Làm gì khi trẻ nhiễm COVID-19 ở trường?

HỒNG VÂN 03/03/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Khi học sinh trở lại trường, việc trẻ nhiễm COVID-19 là không thể tránh khỏi. Để cửa trường không phải đóng lần nữa vì virus corona, nhà chức trách các nước đã có sẵn nhiều đối sách khác nhau.

 
 Một lớp học mầm non ở New Jersey, Mỹ trong ảnh chụp ngày 15-10-2021, các học sinh đeo khẩu trang. Ảnh: REUTERS

Dương tính thì lại ở nhà

Chị Auntida Vajrabhaya, giáo viên tiếng Anh ở một trường tiểu học ở Thái Lan, cho biết các trường ở Thái Lan đã mở cửa trường học theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp và cách thức cụ thể do mỗi trường tự quy định. Cụ thể, tại trường chị, trường dạy trực tiếp nhưng có ca nhiễm thì đổi sang học trực tuyến. Chị cho biết hiện các học sinh đang phải học trực tuyến toàn bộ. Tuy nhiên, chưa thấy trường hợp học sinh nào bị COVID-19 nặng.

Tại Phần Lan, một người bạn của người viết cho biết con anh, bé H., 12 tuổi, bị nhiễm COVID-19 ngày 4-2. Bé tỉnh táo, sốt trên 37oC, lúc cao nhất là 37,8oC nhưng đuối sức trong vài ngày và ăn kém - chỉ 30% so với bình thường. H. hết sốt sau 2 ngày. Trong những ngày có triệu chứng, tinh thần bé uể oải, chỉ nằm với ngồi dù bình thường cậu bé hay nhảy nhót, năng động, thích chơi thể thao.

Ở Phần Lan, 2 ngày sau khi hết sốt là học sinh có thể đi học nếu không còn triệu chứng khác. Tổng cộng, H. chỉ phải nghỉ học 3 ngày, cả lớp của em vẫn học trực tiếp bình thường. Nhiễm COVID-19 ngày thứ năm thì thứ tư tuần sau H. đi học lại. Đến thứ sáu, tức sau 8 ngày thì bé khỏe lại 100%. Cha mẹ bé không phải cách ly do không có triệu chứng và đã tiêm mũi 3.

Tại Úc, ngành y tế bang Queensland đã tăng cường xét nghiệm cho học sinh và tăng tỉ lệ tiêm vắc xin cho những nhóm học sinh đủ điều kiện. Các học sinh có triệu chứng giống COVID-19 sẽ phải làm xét nghiệm để phát hiện ca nhiễm sớm. John Gerrard, lãnh đạo Sở Y tế bang, xác nhận phần lớn các trường hợp nhiễm COVID-19 trong độ tuổi từ 5-17 đều “rất nhẹ”. Theo ABC News, học sinh khi có triệu chứng tại trường sẽ được đề nghị về nhà, làm xét nghiệm; nếu dương tính thì cách ly và học trực tuyến tại nhà đến khi khỏe lại.

Tại bang New South Wales, chính quyền phát cho học sinh và nhân viên trường học các bộ xét nghiệm nhanh miễn phí để sử dụng khi cần. Quy định làm xét nghiệm 2 lần/tuần được điều chỉnh thành chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc khi thấy cần thiết, bắt đầu từ 28-2.

Ít nghiêm trọng

Khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan ở Singapore, có thời điểm tỉ lệ nhiễm ở trẻ em là cao nhất trong các nhóm tuổi. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam - quản lý bệnh viện tư Mount Elizabeth Novena ở Singapore, biến thể Omicron và Delta đều đã “thích nghi” với con người nên trở nên dễ lây nhiễm với trẻ em hơn. Ngoài ra, thói quen cũng có thể có vai trò trong sự gia tăng số ca nhiễm ở trẻ em. Cụ thể, trẻ em thường không đeo khẩu trang đúng cách và cũng không giữ khoảng cách nên dễ mắc bệnh hơn.

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nicholas Chew chuyên về các bệnh truyền nhiễm cho biết tỉ lệ lây nhiễm cao ở trẻ em từ 5-11 tuổi là “không có gì bất ngờ”. Chuyên gia này cho biết trẻ em có thể tiếp xúc gần với nhau ở trường học do không khắt khe trong việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang đúng cách.

Theo Channel News Asia, Singapore đã chuẩn bị nhiều giường bệnh dành cho trẻ em. Tuy nhiên, biện pháp này, theo Bộ Y tế, đây chỉ là phòng xa vì trẻ em thường chỉ mắc bệnh nhẹ và thời gian nằm viện chỉ khoảng 2-3 ngày.

Tại châu Âu và Mỹ, số trẻ em nhập viện gần đây cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu dịch COVID-19, tuy nhiên các trường hợp nghiêm trọng vẫn hiếm gặp ở nhóm tuổi nhỏ nhất, theo Financial Times.

Theo Alasdair Munro - chuyên gia về bệnh nhi tại Viện Nghiên cứu y tế quốc gia của Vương quốc Anh, trước khi xuất hiện biến thể Omicron, trẻ em mắc COVID-19 bị suy hô hấp và viêm phổi thực sự. Nhưng các trường hợp nhiễm Omicron thì giống như các trường hợp bị bệnh hô hấp phổ biến khác. Trẻ không khỏe trong một vài ngày và chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà là các em sẽ hồi phục, trừ các trường hợp bệnh nặng ngoại lệ khác.

Tại Mỹ, dù số ca nhập viện do COVID-19 ở trẻ nhỏ tăng đột ngột ở nhiều bang như Georgia, Connecticut, Tennessee, California và Oregon hồi tháng 1-2022 nhưng phổ bệnh giống như biểu hiện của các bệnh theo mùa quen thuộc khác như hen suyễn, viêm phổi và viêm tiểu phế quản. Tỉ lệ trẻ cần chăm sóc đặc biệt trong làn sóng Omicron thấp hơn so với Delta. Dữ liệu cũng cho thấy biến thể Omicron lan nhanh trong nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh chưa đủ tuổi tiêm vắc xin, cho thấy vắc xin có tác dụng bảo vệ nhất định.

Phòng bệnh, chữa bệnh thế nào?

Singapore khuyên các bậc cha mẹ nên phòng bệnh hơn chữa bệnh; ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo vệ sức khỏe để trẻ không mắc bệnh và tăng cường sức đề kháng. Nếu trẻ có các vấn đề về hen suyễn, bệnh phổi, giấc ngủ, dị ứng... cha mẹ nên hoàn thành tất cả các mũi vắc xin khác trong lịch tiêm chủng khi đến hạn vì các bệnh khác cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Các gia đình nên giảm thiểu việc đi đến các môi trường kín đông người, phòng sẵn vài bộ xét nghiệm nhanh tại nhà, nhiệt kế, thuốc hạ sốt và tính trước phương án cách ly cho trẻ cũng như phương án chăm sóc trong trường hợp trẻ nhiễm COVID-19.

Khi trẻ nhiễm COVID-19, cha mẹ cần giữ bình tĩnh. Trước hết, cần nhớ rằng rủi ro trẻ bị nhiễm COVID-19 là cực kỳ thấp và đa số các trường hợp tử vong do COVID-19 không xảy ra với trẻ em. Đại đa số các trường hợp trẻ có triệu chứng nhiễm COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ, sẽ hồi phục trong 3-5 ngày.

Kinh nghiệm tại các nước có biến thể Omicron cho thấy biến thể này thường gây bệnh nhẹ hơn, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp trên, không như biến thể Delta - gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi hoặc các bệnh phổi khác.

Với các trường hợp nhiễm nhẹ, phụ huynh không nên đưa trẻ đến bệnh viện, thay vào đó có thể chọn điều trị từ xa như trên trang web hoặc kênh tư vấn trực tuyến. Hãy theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà trong ít nhất 72 giờ đầu. Các triệu chứng của nhiễm COVID-19 nếu có sẽ tương tự như bị viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi, gồm sốt, đau họng, ho, sổ mũi và tiêu chảy. Lúc này, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ.

Nếu trẻ khỏe lại và có xét nghiệm nhanh âm tính, trẻ có thể ngừng cách ly và tiếp tục các hoạt động bình thường trước đây. Trẻ nào còn dương tính thì tiếp tục cách ly cho tới khi âm tính trở lại, thường chỉ khoảng 7 ngày.

Trẻ nhiễm COVID-19 có các vấn đề bệnh lý khác khác như bị bệnh bẩm sinh, tăng huyết áp... thì nên đi khám để được tư vấn phương án chăm sóc phù hợp nhất. Hoặc nếu tình trạng sốt trên 38oC kéo dài từ 5 ngày trở lên hoặc nếu trẻ sốt cao, đến 41oC, bị khó thở, không nói được... thì cần nhập viện. Các dấu hiệu cảnh báo khác khi theo dõi sức khỏe của trẻ nhiễm COVID-19 tại nhà gồm tiểu ít - dưới bốn lần một ngày, đau đầu hoặc đau ngực dữ dội.

UNICEF khuyên khi chăm sóc trẻ nhiễm COVID-19, điều quan trọng là người chăm sóc cũng phải chăm sóc chính mình. Lý tưởng nhất là gia đình có người chăm sóc khỏe mạnh, không có nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 như đã tiêm vắc xin đầy đủ, dưới 60 tuổi và không có bệnh nền. Tất cả người trong nhà thực hành giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc không cần thiết với người nhiễm COVID-19 sống cùng nhà, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên với xà phòng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận