TTCT - Việc tổ chức dạy học phân hóa theo mô hình phân ban là một chủ trương được ngành GD-ĐT kiên trì theo đuổi đằng đẵng mấy chục năm dù đã vài ba lần “phá sản”. Dư luận mặc nhiên xem phân ban đã chết, còn ngành GD-ĐT trên thực tế đang chấp nhận tiễn đưa chương trình phân ban về quá vãng một cách lặng lẽ... Trần Việt S., sinh năm 1975, cựu học sinh ban D thí điểm khóa 1989-1992 Trường phổ thông trung học (PTTH) Hoàn Kiếm, nay là THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tự gọi mình là thế hệ “chuột bạch”: “Cấp I, cấp II là chuột bạch, cấp III cũng là chuột bạch, lên ĐH chúng tôi cũng thuộc lứa cuối cùng phải thi chuyển giai đoạn sau khi học ĐH đại cương”.Chân dung “mẻ sản phẩm đầu”S. và bạn bè cùng tuổi là “mẻ sản phẩm” đầu tiên của cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba - lần đầu tiên cả nước thực hiện thống nhất một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm. Năm học 1981-1982, S. được học luôn lớp 1 thay vì phải qua lớp vỡ lòng như học sinh các khóa trước. Cũng từ năm đó, sách giáo khoa mới được thay thế sách giáo khoa cũ theo trình tự cuốn chiếu, bắt đầu từ lớp 1 (không qua thí điểm như lần đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau này, từ năm 2002). Học xong lớp 8, một nửa số bạn cùng khóa S. tiếp tục học lớp 9 sách mới, nửa còn lại có kết quả học tập cao hơn được vào thẳng lớp 10 và học sách cũ. S. thuộc diện thứ hai nhưng lại không thoát khỏi vòng xoáy “chuột bạch” khi trở thành học sinh Trường PTTH Hoàn Kiếm, một trong hai trường trên toàn quốc được chọn làm thí điểm phân ban (hồi đó còn gọi là chuyên ban). Trường còn lại là PTTH (nay là THPT chuyên) Lê Hồng Phong, lúc đó thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định). Học sinh trúng tuyển vào hai trường này đều thuộc diện khá giỏi.S. học lớp 10 Trường Hoàn Kiếm năm học 1989-1990. Những học sinh khối 10 được chia ra học năm ban A, B, C, D, E - tương ứng với các khối thi ĐH, trừ ban E là ban dành cho những học sinh thi trượt bốn ban kia. Có bảy lớp, bốn lớp A - B - C - D và ba lớp E1- E2 - E3. S. học lớp D, chuyên ngoại ngữ.“Nếu học để thi vào ĐH thì học chương trình đó khá hiệu quả. Nhưng do học quá lệch một số môn mà chúng tôi tự thấy mình thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để học ĐH. Chẳng hạn, khi học các ngành kinh tế, những người học ban D rất khó khăn khi học về ma trận, tuyến tính hoặc các chương trình toán kinh tế.Ngồi lại với nhau sau 20 năm ra trường, anh em ban D chúng tôi thấy mình rất thiệt thòi so với các bạn ban A. Cứ như chúng tôi có cái vòng kim cô úp trên đầu, thi ĐH chỉ có thể thi khối D mà hồi đó chỉ các trường ngoại ngữ mới tuyển khối D, muốn thi khối A thì không đủ kiến thức. Để dễ xin việc, hầu hết chúng tôi đều phải học thêm ĐH chuyên ngành 2” - S. chia sẻ.Khóa của S. là khóa duy nhất học chương trình thí điểm đợt ấy. Cũng như Trường Lê Hồng Phong, với khóa sau đó (tuyển sinh năm học 1990-1991) Trường Hoàn Kiếm trở về dạy chương trình đại trà để đợi đến năm học 1993-1994 mới tiếp tục tham gia vào công cuộc thí điểm phân ban lần hai, rồi lần ba (từ năm học 2003-2004).Ăn đongNgay trong lần đầu tiên thí điểm, chương trình phân ban đã gặp sự phản kháng của dư luận. Theo thiết kế, chương trình có năm ban nhưng chỉ Trường Hoàn Kiếm thực hiện đủ. Trường Lê Hồng Phong chỉ làm được ba ban A, C, D mà lý do như thầy Vũ Đức Thứ, nguyên hiệu trưởng nhà trường, nói: “Người dân không cho con đăng ký vào hai ban B và E”. Nhưng những ám ảnh, thậm chí là nỗi kinh hãi mà quãng thời gian thí điểm này in lại trong tâm trí các lãnh đạo, giáo viên hai trường trên vẫn là những chuyện hậu trường mà người trong cuộc mới thấm.“Triển khai một chủ trương ra đời từ trước đó chục năm mà lối làm việc rất chắp vá, thiếu trách nhiệm, vừa làm vừa ăn đong. Chúng tôi vừa dạy vừa chờ tài liệu nên có những bài như Chí Phèo của môn văn giáo viên phải dạy tới bảy tiết! Đã vậy nội dung tài liệu được biên soạn rất chán khiến giáo viên vừa không hứng thú vừa khó dạy” - thầy Nguyễn Châu Điểm, hồi đó là phó hiệu trưởng Trường Hoàn Kiếm, nói.Cũng theo thầy Điểm, kể cả hai đợt thí điểm về sau tình hình không khá hơn, giáo viên vẫn cứ phải chơi trò ú tim với Bộ GD-ĐT và các nhà soạn sách. Chẳng hạn hồi thí điểm lần ba, giáo viên dạy hết lớp 10 (năm học 2003-2004) rồi mà chưa biết lớp 11 năm tới sẽ dạy gì, dạy xong lớp 11 (năm học 2004-2005) lại “nghển cổ” đợi sách lớp 12.“Chúng tôi chỉ mong các tác giả viết sách về trường để đề nghị họ dạy cho chúng tôi những bài họ soạn xem họ có dạy được không! Tôi từng đề nghị ngành giáo dục nên học tập ngành nông nghiệp tổ chức những “hội nghị đầu bờ”, nghĩa là các nhà khoa học tổ chức dạy mẫu rồi thảo luận rút kinh nghiệm ngay sau tiết dạy luôn nhưng chẳng ai quan tâm” - thầy Điểm bức xúc.Thầy Vũ Đức Thứ dùng khái niệm “ăn đong” khi nhận xét về quãng đường hơn chục năm với ba đợt thí điểm phân ban mà lần nào cũng “rất cập rập, thiếu sự chuẩn bị cả về con người lẫn tài liệu, nội dung một số tài liệu cũng viết lôm côm”. Một số giáo viên giỏi của Trường Lê Hồng Phong sau khi dạy thí điểm một năm đã tỏ thái độ không phục các tác giả viết sách bằng cách xin thôi dạy các lớp thí điểm vì hồi đó trường vừa có hệ thí điểm vừa có hệ đại trà. “Sự không nghiêm túc, không cẩn trọng trong tu thư là vấn đề tồn tại đến bây giờ” - thầy Thứ nhận xét.Thí sinh dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) khối C năm 2012 tại hội đồng thi Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM - Ảnh: Như HùngGọt chân cho vừa giàyTheo các chuyên gia giáo dục, phân ban là một mô hình tổ chức dạy học có tính lịch sử của nước ta. Đó là mô hình được áp dụng từ thời thuộc Pháp và vẫn được duy trì ở miền Nam cho đến năm 1975. Ở miền Bắc, cuộc cải cách giáo dục lần 1 năm 1950 đã xác lập hệ thống giáo dục phổ thông gồm chín năm (chưa kể năm vỡ lòng) thay thế hệ thống cũ; năm 1956 lại cải cách một lần nữa để hợp nhất hai hệ thống giáo dục (vùng tạm chiếm và vùng tự do) thành một hệ thống gồm mười năm. Sau năm 1975, miền Nam vẫn duy trì hệ thống giáo dục 12 năm nhưng bỏ phân ban.Chủ trương phân ban lần đầu tiên được đề cập vào năm 1979. Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị BCH T.Ư khóa IV ban hành năm 1979 về cải cách giáo dục nêu “sẽ thực hiện phân ban một cách hợp lý trên cơ sở giáo dục toàn diện”.Đây là cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba của Đảng và Nhà nước ta nhưng là cuộc đầu tiên được tiến hành một cách rất bài bản bởi có hẳn một ủy ban cải cách giáo dục mà chủ tịch ủy ban là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thành viên ủy ban là những trí thức, những nhà lãnh đạo lừng danh một thuở như cố bộ trưởng Bộ Đại học Nguyễn Đình Tứ, bộ trưởng Bộ Giáo dục (và sau này là phó chủ tịch nước) Nguyễn Thị Bình, cố GS viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, cố GS viện sĩ Trần Đại Nghĩa, GS viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, GS viện sĩ Đặng Hữu... Tuy nhiên, những được mất của lần cải cách giáo dục này là gì không ai có thể khái quát được bởi đơn giản là nó chưa bao giờ được tổng kết.Dẫu là con đẻ của một khởi đầu bài bản như vậy nhưng chương trình phân ban qua các lần thí điểm thiếu hẳn một tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt. Do thiếu lập luận khoa học vững chắc nên các nhà thiết kế chương trình vừa làm vừa nghe ngóng kiểu “đẽo cày giữa đường”, vì thế diện mạo mô hình phân ban thay đổi chóng mặt, các phương án liên tục được điều chỉnh theo cách “gọt chân cho vừa giày”. Mỗi lần thí điểm lại gắn với những cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý khoa học khác nhau nên càng thí điểm càng mông lung. Sát đến giờ “G” mà phương án phân ban vẫn chưa ngã ngũ.Tới tháng 9-2006 đã phải triển khai đại trà (sau khi lỗi hẹn hai năm) mà tháng 9-2005, Viện Chiến lược và chương trình giáo dục mới đề xuất bổ sung một ban bên cạnh hai ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn theo thiết kế ban đầu của thí điểm lần ba. Ban mới này ban đầu có tên là cơ sở, về sau được ấn định tên là cơ bản. Ngay lập tức giới chuyên môn hình dung đây chính là “ban không phân ban”. Như vậy dù thí điểm hai ban nhưng từ năm học 2006-2007 khi triển khai đại trà, chương trình phân ban có tới ba ban.Duy có một ý chí bền bỉ không suy giảm theo tháng năm là niềm tin vào tính tiên tiến bậc nhất của mô hình phân ban của các thế hệ lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mặc dù quan điểm này có rất nhiều học giả phản đối. GS Trần Thanh Đạm khẳng định: “Về giáo dục cũng như về khoa học, trung học phân ban là một mô hình giáo dục phổ thông lỗi thời chứ không phải tiên tiến”. Còn GS Nguyễn Xuân Hãn thắc mắc: “Thực tế phân ban không được xã hội chấp nhận. Vậy tại sao vẫn đeo bám?”.Khát vọng khẳng định sự thành công?Thật ra từ năm 2005, phía Bộ GD-ĐT mà đại diện tiêu biểu là GS Nguyễn Hữu Châu, viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học giáo dục VN), và ông Lê Quán Tần, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, đã thường xuyên sử dụng khái niệm “phân hóa”. Lúc đó ông Tần là người vừa được lãnh đạo bộ luân chuyển sang vị trí vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thay ông Nguyễn Văn Trang, còn ông Trang làm chánh thanh tra thay ông Tần.Theo những nguồn tin đáng tin cậy, việc thay người này liên quan tới quan điểm của ông Trang về khả năng thành công của thí điểm phân ban. Ông Tần gọi cái mà Bộ GD-ĐT đang thí điểm và sắp triển khai đại trà là “dạy chương trình phân hóa”. Đó là lý do để ông Tần cho rằng việc phủ định hay khẳng định ý kiến “phương án phân ban đã sụp đổ ngay từ lúc chưa mở đầu” đều không có căn cứ thực tế. Hồi đó ông Tần cho rằng mục đích của thí điểm chương trình phân ban là dạy chương trình phân hóa nên cho dù thực tế ở đâu đó chỉ còn lại một ban cũng không có nghĩa là phân ban đổ vỡ!?Khát vọng được thừa nhận sự thành công của chương trình phân ban của Bộ GD-ĐT thể hiện đặc biệt mạnh mẽ trong ngày họp báo chuẩn bị năm học 2006-2007. “Trong quá trình thí điểm chúng ta đã phát hiện và thấy rằng phải tìm kiếm mô hình hiệu quả hơn. Đó chính là sự tích cực, là thành công của thí điểm” - GS Nguyễn Hữu Châu nói.Còn ông Lê Quán Tần lập luận: “Phân ban là một hình thức tổ chức dạy học chứ không phải chương trình dạy học. Chúng ta không chuẩn bị sách giáo khoa cho phân ban mà chuẩn bị cho việc dạy học phân hóa”. Nhưng theo một chuyên gia cao cấp của Bộ GD-ĐT, phân hóa là một cách thức tổ chức dạy học, trong đó phân ban mô hình cổ điển của dạy học phân hóa mà Pháp và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp thường áp dụng.Một mô hình khác của dạy học phân hóa được nhiều người tâm đắc là dạy học bắt buộc vài môn, còn lại là tự chọn. Điển hình cho xu hướng này là giáo dục Mỹ. Tuy nhiên, để tổ chức được mô hình tự chọn, số phòng học phải nhiều ít nhất gấp ba lần số lớp học, trong khi ở ta đa số trường vẫn phải tổ chức học hai ca/ngày. Đó là lý do vì sao mô hình phân ban được lựa chọn làm thí điểm.Trên thực tế, tổ chức dạy học phân hóa theo mô hình phân ban gần như không còn ý nghĩa mà bao trùm lên vẫn là phân hóa theo khối thi đại học. Theo tổng kết của Bộ GD-ĐT sau ba năm triển khai đại trà phân ban, năm học 2008-2009 cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban cơ bản, hơn 14% học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% học ban khoa học xã hội và nhân văn.Trước đó, năm 2006, bộ hi vọng tỉ lệ này đạt lần lượt là 60% - 30% - 10%. Đến nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố số liệu mới nào về tỉ lệ phân ban. Trong báo cáo tổng kết năm học 2011-2012 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2012-2013 gồm 59 trang của Bộ GD-ĐT, tuyệt nhiên không nhắc đến từ “phân ban”.Lớp phân ban biến thành lớp luyện thi ĐHBạn Nguyễn Huỳnh Phương Duy, từng học chương trình phân ban khoa học tự nhiên tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM, cho biết đã chọn học phân ban đúng nguyện vọng cá nhân, vì có sở thích và năng khiếu các môn tự nhiên và hướng đi thi ĐH khối A. Nhưng vào học thực tế thì thấy chương trình phân ban “loay hoay cũng chỉ có lợi ích để luyện thi ĐH, không mấy ai thấy mục đích ý nghĩa thật sự của phân ban, ấn tượng chương trình này nhạt nhòa. Giờ không học sinh nào quan tâm phân ban đang sống chết ra sao. Chỉ thấy hiện nay, để nhẹ nhàng hơn, người ta cho học chương trình cơ bản và tăng tiết các môn thi ĐH”.Đặng Nhật Ánh, cựu học sinh chuyên văn Trường chuyên Quang Trung (Bình Phước), từng học chương trình THPT phân ban khoa học xã hội, cho biết: “Gọi là phân ban theo năng lực, sở thích của người học nhưng thực tế nhà trường dắt đi đâu học sinh phải theo đó. Cứ vào lớp chuyên văn đương nhiên học phân ban xã hội, không có sự chọn lựa nào khác. Năm lớp 10, lớp phân ban của tôi học đúng chương trình nâng cao (bốn môn văn, sử, địa, ngoại ngữ) nhưng lên lớp 11 và 12 chỉ học nâng cao ba môn thi ĐH của mình thôi. Như vậy, định hướng phân ban có khác gì luyện thi ĐH?”...Thực tế nhiều học sinh học phân ban theo định hướng của nhà trường nhưng không biết học để làm gì...Sơ lược lịch sử thí điểm chương trình phân banLần 1: Tiến hành thí điểm chỉ với một khóa học sinh duy nhất (1989-1992) tại hai trường là Hoàn Kiếm và Lê Hồng Phong. Mô hình hẹp (5 ban) và sớm (từ lớp 10).Lần 2: Thí điểm năm khóa liên tục, tuyển sinh từ năm học 1993-1994 đến năm học 1997-1998, mô hình rộng (3 ban), sớm. Bắt đầu thí điểm tại 14 trường thuộc bảy tỉnh/thành, về sau mở rộng 214 trường tại 53 tỉnh/thành. Dự kiến năm học 2000-2001 sẽ triển khai đại trà. Nhưng năm 1998, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngừng tuyển sinh thí điểm phân ban, Bộ GD-ĐT thành lập ban nghiên cứu để khẩn trương xây dựng lại chương trình phân ban THPT. Tuy nhiên, năm 2000 những học sinh khóa cuối cùng của đợt thí điểm này mới tốt nghiệp.Lần 3: Thí điểm từ năm học 2003-2004, tại gần 50 trường của 11 tỉnh/thành, mô hình rộng (2 ban), sớm. Dự kiến thí điểm một năm rồi triển khai đại trà luôn từ năm học 2004-2005. Trên thực tế, hai năm sau, từ năm học 2006-2007 ngành GD-ĐT mới triển khai được đại trà sau khi đã nhiều lần điều chỉnh phương án phân ban. Lần điều chỉnh cuối cùng là thêm ban cơ bản, một ban được giới chuyên môn xem là “ban không phân ban”, để cuối cùng cả nước hầu như chỉ học “ban không phân ban” này. Tags: Thí điểmGiáo dụcPhân banChương trình phân ban
TP.HCM ủng hộ 120 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ, kêu gọi người dân tiếp tục chia sẻ THẢO LÊ 10/09/2024 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM ủng hộ 120 tỉ đồng chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào ảnh hưởng bão lũ.
Xót xa nhìn biển nước mênh mông muốn chạm mặt những cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống HỒNG QUANG 10/09/2024 Nước lũ sông Hồng, sông Đuống lên rất cao, nhấn chìm nhiều bãi bồi ven sông Hồng. Nhiều đoạn nước sông ngày càng tiến dần tới mép cầu.
Đề nghị Trung Quốc phối hợp, không xả lũ thủy điện thượng nguồn sông Hồng DUY LINH 10/09/2024 Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ lượng nước trên thượng nguồn sông Hồng đổ xuống hạ lưu.
Tạm đình chỉ chức vụ giám đốc Điện lực TP Hạ Long, yêu cầu có mặt khắc phục lưới điện NGỌC AN 10/09/2024 Công ty Điện lực Quảng Ninh vừa có quyết định tạm đình chỉ chức vụ đối với giám đốc Điện lực TP Hạ Long - ông Nguyễn Đại Cương.