Kinh tế và biến đổi khí hậu

TTCT - Cũng giống như rủi ro của một nhà buôn trứng gà khi mang trứng ra chợ bán chỉ bằng đôi tay mà không có dụng cụ đựng và bảo vệ trứng cẩn thận, sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia không thể nào là bền vững khi không có các biện pháp và đầu tư kinh phí để ứng phó với những rủi ro do thiên tai gây ra.

Phóng to
Sau trận lũ lịch sử, ven quốc lộ 19 đoạn qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bị sạt lở nặng - Ảnh: Tiến Thành

Biến đổi khí hậu đã trở thành một thực thể ngày càng hiển hiện rõ ràng và nay thì ngay cả một nông dân ở vùng đất rất hẻo lánh cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm “đau thương” của họ về những diễn biến thời tiết bất trắc “vốn chưa từng thấy nhiều đời”.

Cách thức gần như duy nhất và cấp bách, ở quy mô quốc gia là tìm cách giảm thiểu tốc độ phát thải khí nhà kính, kế đó là phải tìm ra các giải pháp thích nghi riêng biệt với sự thay đổi khí hậu cho từng ngành nghề, từng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong từng vùng.

Việc ước lượng thiệt hại do thiên tai bất thường và biến đổi khí hậu trong tương lai ở mỗi quốc gia là công việc tốn kém nhiều trí tuệ và tiền của nhưng cần phải làm. Các nhà hoạch định chính sách và kinh tế gia phải tính ra được các chi phí mà ngân sách quốc gia và địa phương cần phải xuất ra để ứng phó với những thay đổi không mong muốn này.

Mục đích chính là có được sự đoan chắc về việc đầu tư chi phí phòng tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu trong hiện tại, và đây cũng là một sự đầu tư phòng ngừa và giảm thiểu các thiệt hại về nhân mạng, kinh tế và xã hội trong tương lai.

Có hai vấn đề chính trong chuyên ngành kinh tế học khí hậu (climate economics) - một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi lên hiện nay - cần giải quyết là đánh giá các nguy cơ tổn thất về mặt kinh tế do biến đổi khí hậu và chi phí đầu tư cần thiết để phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro do những thay đổi của khí hậu gây ra ở quy mô cộng đồng, lãnh thổ và quốc gia.

Kinh tế học khí hậu là ngành khoa học cầu nối giữa các ngành khoa học tự nhiên và khoa học về chính sách công. Các nghiên cứu của kinh tế học khí hậu nhằm chuyển dịch các phỏng đoán khoa học về những đặc tính vật lý của hiện tượng biến đổi khí hậu đến các dự án, chương trình về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi của con người để giúp những nhà làm chính sách, những người ra quyết định có thể sử dụng thuận lợi và dễ dàng thật sự.

Phóng to
Hàng ngàn hecta cao su ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị bão số 10 quật gãy ngang thân - Ảnh: Thuận Thắng

Biến đổi khí hậu và tổn thất kinh tế

Không hẳn tất cả những sự thay đổi như mức gia tăng nhiệt độ, lượng mưa trong vùng trở nên bất thường, nước biển dâng... đều hoàn toàn gây nên thiệt hại cho sự phát triển kinh tế.

Ví dụ như nắng nóng cao kéo dài, lượng mưa ít đi thì có thể tạo những thuận lợi cho các ngành nghề như làm ruộng muối, phơi sấy nông hải sản và thực phẩm... đến các hoạt động du lịch bãi biển hay sản xuất quang điện (từ năng lượng mặt trời). Nhưng theo cái nhìn toàn cục khi phân tích giữa được và mất thì biến đổi khí hậu sẽ gây hại nhiều hơn lợi.

Theo báo cáo tổng kết của Diễn đàn nhân đạo toàn cầu (2009), sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất sẽ gây nên tình trạng trung bình mỗi năm có 26 triệu người di cư, thiệt hại kinh tế là 124 tỉ USD và gây nên cái chết cho hơn 300.000 người do biến đổi khí hậu làm gia tăng hiện tượng sa mạc hóa làm giảm diện tích canh tác và cư trú, các nạn lũ lụt gây mất mùa, tình trạng suy dinh dưỡng.

Hanson et al. (2001) đã tính toán thiệt hại do các tác động của trận lũ ven biển lên tất cả thành phố cảng có dân số trên 1 triệu người (năm 2005) trên toàn cầu vào thập niên năm 2070 khi có những trận bão lũ xuất hiện với tần suất 1%: trên 40 triệu cư dân sẽ đối đầu với hiểm nguy, thiệt hại kinh tế khoảng 3.000 tỉ USD, tương đương 5% GDP toàn cầu năm 2005.

Các thành phố cảng ở Mỹ, Nhật và Hà Lan là những nơi bị thiệt hại cao nhất. Hübler et al. (2008) đã tính toán số ngày thay đổi nhiệt độ cực đoan nóng và lạnh gây ảnh hưởng lên sức khỏe của dân Đức vào thời đoạn 2070-2100 cho biết chi phí nhập viện của người Đức sẽ tăng gấp sáu lần so với hiện nay, chưa kể chi phí điều trị tại nhà. Thiệt hại kinh tế chỉ riêng vấn đề này đã làm mất từ 0,1-0,5% GDP của nước Đức.

Cline (2007) thì so sánh sự thay đổi giá trị nông nghiệp theo phỏng đoán vào năm 2080 so với giá trị sản phẩm nông nghiệp năm 2000. Kết quả tổng hợp cho thấy giá trị sản phẩm nông nghiệp trên toàn thế giới sẽ giảm chừng 3-4% vào năm 2080 do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Schlenker et al. (2006) đã tính rằng biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21 sẽ làm sản lượng nông sản của Mỹ giảm từ 27-69%, tùy theo kịch bản khí hậu khác nhau. Còn tính toán của Watkins (2007) cho thấy thiên tai sẽ ảnh hưởng dân sinh và nhân mạng chủ yếu ở các nước đang phát triển trong khi thiệt hại về kinh tế sẽ tập trung nhiều ở các nước phát triển (xem bảng).

Thống kê tổn thất do thiên tai toàn cầu năm 2007-2008

Số người bị tác động (người)

Số người thiệt mạng (người)

Thiệt hại kinh tế (USD)

Chi phí bảo hiểm (USD)

Tổng số

219 triệu

36.000

64 tỉ

19 tỉ

Tỉ lệ ở các nước phát triển

2%

1%

74%

99%

Tỉ lệ ở các nước đang phát triển

98%

99%

26%

1%

Không thể tính hết

Thật sự khó khăn và phức tạp khi tính toán chi phí cần thiết để giảm thiểu mức thải khí nhà kính gây nên sự nóng lên toàn cầu.

Giảm thiểu mức thải nhà kính bao gồm việc cắt giảm hoặc loại bỏ các sản xuất công nghiệp gây mức thải carbon cao, áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tiết kiệm năng lượng và có mức thải carbon thấp, tiết kiệm tiêu dùng, trồng và khôi phục rừng, tăng cường xây dựng các nhà máy hay trạm khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt...

Theo Michel et al. (2011), Hiệp ước Copenhagen đã đề ra mục tiêu là giảm 12-18% nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 so với mức khí thải năm 1990. Giả sử có khoảng 2/3 các nước có tên trong phụ lục I của hiệp ước này thực thi được mức giảm khí nhà kính như mong muốn thì chi phí phải chi cho năm 2020 được ước tính khoảng 60-100 tỉ USD.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, 2007) đã ra báo cáo rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể được giảm khoảng 30-50% vào năm 2030 với chi phí gần 100 USD/tấn CO2.

Nhiều quốc gia phát triển đã nhận ra rằng bỏ qua chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều thiệt hại lớn hơn. Báo cáo Stern (2006) ước tính việc thiếu đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu thì con người sẽ chịu những tổn thất về sinh mạng lớn hơn hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỷ 20 cộng lại và thiệt hại kinh tế có thể lớn hơn đại khủng hoảng kinh tế (1929), hoặc ước chừng 5-20% GDP toàn cầu.

Để giảm nhẹ rủi ro, cần có những chi phí từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các kế hoạch hành động và các giải pháp bảo hiểm sinh mạng, tài sản. Chẳng hạn, Chính phủ Hà Lan phải chi khoảng 3 tỉ USD cho các kế hoạch phòng lũ, nước Úc phải đầu tư 13 tỉ USD để ứng phó với tình trạng khô hạn, Anh dự kiến phải chi 42 tỉ USD nâng cấp các công trình ngăn lũ trên sông Thames để bảo vệ thủ đô London khi nước biển dâng từ nay đến cuối thế kỷ.

Ở Mỹ, chỉ riêng vùng ven biển bang California sẽ phải tiêu tốn 14 tỉ USD để nâng cao và khoảng 1,5 tỉ USD phí bảo trì hệ thống đê biển của bang.

Các nhà kinh tế thường cố gắng lượng hóa các thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu khi đo lường bằng tổn thất quy ra giá trị đồng đôla Mỹ qua các mất mát như thiệt hại mùa màng, hư hại các công trình hạ tầng, sự gián đoạn trong phân phối lưu thông, trao đổi hàng hóa, các chi phí nhà bảo hiểm phải bồi thường khi có số người thiệt mạng hay thương tật...

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học về môi trường, sinh thái học, xã hội học và cả khí hậu học cho rằng cách tính như vậy thường khiếm khuyết. Họ đặt câu hỏi là liệu những thiệt hại do biến đổi khí hậu có thể được đánh giá theo giá trị tiền tệ? Thế những tác động gây ra sự nghèo nàn chuỗi thực phẩm trong hệ sinh thái, những suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người được đánh giá theo kinh tế lượng như thế nào?

Trở ngại lớn nhất cho các phân tích kinh tế học khí hậu là những điều không chắc chắn (uncertainties) từ các kết quả của mô hình toán học, các giả thiết không được kiểm chứng như tính phức tạp của tương tác khí thải - khí hậu đến những tác động khó tiên đoán được từ sự chuyển giao giữa các thế hệ và những thay đổi dài hạn của tiến bộ và ứng dụng kỹ thuật thế giới.

Mặc dù kinh tế học khí hậu mới được hình thành trong vài năm gần đây và có nhiều thử thách để phát triển, hoàn thiện những phương pháp phân tích và công cụ tính toán, nhưng tiềm năng số lượng các nhà khoa học tham gia nghiên cứu tăng lên nhanh chóng vì hầu hết chính phủ đều nhận thức được các nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra và phải có những đầu tư kinh phí khổng lồ để ứng phó.

Âu đó cũng là cái giá con người phải trả khi đã phát triển kinh tế quá nóng mà bỏ qua những hậu quả nhãn tiền về sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, nạn ô nhiễm môi trường và hệ quả nóng lên toàn cầu gây biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay. Tuy nhiên, dù khá muộn màng, dù phải tốn kém lớn nhưng một USD ứng phó hôm nay có thể làm giảm vài chục USD tổn thất ngày mai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận