Làm sao "cho dài thời trẻ của nhân gian"?

LÊ MY 15/04/2023 07:30 GMT+7

TTCT - Một ngày trên Trái đất kéo dài 24 giờ đồng hồ, hiển nhiên là tất cả thể loại đồng hồ đeo tay, treo tường hay trên những ngọn tháp. Tuy nhiên, "thời gian trong tâm trí" thì không như thế.

Minh họa: Samuel Woo/TODAY

Minh họa: Samuel Woo/TODAY

Trong thế kỷ trước, những khám phá của Albert Einstein đã làm nổ tung khái niệm về thời gian của người Trái đất. Ông nói rằng thời gian "được tạo nên", "mang tính tương đối", và đã chứng minh "thời gian giãn nở", tỉ như nó sẽ trôi chậm hơn nếu một vật chuyển động nhanh.

Dẫu cho bao nhiêu điều ta đã biết về không-thời gian bốn chiều, việc chờ đợi một chuyến xe buýt vẫn sẽ "lâu lắc lâu lơ" hơn một bữa cơm trưa bên người yêu. Nhận thức thời gian (time perception) - cảm nhận của con người về thời gian - có thể chẳng giống một lý lẽ nào trong vũ trụ này, nhưng nó phản ánh thực tại của ta ở đây trên Trái đất.

Thay đổi cách ta nghĩ về thời gian, biết đâu một ngày sẽ trôi qua khác đi.

Hỡi năm tháng vội đi làm quá khứ!

Aristotle xem "hiện tại" là một thứ gì đó liên tục thay đổi, và đến năm 160 hoàng đế kiêm triết gia người La Mã, Marcus Aurelius, đã mô tả thời gian như một dòng sông của những sự kiện trôi qua.

Đến hôm nay, nhiều người trong chúng ta vẫn thường cho rằng thời gian là tuyến tính, tuyệt đối và liên tục "hết". Có thật vậy không? Và làm thế nào để ta giảm cảm giác "vội vàng" như Xuân Diệu?

Một khía cạnh thường gặp trong nhận thức thời gian là cách chúng ta nghĩ về "quá khứ" như một loại thư viện video khổng lồ, chứa các thước phim ghi lại các sự kiện trong cuộc sống. Nhưng tâm lý học đã chứng minh rằng trí nhớ tự truyện (autobiographical memory) không hoạt động như vậy.

Theo giáo sư Elizabeth Loftus, nhà tâm lý học người Mỹ đã xuất bản hơn 20 đầu sách và 600 bài báo, "ký ức vốn được tái tạo, chứ không phải bấm play". Mỗi khi nhớ lại một ký ức, chúng ta tái tạo các sự kiện trong tâm trí và thậm chí thay đổi chúng sao cho có nghĩa. Loftus đã dành nhiều năm nghiên cứu điều này, thuyết phục người khác nhớ lại việc họ đã… hôn một con ếch xanh khổng lồ!

Nhờ đó, "tương lai" và "quá khứ" có liên kết chặt chẽ với nhau. Chính việc sở hữu ký ức cho phép chúng ta tưởng tượng về tương lai: sắp xếp lại các "cảnh phim" quá khứ để xem trước các sự kiện chưa xảy ra qua một cửa sổ trong tâm trí. Một em bé, với rất ít trí nhớ tự truyện, luôn sống trong hiện tại. Rồi đứa trẻ lớn lên, bắt đầu phát triển nhận thức thời gian, về ngày hôm qua khác với ngày mai.

Đấy là một điều quan trọng. Khả năng du hành thời gian trong tâm trí, tiến và lùi, là lý do khiến loài người khác biệt: chúng ta lập kế hoạch cho tương lai và đong đếm các khả năng. Aristotle đã từng mô tả ký ức là công cụ để tưởng tượng về tương lai, chứ không phải là kho lưu trữ cuộc đời.

Vì thế, ngay cả khi không thể thay đổi cảm nhận về thời gian trôi, chúng ta có thể thay đổi cách nghĩ về nó. Thay vì coi quá khứ, hiện tại và tương lai là một đường thẳng, ta có thể xem ký ức của mình như là một nguồn tài nguyên cho phép chúng ta nghĩ về tương lai, và có lẽ cảm thấy tốt hơn về sự trôi đi của nó, cũng như chính chúng ta.

"Nghĩa là những gì trước đây có vẻ như bị lỗi - khó khăn trong việc nhớ lại quá khứ một cách chính xác - thực ra là một lợi thế" - theo Claudia Hammond, tác giả cuốn Time Warped: Unlocking the Secrets of Time Perception (Thời gian bị bẻ cong: Giải mã những bí mật của nhận thức thời gian). "Nếu ký ức bất di bất dịch giống như băng video thì việc tưởng tượng ra một tình huống mới sẽ trở nên rất khó khăn".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biết thế nào mà chậm rãi, em ơi?

Một ngày dường như ngắn lại khi chúng ta già đi. Người ta thường kể mấy mẩu chuyện (buồn) cười, như: 12 năm đi học tưởng như không bao giờ kết thúc, còn bây giờ "sơ hở là Tết". Thì giờ ngựa chạy tên bay / Nó đi đi mãi có chờ đợi ai (ca dao). "Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi" (Xuân Diệu). Nhưng, ai giục giã thời gian trôi?

Khoa học vẫn chưa nhất trí về câu trả lời. Một giải thích phổ biến: đối với một đứa trẻ 10 tuổi, một năm chiếm 10% toàn bộ cuộc đời và thậm chí 15-20% trí nhớ của nó. Nhưng với một người 50 tuổi, một năm chỉ dài bằng 2% cuộc đời, thậm chí ít hơn nếu ta đã quên đi nhiều thứ.

Trong một bài báo năm 2019, giáo sư Adrian Bejan, người đã nhận 18 bằng tiến sĩ danh dự từ nhiều đại học ở 11 quốc gia, đã trình bày một lý giải mới dựa trên các nguyên tắc vật lý và sinh học đơn giản. Ông đưa ra giả thuyết rằng: tâm trí khi còn trẻ thì nhận được nhiều hình ảnh trong một ngày hơn so với cùng tâm trí đó ở tuổi già, kết quả là thời gian "tăng tốc" bên trong một bộ não đang già.

Theo Bejan, chúng ta sẽ cảm nhận thời gian trôi nhanh hơn khi bộ não tốn nhiều thời gian thực tế hơn để nhận thức một hình ảnh mới. Khi chúng ta lớn lên, kích thước và độ phức tạp của mạng lưới các tế bào thần kinh trong não tăng lên - các tín hiệu điện phải truyền qua khoảng cách xa hơn và do đó việc xử lý tín hiệu mất nhiều thời gian hơn. Sự lão hóa cũng làm chậm khả năng xử lý hình ảnh truyền vào não. Ngược lại, khi chúng ta còn trẻ, mỗi một giây của thời gian thực gắn với nhiều hình ảnh tâm trí hơn (xem hình trang bên).

Vậy, liệu chúng ta - những người đang tiến dần tới điểm cuối của đoạn thẳng cuộc đời - có thể làm chậm thời gian trôi?

Một phần nhận thức thời gian chịu ảnh hưởng bởi số lượng ký ức mới. Chẳng hạn, sau một chuyến nghỉ mát đầy ắp hoạt động, mặc dù cuộc vui trôi qua nhanh chóng tại thời điểm đó, nhưng khi nhìn lại, bạn có thể cảm thấy mình đã có chuỗi ngày rất dài. "Điều này là do tất cả những ký ức mới mà bạn đã tạo ra bằng việc dành một tuần để sống ngoài những lịch trình thường nhật của mình" - Claudia Hammond giải thích trong một bài viết trên trang BBC năm 2019.

Bà đưa ra lời khuyên: nếu bạn muốn rũ bỏ cảm giác bất an vào tối chủ nhật rằng cuối tuần sắp trôi mất, bạn có thể liên tục tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ. Thời gian ta vui vẻ vẫn thường vụt qua trong khoảnh khắc. Nhưng vì bạn sẽ ghi lại nhiều kỷ niệm hơn, nên đến sáng thứ hai, bạn sẽ cảm thấy cuối tuần đủ dài. Khi tạo cho mình nhiều kỷ niệm trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời mình dài hơn khi nhìn lại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trái tim anh thức đập, nơi gốc của thời gian

Khoảnh khắc "hiện tại" kéo dài bao lâu? Câu trả lời phụ thuộc vào trái tim của bạn, theo 2 nghiên cứu khác nhau cùng công bố vào tháng 3.

Theo nghiên cứu của ĐH Cornell (Mỹ) trên Psychophysiology, nhận thức nhất thời của chúng ta về thời gian không liên tục mà có thể giãn ra hoặc co lại theo từng nhịp đập của tim (gồm 2 tiếng bùm-bụp). Nghiên cứu đưa ra bằng chứng rằng trái tim là một trong những cỗ máy đếm thời gian quan trọng của não bộ và đóng vai trò cơ bản trong cảm giác thời gian trôi qua của chúng ta.

45 người tham gia nghiên cứu, 18 đến 21 tuổi, không có tiền sử bệnh tim, được theo dõi bằng điện tâm đồ (ECG), để đo chính xác độ dài của từng tiếng tim đến một phần nghìn giây. Nhóm nghiên cứu yêu cầu họ ước tính độ dài của một âm thanh được phát ngay sau mỗi nhịp đập. Kết quả: khi tiếng tim ngắn hơn, âm thanh sau đó được nhận thức là dài hơn. Khi tiếng tim dài hơn, thời lượng của âm thanh dường như ngắn lại.

Saeedeh Sadeghi, tác giả chính của nghiên cứu, nói với New York Times: "Khi chúng ta cần nhận thức mọi thứ từ thế giới bên ngoài, nhịp đập của trái tim là tiếng ồn đối với vỏ não. Bạn có thể trải nghiệm thế giới nhiều hơn - dễ dàng đưa mọi thứ vào trong đầu hơn - khi trái tim im lặng".

Nghiên cứu của ĐH Royal Holloway (Anh) đăng trên Current Biology cho kết luận tương tự. Tiến sĩ tâm lý học Irena Arslanova nhận xét: "Phát hiện của chúng tôi minh họa một điểm mà Murakami đã đưa ra trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của mình, khi ông viết 'thời gian giãn ra, rồi co lại, tất cả đều hòa hợp với sự khuấy động của trái tim'".

Các nhà nghiên cứu lâu nay cho rằng bộ não kiểm soát cảm giác về thời gian. Hai nghiên cứu mới đây cho thấy trái tim cũng có vai trò quan trọng. Hiểu những cơ chế trên có thể giúp chúng ta quản lý sang chấn - khi những trải nghiệm tiêu cực được ghi nhớ lâu hơn mức cần thiết, hay một số công việc đòi hỏi kỹ năng cao của con người, ví dụ như lái xe và chơi thể thao.

"… Những ngày 'chậm hơn' thì tràn đầy năng suất, sự kiện và ký ức về những gì đã xảy ra. Lời khuyên là: những ngày làm việc hiệu quả chỉ có được khi cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi, sau những giấc ngủ đều đặn, khi vào buổi sáng bạn soi gương và thấy mình trẻ hơn chứ không phải mệt mỏi.

…Học sinh cũng thấm thía sự thật vật lý này khi làm bài kiểm tra trong một khoảng thời gian cố định. Tâm trí nào được nghỉ ngơi sẽ có nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề, tìm ra lỗi sai, quay lại từ đầu và thử lại. Thiếu ngủ do phải nhồi nhét bài vở vào đêm trước ngày thi sẽ khiến thời gian trong buổi thi trôi qua nhanh hơn. Học nhồi không mang lại lợi ích, nhưng nghỉ ngơi thì có, đó là lý do tại sao vị huấn luyện viên giỏi sẽ cho cả đội nghỉ ngơi trước trận đấu lớn".

Trích "Tại sao ngày dường như ngắn hơn khi chúng ta già đi", Adrian Bejan đăng trên European Review năm 2019.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận