"Không phải tất cả là tình dục và bạo lực"

VIỆT QUÊ THỰC HIỆN 04/10/2009 02:10 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên sang VN theo lời mời của trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN (The Japan Foundation) để thuyết trình về văn học Nhật Bản, giáo sư NUMANO đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện cởi mở không chỉ về văn chương mà còn đề cập những quan điển về xã hội đại cương.

Giáo sư Numano Mitsuyoshi:

“Không phải tất cả là tình dục và bạo lực”

Giáo sư Numano - Ảnh: V.Q.

TTCT - Lần đầu tiên sang VN theo lời mời của trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại VN (The Japan Foundation) để thuyết trình về văn học Nhật Bản, giáo sư NUMANO đã dành cho TTCT cuộc trò chuyện cởi mở không chỉ về văn chương mà còn đề cập những quan điển về xã hội đại cương.

Numano Mitsuyoshi hiện là giáo sư khoa nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn viện đào tạo sau đại học, đại học Tokyo.

“Murakami là nhà văn mang phong cách Mỹ"

* Thưa giáo sư, đối với số đông độc giả VN thì các nhà văn Nhật Bản được biết đến hoặc là Basho Matsuo, hoặc là Kawabata Yasunari, hoặc là Murakami Haruki... Việc hiểu biết này hẳn là phiến diện?

- Văn học Nhật Bản có 1.300 năm lịch sử, có nhiều tác phẩm xuất sắc trong các lĩnh vực như thơ ca, tản văn (truyện kể monogatari, tùy bút, nhật ký, lữ hành ký), kịch nghệ... Do vậy tôi không thể giới thiệu tất cả chỉ qua một câu trả lời ngắn.

Ở đây tôi xin nêu ra một vài cái tên cụ thể. Trong lĩnh vực truyện kể monogatari thời kỳ tiền cận đại có các tác phẩm kinh điển và quan trọng như Truyện ông lão đốn tre (Taketorimonogatari), Truyện Genji (Genjimonogatari), Truyện Ise (Isemonogatari), Tập truyện kể xưa nay (Konjakumonogatarishu), Truyện Heike (Heikemonogatari)...

Về thi ca, các tập thơ tanka quy mô lớn như Vạn diệp tập (Manyoshu) xuất hiện đầu thế kỷ thứ 9 và Cổ kim hòa ca tập (Kokinwakashu) xuất hiện đầu thế kỷ thứ 10 đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, các tác phẩm văn học cổ điển này được viết bằng tiếng Nhật cổ, khác biệt khá xa so với tiếng Nhật hiện đại nên nếu không nắm được ngữ pháp cổ văn thì không thể chuyển ngữ được.

Đáng tiếc ở VN dường như chưa có học giả nghiên cứu Nhật Bản nào am hiểu ngữ pháp cổ văn tiếng Nhật nên có thể nói đây là vấn đề đối với các học giả nghiên cứu Nhật Bản của VN khi giới thiệu các tác phẩm này trong tương lai. Nói về tiểu thuyết cận đại (từ nửa sau thế kỷ 19), tôi chọn ra mười tác giả đặc biệt quan trọng, đó là Mori Ogai, Natsume Soseki, Tanizaki Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, Kawabata Yasunari, Dazai Osamu, Mishima Yukio, Abe Kobo, Oe Kenzaburo, Murakami Haruki.

Từ ngày 16 đến 28-9, giáo sư Numano đã có những buổi thuyết trình về văn học Nhật Bản với chủ đề: “Hội thảo văn học Nhật Bản - Giới thiệu văn học Nhật Bản qua các thời kỳ: từ Genji cho tới thời của Haruki Murakami và các nhà văn thế hệ trước Murakami” lần lượt qua ba nơi là Hà Nội, Huế và TP.HCM. Giáo sư Numano cũng đã gặp gỡ rất nhiều sinh viên cùng những nhà văn, nhà nghiên cứu văn học VN.

* Vì sao là mười tác giả này, thưa giáo sư?

- Vì sao ư? Lý giải điều này quả thật rất dài (tôi đã viết trong tài liệu thuyết trình rồi). Tôi chỉ muốn nói là trong số các tác giả mà tôi chọn, không chỉ có những nhà văn ăn khách được chọn dịch ra nước ngoài khá nhiều, mà chủ yếu tôi chú trọng đến những tác giả có tác phẩm mang ý nghĩa vượt thời gian. Ví dụ Mori Ogai với tác phẩm Nàng vũ công, Natsume Soseki với tác phẩm Tôi là mèo, Tanizaki Junichio với tác phẩm Tình khờ, Kawabata Yasunari với tác phẩm Xứ tuyết...

* Trong mười tác giả mà ông vừa nêu, sao không có một tác giả nữ nào?

- (Cười) Đúng vậy. Các tác giả nữ đóng góp rất mạnh ở thời kỳ Heian (thời kỳ Vương triều) tiền cận đại. Còn theo tôi, từ nửa sau thế kỷ 19 thì đỉnh cao thuộc về các nhà văn nam. Tuy nhiên cũng có thể thấy là hiện nay có sự đóng góp rất lớn của các nhà văn nữ trẻ như: Tsushima Yuko, Takamura Kaoru, Yamada Emy, Yoshimoto Banana...

* Trong mười nhà văn tiêu biểu mà ông nêu, có thể thấy tác phẩm của họ thường biểu đạt vẻ đẹp nội tâm bí hiểm hay vẻ tươi đẹp của thiên nhiên (như thường thấy trong các tác phẩm của nhà văn Kawabata Yasunari - một nhà văn lớn của Nhật và thế giới). Thế nhưng tới thời kỳ của Murakami Haruki thì rõ ràng đã có sự thay đổi, nó có vẻ hiện thực trần trụi và gần với đời sống hơn, như tiểu thuyết Rừng Na Uy đã được dịch sang tiếng Việt chẳng hạn. Giáo sư có thể lý giải vì sao Rừng Na Uy trở thành sách best-seller?

- Vâng, tôi cũng đồng ý như thế. Quả thật các tác phẩm của Murakami Haruki không chỉ có Rừng Na Uy mà nhiều cuốn khác, như cuốn 1Q84 cũng bán rất chạy không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại nhiều quốc gia khác. Có thể nói ông là một trong những tác giả được đọc nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Lý giải hiện tượng này không đơn giản.

Tuy nhiên, tôi xin đưa ra vài ý kiến như sau: thứ nhất, văn phong của Murakami khá trau chuốt, điêu luyện; thứ hai, cốt truyện, cấu tứ khéo léo và luôn có tính giải trí; thứ ba, có sự đồng cảm với cuộc sống thị thành của những người độc thân trẻ; thứ tư, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và kỳ ảo; thứ năm, phong vị Nhật Bản vừa đủ trong bầu không khí kiểu Âu Mỹ. Ở Nhật, Murakami được xem là nhà văn mang phong cách Mỹ. Tôi nghĩ đó là những yếu tố làm nên thành công của Murakami.

Một số tác giả nổi tiếng Nhật (hàng trên) và tác phẩm của họ đã được dịch sang tiếng Việt

“Ở Nhật, quyền lựa chọn được trao cho người đọc"

* Sau Murakami Haruki, có một lớp nhà văn trẻ mà phần lớn là nữ cũng thiên về cách viết trần trụi, như Yoshimoto Banana, Yamada Amy... Đặc biệt là Yamada Amy trong tiểu thuyết Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường (đã dịch sang tiếng Việt qua bản dịch của Lương Việt Dũng) đã thẳng thừng nói rõ việc đi tìm khoái cảm ở những chàng Mỹ da đen thay cho đàn ông Nhật. Đây thuần túy là chủ quan trong sáng tác hay biểu hiện xu hướng sống của giới trẻ Nhật hiện nay, thưa giáo sư?

- Trước hết, phải nói là ở Nhật người ta cũng tranh cãi không ít về những tác phẩm của Yamada Amy. Đề tài gái Nhật quan hệ với Mỹ da đen là một đề tài khá nhạy cảm. Ai cũng biết sau Thế chiến thứ 2 (1945) Mỹ chiếm đóng Nhật. Đó là thời kỳ đất nước Nhật vô cùng khó khăn. Chuyện phụ nữ Nhật bán dâm hoặc có con với lính Mỹ là có thật. Và điều này quả thật gây phẫn nộ cho đàn ông Nhật. Khi Yamada Amy viết về vấn đề này là nhằm lật lại lịch sử, xoáy vào nỗi đau của người Nhật.

Nhưng phải nói đến thế hệ của Yamada Amy thì đây không còn là vấn đề lớn nữa. Người Nhật cũng không định kiến với Mỹ da đen như trước. Và rõ ràng những cô gái Nhật quan hệ với người Mỹ không phải vì tiền mà vì quan niệm sống, vì cái tôi tự do, hiện đại của họ. Nhưng dù là chuyện trong tiểu thuyết hay ngoài xã hội thì tôi xin nhấn mạnh đó chỉ là một bộ phận nhỏ chứ không phải toàn bộ.

* Nhưng còn truyện tranh thì sao? Vì sao truyện tranh Nhật lại có quá nhiều bạo lực và tình dục?

- Tôi nghĩ đó là do ảnh hưởng của xu hướng đại chúng, khiến truyện tranh manga của Nhật có quá nhiều cảnh bạo lực và tình dục. Thêm nữa, ở Nhật việc xuất bản khá thông thoáng, pháp luật khá cởi mở nên đã mở rộng ra nhiều khuynh hướng. Nói chung ở Nhật người ta trao quyền lựa chọn cho độc giả, còn con cái thì đọc sách dưới sự hướng dẫn và cho phép của bố mẹ. Nhưng tôi nói thêm rằng ngay cả truyện tranh manga cũng không phải toàn bộ là bạo lực và tình dục mà có rất nhiều tác phẩm trữ tình. Chất trữ tình, sống hòa hợp với thiên nhiên vẫn là nét chủ đạo trong nghệ thuật và con người Nhật Bản.

* Sau hai tuần sang VN đi từ Bắc vào Nam, giáo sư cảm nhận đời sống ở VN như thế nào?

- (Cười) Tôi chỉ lấy ví dụ về đường phố để nói thôi nhé. Đường phố ở Nhật rất rộng và nhiều bóng cây, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe vụt qua. Nhìn đường phố Nhật thấy buồn buồn như là cái chất trữ tình (wabi/sabi) trong văn chương Nhật vậy. Còn đường phố VN lúc nào cũng ồn ào đông đúc, xe máy nhiều quá, mới nhìn đã chóng cả mặt.

* Phải chăng vì đời sống như thế mà VN ít có những tác phẩm trữ tình như văn học Nhật?

- (Cười) Rất tiếc là trước khi nhận được lời đề nghị của The Japan Foundation sang VN, tôi chưa có cơ hội được tiếp xúc với văn học VN nên không thể có một nhận định chung. Cho tới nay các tác phẩm VN được dịch sang tiếng Nhật mà tôi đã đọc rất ít, trong số những tác phẩm mà tôi còn nhớ có Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh...

Mưa mùa hạ là tác phẩm xuất sắc theo trường phái hiện thực xã hội mô tả xã hội VN hiện đại. Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm mới mẻ không viết về chiến tranh theo một khuôn khổ mang tính chính trị định sẵn mà từ góc nhìn của một tâm hồn dễ tổn thương của con người. Sáng tác mỗi người mỗi khác, song chúng xuất sắc và chứng minh rằng văn học VN ở một trình độ cao. Trong thời gian lưu lại VN, tôi rất mong được tìm hiểu nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn của VN.

* Xin cảm ơn giáo sư.

VIỆT QUÊ thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận