Khoảnh khắc sự thật ở Munich

DUY VĂN 25/02/2017 18:02 GMT+7

(TTCT) Hội nghị an ninh thường niên Munich (MSC) khai mạc ở Đức (từ 17 đến 19-2-2017) đã được một số nhà bình luận ví như một “Hội nghị Yalta 2”. Nhưng liệu thế giới có tìm được sự khoan nhượng khôn ngoan như ở Yalta 1945?

Ảnh chế trên The New York Times, hình dung một cục diện
Ảnh chế trên The New York Times, hình dung một cục diện "Yalta mới" (2017) từ khoảnh khắc lịch sử của Yalta 1945. Với "yalta 2017" các nguyên thủ Tập Cận Bình, V. Putin, D. Trump, theo nhận định của New York Times, "chỉ quan tâm tới quyền lực của mình". (http://www.gettyimages.com/license/2642765)


Nhiều sự kiện trước và trong MSC 2017 khiến người ta liên tưởng đến Yalta 1945. Hội nghị ở Munich diễn ra sau cuộc đàm phán kịch tính của “bộ ba” Nga - Pháp - Đức tại Matxcơva về Ukraine.

Về thời điểm, MSC 2017 đến gần như cùng thời điểm với cuộc gặp lịch sử Liên Xô - Mỹ - Anh ở Yalta từ ngày 4 đến 11-2-1945, hình thành cục diện thế giới sau Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, “Yalta 2017” diễn ra trong một bối cảnh thế giới đang chia rẽ trầm trọng, thậm chí còn hơn 72 năm trước, với các vấn đề về những khoảng trống an ninh quốc tế, xung đột ở Ukraine, “cuộc chiến ủy nhiệm Syria” và cả sự nổi lên của Trung Quốc.

“Trục sợ hãi”

Báo cáo dài 90 trang của MSC 2017 đề ngày 17-2 đưa ra tầm nhìn về những thách thức và đe dọa với thế giới hiện đại có tựa đề khá bí hiểm “Hậu sự thật, hậu phương Tây, hậu trật tự?” (Post-Truth, Post-West, Post-Order).

Những dẫn chứng, số liệu mà báo cáo đưa ra cho thấy thế giới 72 năm sau Yalta 1945 đã không an ninh và ổn định hơn: các hệ thống vũ khí chính được triển khai nhiều hơn cả ở châu Âu và Mỹ; ngân sách quốc phòng vẫn tăng đều đặn trong những năm gần đây ở châu Âu; triển vọng giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine và Syria vẫn còn xa vời...

Về mặt ý thức hệ, báo cáo dẫn nhiều nguồn cho rằng “số lượng gia tăng người dân trong các nền dân chủ tin vào các giải pháp độc tài cho thấy sự suy giảm của tự do trên toàn thế giới”, đồng thời nêu đích danh Nga và Trung Quốc đã “mở rộng sự hiện diện toàn cầu của các định chế văn hóa được nhà nước tài trợ”.

Về quân sự, báo cáo chỉ ra năng lực tên lửa của Nga ở Kaliningrad và năng lực đang được mở rộng của hải quân Trung Quốc, đặt cạnh cái nhìn tổng quan về sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tình hình thế giới hiện nay, theo báo cáo, là “địa chính trị suy thoái”, khi các chính phủ đặt trọng tâm vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy, đang hình thành nên “trục sợ hãi”.

Đặc biệt gây lo ngại, báo cáo không ngần ngại nêu tên Hoa Kỳ, mà “dưới thời tân Tổng thống Trump sẽ bắt đầu rời khỏi hệ thống an ninh quốc tế để thông qua những quyết định đơn phương, không tính đến các ý kiến đồng minh NATO”, còn trong kinh tế “trượt vào chủ nghĩa bảo hộ”.

Theo những gì báo cáo nêu ra, quan hệ đồng minh Hoa Kỳ - châu Âu đã lâm vào khủng hoảng. Trong khi đó, quan hệ giữa Brussels với Matxcơva - với “ngòi nổ Ukraine” - chỉ có thể thêm căng thẳng khi báo cáo khẳng định các hoạt động của Nga trên chính trường thế giới “hầu hết là phá hoại”.

Ở Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, như một cách đáp lại bản báo cáo, đã mở đầu bài phát biểu với việc nhắc lại diễn ngôn nổi tiếng của Tổng thống Nga Vladimir Putin 10 năm trước cũng tại Munich, bài phát biểu được cho là bộc lộ sự bất bình của Nga với trật tự đơn cực của thế giới.

Ông Lavrov cho rằng những gì ông Putin nói một thập niên trước không phải để “thách thức” ai, mà chỉ đưa ra “nhận định chung về các vấn đề toàn cầu và thảo ra những quyết định tập thể, tuy nhiên những cảnh báo đưa ra khi đó về những hậu quả khốc hại của các mưu toan ngáng trở việc hình thành thế giới đa trung tâm, tiếc thay, đã trở thành hiện thực”.

Ông Lavrov khẳng định Nga muốn thấy một “châu Âu mạnh” (hàm ý một châu Âu độc lập hơn với Mỹ), nhưng khẳng định Nga không tháo dỡ chính sách cấm vận đối với thực phẩm châu Âu cho đến khi thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết xung đột ở Donbass được thực hiện.

Tràng vỗ tay thưa thớt

Phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại MSC 2017 có vẻ không đáp ứng được sự nóng ruột của cộng đồng quốc tế muốn hiểu rõ chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

Ông Pence đã vừa đấm: “Nga có trách nhiệm trước việc thực hiện thỏa thuận Minsk”, vừa xoa: “Hoa Kỳ đang tìm kiếm “những điểm chung” với Matxcơva”.

Với châu Âu cũng thế, ông Pence an ủi: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ NATO và kiên định trong các cam kết xuyên Đại Tây Dương”, nhưng lại cảnh báo châu Âu cần: “Tăng chi phí quân sự trong một thế giới nguy hiểm”.

Từ vị thế “đá bao sân” trong ván cờ địa chính trị toàn cầu, Washington dưới thời Trump có vẻ đang yêu cầu một quan hệ “bánh ít đi, bánh quy lại” với đồng minh châu Âu. Tường thuật của New York Times bình luận chỉ một câu về phản ứng của MSC 2017 trước phát biểu của Pence: “Tràng vỗ tay cho phát biểu của Pence thật thưa thớt”.

Chủ tịch MSC, cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger, coi như đưa ra một cái nhìn trung lập hơn ở vị thế “trên đe dưới búa” của châu Âu hiện giờ: “Môi trường an ninh quốc tế hiện nay đang dễ tổn thương hơn bất cứ thời điểm nào kể từ Thế chiến thứ hai.

Một số trục nền tảng của phương Tây và trật tự quốc tế tự do đang suy yếu”, và ông gọi thời điểm hiện nay là “khoảnh khắc phi tự do” (illiberal moment), khi “không tay chơi phương Tây nào định hình được những vấn đề quốc tế hiện nay”.

Liệu có đúng như lời khẳng định của ông Putin 10 năm trước rằng trật tự thế giới đơn cực đang sụp đổ? Liệu thế đa cực mới có hình thành sau MSC 2017?

Ở Yalta 1945, những cường quốc thắng trận đã cùng nhau vạch ra một công thức cùng tồn tại, ngăn ngừa một cuộc thế chiến nữa. Còn Munich 2017 có vẻ nhân tâm đang tản mát hơn bao giờ hết, tới nỗi thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel phải cất lời ai oán: “Liệu chúng ta có thể tiếp tục làm việc cùng nhau hay tất cả sẽ quay trở về với cá nhân?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận