“Làm quen” trước, “tán tỉnh” sau

THANH KHÊ 05/10/2016 20:10 GMT+7

TTCT - Hài hước, đầy chất nghệ, thiết thực, giải trí..., mỗi thứ với hàm lượng vừa đủ. Đó là những gì có thể nói về bộ sách nhập môn gồm 4 cuốn: Làm quen triết học qua biếm họa... Hay nói như dòng chữ trên bìa sách: 110% bổ não.

M.N.
M.N.


Thoạt nhìn dễ có cảm tưởng rằng đây sẽ lại là thứ gì đó mang phong cách “Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar” - một lối chọc cười hại não của vài tay bá đạo trong làng triết học. Nhưng trước hết và trên hết, đây là các giáo trình nhập môn, xét về cả nội dung, bố cục lẫn số trang.

Triết học đôi khi bát ngát văn chương như Albert Camus, khô khan như Kant hoặc cực kỳ rối rắm như Hegel. Đã thế, Nietzsche còn nhảy ra bảo rằng mình không tin vào các triết gia không biết nhảy múa. Vậy rốt cuộc triết học là gì?

Hay như Karl Jaspers từng đặt câu hỏi: Tại sao trong khi khoa học tiến triển từng ngày, triết học dường như lại chẳng có gì thay đổi so với thời Hi Lạp cổ đại? Triết học nhập môn của Karl Jaspers có lẽ là một khởi điểm tuyệt vời. Nhưng trước hết, ta hãy làm quen với nó chút đã.

Làm quen với triết học qua biếm họa là làm quen với các đại gia trong làng triết trải suốt chiều dài lịch sử của triết học Tây phương. Mỗi chương là một nhân vật, cùng với chủ thuyết, tiểu sử, trích dẫn, tác phẩm để đời của họ. Mỗi chương là một vấn đề trọng yếu của triết học Tây phương.

Và Heraclitus, triết gia Hi Lạp cổ đại, sẽ vào vai một người dẫn đường suốt cuộc hành trình. Lần đầu bạn sẽ đọc nó như một cuốn truyện tranh. Còn từ lần thứ hai là như một cẩm nang triết học. Đó là tất cả những gì cần nói về cuốn sách nhỏ này.

Trái ngược với triết học, không khó để có thể hiểu đại thể thống kê học là gì. Thường ngày ta lướt web và đọc rất nhiều bài báo bắt đầu bằng dòng tít “Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng...”, nhưng thực chất đa số chỉ là kết quả của thống kê học mà thôi.

Ngành khoa học ứng dụng thời thượng này chưa có nhiều cơ hội để phô diễn sức mạnh của mình và vì vậy, ta hiếm khi cảm nhận được sự hiện diện của nó.

Về bố cục, Làm quen thống kê học qua biếm họa không có nhiều khác biệt với những giáo trình thống kê hiện hành. Vẫn những bước cơ bản như lấy mẫu thô, xử lý số liệu, kiểm định giả thiết, kết luận. Nhưng Alan Dabney đủ duyên dáng và hài hước để dẫn dắt độc giả của mình vào một xứ sở cổ tích toàn là yêu tinh phù thủy, bọn cướp biển, tay pháp sư Pokémon...

Đối tượng thống kê trong sách xoay quanh những câu chuyện hoang đường như cuộc đua rồng của nam nữ thanh niên Viking, hoặc chuyện một gã điên tên là Billy gì đó thích dành cả ngày bắt giun trong cái đầm lầy gần nhà. Rồi còn bao nhiêu thú tao nhã khác như nhại thơ cổ điển, hát chế nhạc phim Harry Potter.

Tất cả công thức lôi thôi đều được nhét vào phần phụ lục cuối sách, mang tên “Hang động toán học”. Nếu nói chơi thì những kiến thức này thuộc loại bí kíp võ công, lỡ rớt xuống núi thì may ra mới lượm được. Nhưng ở một mức độ nhất định thì điều này phản ánh một thực tế rằng, như chính Alan Dabney có lưu ý trong sách, hầu hết các nhà thống kê đều không làm toán!

Cuối cùng, hẳn không cần phải nói thêm rằng kinh tế học là gì và tại sao phải học nó. Bộ Làm quen kinh tế học qua biếm họa chia làm hai tập: vi mô và vĩ mô. Kinh tế vi mô gói gọn trong phạm vi cá thể hoặc tổ chức doanh nghiệp, thuế khóa các kiểu, cung và cầu này nọ cùng một mớ khái niệm lôi thôi mà ai cũng quan tâm. Vĩ mô là những vấn đề to tát hơn, chuyên sâu hơn.

Từ những thứ to vừa vừa như tiền tệ, lạm phát, thất nghiệp đến những thứ rất to như biến đổi khí hậu, đói nghèo toàn cầu, thậm chí là “ngày tàn của hành tinh chúng ta” nữa. Hai cuốn kinh tế có phần kém duyên dáng so với thống kê và triết học.

Nhưng nghe đâu anh giáo sư Yoram Bauman này là “nhà kinh tế hài độc thoại đầu tiên và duy nhất trên thế giới”. Nếu là vậy, tạm thời ta không có nhiều sự chọn lựa.

Học cái gì cũng cần phải nhập môn, đó là một lẽ rất giản dị nhưng ta thường hay quên mất. Hễ muốn khởi sự truy tầm triết học, ta sẽ tìm ngay đến kinh điển. Hễ tìm đến kinh điển, lại thấy mọi sự mù mờ. Rồi sự mù mờ làm phát sinh mối ác cảm.

Thống kê học có vẻ khô khan, hoặc trông như thứ cân đo đong đếm tầm thường. Kinh tế học thân thuộc đến độ nhiều người nghĩ mình chỉ cần đọc báo nghe đài mà thành chuyên gia ngay được. Bộ sách này giúp một lượng đông đảo độc giả, dù ở lứa tuổi hay ngành nghề nào, có cơ hội tiếp cận những kiến thức nền tảng thuộc các lĩnh vực quan trọng.

Và có lẽ chỉ thế thôi, không chỉ đọc nó mà thành chuyên gia ngay được. Hãy thử bỏ chút thì giờ làm quen với nó, rồi tùy nghi quyết định xem liệu có nên chính thức “tán tỉnh” hay không. Miễn đừng “ta yêu, muốn cưới, mà không thì giờ”.■

(*) Bộ 4 cuốn, Nhã Nam và NXB Thế Giới, 2016.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận