Khi "sổ liên lạc" thay bằng tin nhắn "bất chấp"

PHAN BẢO 20/11/2023 06:00 GMT+7

TTCT - Nhiều giáo viên đang rơi vào tình trạng "sức tàn lực kiệt" do thiếu giáo viên, lớp học quá đông và sự can thiệp quá mức của phụ huynh vào chuyện trường lớp của con cái họ.

Ngày xưa họa hoằn lắm mới có tương tác giữa phụ huynh và giáo viên. Khẩn cấp thì nhà trường gọi điện, còn thì gửi gắm qua sổ liên lạc. Ngày nay, công nghệ hỗ trợ giao tiếp mọi lúc mọi nơi, cộng với việc cha mẹ có xu hướng bảo bọc con quá mức, khiến các thầy cô phải đương đầu với không ít áp lực từ cách cư xử vượt giới hạn của phụ huynh.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Một nghiên cứu thực hiện trên một nhóm trường tiểu học có đa dạng phụ huynh thuộc nhiều tầng lớp kinh tế - xã hội ở Hawaii năm 2021 cho thấy trao đổi diễn ra trực tiếp khi phụ huynh đưa đón con hoặc tham gia các sự kiện ở trường mới là những dịp tương tác có hiệu quả tích cực và mang tính xây dựng nhất giữa giáo viên và phụ huynh. 

Những hình thức tương tác này hoàn toàn không thể thực hiện trong thời đại dịch và chỉ nhờ công nghệ nó mới có thể được duy trì. Vấn đề vì thế nằm ở chỗ sử dụng công nghệ đúng cách. Tiếc là mọi thứ không được như mơ.

Giới hạn bị lãng quên

Như nói thay tiếng lòng của những người làm nghề "gõ đầu trẻ", ngày 19-8, tờ The Atlantic chạy tít "Ngoại giao với phụ huynh đang trở nên quá sức đối với giáo viên". Tác giả bài viết, Sarah Chaves - giáo viên công lập tại thành phố Boston, bang Massachusetts - cho biết nhiều giáo viên ở Mỹ đang rơi vào tình trạng "sức tàn lực kiệt" do thiếu giáo viên, lớp học quá đông và sự can thiệp quá mức của phụ huynh vào chuyện trường lớp của con cái họ.

Chaves nhận định kỳ vọng về mức độ giao tiếp của giáo viên với phụ huynh đang ngày càng gia tăng, trong khi đó lớp học càng đông đồng nghĩa với việc càng nhiều phụ huynh có nhu cầu hỏi han tình hình con cái trong lớp. 

Kết quả một cuộc thăm dò các thành viên Hiệp hội Giáo dục Mỹ năm 2022 cho thấy một nửa giáo viên đang cân nhắc nghỉ việc sớm hơn dự định và gần như tất cả đều đồng tình rằng tình trạng lớp học quá đông đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Theo quan sát của Chaves, có thể nhận định đại dịch COVID-19 chính là lúc mức độ quan tâm của phụ huynh dâng cao và khả năng chịu đựng của giáo viên chạm ngưỡng giới hạn. Phụ huynh bắt đầu có nhiều thì giờ hơn để quan tâm đến chi phí họ phải bỏ ra cho sự nghiệp học hành của con và kết quả thu về. Họ dần muốn có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn hơn đối với những gì con họ được học và trải nghiệm.

Họ nêu ý kiến khắp mọi nơi, từ hệ thống cập nhật điểm số có tính năng cho phép phụ huynh và giáo viên trò chuyện với nhau, đến những phương thức liên lạc cơ bản ngày nay như gọi điện, nhắn tin hay chat qua mạng xã hội.

Bản thân cũng là một giáo viên, Chaves chia sẻ cô vui vì phụ huynh thoải mái đặt câu hỏi hơn trước đây, nhưng cũng nhận xét rằng dường như họ đang quên mất phép lịch sự và giới hạn giữa phụ huynh - giáo viên.

Đơn cử việc thông báo điểm, Chaves cho biết: "Phải để ý tránh đăng điểm trước giờ ngủ, bởi nếu làm vậy chỉ trong vòng vài phút, tôi sẽ nhận được cả tá email từ các bậc phụ huynh muốn thảo luận về điểm số của con họ, dù lúc đó đã khuya thế nào đi chăng nữa".

Ảnh: The Telegraph

Ảnh: The Telegraph

Góp ý… sau lưng

Dịch bệnh qua đi, trẻ quay lại trường, phụ huynh lại có thể gặp trực tiếp giáo viên nhưng những nhóm chat là nơi cập nhật tin tức trường lớp trong thời phong tỏa thì vẫn ở lại.

Dường như cảm thấy góp ý trực tiếp là chưa đủ, phụ huynh dùng những nhóm chat vắng mặt giáo viên này để bàn luận, đánh giá mỗi một quyết định, việc làm hay cách ứng xử của thầy cô. Bằng cách nào đó, giáo viên cuối cùng cũng nhận thức được sự tồn tại của những nhóm chat đó, và đương nhiên không khỏi bị ảnh hưởng bởi những lời bình luận sau lưng.

Tamsin Milledge, cây bút của trang tin phong cách sống chuyên dành cho phụ nữ Mamamia (Úc), đã tổng hợp một loạt cảm nhận của giáo viên về các nhóm WhatsApp chỉ dành cho phụ huynh như đã kể trên.

Tựu trung, các giáo viên được hỏi đều khá bức xúc - có người cho rằng các nhóm chat nói về giáo viên nhưng không có mặt thầy cô gây ra mệt mỏi, lo âu cho họ và các đồng nghiệp; có người tổn thương vì cha mẹ học sinh nói những điều khủng khiếp, những thứ "cả nghĩ người ta cũng không nên nghĩ tới, chứ đừng nói đến gõ ra".

Một giáo viên tâm tình: "Tôi nhận thấy mình đang phải cố "dập" nhiều cơn thịnh nộ hơn khi các bậc phụ huynh sử dụng nhóm WhatsApp để khơi dậy bất bình về những điều nhỏ nhặt mà lẽ ra họ có thể hỏi thẳng giáo viên".

Hậu quả là nhiều thầy cô mới "chân ướt chân ráo" vào nghề phải bỏ việc hoặc bị cho thôi dạy nếu có phụ huynh phàn nàn. Những ai còn trụ lại không khỏi lo lắng, phân vân về mọi quyết định của bản thân trong khi vừa phải gánh thêm khối lượng công việc gia tăng vừa dành thời gian làm dịu những căng thẳng cứ chợt bùng lên.

Học sinh Hàn Quốc làm bài kiểm tra. Ảnh: Chung Sung-Jun/REUTERS

Học sinh Hàn Quốc làm bài kiểm tra. Ảnh: Chung Sung-Jun/REUTERS

Cách Hàn Quốc bảo vệ giáo viên

Mới đây, Hàn Quốc buộc phải đưa ra động thái bảo vệ giáo viên sau khi một cô giáo tiểu học tự tử tại lớp vì bị phụ huynh học sinh khiếu nại, theo tờ Korea Times.

Văn phòng Giáo dục thủ đô Seoul ngày 19-9 tuyên bố sẽ đưa một chatbot (robot trò chuyện trực tuyến) vào trường học để thay giáo viên giải quyết các khiếu nại đơn giản, lặp đi lặp lại từ phụ huynh. Dịch vụ này được thí điểm hoạt động 24/7 vào tháng 12, sau đó áp dụng tại tất cả trường, từ tiểu học đến trung học ở thủ đô vào tháng 3-2024.

Những khiếu nại của phụ huynh sẽ được chuyển đến tổng đài của văn phòng giáo dục hoặc dịch vụ trò chuyện cá nhân. Những phụ huynh phát sinh vấn đề với trường của con sẽ được hướng dẫn liên lạc qua số điện thoại của trường để được giúp đỡ. Giáo viên không phải trực tiếp xử lý các vấn đề trên.

Ngoài ra, từ tháng 9 năm sau, phụ huynh muốn gặp trực tiếp giáo viên sẽ phải xin phép trước thông qua ứng dụng di động. Đến cuối năm 2024, tất cả trường tiểu học ở Seoul sẽ được lắp máy ghi âm điện thoại. Một hệ thống giám sát video cũng sẽ được đặt tại các phòng họp trong trường để bảo vệ giáo viên trước bất cứ hành vi tấn công bằng lời nói hoặc thể chất nào từ phụ huynh.

Chuyện giáo viên bị khiếu nại chỉ vì kỷ luật những học sinh vi phạm nội quy nhà trường khá phổ biến ở Hàn Quốc, theo báo New York Times. Ngay cả khi bị buộc tội sai, giáo viên có thể bị đình chỉ làm việc và phải tự bào chữa trước tòa.

Nỗi sợ phải đối mặt với những cáo buộc khiến giáo viên không dám phản ứng gì trước hành vi ngỗ ngược của học sinh. Các chuyên gia cho biết cuộc gọi và tin nhắn lăng mạ từ phụ huynh, kèm theo áp lực công việc, đã ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của nhiều giáo viên.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, từ năm 2018 đến tháng 6 năm nay đã có khoảng 100 giáo viên ở các trường công tự tử, trong đó hơn một nửa là giáo viên tiểu học. Số lượng giáo viên nghỉ việc trường công cũng đạt mức cao kỷ lục hơn 12.000 người trong năm qua, tăng 12% so với năm trước.

Phụ huynh không chỉ quấy rầy giáo viên mà còn tự làm phiền nhau qua những nhóm chat họ lập nên với mục đích trao đổi và cập nhật tin tức về trường lớp của con.

Ngòi bút, cựu giáo viên và cũng là người mẹ có con đang tuổi đến trường Shona Hendley của báo Sydney Morning Herald đã phải khẩn khoản kêu cứu trong bài viết bóc mẽ mặt xấu của những nhóm chat WhatsApp dành cho phụ huynh đăng hồi tháng 8.

Theo Hendley, trong khi một số phụ huynh tôn trọng mục đích ban đầu của nhóm chat, nhiều cha mẹ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc về tất cả mọi thứ có liên quan lẫn không liên quan đến trường lớp và việc học của con. Họ thể hiện ý kiến về mọi đối tượng - từ ban giám hiệu, giáo viên cho đến nhân viên chăm sóc vườn trường, và tệ hơn là "chĩa mũi dùi" vào một số học sinh nhất định.

Nhiều người còn thản nhiên bàn luận những khía cạnh hết sức cá nhân của giáo viên như kiểu tóc, trang phục hay ngoại hình nói chung; sau đó thay nhau "thả" những biểu tượng cảm xúc hài hước như thể thanh minh rằng họ chỉ đùa vô thưởng vô phạt, không có ý làm tổn thương ai.

Tình hình trong nhóm chat phụ huynh của Hendley tệ đến nỗi cô cảm giác như: "Có vẻ lựa chọn duy nhất còn lại là tắt chuông báo tin nhắn". Sự phiền toái này khiến cô thiếu thiện cảm với nhiều phụ huynh khác.

Tuy nhiên, cũng không ít giáo viên và phụ huynh chia sẻ với tác giả Milledge của Mamamia rằng họ đánh giá cao một số lợi ích của những nhóm chat này. Theo họ, trong các nhóm cũng có rất nhiều chia sẻ cởi mở, chân tình, những cử chỉ tử tế, đồng cảm và không thiếu hỗ trợ giữa phụ huynh với nhau. Đối với những người lần đầu làm cha mẹ, nhóm WhatsApp là nơi tuyệt vời để làm rõ hoặc xác nhận thông tin học tập của con thay vì làm phiền nhà trường, lý tưởng nhất là giúp giáo viên khỏi phải trả lời nhiều email cho cùng một câu hỏi.

Cũng có ý kiến cho rằng nhóm văn minh hay phiền phức cũng hên xui, vì mỗi năm con trẻ mỗi đổi lớp. Dù sao đi nữa, nếu lỡ là thành viên của các nhóm chat có dấu hiệu đi chệch hướng, bản thân mỗi thành viên hãy ghi nhớ những gì ta thường dạy con trẻ: "Nếu không có điều gì tử tế để nói thì đừng nói gì cả".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận