LHP Cannes lần 60: Phát hiện và tôn vinh tài năng mới

LÊ HỒNG LÂM 03/06/2007 00:06 GMT+7

TTCT - Với tiêu chí hàng đầu là tìm kiếm những tài năng điện ảnh quốc tế và tôn vinh dòng phim nghệ thuật, liên hoan phim (LHP) Cannes đã ghi dấu son 60 năm ra đời bằng việc trao giải cho những tài năng mới vừa được phát hiện năm nay.

Phóng to
Julian Schnabel đang chỉ đạo diễn xuất
TTCT - Với tiêu chí hàng đầu là tìm kiếm những tài năng điện ảnh quốc tế và tôn vinh dòng phim nghệ thuật, liên hoan phim (LHP) Cannes đã ghi dấu son 60 năm ra đời bằng việc trao giải cho những tài năng mới vừa được phát hiện năm nay.

Nếu tại LHP năm trước, các giải thưởng cao nhất đều thuộc về những tên tuổi cựu trào như đạo diễn kỳ cựu người Anh Ken Loach(Cành cọ vàng cho bộ phim chiến tranh Gió rung cây lúa mạch), đạo diễn lớn người Tây Ban Nha Perdo Almodovar (giải kịch bản cho bộ phim Volver) và đạo diễn mới nổi người Mexico Alejandro Gonzalez Innaritu (giải đạo diễn xuất sắc cho Babel)… thì tại LHP năm nay các tên tuổi lớn hầu như… trắng tay.

Khi danh sách phim dự thi vừa mới công bố, giới phê bình và khán giả hầu như chỉ tập trung sự chú ý vào những tên tuổi lừng danh hoặc đã đoạt Cành cọ vàng trước đó như đạo diễn Nam Tư Emir Kusturica (hai lần đoạt Càng cọ vàng), Quentin Tarantino, Gus Van Sant, anh em Joe và Ethan Coen hoặc những đạo diễn có phong cách làm phim độc đáo như Vương Gia Vệ (Hong Kong), David Fincher (Mỹ), Kim Ki Duk (Hàn Quốc), Catherine Breillatt (Pháp)…

Phóng to
Nhân vật chính Jean Dominique Bauby (trái) trong phim The diving bell & the butterfly
Và trong suốt những ngày diễn ra LHP Cannes vừa qua, giới truyền thông cũng tập trung vào những bộ phim này hay những bộ phim Mỹ không dự thi nhưng được trình chiếu rình rang với dàn sao lớn đến từ Hollywood. Thật ra các tên tuổi lớn cũng không làm khán giả thất vọng.

Vương Gia Vệ mở màn đầy ấn tượng với My blueberry nights, anh em nhà Coen được khen ngợi nồng nhiệt với bộ phim cao bồi kiểu mới No country for old men, Kim Ki Duk khiến người xem “nín thở” với bộ phim Hơi thở (Breath) về tình yêu và bội phản được thực hiện theo phong cách hậu hiện đại, còn Quentin Tarantino với bộ phim gangster giễu nhại Death proof và David Fincher với bộ phim hình sự thông minh Zodiac kể về một tên giết người hàng loạt... tiếp tục nhận được những lời khen sau khi đã thuyết phục được giới phê bình Mỹ. Những tên tuổi này đều nằm trong dự đoán của giải Cành cọ vàng và các giải thưởng quan trọng khác.

Phóng to
Cảnh trong phim Khu rừng than khóc
Tuy nhiên, đêm công bố giải đã diễn ra hoàn toàn khác với những dự đoán. Chủ tịch Stephen Frears và các thành viên ban giám khảo (BGK) đã cùng thống nhất trao giải cho những tên tuổi hầu như vô danh trước đó, với những bộ phim nhỏ, kinh phí thấp và không có diễn viên ngôi sao. Có thể nói LHP Cannes với mốc kỷ niệm 60 năm đã kết thúc có hậu: bên cạnh các hoạt động nhằm tôn vinh những tên tuổi lớn, Cannes đã tìm được nhiều tài năng đầy hứa hẹn sẽ đem đến cho điện ảnh thế giới những tuyệt tác mới.

Gây bất ngờ là bộ phim bi Bốn tháng, ba tuần, hai ngày (4 months, 3 weeks, 2 days) của đạo diễn người Romania 39 tuổi Cristian Mungiu khi đoạt giải Cành cọ vàng năm nay, nhưng đó là bất ngờ được thừa nhận. Khó ai hình dung một đạo diễn mới làm phim chưa lâu của một nền điện ảnh vốn nhỏ bé và lọt thỏm giữa nhiều nền điện ảnh lớn ở châu Âu lại giành được vinh dự lớn lao ấy; chưa kể bộ phim đoạt giải lại được làm với kinh phí thật khiêm tốn (khoảng 600.000 - 800.000 USD). Nhưng ngay khi bộ phim của Cristian Mungiu được chiếu trong tuần đầu của LHP, đã có nhiều nhận định rằng nó sẽ làm được chuyện lớn tại Cannes năm nay.

Phóng to
Naomi Kawase
Bốn tháng... là câu chuyện về hai cô sinh viên ở một ngôi làng nhỏ tại đất nước Romania những năm trước khi chế độ Caecescu sụp đổ. Một trong hai cô gái lỡ mang thai và điều đấy tác động lớn đến đời sống tinh thần của họ. Họ bàn nhau đi phá thai lậu và câu chuyện phim kể về hành trình bi thảm của cô gái lỡ lầm.

Chiến thắng của Cristian Mungiu được một số người cho là “hợp gu” với Stephen Frears (đạo diễn The queen năm rồi) với phong cách làm phim khá cổ điển, tinh tế và cốt truyện thật sự thuyết phục chứ không ở sự đột phá về phong cách hay kể chuyện.

Gây bất ngờ lớn hơn nữa là nữ đạo diễn người Nhật Naomi Kawase với Giải thưởng lớn (Grand Prix) cho bộ phim Khu rừng than khóc (The mouring forest). Naomi Kawase là một đạo diễn mới, lại là nữ đạo diễn hiếm hoi trong một nền điện ảnh của những tên tuổi lớn nhưng thuần các ông như Ozu, Akira Kurosawa, Shohei Imamura… Naomi cũng chỉ mới thực hiện được sáu, bảy bộ phim, trong đó bộ phim truyện đầu tay thực hiện lúc cô 29 tuổi đã được trao giải Camera vàng cho phim đầu tay tại LHP Cannes 1996.

Phóng to
Cristian Mungiu và vợ
Đây là lần thứ ba Naomi đến với Cannes nhưng phim của cô ít được để ý vì chiếu vào ngày cuối cùng, khi mà BGK và khán giả đã thưởng thức nhiều bộ phim hay trước đó. Chiến thắng của Naomi Kawase được coi là “ngược dòng” và một số nhà phê bình một lần nữa nói rằng do “hợp gu” BGK. Phim của Naomi Kawase có hơi hướm của bậc thầy Ozu vốn đầy chất tự sự trữ tình, nhịp điệu chậm rãi, ít thoại và thường chọn cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy chất văn chương Nhật.

Nói lên sự mất mát, nỗi cô đơn và sự gắn kết của những con người cùng chung số phận, Khu rừng tang tóc là câu chuyện một phụ nữ mất con phải chật vật kiếm sống bằng nghề phục vụ trong trại dưỡng lão. Cô chăm sóc một người đàn ông mất trí nhớ với những ký ức lẫn lộn về người vợ đã chết trong một khu rừng. Rồi một ngày, cô lấy xe chở người đàn ông rời bỏ trại dưỡng lão đi vào khu rừng ấy để giúp ông thoát khỏi ký ức đeo bám. Cuộc hành trình dài hai ngày đó đã khiến họ hiểu hơn về nỗi đau của người kia…

Julian Schnabel, đạo diễn Mỹ sinh năm 1951, với bộ phim chân dung The diving bell & the butterfly, một trong những ứng viên Cành cọ vàng được dự đoán trước đó, đã đoạt giải đạo diễn xuất sắc nhất. Dù đã lớn tuổi nhưng Julian Schnabel chỉ mới làm ba bộ phim nên vẫn là một gương mặt mới. Xuất thân là một họa sĩ, ông từng có nhiều cuộc triển lãm tại New York và nhiều nước trên thế giới.

Phóng to
Cảnh trong phim Bốn tháng, ba tuần, hai ngày
Mãi tới năm 45 tuổi (1996), Julian Schnabel mới đến với điện ảnh bằng bộ phim chân dung Basquiat kể về cuộc đời của nghệ sĩ đường phố này. Bộ phim kế tiếp (năm 2000) Before night falls là câu chuyện về nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia danh tiếng người Cuba Reinaldo Arenas, một người đồng tính. Tại LHP Venice, phim này đem về cho J. Schnabel giải thưởng lớn và giải nam diễn viên chính xuất sắc cho Javier Bardem (vai Arenas - anh cũng được đề cử Oscar với vai diễn này).

Với bộ phim mang đến LHP Cannes 2007, có thể coi đây là một “trilogy” (bộ ba) của Julian Schnabel về chân dung các nghệ sĩ đặc biệt. The diving bell & the butterfly dựa theo tự truyện best seller của Jean Dominique Bauby (vai này Johnny Depp đã nhận đóng nhưng sau lại từ chối vì bận quay tập 3 của Cướp biển Caribê).

Phim là một bài học về nghị lực, tình yêu cuộc sống của một cựu biên tập viên tạp chí Elle, người bị liệt toàn thân sau tai biến mạch máu não năm ông 43 tuổi. Nhưng người đàn ông sống cuộc đời thực vật này vẫn không chịu đầu hàng số phận mà tiếp tục sáng tác với khả năng ngôn ngữ đặc biệt của mình…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận