Không ai là một hòn đảo

NGUYỄN THU QUỲNH 02/08/2019 21:08 GMT+7

TTCT - Dù đang vội vã chuyển chuyến ở sân bay Matxcơva, khi thấy một cô bán hàng thời trang nhoẻn cười cố gắng “ní hảo” có chút ngọng nghịu để mời mua hàng, như một phản xạ, không muốn nhận mình là người Tàu, tôi phải cố ngoái lại, “không, tôi không phải người Hoa”, rồi lại đi nhanh hết cỡ.

Người di cư rời một con tàu cá để lên đảo Lesbos, Hi Lạp. Loài người đã di cư và sống xen lẫn từ rất lâu trước khi xuất hiện các biên giới quốc gia - nhà nước. Ảnh: For Zuma Press
Người di cư rời một con tàu cá để lên đảo Lesbos, Hi Lạp. Loài người đã di cư và sống xen lẫn từ rất lâu trước khi xuất hiện các biên giới quốc gia - nhà nước. Ảnh: For Zuma Press

Lần nọ, đang ngơ ngác giữa một con phố Pattaya đông đúc, đèn đỏ vàng nhấp nháy liên hồi để tìm mua mấy thứ đặc trưng của thành phố biển sôi động mang về làm quà, một chủ gian hàng cố sức mời tôi mua mấy món bằng một tràng tiếng Hoa.

Khi tôi cất tiếng rằng mình đến từ Việt Nam, ông ta cười giải thích: “Tại vì tôi thấy da cô trắng, mặt tròn, giống người Trung Quốc”. Một giây vô thức, tôi không thích bị so sánh chút nào.

Nhiều người Việt ra nước ngoài vẫn bị nhầm như vậy, có lẽ phổ biến nhất là bị nhầm với người Hoa. Lúc ấy, có thể chúng ta muốn nhìn vào gương và tự hỏi, về mặt nhân trắc học, mình có những đặc thù riêng nào so với các tộc người khác? Chẳng hạn ở những điểm dễ nhận biết như màu da, mái tóc, mí mắt?

Những câu hỏi xuất hiện chỉ một giây với tâm lý bài ngoại trong vô thức đó, thực ra liên quan tới một cuộc thảo luận trong giới nghiên cứu lịch sử, dân tộc học ở Việt Nam mấy chục năm qua. Việc nghiên cứu xác định đặc trưng tộc người, nguồn gốc, lịch sử tộc người luôn được đặt ra, dù nghiên cứu bất kỳ tộc người nào, chẳng cứ là người Việt.

Nhưng trong đó, nghiên cứu nguồn gốc người Kinh (Việt) được thảo luận sôi nổi nhất ở Việt Nam, bởi một điều dễ hiểu: tộc Kinh chiếm hơn 86% dân số và các nhà nghiên cứu, trí thức, tinh hoa ở Việt Nam chủ yếu là người Kinh.

Vì thế, dễ hiểu khi một nghiên cứu gần đây được công bố về nguồn gốc của người Việt, với khẳng định: “Gene người Việt khác rất nhiều gene người Trung Quốc. Điều này chứng minh dù bị đô hộ hàng nghìn năm, dân tộc mình không những giữ được ngôn ngữ riêng, mà cả bộ gene.

Đó là một sự sống vô cùng mãnh liệt của người Việt” của chủ nhiệm đề tài khiến chúng ta cảm thấy hân hoan. Đọc toàn văn công bố này cũng thấy những nhận định chừng mực hơn khi nhóm nghiên cứu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng với y học và không khẳng định nguồn gốc người Việt đến từ đâu, ngoài việc có nói tới sự khác biệt trong đặc điểm bộ gene người Kinh và người Hán, những nét tương đồng giữa người Kinh với người Thái, củng cố nhận định người Kinh thuộc nhóm người cổ đại di cư từ châu Phi tới Đông Nam Á… (còn về độ tin cậy, phương pháp phân tích… có lẽ phải chờ các nhà nghiên cứu tin sinh học (bioinformatics) trao đổi).

Trong khi đó, phần lớn công chúng biết đến thông tin về “nguồn gốc người Việt”, những “đặc điểm riêng biệt”, “sức sống mãnh liệt” và không bị đồng hóa của bộ gene Việt là qua những gì nhóm nghiên cứu cung cấp cho truyền thông chứ không mấy người tiếp cận được toàn văn nghiên cứu gốc.

Không có một tộc người “hóa thạch”

Tuy nhiên, mong muốn tràn đầy xúc cảm khó mà tỉ lệ thuận với khả năng chỉ ra sự khác biệt, thuần khiết của gene Việt. Ở thời điểm hiện tại, người Kinh có tỉ lệ di cư cao nhất cả nước, vào khoảng 15,4%, theo Viện Nghiên cứu phát triển Mekong.

Thêm nữa, lấy ranh giới và tiêu chuẩn nào để tìm kiếm một bộ gene Việt - hay bất kỳ tộc người nào - thuần chủng, khi mà tình trạng xen cư và hôn nhân giữa các tộc người đã phổ biến với mọi tộc người, mọi vùng, ngay cả các vùng được coi là hẻo lánh nhất.

Các khảo sát tộc người thiểu số ở Việt Nam hiện nay hoặc từ năm 1978 đều cho thấy không còn một dân tộc nào sống trong điều kiện tĩnh tại và cô lập nữa.

Ngay cả với niềm tin mãnh liệt là ở Hà Nội vẫn còn các gia đình “Hà Nội gốc” thì lấy gì để khẳng định những người có 3-4 đời, thậm chí cả chục đời (với điều kiện cũng chỉ “nội hôn” với những gia đình “Hà Nội gốc” khác) là thuần Việt?

Nếu niềm tin đó đứng vững thì đồng nghĩa với việc bác bỏ một thực tế lịch sử: Hà Nội đã là điểm đến, là nơi giao thoa văn hóa, chính trị, kinh tế từ hàng nghìn năm nay, và là một đô thị đa sắc tộc ít ra là từ hàng trăm năm trước (xin xem đơn cử: Nguyễn Văn Chính, “Cấu trúc và giải cấu trúc bản sắc Hà Nội”, in trong Khoa lịch sử: Một chặng đường nghiên cứu (2006-2011), Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội 2011, trang 163-19).

Nhìn tiếp về thời đại dựng nước, trên thực tế, những chủ nhân người Việt cổ đầu tiên ở Hà Nội không phải là tổ tiên một thiểu số những gia đình “truyền thống phố cổ” hay một tộc người duy nhất là người Kinh.

Trần Quốc Vượng chỉ ra An Dương Vương Thục Phán, ông chủ thành Cổ Loa, thực ra có tên “Tuk Phắn, một ý niệm Tày - Việt cổ, chỉ người thủ lĩnh đi mở đất mở mường” (Trần Quốc Vượng, Hà Nội như tôi hiểu). Vùng Hà Nội cổ trở thành nơi hội tụ và giao thoa tộc người, văn hóa, ngôn ngữ với nhịp điệu ngày càng nhanh và mạnh.

Từ hai thiên niên kỷ trước Công nguyên (từ các nền văn hóa khảo cổ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun), nơi đây đã là điểm giao thoa của ba dòng ngữ hệ chủ lưu: Môn - Khơ-me cổ (từ tây nam lên, tây bắc xuống); Tày - Thái cổ (từ bắc, tây, đông) và Mã Lai cổ (từ biển ngược sông lên).

Sự giao thoa đã đi sâu vào cơ tầng văn hóa. Về mặt ngôn ngữ học, cơ chế Tày - Thái trong tiếng Việt đã được Phạm Đức Dương chỉ ra (Phạm Đức Dương, Việt Nam - Đông Nam Á: Ngôn ngữ và văn hóa, phần 3: Việt Nam - một Đông Nam Á thu nhỏ, Nhà xuất bản Giáo dục, 2007).

Nhìn vào đấy ta có thể hiểu được từ nguyên của nhiều từ tưởng như vô nghĩa (ví dụ “” trong “chó má”, “giả” trong “cỏ giả”, “pheo” trong “tre pheo”… đều đến từ ngôn ngữ Tày - Thái và có ý nghĩa tương đương từ đứng trước). Cứ liệu ngôn ngữ chỉ ra rằng tiếng Mường đã bảo lưu được nhiều yếu tố của ngôn ngữ Việt - Mường chung, trong khi đó tiếng Việt sau này tiếp xúc với tiếng Hán nên có nhiều biến đổi.

Suốt thiên niên kỷ thứ nhất, dưới chính sách thống trị và đồng hóa của người Hán, một bộ phận lớn cư dân Việt - Mường ở Kinh Bắc và đồng bằng (vùng Kẻ Chợ) vay mượn yếu tố Hán vào tiếng Việt ở mức độ cao (hiện nay từ Hán Việt chiếm khoảng 60% từ vựng tiếng Việt).

Những vùng đất ngày nay là nơi tập trung sinh tụ chỉ của người Kinh từng là nơi tụ họp của nhiều luồng văn hóa, dân cư từ một lịch sử chưa xa. Việc chỉ ra đóng góp của cư dân Tày - Thái cổ vào quá trình hình thành và phát triển nền văn minh Đông Sơn (chẳng hạn, Hoàng Lương, Sự đóng góp của cư dân Tày - Thái cổ vào quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh Đông Sơn) khiến ta vỡ lẽ, đâu chỉ thời đại ngày nay người Kinh và các tộc người khác mới có sự giao thoa văn hóa, lịch sử.

Quả thực, “rất hiếm có các tộc người thuần nhất về mặt thể chất, nghĩa là các thành viên của chúng có những tính chất gần gũi nhau - đây chủ yếu là trường hợp của một số tộc người thiểu số sống biệt lập lâu ngày” (R. Breton, “Các tộc người”, in trong Tộc người và xung đột tộc người trên thế giới hiện nay, Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2001).

Người Kinh cũng không ngoại lệ, họ không thể ở trong tình trạng “hóa thạch”, mà trái lại đã được chứng minh là có khả năng giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa, tộc người khác một cách mạnh mẽ suốt chiều dài lịch sử. Hôn nhân xuyên tộc người, xuyên biên giới cũng không là sản phẩm độc quyền của kỷ nguyên hiện đại.

 

 

Dung hợp trong tư duy và nhận thức

Lịch sử di cư và lịch sử di truyền của một tộc người rất phức tạp và đa dạng, do vậy việc giới cổ nhân học, khảo cổ học, lịch sử, nhà tin sinh học, di truyền học… phối hợp để trả lời những câu hỏi được thảo luận nhiều như ở trên là rất cần thiết.

Những năm gần đây, nhiều dự án đồ sộ trên thế giới đã có sự tham gia của các nhà khoa học liên ngành, nhưng ở Việt Nam dường như chưa có nhiều nghiên cứu chung như vậy, ngoài một hai nghiên cứu về người cổ ở Đông Nam Á do một số nhà khoa học nước ngoài làm trưởng nhóm, có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu Việt Nam.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này cũng không trả lời câu hỏi người Việt từ đâu tới, mà chỉ đưa ra được bằng chứng về một bối cảnh giao lưu giữa các dòng di cư trong khu vực Đông Nam Á thời cổ đại, vốn là một vùng đất sôi động và đa dạng thành phần các nhóm người cổ.

Nhu cầu tìm nguồn gốc tộc người Việt vẫn là một thực tế không thể bỏ qua - điều thật ra đúng với gần như mọi tộc người. Không ai lại không muốn tìm hiểu lịch sử nguồn gốc gia đình, dòng họ, tộc người của mình và không dành cho những niềm tin đó một tình cảm thiêng liêng.

Các huyền thoại, truyền thuyết sự khai sinh ở mỗi tộc người đều hướng tới việc giải thích nguồn gốc đó, không chỉ là tư liệu cho giới nghiên cứu mà còn giúp cá nhân tự hào khi nhắc tới, đi vào tâm thức mỗi người từ những trải nghiệm ấu thơ.

Ý thức tộc người vẫn là yếu tố quan trọng kết nối cộng đồng người Việt, không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài, góp phần tạo nên lòng yêu nước.

Bởi thế, dòng tranh luận và tìm kiếm, xác định nguồn gốc dân tộc vẫn chảy, dù sôi động ồn ào hay lặng lẽ, không chỉ trong giới khoa học chuyên nghiệp mà cả trong giới nghiệp dư và trên truyền thông.

Đồng thời, đó cũng là một trong những lĩnh vực khoa học thường xuyên nhất bị ảnh hưởng bởi tính chính trị, bị ám ảnh bởi lòng tự tôn dân tộc. Trên thực tế, không nhất thiết phải chứng minh được nguồn gốc thuần khiết, một bản sắc riêng có thì mới tạo nên được tình cảm, sự cố kết, tình yêu dân tộc, đất nước.

Bản sắc không còn là một khái niệm bất di bất dịch, mà có thể được xây đắp và cấu trúc lại. Cộng đồng tộc người cũng là một quá trình kiến tạo và được kiến tạo, một cộng đồng tưởng tượng, mà ở đó, niềm tin, ý thức tộc người là điều thực sự có ý nghĩa cố kết.

Sự linh hoạt trong việc xác định “biên giới mềm” như vậy không chỉ có ý nghĩa nhân văn, tôn trọng sự đa dạng và hài hòa trong một quốc gia đa tộc người, mà còn hữu ích và dung nạp hơn là đóng cứng vào một khuôn thuần chủng.

Chưa kể việc cố bám víu lấy quan điểm vị chủng có thể dẫn tới những hệ lụy như bài xích các nền văn hóa, tộc người khác, điều từng gây ra không ít bi kịch ở tầm thế giới. Ranh giới giữa yêu thương, tự tôn tộc người mình với chủ nghĩa dân tộc cực đoan rất mong manh. Chạm vào cảm xúc thì dễ được nhìn nhận, chào đón, nhưng cũng dễ dẫn tới những hiểu lầm không đáng có. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận