Lần lại vụ bê bối lớn nhất lịch sử hải quân Mỹ

KHIÊM ĐỖ 11/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một tay nhà thầu quân sự giỏi quan hệ và ăn chơi đã thao túng cả Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ra sao, trong vụ bê bối mà gần một thập niên sau vẫn còn để lại những hệ quả ghê gớm.

Đề đốc chỉ huy quân báo Hải quân Hoa Kỳ bước vào bàn giấy của một thiếu tá thuộc quyền. Thiếu tá này thấy sếp vào bèn vội vã cất tập hồ sơ đề chữ “Mật” trên bàn vào ngăn kéo!

Tại sao lại như thế? Là vì thiếu tá sợ đề đốc cầm tập hồ sơ lật ra xem thì khó ăn khó nói. Đề đốc chỉ huy quân báo không được quyền xem hồ sơ (!) vì ông đang bị điều tra, và hồ sơ này có thể dính dáng đến cá nhân ông. 

Leonard Mập (thứ hai từ trái sang) là bạn ăn chơi hợp cạ của nhiều tướng tá Hải quân Mỹ. Ảnh: Washington Post

 

Tuy nhiên, ông vẫn giữ chức vụ vì chỉ còn một năm nữa là về hưu và hải quân không nỡ bắt ông bỏ tù, chuyện có gì đâu. Khi về hưu, ông chỉ bị giáng xuống hàng phó đề đốc và vẫn ăn lương hưu tướng lãnh. 

Ngoài những ngày điều binh khiển chiến hạm oai hùng trên biển, tội của ông là lỡ ăn cơm uống rượu và cặp kè với mấy cô gái Á cùng lúc, muốn bao nhiêu được bấy nhiêu, rồi nhận đồng hồ vàng cho mình hay giỏ đầm hàng hiệu cho vợ, du lịch 5 sao cho con... để tiết lộ tin tình báo cho một nhân vật mà giới sĩ quan cao cấp Hải quân Mỹ gọi là “Leonard huyền thoại”, tên tục là “Leonard Mập” - người Mã Lai, cao 1,90m và nặng 160kg, tổng giám đốc Công ty GDMA cung cấp dịch vụ tại cảng cho các tàu chiến.

Chuyện sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ thứ 20 (trong 29 vị cả thảy), trưởng phòng điều hợp tập trận với hải quân nước ngoài, nhận tội trong vụ bê bối Leonard Mập vừa rồi khiến tôi giật mình khi phát hiện trong danh sách có cả một bạn tên “Khiem”.

Ông này tên Mỹ là Michael V. Misiewicz, và do gốc Cam Bốt nên tên đúng ra là “Khem”, cũng hạm trưởng chỉ huy tàu Mỹ, về thăm nhà tại cảng Sihanoukville và được xứ sở cũ vinh danh như ông hạm trưởng gốc Việt Lê Bá Hùng. Nhưng hạm trưởng Hùng chưa thấy bê bối gì, Việt kiều Mỹ nào có thế bao giờ.

Vụ bê bối này dính líu tới hai đề đốc, một lô đại tá và trung tá hải quân. Họ được chiêu đãi “chân dài” mang từ tận Mông Cổ sang, kèm ăn nhậu và quà cáp hàng chục triệu, bởi một nhà thầu Singapore để điều tàu tập trận đến các cảng mà công ty này có dịch vụ bảo trì. 

Thành ra, tin tức Hải quân Mỹ tập trận tại Biển Đông khiến một số nơi mừng húm vì tưởng Mỹ sắp đánh Trung Quốc. Có biết đâu nguyên nhân có khi là do công ty của Leonard Mập mới tổ chức tiệc chân dài cho mấy ông tướng tá Bộ tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương!

Tuy nhiên, đề đốc tư lệnh tình báo hải quân không mất chức mà được cho an vị đến khi về hưu. Thời gian này ông làm sếp nhưng không được xem hồ sơ mật vì sợ ông biết thông tin về điều tra vụ án. Phó tư lệnh của ông cũng dính chàm và tướng lên thay cũng bị điều tra luôn, về chuyện bê bối khác!

Chuyện tham ô giữa Leonard Mập và Hải quân Hoa Kỳ, bị phanh phui từ năm 2013, mấy tuần qua lại rôm rả vì cuộc “đả hổ diệt ruồi” trong Hải quân Mỹ kéo dài 8 năm đến nay chưa kết thúc và vừa cán mốc mới: sĩ quan thứ 20 bị truy tố vừa nhận tội trước tòa.

Đây là đại án làm trong sạch lực lượng của Hải quân Mỹ: 60 tướng lãnh bị điều tra, 6 tướng bị kỷ luật và 2 tướng bị truy tố ra tòa (nhưng lại khá im ắng trên báo chí vì dính dáng mấy đời tư lệnh Thái Bình Dương).

Phải nói là nhân vật Leonard Mập rất đáng ngưỡng mộ, chẳng hiểu sao mà Nga hay Trung Quốc không biết đường tin dùng những tay có thể điều được cả chiến hạm Hoa Kỳ vào cảng này cảng kia để họ phải dùng dịch vụ của GDMA như vậy. 

Tối về vợ hỏi, sao hôm nay công việc thế nào, thì bình thường thôi, chẳng có gì, à, anh thay nhớt cho một hàng không mẫu hạm Mỹ.

Võ khí của Leonard Mập là tiền, quà cáp và những biệt đội “nữ hải kích Thái Lan” gửi đến tận phòng ngủ của các tướng tá để tra tấn họ bằng nghiệp vụ đặc biệt. Leonard Mập bị lừa sang Mỹ và bắt giam năm 2015. 

Tuy nhiên, năm 2018 Leonard được cho ra trại, quản thúc tại gia ở nhà riêng tại San Diego vì lý do bệnh nặng (cân ?). Không hiểu biệt đội nữ hải kích ngày xưa có phụ trách phần canh giữ?

Phải nói thêm, Leonard Mập không có thân thế gì, cũng chẳng phải đại gia giàu sẵn, mà là nhờ quen biết một hạ sĩ quan quân báo ở Nhật rồi leo dần đến thao túng cả Bộ tư lệnh Hạm đội 7 bằng cách gặp ai anh cầm tay mấy phút là cổ tay người đó có ngay đồng hồ vàng! 

Thêm nữa, Leonard Mập không hối lộ kiểu hợp đồng ăn chia phần trăm cố định, mà chỉ vui chơi kiểu “trọng nghĩa khinh tài” rất Lương Sơn Bạc, nên không dễ kết tội ở một xứ mà pháp luật rành mạch và chặt chẽ như Mỹ, dù Leonard rành rành dính dáng đến 60 tướng tá hải quân.

Tàu cặp bến là party ngày đêm. Hạm trưởng đến Tokyo là thấy vợ con ở khách sạn 5 sao ra đón, do GDMA trả tiền bay sang, vợ con về Mỹ rồi thì phòng đang đêm có biệt đội nữ hải kích gõ cửa. 

Chuyện tiền trao tay bắt được là những khi gặp khó khăn cho con đi học hay trả góp tiền nhà, còn phần lớn là vui chơi bạn bè, nghĩa khí là chính, cứ cầm cái đồng hồ về làm quà cho phu nhân đô đốc vui. 

Không khó hiểu vì sao trong giới Hải quân Mỹ, Leonard Mập từng có thời được gọi là “Leonard huyền thoại”!■

Leonard Mập là ai?

Leonard Glenn Francis, 57 tuổi, sinh ở Malaysia và trải qua một thời thơ ấu vất vả. Năm 21 tuổi, ông bắt đầu làm việc cho một công ty nhà thầu quân sự và xây dựng các mối quan hệ với Hải quân Mỹ từ đó. 

Tờ Washington Post nói ông đã “quyến rũ cả Hạm đội 7” và thu lợi bất chính không biết bao nhiêu tiền từ các hợp đồng với hải quân nhờ những mối quan hệ mờ ám của mình.

Ở đỉnh điểm sự nghiệp, Leonard Mập sống trong một biệt thự trị giá 130 triệu đôla ở Singapore, có một hải đội gần 200 tàu các loại và thậm chí có một chiếc tàu chiến cho riêng mình - Braveheart. 

Chiếc tàu chiến cũ chuyên phục vụ hậu cần của Anh này được Leonard mua lại và tân trang thành “trung tâm giải trí trên biển” với lính đánh thuê Gurkha và gái mại dâm phục vụ chuyện ăn chơi cho các sĩ quan ông cần lấy lòng. 

“Tất cả bị tôi bỏ túi - Leonard nói trong một podcast vừa được công bố tuần trước - Tôi nắm họ trong lòng bàn tay”.

Quy mô vụ GDMA lớn tới mức gây ra một cuộc khủng hoảng trong giới lãnh đạo Hải quân Mỹ, đúng nghĩa “kỷ luật hết lấy cán bộ đâu làm việc”. 

Sự nghiệp của hàng trăm sĩ quan cấp cao cũng bị ảnh hưởng do mọi quyết định bổ nhiệm sau đó đều cần “điều tra lý lịch” lại xem họ có dính líu tới vụ Leonard Mập không. 

Ray Mabus, lúc đó là bộ trưởng Hải quân Mỹ, thừa nhận: “Nếu Loenard Francis nhắc tới tên một người nào đó, hay nếu chúng tôi thấy một người từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao ở Thái Bình Dương trong giai đoạn đó, tức là rất nhiều người, thì chúng tôi phải đảm bảo mọi chuyện minh bạch hoàn toàn cho tới khi quá khứ người đó được làm rõ”. 

Liên quan tới vụ việc, phó đề đốc Robert Gilbeau trở thành đề đốc Hải quân Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị truy tố với một tội danh hình sự liên bang.

Những đơn vị tư nhân cung cấp đủ loại dịch vụ cho Hải quân Mỹ cũng điêu đứng. 

Từ khi Leonard bị bắt giữ vào năm 2015 tới cuối năm 2016, Hải quân Mỹ đã đình chỉ hợp đồng với 566 nhà cung cấp và thanh lý vĩnh viễn 548 hợp đồng khác, bao gồm GDMA và 55 chi nhánh, công ty con, đối tác các loại của hãng này khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chủ nhân của podcast về Leonard vừa được công bố, Tom Wright, cho rằng vụ việc phản ánh những vấn đề cấu trúc sâu xa của Hải quân Mỹ chứ không chỉ là hành vi sai trái của một vài “con sâu làm rầu nồi canh”. 

Một vấn đề như vậy là việc Hải quân Mỹ không thể tự kiểm tra rất nhiều khiếu nại tố cáo về hành vi sai trái ở các cấp cao qua công tác thanh kiểm tra nội bộ, mà nhất thiết phải có sự giám sát từ các điều tra viên độc lập bên ngoài. 

“Câu hỏi giờ là liệu Mỹ có muốn nhìn nhận vụ việc đầy đủ hay muốn cho chìm xuồng”, Wright nói.

Một vấn đề nữa là việc chi tiêu của quân đội, nhất là trong các giao dịch có dính líu đến tư nhân như với GDMA. Các tiến trình đấu thầu, minh bạch hóa, giám sát và giải trình đã được cải cách mạnh mẽ trong nội bộ Hải quân Mỹ từ sau vụ Leonard Mập. 

Nhưng vấn đề khó lòng giải quyết được chỉ từ phía Mỹ, do nhiều nước châu Á vẫn tồn tại dai dẳng nền văn hóa “có đi có lại” và tham nhũng lan tràn, đồng nghĩa những bê bối tương tự hoàn toàn có thể lặp lại trong tương lai. 

Thật ra là mới tháng trước, Bộ Tư pháp Mỹ vừa phát lệnh dẫn độ một nhà thầu đang bỏ trốn, Frank Rafaraci, giám đốc Công ty Multinational Logistics Services - công ty hậu cần đã vươn lên nắm nhiều hợp đồng của Hải quân Mỹ sau khi đế chế Leonard sụp đổ! 

H.MINH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận