TTCT - Hệ thống cung ứng lương thực toàn cầu đang suy yếu do tác động của nhiều yếu tố kết hợp lại: đại dịch Covid-19 kéo dài, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, thiếu hụt xăng dầu làm giá cả tăng vọt, và cuộc chiến làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Chỉ tính riêng lúa mì, giá đã tăng đến 53% kể từ đầu năm tới nay, riêng ngày 16-5 tăng thêm 6% sau khi Ấn Độ tuyên bố ngưng xuất khẩu lúa mì vì nước này đang gánh chịu những đợt nắng nóng kỷ lục. Không lẽ nhân loại sắp phải đối diện với nạn đói ngay trong thế kỷ 21 này? Tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu không lẽ sẽ kéo dài nhiều năm như cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres? 1,6 tỉ người thiếu ănTrước mắt, theo tờ The Economist, giá lương thực tăng đã làm số lượng người không đủ ăn tăng thêm 440 triệu, lên mức 1,6 tỉ người, trong đó có 250 triệu người đang ở ngưỡng đói gay gắt. Ảnh: Foreign PolicyNếu chiến tranh vẫn tiếp diễn, nguồn cung lúa mì từ Ukraine và Nga bị đứt gãy, sẽ có thêm hàng trăm triệu người rơi vào chỗ đói kém; bất ổn chính trị sẽ bùng phát; trẻ em sẽ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng lên nhiều thế hệ sau này.Nguyên nhân trực tiếp đầu tiên là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine - hai nước này từng cung ứng đến 28% lượng lúa mì thương phẩm của thế giới. Tỉ lệ này là 29% đối với lúa mạch, 15% với bắp và 75% với dầu hướng dương. Nhiều nước phụ thuộc vào lượng lương thực nhập khẩu từ Nga và Ukraine như Lebanon và Tunisia nhập đến một nửa bột ngũ cốc; với Libya và Ai Cập, mức độ phụ thuộc còn cao hơn, đến hai phần ba. Xuất khẩu lương thực của Ukraine cung cấp calorie cho 400 triệu người. Cuộc chiến đã làm gián đoạn nguồn cung này.Tình hình xem ra sẽ càng căng thẳng hơn vì Ukraine đã sử dụng nước làm ngập nhiều cánh đồng để chặn các đợt tấn công của Nga, ngược lại Nga đang phong tỏa cảng Odessa, làm 25 triệu tấn lúa mì và bắp vẫn mắc kẹt tại Ukraine không xuất đi được. Các kho chứa tại Ukraine vẫn còn đầy bắp và lúa mạch nên vụ mùa tới nông dân sẽ không biết trữ hàng ở đâu. Vụ mùa sau đó sẽ gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhiên liệu và nhân lực. Xuất khẩu lương thực không bị hạn chế bởi lệnh cấm vận, nhưng giao thương giữa Nga với các nước gặp nhiều khó khăn hơn trước. Nga cũng đang thiếu thuốc trừ sâu, còn hạt giống phải nhập khẩu.Nguyên nhân thứ nhì là thời tiết cực đoan ở nhiều nơi, nên ngay trước khi cuộc chiến xảy ra, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã cảnh báo năm 2022 sẽ là năm thất bát. Trung Quốc, nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới, cho biết mưa làm vụ gieo trồng năm ngoái bị trễ nên vụ mùa năm nay sẽ thất thu. Tại Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ nhì thế giới, các đợt nắng nóng kinh khủng làm mất mùa. Hạn hán cũng làm sản lượng lúa mì giảm sút ở những nơi khác - từ các vùng trồng lúa mì rộng mênh mông ở Mỹ đến các cánh đồng lúa mì ở Pháp. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo vụ mùa sắp tới sẽ giảm 21% so với năm trước. Hạn hán đang gay gắt nhất trong bốn thập niên gần đây ở vùng Đông Bắc Phi.Ngoài ra, đại dịch Covid-19 làm các hoạt động vận chuyển lương thực toàn cầu bị gián đoạn: giá cước tăng vọt. Giá dầu thô, khí đốt tăng mạnh kéo theo thiếu hụt phân bón mà nguyên liệu dựa vào dầu thô hay khí đốt, càng ảnh hưởng đến năng suất lương thực toàn cầu. Cho dù giá lương thực tăng cũng không bù đắp nổi giá đầu vào tăng, nên nông dân không có động lực tăng sản lượng. Nếu nông dân tiết kiệm phân bón để giảm chi phí, tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ càng thêm gay gắt.Kẻ ăn không hết…Cũng như thời gian đầu xảy ra đại dịch Covid-19, nay khi tình trạng thiếu hụt lương thực ngày càng rõ nét, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế, thậm chí cấm xuất khẩu. Tính đến nay đã có 26 nước từ Kazakhstan đến Kuwait công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực để lo cho người dân nước họ trước hay chờ giá lên thêm. Ấn Độ thì cấm xuất khẩu lúa mì, trừ một số trường hợp đặc biệt; Malaysia cấm xuất khẩu gia cầm; nhiều nước khác hạn chế xuất khẩu phân bón. Nếu giao thương ngừng trệ, nạn đói ắt sẽ xảy ra. Theo nhiều ước tính, đến bốn phần năm dân số thế giới sống ở những nước phải nhập khẩu lương thực.Nhìn tổng quát, lượng lương thực thế giới sản xuất được là đủ nuôi nhân loại, nhưng ở nhiều nước, lúa mì, bắp dần hư hỏng trong kho chứa, trong khi ở nhiều nước khác, người dân đang thiếu ăn. Ngoài những lý do nói trên còn thêm chuyện nhiều nước sử dụng ngũ cốc làm nhiên liệu sinh học - tính ra đến 10% ngũ cốc được dùng cho việc này, cộng thêm 18% dầu thực vật cũng chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học, đủ nuôi đến 1,9 tỉ người.Nếu các nước chấm dứt cách làm này hay giảm bớt yêu cầu trộn nhiên liệu sinh học vào xăng như Phần Lan hay Croatia, cũng dư ra được một lượng lương thực nhất định dành cho các nước đang thiếu. Nghịch lý là do giá xăng tăng mạnh, các nước châu Âu, Mỹ và Brazil càng có động lực dùng lương thực để sản xuất xăng sinh học. Đối chiếu với cảnh thiếu đói ở nhiều nơi, phải nói đây là một tội ác!Một lượng lớn lương thực khác dùng cho ngành chăn nuôi, nếu cân đối kỹ cũng giảm bớt nạn đói ở các vùng thiếu lương thực gay gắt. Năm ngoái chỉ riêng Trung Quốc đã nhập đến 28 triệu tấn bắp để nuôi heo, còn nhiều hơn lượng xuất khẩu hằng năm của Ukraine. Đến 40% lúa mì do châu Âu sản xuất là để chăn nuôi; một phần ba bắp do Mỹ trồng là để cho gia súc ăn. Nhưng giảm tiêu thụ lương thực ở ngành này sẽ dẫn đến giá thịt tăng vọt, tạo ra một gánh nặng khác.Nạn đói thường xảy ra do hai nguyên nhân: thiếu lương thực và thiếu tiền để mua lương thực; nguyên nhân thứ nhì phổ biến hơn nguyên nhân thứ nhất và cũng khó giải quyết hơn. Giả thử các nước thiếu đói giàu hơn, đủ tiền để nâng giá mua lương thực, có lẽ nhiều nước sẽ tạm thời không dùng lương thực để chế biến xăng dầu sinh học; giảm dùng lương thực cho gia súc ăn; chuyển ngay các chuỗi cung ứng trước đây dựa vào nguồn cung từ Ukraine sang các nước khác… Khốn nỗi họ vừa thiếu lương thực vừa thiếu tiền, nên không thể tạo ra động lực cho nền kinh tế thị trường chuyển động theo ý họ. ■Không như vùng Đông Á, hiện đang nhập nhiều lúa mì từ vùng Biển Đen nhưng có thể dễ dàng chuyển sang loại lương thực khác như lúa gạo, việc chuyển đổi với các nước vùng Vịnh và Bắc Phi là không dễ dàng. Giao thương lúa mì lại không như các nông sản khác; hầu như các nước nhập khẩu xây dựng mối quan hệ trực tiếp với nước xuất khẩu qua những kênh giao dịch song phương mà trong một sớm một chiều khó lòng chuyển sang thị trường khác. Theo Tổ chức Lương nông (FAO), gần 50 nước phụ thuộc vào Nga, Ukraine hay cả hai để nhập đến 30% lúa mì; trong đó có 26 nước phụ thuộc đến trên 50%. Chính WFP, vốn đang cung cấp lương thực cho hơn 115 triệu người nghèo khó, năm ngoái đã mua đến 50% lượng lúa mì họ cần từ Ukraine. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Lạm phát kéo dài: những hệ lụy kinh tế & dân sinh Tiếp theo Tags: Lạm phátThiếu ănLương thựcLúa mìChiến tranh Nga UkraineNgũ cốcGiá lương thực
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có thông điệp lớn, quan trọng tại Mỹ DUY LINH 19/09/2024 Chuyến công tác từ ngày 21-9 tới là hoạt động đối ngoại đa phương và làm việc tại Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới.
Ba lô mới, vở bút mới và nụ cười của học sinh vùng lũ Trấn Yên VĨNH HÀ 19/09/2024 Những học sinh vùng lũ ở Trấn Yên (Yên Bái) đón nhận niềm vui trẻ thơ, sau nhiều ngày cùng gia đình vượt qua đợt mưa lũ lịch sử.
Xuất hiện vết nứt chạy dọc núi, Quảng Nam khẩn cấp sơ tán dân trong đêm THÁI BÁ DŨNG 19/09/2024 Tối 19-9, Đồn biên phòng Đắc Pring (Bộ đội biên phòng Quảng Nam) cho biết sau nhiều giờ huy động cán bộ chiến sĩ cùng lực lượng địa phương, toàn bộ dân ở thôn 56B, xã Đắk Pre (huyện Nam Giang) đã được sơ tán tới nơi an toàn.
Nga tăng gấp 10 lần sản xuất drone TRẦN PHƯƠNG 19/09/2024 Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tăng số drone sản xuất trong năm 2024 gấp 10 lần con số 140.000 để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.