Khói bếp trong lòng phố

TRÂM OANH 09/07/2016 20:07 GMT+7

TTCT - Phố trung tâm mà đất đai của gia đình ông rộng đến mấy trăm mét vuông, mình vẫn hay gọi đùa ông chủ khu đất là “ông địa chủ già”.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


 “Địa chủ” là hàng xóm của mình. Trong khu đất rộng lớn, hai căn nhà đồ sộ, lộng lẫy đã mọc lên hai bên, duy nhất ở chính giữa vẫn còn căn nhà be bé, cảm giác đã liêu xiêu, mái ngói cũ nát rêu phong làm sân giao lưu cho lũ mèo cả xóm. Nghe đâu nhà này cất hồi chưa giải phóng mà theo lời “ông địa chủ” thì “thời ấy cất được nhà tường vầy là dữ lắm rồi!”.

“Ông địa chủ già” biết nhà mình cũ nát, nhiều nguy cơ khi mưa to gió lớn nhưng cứ nấn ná mãi. Lý do thì nhiều vô kể kiểu như chốn kỷ niệm, nơi lũ nhỏ được sinh ra, nhà xấu phù hợp với người già vì đỡ phải leo cầu thang hay lau chùi cọ rửa.

Nhưng mình thấy có lý nhất, thuyết phục nhất là còn nhà thì còn căn bếp. Góc bếp của “ông địa chủ” be bé và còn quê hơn cả quê mà mỗi khi bước vào lại thấy mình không còn ở phố. Một tấm đan rộng gánh trên đó mấy bếp lò đắp bằng đất, cây kẹp than, một đám xoong nồi, ấm nấu nước cái đen cái trắng, mớ vỉ lót nồi đủ kích cỡ đen đúa và cũ kỹ, vài cái rế tre.

Dưới tấm đan chất đầy những thứ có thể đốt cháy được: mớ củi nhà ai đó thải ra khi sửa nhà, thay bàn ghế cũ hay dỡ hàng rào; một ít củi vớt lên từ bến sông; nhiều nhất là những bó củi cành “ông địa chủ” thu gom mỗi khi nhân viên cây xanh tỉa cành, cắt nhánh hàng cây trên đường phố.

Cũng như “ông địa chủ”, mình sinh ra ở nông thôn, bố mẹ mình là nông dân nên mình mê gian bếp đến lạ lùng. Ngày ba lần hoặc hơn thế nữa, khói bếp len lỏi qua những lớp ngói, là là, ngoằn ngoèo bay lên. Những ngày không nắng hay những ngày mưa, khói bếp càng rõ hơn, vừa ra khỏi mái ngói là lơ lửng, uốn éo tạo hình rồi cứ chần chừ trên mái mãi.

Mà khói ở phố bây giờ thiếu gì, nhưng khói này là khói bếp. Nó không cuồn cuộn, hừng hực như khói nhà máy hay mấy lò sản xuất; không xô bồ xô bộn, tràn lan hung hãn như khói mấy quán nhậu vỉa hè. Chỉ nhìn khói bếp là mình nhớ quê và như ngửi thấy đủ thứ mùi vị từ bình dân đến sơn hào hải vị rồi thèm.

Cũng có khi củi kiếm được nhiều quá, “ông địa chủ” xung phong nấu nước, luộc khoai cho cả khu phố. Người ta mang bình thủy đến xếp thành hàng để được ông châm nước sôi, vui vẻ và rộn ràng như đi phá kho thóc của Nhật. Vậy nên người của phố đi đâu, làm gì cũng quan tâm “bồi bổ” cho đống củi trong gian bếp của “ông địa chủ già”.

Công bằng mà nói, chẳng biết có đến mức ảnh hưởng mỹ quan đô thị hay không nhưng căn nhà cũ và gian bếp ít nhiều ảnh hưởng đến nét lộng lẫy, kiêu sa của mấy căn nhà trong cùng khu đất. Như thể một cô gái nhìn rất đẹp và hiện đại nhưng vẫn khăng khăng đội cái khăn mỏ quạ hay chiếc khăn rằn để buộc mọi người phải thấy nguồn gốc của mình là gái quê.

Nghe nói con của “ông địa chủ” cũng đã thuyết phục rồi kiên quyết đòi đập căn nhà có gian bếp đến n lần nhưng... nó chưa tự sập thì cứ để đó, cứ còn “ông địa chủ”, còn những người mê khói như mình thì còn căn bếp.

Và để mình mỗi ngày qua lại được nhìn khói bếp bay lên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận