TTCT - Năm nay, một lần nữa giải Nobel lại được trao cho các nghiên cứu trong kinh tế vi mô. Hai giáo sư, Oliver Hart (Đại học Harvard) và Bengt Holmström (Đại học MIT), được trao giải Nobel 2016 trong lĩnh vực kinh tế vì các đóng góp của họ ở lĩnh vực lý thuyết hợp đồng (contract theory). Đây là một nhánh của kinh tế vi mô. Ông Bengt Holmström Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ có ba năm (2008, 2011, 2015) giải Nobel được trao cho các nghiên cứu mang tính vĩ mô hoặc phát triển, bảy năm còn lại giải Nobel được dành cho các nghiên cứu vi mô. Nếu tính trong 20 năm cũng chỉ có bảy năm là Nobel thuộc về các nghiên cứu vĩ mô, còn lại đều thuộc vi mô. Điều này thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế vi mô trong bốn thập kỷ qua, cũng như tầm quan trọng ngày càng lớn của các lý thuyết vi mô trong việc giải quyết các bài toán thực tế của xã hội hiện đại. Các nghiên cứu của Hart và Holmström trong gần ba thập kỷ (từ 1970 đến cuối 1990) đã giúp chúng ta hiểu hơn tại sao các hợp đồng lại có những điều khoản nhất định dù nhìn bên ngoài có vẻ khó hiểu. Chúng cũng đưa ra các nguyên tắc giúp thiết kế các hợp đồng phức tạp, và thậm chí soi sáng nhiều vấn đề trong chính sách quản lý kinh tế của nhà nước. Để hiểu hơn, hãy hình dung một giao dịch đơn giản nhất: mua một tách cà phê. Giao dịch diễn ra ngay lập tức, người mua trả tiền, người bán phục vụ một ly cà phê. Người mua biết mình nhận được ly cà phê chất lượng thế nào, thuộc loại gì (đen đá, sữa đá, cappuchino, latte...), còn người bán cũng biết mình nhận được chính xác bao nhiêu tiền. Hợp đồng dạng này đơn giản tới mức nhiều khi không cần viết thành văn bản. Nhưng giả sử người bán cà phê có nhiều khách hàng, không thể tự phục vụ hết, anh ta phải thuê thêm một nhân viên phục vụ. Hợp đồng giữa người chủ quán và người phục vụ sẽ phải được soạn ra dưới dạng một hợp đồng lao động... Lý thuyết hợp đồng được phát minh ra để giải quyết các tình huống khó hơn rất nhiều so với tình huống đơn giản này. Trả tiền theo hiệu quả làm việc Vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu người chủ quán giờ có nhiều cửa hàng khác nhau và phải thuê một người quản lý, và người quản lý này sẽ điều hành mọi hoạt động của quán cà phê. Vì không thường xuyên có mặt, người chủ không thể biết người quản lý có làm việc chăm chỉ, tận tụy hay không. Anh ta chỉ thấy tình hình kinh doanh của quán sau một thời gian, mỗi tháng một lần anh ta nhận được báo cáo chẳng hạn. Trong trường hợp này, việc kinh doanh của quán tốt hay không vừa phụ thuộc vào người quản lý, lại vừa phụ thuộc vào nhiều biến số khác từ bên ngoài (thí dụ thời tiết mưa nhiều, hoặc đường sá đang được sửa chữa khiến quán vắng khách). Hợp đồng giữa người chủ và người quản lý quán cà phê phải như thế nào? Holmström trong một nghiên cứu xuất bản năm 1979 đã soi sáng vấn đề này và đặt nền móng đầu tiên cho các nghiên cứu phức tạp hơn về lý thuyết hợp đồng. Holmström (1979) đưa ra nguyên tắc tận dụng thông tin (informativeness principle), theo đó trong những tình huống kể trên, tất cả thông tin cho biết ít nhiều về sự cố gắng của người quản lý (dù là thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp) đều có giá trị và đều phải được phản ánh vào mức thu nhập của người quản lý trong hợp đồng. Thí dụ tình hình kinh doanh của quán tốt chưa chắc đã là do nỗ lực của người quản lý, hoặc tệ chưa chắc vì anh ta không cố gắng. Do đó chỉ dùng tình hình kinh doanh của quán để quyết định thu nhập của người quản lý là không chính xác. Sẽ tốt hơn nếu thu nhập người quản lý được quyết định bởi tương quan giữa tình hình kinh doanh của quán cà phê này với các quán cà phê khác trong cùng khu vực, chẳng hạn. Vì các quán khác trong cùng một khu vực cũng chịu các hoàn cảnh bên ngoài giống như quán cà phê mà chúng ta đang nói đến, tương quan hoạt động của quán này với các quán khác sẽ nói chính xác hơn liệu nhà quản lý của chúng ta có làm việc tốt hay không. Trong những trường hợp có quá nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng, khiến việc đánh giá hiệu quả làm việc của người quản lý khó thực hiện, Holmström (1979) cho rằng hợp đồng càng nên theo hướng trả thu nhập cố định (lương cứng) thay vì trả theo hiệu quả kinh doanh. Động lực quá mạnh hay động lực cân bằng? Một nghiên cứu tiếp theo của Holmström năm 1982 nghiên cứu tình huống người quản lý không chỉ quan tâm đến thu nhập hiện tại, mà còn triển vọng nghề nghiệp và thu nhập tương lai (career concerns). Rõ ràng trên thực tế đây là điều thường thấy. Tuy thế, trường hợp này khó hơn nhiều vì cả sự cố gắng hiện tại của người quản lý, lẫn năng lực phát triển nghề nghiệp tương lai của người quản lý đều là các ẩn số. Holmström cho rằng trong trường hợp này, người quản lý sẽ có động cơ cố gắng rất nhiều trong giai đoạn đầu của nghề nghiệp, đạt được thành tựu tốt, qua đó chứng tỏ rằng anh ta có năng lực trong những năm sau. Động lực này nhiều khi là quá mạnh. Người chủ doanh nghiệp, vì vậy không cần trả lương theo hiệu quả công việc trong những năm đầu của người làm công, nhưng vẫn đảm bảo được là người làm công luôn làm việc gắng sức. Theo cách lập luận này, những người lao động đứng tuổi thường sẽ không có động cơ làm việc chăm chỉ. Vì vậy, theo Holmström, doanh nghiệp nên trả công theo hiệu quả công việc để tiếp tục duy trì động lực làm việc của người lao động. Lý thuyết về career concerns của Holmström cũng được dùng nhiều ở các lĩnh vực khác. Thí dụ các chính trị gia với career concerns sẽ lo mất ghế sau mỗi nhiệm kỳ, vì vậy sẽ có động cơ làm việc mạnh mẽ để chứng tỏ mình có năng lực. Điều này thường tạo ra các “chu kỳ kinh doanh chính trị”, khi hiệu quả công việc của các chính trị gia tăng đột xuất vào cuối các nhiệm kỳ. Một nghiên cứu khác của Holmström (1991) đi theo một hướng thú vị là trường hợp người làm công phải làm nhiều việc khác nhau, nhưng có những việc dễ nhìn thấy kết quả và có những việc không dễ thấy. Thí dụ một giáo viên phải dạy học sinh kiến thức (dễ đo đếm thông qua kết quả làm bài thi) và các kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo. Trong trường hợp này, nếu người chủ lao động thiết kế hợp đồng dựa theo thành quả lao động, thì người làm công sẽ luôn chạy theo các công việc dễ đo đếm hiệu quả và bỏ lơ các công việc khác. Giáo viên sẽ chỉ tập trung dạy học sinh để làm bài thi được điểm cao, chứ không tập trung dạy kỹ năng mềm. Vì thế, Holmström kết luận ở những tình huống như vậy, để duy trì sự cân bằng trong động lực làm việc, tốt nhất nên dùng các cơ chế lương cố định thay vì phụ thuộc vào hiệu quả công việc. Giáo sư Oliver Hart Hợp đồng không đầy đủ Nếu như Holmström tập trung nhiều vào việc thiết kế các hợp đồng trong các tình huống khó đo đếm nỗ lực làm việc của người lao động, thì khôi nguyên Nobel kinh tế thứ hai của năm nay lại tập trung vào một hướng hoàn toàn khác. Giáo sư Oliver Hart là người đầu tiên đặt nền móng, và sau đó cống hiến rất nhiều cho hướng nghiên cứu về các hợp đồng không đầy đủ. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi hai bên soạn thảo hợp đồng, có những vấn đề không thể hợp đồng được vì không có cách gì quan sát được, hoặc có quan sát được cũng không kiểm chứng là đúng hay sai. Cái không thể đưa vào hợp đồng là sự sáng tạo đổi mới của người quản lý, nó không đo đếm được. Trong trường hợp như vậy, Hart trong một nghiên cứu tiên phong năm 1986 cho rằng vấn đề sở hữu trở thành vấn đề then chốt. Nếu người chủ đồng thời là người quản lý, nỗ lực sáng tạo đổi mới của anh ta sẽ là mức cao nhất (mức tối ưu). Nếu quyền sở hữu bị tách ra, có nghĩa là người quản lý riêng, người chủ riêng, dù được chia phần thì nỗ lực sáng tạo của người quản lý cũng chỉ ở mức vừa phải (sub-optimal). Từ nghiên cứu mang tính nền móng này, vấn đề hợp đồng không đầy đủ được chú ý đến, và các công trình tiếp theo của ông và các cộng sự mang đến những gợi ý vô cùng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như quản trị, tài chính doanh nghiệp và hợp tác công - tư. Hợp tác công - tư trong dịch vụ công ích Trong lĩnh vực dịch vụ công ích, thí dụ giáo dục, y tế hoặc nhà tù, Hart (1986) chỉ ra rằng hai yếu tố then chốt không hợp đồng được là sáng tạo nhằm giảm chi phí và sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo Hart (1997), nếu nhà nước là bên cung cấp dịch vụ, thông thường cả hai yếu tố này sẽ bị bỏ qua một bên, vì người quản lý không được lợi lộc gì từ các sáng tạo này. Nếu nhà nước ký hợp đồng giao thầu toàn bộ cho tư nhân và trả phí theo đầu tù nhân (trường hợp nhà tù) hoặc đầu học sinh (trường hợp trường học), doanh nghiệp tư nhân thường đầu tư mạnh vào sáng tạo. Tuy nhiên, Hart (1997) cũng chỉ ra tư nhân thường đầu tư lệch, tập trung nhiều hơn vào các sáng tạo nhằm giảm chi phí thay vì để tăng chất lượng dịch vụ. Có những trường hợp các sáng tạo để giảm chi phí mạnh tới mức làm giảm chất lượng dịch vụ. Do đó, theo ông, trong các trường hợp này việc giao cho tư nhân là không nên (thí dụ hệ thống nhà tù tư nhân ở Mỹ sau một thời gian cuối cùng đều bị đóng cửa). Trong một số trường hợp khác, khi vấn đề chất lượng không bị chèn lấn quá mức, việc giao cho tư nhân giúp tăng hiệu quả chung của xã hội vì họ tập trung hơn vào sáng tạo so với mô hình nhà nước tự làm. Có lẽ đóng góp quan trọng nhất của các nghiên cứu về hợp đồng không đầy đủ là trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp. Lý do là các doanh nghiệp thời nay luôn có các khoản đầu tư hoặc cho vay của các nhà đầu tư. Những người sáng lập doanh nghiệp (các doanh nhân) vẫn là những người điều hành. Và giữa nhà đầu tư và các doanh nhân không thể nào hình thành một hợp đồng đầy đủ về tất cả các mặt liên quan đến việc điều hành doanh nghiệp của doanh nhân. Nhiều nghiên cứu của Hart và các cộng sự ở thập kỷ 1980 và 1990 đã đưa ra các cấu trúc hợp tác thích hợp giữa các nhà đầu tư và các doanh nhân trong những tình huống như vậy. Các lý thuyết này cũng giải thích các cấu trúc đầu tư, thí dụ của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào những doanh nghiệp start-up. Nó giải thích tại sao các quỹ này cần các quyền kiểm soát nhất định, thí dụ ghế trong hội đồng quản trị, quyền bỏ phiếu, quyền thay thế ban điều hành nếu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp start-up quá tệ... Lĩnh vực nghiên cứu về lý thuyết hợp đồng còn đang là một lĩnh vực dang dở. Tuy nhiên, nhờ các đóng góp tiên phong của hai giáo sư Oliver Hart và Bengt Holmström, chúng ta giờ đã có các công cụ phân tích cần thiết để phân tích không chỉ các điều khoản tài chính của hợp đồng, mà còn nhiều điều khoản khác như quyền kiểm soát, quyền sở hữu và quyền ra quyết định giữa các bên tham gia hợp đồng. Các đóng góp của hai ông không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm rất nhiều về các loại hợp đồng thường thấy trong cuộc sống, chúng còn cho ta góc nhìn mới về việc các hợp đồng phải được thiết kế sao cho đúng, không chỉ ở lĩnh vực tư nhân mà còn trong cả vấn đề chính sách công của nhà nước.■ Tags: Nobel kinh tếNobel kinh tế 2016Oliver HartBengt Holmström
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...