền của matcha, thứ mà nhiều người phát cuồng vì nó nhiều khi quên mất.

Vì sao sốt trở lại?

Mạng xã hội đã góp phần quan trọng khuếch đại cơn sốt matcha ra toàn cầu. Trên TikTok, các video gắn thẻ #matcha có hơn 15 tỉ lượt xem, còn hashtag #matchalover có tới hơn 1,3 triệu bài trên Instagram tính tới giữa tháng 6-2025.

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chăm chỉ uống matcha và đăng hình, video gắn với trào lưu "clean girl aesthetics" - phong cách sống tối giản, chú trọng sức khỏe và các nghi thức hằng ngày. Ngay cả ở Trung Đông, mạng xã hội cũng ngập màu xanh của matcha latte hoặc các đồ uống biến tấu từ loại bột trà này.

Trào lưu matcha có vẻ không sớm nở tối tàn như nhiều xu hướng mạng xã hội khác, nhờ lợi ích sức khỏe mà nó mang lại, nhất là khi người ta ngày càng quan tâm sức khỏe và chăm sóc bản thân sau đại dịch Covid-19.

Loại bột trà xanh này được ca ngợi là giàu chất chống oxy hóa, giúp hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm đường huyết và cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng tốc quá trình trao đổi chất.

a - Ảnh 2.

Lợi thế lớn của matcha so với cà phê ở chỗ, một tách matcha chứa khoảng 70mg caffeine so với 100-200mg trong cùng tách cà phê, nhưng không gây bồn chồn hay mệt mỏi. Quan trọng hơn, matcha còn chứa L-theanine, một loại axit amin hoạt động cùng với caffeine để cải thiện sự tập trung và tỉnh táo. 

Điều này mang lại nguồn năng lượng ổn định, khác với sự trồi sụt khi uống cà phê. Có lẽ vì vậy, matcha từng được các thiền sư Nhật Bản dùng để giữ sự an tĩnh khi thiền định, nhưng cũng là thức uống của các samurai trước trận chiến để duy trì sự tỉnh táo và tập trung cao độ.

"Không giống như uống cà phê hay trà Anh, không chỉ là hương vị… uống matcha là một trải nghiệm" - Naoto Sakayori, giám đốc công viên và bảo tàng văn hóa trà Chazuna ở Uji (miền tây Nhật Bản, cái nôi của trà đạo), nói với The Guardian. 

Thay vì vội vàng uống một cốc cà phê mang đi, việc thưởng thức một ly matcha latte được coi là dành thời gian cho bản thân, thực hành chánh niệm mà còn "hợp thời trang", theo tạp chí Tatler Asia.

Cơn lốc màu xanh xanh

Nhật là nước xuất khẩu matcha lớn nhất thế giới. Giá trị xuất khẩu matcha tăng vọt 33% vào năm 2023 so với 2022. Theo số liệu của Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu trà Nhật Bản, tổng lượng xuất khẩu trà xanh từ Nhật năm 2024 đạt 8.798 tấn, cao gấp 10 lần so với hai thập kỷ trước. Đáng chú ý, trà bột, mà chủ yếu là matcha, chiếm tới 58% tổng số này.

Tại Anh và Mỹ, chuỗi cửa hàng Blank Street tuyên bố họ bán một số loại đồ uống làm từ trà xanh "mỗi bốn giây", cho thấy tốc độ tiêu thụ chóng mặt của các sản phẩm matcha. Thị trường matcha toàn cầu có giá trị khoảng 4,24 tỉ USD và dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 53% vào năm 2029, theo Nikkei.

Nhiều khu vực mới tiềm năng như châu Phi và Trung Đông cũng đang đặt nhiều đơn, nhất là ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Theo Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực Việt Nam năm 2024 của iPOS.vn và Nestlé Professional, Việt Nam đã phổ biến matcha từ những năm 2010, nhưng từ trào lưu nước dừa tươi matcha Thái Lan vào năm ngoái, thức uống này mới thật sự bùng nổ với người Việt.

Cả thế giới bỗng dưng uống matcha, chuyện thiếu nguyên liệu thô là không tránh khỏi. "Nhật Bản chật vật chống lại viễn cảnh thế giới thiếu matcha", The Japan Times cuối tháng 2 chạy tít. Theo bài viết, nhu cầu matcha toàn cầu đã gây áp lực chưa từng có lên ngành trà Nhật Bản năm 2024, và tình hình này có khả năng sẽ lặp lại.

Khan hàng nhưng không vội vàng

Đó là tâm lý chung của người nông dân trồng trà Nhật. Jintaro Yamamoto, truyền nhân của một doanh nghiệp gia đình trồng và bán trà xanh từ giữa thế kỷ 19, chẳng động lòng khi một du khách người Thái xuất hiện tại cửa hàng của mình vào một ngày tháng 3 với một chiếc vali, và yêu cầu được mua đầy matcha. Nhưng làm gì có ngần ấy để mà mua, khi phải 2 tháng nữa mới tới mùa thu hoạch lá trà.

Trước khi thu hoạch vài tuần, Yamamoto che nắng cho cây trà bằng rơm và các vật liệu tự nhiên khác thay vì những tấm nhựa đen công nghiệp, để tăng diệp lục trong lá trà, giúp màu của bột matcha sau khi nghiền sẽ có màu xanh tươi đẹp mắt. 

Tháng 5, người nông dân 39 tuổi này cùng khoảng 20 bà nội trợ hàng xóm hái lá trà đủ chuẩn bằng tay. "Tôi không có hứng thú bán ra nước ngoài… Tôi muốn làm ra loại trà mà tôi cho là ngon và bán mà không phải ép buộc bản thân" - Yamamoto nói với Nikkei.

Nói thì nói vậy, nhưng theo báo cáo năm 2025 từ Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), sản lượng matcha nội địa đã tăng từ 1.471 tấn lên 4.176 tấn trong giai đoạn 2010-2023, tức gần gấp ba lần chỉ trong vòng 13 năm. Vậy mà vẫn không hạ nhiệt nổi cơn sốt matcha.

a - Ảnh 3.

Nhiều người hỏi sao Nhật Bản không dồn sức tăng sản lượng nhanh hơn nữa để đón trọn làn sóng yêu mến loại trà truyền thống này. Nhưng người Nhật có nhiều lý do. Món matcha được gắn với thiền không phải ngẫu nhiên, bởi ngay ở cách tạo ra nó cũng vô cùng dụng tâm và tỉ mỉ. Matcha được làm từ lá xay của cây Camellia sinensis. 

Theo trang matcha.com, sau khi thu hoạch, lá trà được hấp, tách cuống, phân loại, phơi khô thành tencha - nguyên liệu thô để làm matcha. Và nông dân Nhật vẫn đang ưu tiên lưu kho và bán tencha hơn vì ít "đỏng đảnh" hơn.

Theo The Japan Times, việc nghiền bột tencha thành matcha thường chỉ được thực hiện khi chuẩn bị đóng gói để giữ độ tươi tối đa, vì matcha dễ thiu và biến đổi chất sau khi nghiền. Cối đá nghiền matcha chỉ cho ra khoảng 40g bột mỗi giờ (tương đương 10-12 ly matcha latte). Tăng lượng bột nghiền đồng nghĩa cần nhiều cối đá hơn, mà sản xuất cối đá đạt chuẩn nghiền bột mịn 10 micron thì mất ít nhất một tháng chạm khắc đặc biệt với chi phí không nhỏ.

Chưa nói đến việc nông dân Nhật chẳng mặn mà trồng thêm trà dù đất nông nghiệp đạt chuẩn ở đất nước mặt trời mọc còn nhiều. Cây trà cần tới 5 năm để trưởng thành và cho lá. Dù có mở rộng quy mô canh tác ngay lúc này thì tình trạng thiếu hụt vẫn kéo dài nhiều năm nữa trước khi lứa trà mới kịp phục vụ thị trường.

Nhiều nông dân ở Kyoto, trung tâm sản xuất matcha Nhật Bản, cũng chung nỗi băn khoăn với Yamamoto, rằng đây có phải là một trào lưu nhất thời, sẽ nhanh tan khi người ta chán. Khi đó, bao nhiêu tiền đầu tư trang thiết bị đắt đỏ, phân bón, bao nhiêu công sức làm quen với giống cây trà mới, và 5 năm trời chăm sóc có thành hàng tồn kho bán không được. 

Tạp chí Yomiuri Shimbun trích lời Keiichi Fukui, 60 tuổi, chủ sở hữu thế hệ thứ năm của công ty sản xuất trà Fukubun-Seichajo ở Uji: "Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, đã có một cơn sốt matcha. Nhưng với sự lan rộng của cà phê và trà đen, sản lượng matcha dư thừa bắt đầu vào cuối những năm 1960". 

Bài học quá khứ khiến nhiều người giờ không hào hứng mở rộng sản xuất, khác hẳn với các cơn sốt ồ ạt chặt cây này trồng cây kia ở Việt Nam.

Hầu hết người trồng trà ở các vùng trọng điểm tại Nhật đều đã trên 65 tuổi, và người trẻ trong nhà thì không muốn dấn thân vào matcha. Từ 53.000 nông dân trồng trà năm 2000, đến năm 2020 chỉ còn 12.353 người, theo dữ liệu từ MAFF. Số lượng trang trại trồng trà cũng giảm từ 46.000 xuống còn 20.000 trong 15 năm qua, nhiều nông trại bị bỏ hoang vì không có người tiếp quản.

Các nhà bán lẻ và phân phối, các đơn vị nhập khẩu tránh cạn nguồn cung bằng cách hợp tác với nhiều nhà sản xuất, nhà cung cấp trà hơn, đồng thời tìm kiếm nguồn cung lá trà xanh ở Đông Nam Á, các vùng trồng trà để thiết lập mô hình sản xuất ở nước ngoài, phục vụ nhu cầu khu vực. Tất cả đều có niềm tin rằng trào lưu matcha không phải là bong bóng vỡ tan.

Loạn thị trường matcha trăm loại trăm giá

Không phải tất cả bột trà xanh đều là matcha chánh hiệu. Trang matcha.com mô tả matcha Nhật Bản có màu xanh lá cây rực rỡ, tươi sáng với sắc thái gần như óng ánh, dễ hòa tan với nước để tạo ra lớp bọt xốp, mịn và kết cấu mịn mượt sau khi pha chế do không lẫn tạp chất.

Ngược lại, matcha Trung Quốc thường được chế biến bằng máy, có cả thân và cành trà nên màu xỉn hơn, có sắc nâu và vàng, kết cấu và kích thước hạt khác nhau, để lại cảm giác sạn, gần như hạt trong miệng.

Quy trình sản xuất của Trung Quốc thường sử dụng phương pháp sao trà trên chảo để làm chậm quá trình oxy hóa thay vì hấp như người Nhật, và cây trà có thể được trồng trên đất có dư lượng thuốc trừ sâu bị cấm trên toàn thế giới.

Khi xu hướng dùng matcha lan ra nhanh chóng, nhiều sản phẩm matcha giá rẻ bán trực tuyến hay các cửa hàng giảm giá bỗng ngập tràn. Chúng thường có nguồn gốc từ các nhà cung cấp chưa được xác minh ở bên ngoài Nhật Bản, pha trộn nhiều thứ trong đó như đường, tinh bột, đậu nành, lúa mì và sữa. Một nghiên cứu năm 2024 về hóa học thực phẩm đã phát hiện chì, asen và cadmium trong 12% mẫu matcha cấp thấp, vượt quá giới hạn an toàn của Mỹ.

Việc giá matcha xịn tăng gấp đôi đã buộc một số quán cà phê chuyển sang các nhà cung cấp không được chứng nhận để cắt giảm chi phí, càng làm người mê matcha hãi hùng hơn. Để giảm thiểu rủi ro, người tiêu dùng nên tìm kiếm các nhãn có chứng nhận USDA Organic hoặc mua từ các nhà sản xuất được liệt kê bởi Hội đồng xuất khẩu trà Nhật Bản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận