"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 06:51 GMT+7

TTCT - Cuốn sách 505 trang này là một khảo cứu công phu, chứa nhiều sử liệu và chân dung, chuyện tù đày và vượt ngục, cùng những hành trình lạ lùng...

nhà tù Guyane - Ảnh 1.

Dày 505 trang, "Ba người vượt ngục Guyane" là một khảo cứu công phu, chứa nhiều sử liệu và chân dung, chuyện tù đày và vượt ngục, cùng những hành trình lạ lùng, do kỹ sư Đỗ Thái Bình (tác giả nhiều cuốn sách về hàng hải, tàu thuyền và từ điển hàng hải) theo tìm dấu vết ông nội mình, khám phá một mảng lịch sử còn thiếu về các sĩ phu, nhà Nho thuộc phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục từng bị Pháp tù đày biệt xứ tại đảo Guyane. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện với ông khi cuốn sách mới lên kệ.

Tôi rất lo sợ… thời gian

Bắt đầu từ đâu mà ông viết cuốn sách vừa sử liệu vừa kể chuyện này, khác hẳn những đề tài quen thuộc của ông về kỹ thuật hàng hải?

Lịch sử gia đình ai cũng có cội nguồn. Đại gia đình Mai Lĩnh của tôi là một dòng họ lớn gắn với nhiều cải cách xã hội một thời, nhưng tôi lại chỉ biết sơ sơ về ông nội mình. Đấy là một dòng họ tư sản lớn ở thành phố và đại địa chủ ở quê, thuộc loại có thời… "không được ưa thích". Những năm quá khứ đó phải… quên đi lý lịch, phải tham gia sản xuất, các em không được đi đại học. Và đã không ai chú ý để ghi chép lịch sử gia đình dòng họ.

Mãi tới năm 1995, NXB Văn Học ra cuốn Nhà xuất bản Mai Lĩnh (PTS văn học Mai Hương chủ biên) nhằm tìm hiểu các nhà xuất bản xưa như Tân Dân, Mai Lĩnh, báo Nam Phong…, nói tới nhiều người trong gia đình tôi, tôi lúc đó đã 60 tuổi, mới thực sự để ý đến việc tìm hiểu lịch sử gia đình.

Cuốn sách Nhà xuất bản Mai Lĩnh nhắc đến cụ Đỗ Văn Phong - người bị tù đày vì tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, trong vụ án Việt Nam Quang phục Hội. Sau khi vượt ngục, ông về lại Nam Bộ tiếp tục hoạt động… Khởi đầu hiểu biết chỉ sơ lược vài dòng về ông nội như vậy, ông làm cách nào để có cuộc đi tìm công phu sau đó?

Tôi bắt đầu bằng cách đi tìm những người còn lại dấu vết. Tại Hà Nội, ở nhà anh tôi - dược sĩ Đỗ Tất Lợi - tôi được nghe bà Ngọc Nghi (nguyên TBT báo Phụ Nữ Việt Nam - con gái út của cụ Võ Hoành) kể cho câu chuyện về chiếc rương màu đỏ mà ông tôi đã tặng gia đình Võ Hoành. Câu chuyện chiếc rương càng kích động sự muốn biết nhiều hơn nữa trong tôi.

Năm 1980 tôi vào sống tại TP.HCM, đặt kế hoạch theo lời bà Ngọc chỉ dẫn, xuống Bạc Liêu - Đồng Tháp tìm dấu vết cụ Võ Hoành đã chỉ cho ông tôi trú ngụ những đâu ở miền Nam.

Vào tháng 4-2008, báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài liền 10 số của nhà báo Danh Đức về nhà tù Guyane - nơi có hàng ngàn người Việt bị tù đày ở đó và hầu như bị lãng quên. Báo Tuổi Trẻ tổ chức họp mặt hậu duệ những người tù Guyane. Tôi và gia đình Mai Lĩnh được mời tham dự. Đó là những sự kiện thúc đẩy tôi. Câu hỏi nung nấu lớn nhất là "Ông tôi đã vượt ngục kiểu gì?".

Trong sách có nhiều tư liệu đồ sộ miêu tả kỹ vụ án, những nhà tù nổi di động, từng chương rất kỹ về địa ngục tù đày và cuộc vượt ngục đào thoát khỏi Guyane. Ông đi tới những đâu, trải những gì?

Năm 2001 tôi có dịp du lịch Pháp nên đã tới một địa điểm cực kỳ quan trọng: Lưu giữ quốc gia hải ngoại, nơi lưu giữ các hồ sơ hải ngoại mà ta gọi tắt là văn khố ANOM (Archives Nationales d'Outre-Mer). 

Tôi đọc được tiếng Pháp với trình độ luôn tra từ điển. Lần đầu tiên tới đó, tôi xúc động vô cùng. Đọc những bản án trăm năm trên giấy cũ viết tay, nét bút xưa đậm nhạt, cảm nhận một chốn thư viện "ghê gớm" lưu giữ số phận hàng vạn con người thuộc nhiều quốc tịch, bị tù đày với nhiều lý do: từ trộm cắp do nghèo đói tới những nhà hoạt động chính trị, chống áp bức bóc lột.

Trong hành trình đi tìm, tôi ngủ trọ, đi xe buýt, lang thang đi bộ, sống như dân bản xứ… Tôi tìm kiếm địa chỉ, thuê ô tô, nhà trọ, tất cả nhờ Internet. Tôi ra cả bến tàu để hình dung cảm giác của những người tù đã đi từ đó đến Guyane. Có thể nói tôi đã thuộc lòng Guyane - đặc biệt vùng ven sông Maroni. 

Cùng với đứa cháu, con của cô em Đỗ Bắc Ninh của tôi, chúng tôi thuê xe, vượt rừng, ngủ đêm tại một làng thổ dân ngay sát trại tù. Tôi tìm hiểu rất kỹ 32 trại tù, cuối cùng tìm ra cái trại giam mà từ đó ông tôi cùng các đồng chí của mình vượt ngục: trại Malgaches ở ven sông Maroni.

Một may mắn nữa là những bài thơ của người tù Nguyễn Quang Diêu, ông là một tâm hồn thơ, đi đến đâu làm thơ đến đó, vì thế những câu thơ như một sự đánh dấu để tôi lần theo… Tôi có được sự giúp sức của nhiều tài liệu nhiều nguồn, cả sự giúp sức của các nhà sử học người Pháp như bà Christele Dedebant, ông J. B. Sanchez…

nhà tù Guyane - Ảnh 2.

Chân dung người tù

Ông đi tìm câu chuyện ông nội mình nhưng trong sách đủ chân dung ba cụ Đỗ Văn Phong, Lý Liễu và Nguyễn Quang Diêu.

Trong hồi ký nhà Mai Lĩnh, cụ Nguyễn Hữu Lược làm quản lý cho nhà Mai Lĩnh có kể một chi tiết: "Ông Phong vượt ngục cùng 12 người". Vậy tức là một tập thể. Trong đầu tôi luôn nghĩ, vượt ngục là câu chuyện khủng khiếp.

Trong tác phẩm nổi tiếng Người tù khổ sai Papillon cũng phải vượt tới lần thứ 8 mới thoát. Ông tôi không phải dân giang hồ, làm sao thoát được? Tôi đọc kỹ sách của Nguyễn Văn Hầu, trong đó nói về Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, cho thấy Lý Liễu tổ chức một nhóm vượt ngục tập thể. Có thể, ông tôi trong số đó. 

Vì vậy tôi phải nghiên cứu chi tiết, từ đó phải có đủ ba chân dung, để bằng các sử liệu sẽ xác thực có ông nội tôi trong số đó.

Vụ án Phan Bội Châu, Pháp xử 84 người, trong đó 7 người bị chém đầu tại chỗ, 7 án tử hình khiếm diện (trong đó có Phan Bội Châu), 20 người đi đày biệt xứ, trong đó nặng nhất là 11 người tù biệt xứ Guyane, gồm các chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, Đỗ Văn Phong.

Các cụ đã vượt ngục thế nào?

Họ cùng vượt ngục vào tháng 3-1917. Lý Liễu trẻ trung ở tuổi 25 đi "tiền trạm", vượt ngục trước đó một năm để lập đường dây, sau đó trở về đón các đồng chí của mình. Cuộc vượt ngục cũng không hoàn toàn suôn sẻ, ba người bị bắt rồi lại vượt tiếp. 

Cuối cùng nhóm 11 người ra đi từ năm 1913, trong đó một người mất sớm, một người đã định cư tại Guyane, 9 người còn lại đã đào thoát thành công, gồm nhà thơ Nguyễn Quang Diêu, nhà nho Đỗ Văn Phong, "Bé con" Lương Văn Phúc, tất nhiên có cả "thủ lĩnh" tổ chức cuộc đào thoát là Lý Liễu...

Tôi muốn vẽ ra được diễn tiến cuộc đào thoát. Họ vượt sông Maroni của Guyane, qua Surinam láng giềng, đến đảo Trinidad (gần Venezuela) và được tiếp sức bởi cộng đồng người Hoa trong suốt chuyến đi. Tôi cũng tìm ra phố Charlotte ở Trinidad. Công ty của người Hoa ở Trinidad hoạt động quốc tế, giúp những người tù trí thức Việt Nam làm phụ việc kiếm tiền chờ đi tiếp tìm đường về.

Từ đó, mỗi người lần lượt về nước bằng nguồn lực của chính mình, cũng gian nan lắm. Nhưng từ kinh nghiệm thu được trong những ngày làm việc tại Trinidad, tất cả phải lên Bắc Mỹ rồi dùng tàu lớn đi về châu Á.

Ông đã tìm ra chuyện gì về ông nội mình?

Tôi tìm lại được từ ban đầu khi ông ở Việt Nam những năm 1921-1945, tại Hà Nội với những cuộc diễn thuyết của Đông Kinh Nghĩa Thục và Hội truyền bá quốc ngữ - nơi NXB Mai Lĩnh (do ông nội tôi sáng lập) nói về nghề xuất bản. Chuyện ông tôi bị bắt, chuyện thương hiệu Mai Lĩnh ra đời và khuynh hướng xuất bản tiên tiến, yêu nước với ý chí, truyền thống gia đình.

Những người tù Việt Nam tại Guyane không chỉ gồm những chí sĩ, những người cộng sản yêu nước, mà còn có những tù nhân thường phạm, những người lao khổ, có công lao động xây dựng Guyane, trên mỗi kilômet đường sá của vùng đất giàu tài nguyên này đều có xương máu người Việt, người Việt gốc Hoa. Đây cũng là một phần của lịch sử di dân người Việt.

Tôi viết sách để tưởng nhớ những người yêu nước đã sống đã chết ở Guyane, để tri ân những người đã giúp nhóm tù, trong đó có ông nội tôi, vượt ngục thành công. Số phận các nhân vật gắn với tập thể và lịch sử. 

Và như một lời kêu gọi, chúng ta nên cùng nghiên cứu sâu lịch sử nhà tù Guyane vì giới sử học Pháp đang làm hồ sơ đệ trình Unesco để nơi đó trở thành một di sản giống Unesco đã công nhận các nhà tù tại Úc.

Tôi viết, nghiên cứu góp cho đời hiểu, lạc quan dù có nhiều éo le lịch sử, để tin yêu cuộc đời. Tôi cố đóng góp sự hiểu biết về một giai đoạn từ dân tộc chủ nghĩa quân chủ lập hiến bước sang giai đoạn dân tộc theo chủ nghĩa cộng sản.

Phần phụ lục sách có danh sách khổng lồ về tù nhân Việt Nam ở Guyane, đủ họ tên, số tù, năm tuyên án, tên con tàu đưa đi đày, tổng quan về 32 trại tù, chú giải rất cẩn thận. Ông có dự định gì sau cuốn sách này?

Hồ sơ hơn 10 vạn tù nhân các quốc tịch, với bản án cho tới năm 1914 (khoảng 100 năm) đều được công khai trên trang ANOM, ai cũng tra cứu được. Nhờ đó, tôi lập nên danh sách tù nhân Guyane, đính chính lại nhiều trường hợp mà Trung tâm Lưu trữ quốc gia trước đây đưa ra có những lầm lẫn. 

Công việc này còn tiếp tục vì ANOM sẽ tiếp tục công bố hồ sơ tù nhân. Giữa năm 2024, nhà sử học Christèle Dedebant cũng xuất bản cuốn Le Bagne des Annamites (Nhà lao An Nam) dày 336 trang. Bà chính là người giúp tôi lục tìm trong văn khố ANOM những tư liệu quan trọng nhất cho cuốn sách của tôi. Cuốn sách của bà đang được dịch và dự kiến ra mắt độc giả Việt Nam vào cuối năm nay. 

Chúng tôi rất mong được đón Christele Dedebant tại Việt Nam vào dịp đó để cùng nhau giới thiệu về Guyane. Như thế những người tù tại Guyane "không còn bị lãng quên" như có lúc báo Tuổi Trẻ từng mong mỏi, và rồi tất cả đều được nhắc tới như một phần của lịch sử dân tộc.

(*) NXB Hội Nhà Văn, 505 trang, 190 trang in màu, 290 hình minh họa, 3 bản đồ cỡ lớn, một danh sách gần 1.000 tù nhân Guyane, với nhiều tư liệu lần đầu công bố về các chí sĩ yêu nước hồi đầu thế kỷ 20.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận