Liên minh "Ngũ nhãn": Những nỗi lo trên mặt trận tình báo

HỮU NGHỊ 27/05/2023 10:43 GMT+7

TTCT - Dù họp hành và tuyên bố hoành tráng ở Hội nghị G7, phương Tây chắc chắn không phải là một khối đồng nhất, như có thể thấy qua những rạn nứt của một liên minh quan trọng giữa các nước này: Nhóm Ngũ nhãn (FVEY).

Một trong những hệ quả lớn của vụ rò rỉ hồ sơ Lầu Năm Góc hồi tháng 4 vừa rồi là các trục trặc phát sinh trong nội bộ liên minh tình báo 5 nước phương Tây gồm Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Úc, vốn đã hoạt động ít nhiều trơn tru suốt 70 năm qua.

Ảnh: TechRadar

Ảnh: TechRadar

"Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ sẽ chia sẻ đánh giá thiệt hại với chúng tôi trong những ngày tới, nhưng chúng tôi không thể đợi đánh giá của họ. Ngay bây giờ chúng tôi đang xem xét các tài liệu để tìm hiểu xem có bất kỳ thông tin tình báo nào bị rò rỉ là từ chúng tôi hay không", quan chức của một quốc gia trong FVEY, được hiểu là Canada, bày tỏ sự bực dọc trên CNN 10-4. 

Trước đó, điều phối viên thông tin chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã "phòng thủ" trước bằng tuyên bố: "Không hề có rạn nứt niềm tin với Canada hay Ngũ nhãn".

Từ trong hành động

Không như các kiểu liên minh mang tính "hội hè", hoạt động và liên minh tình báo - tín hiệu là rất thiết thực và nhiều khi có giá trị quyết định. Lấy thí dụ ở Mỹ, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) chịu trách nhiệm cung cấp cho giới hoạch định chính sách và quân sự "những thông tin quan trọng cần thiết để bảo vệ đất nước, cứu mạng người và thúc đẩy các mục tiêu và liên minh của Hoa Kỳ trên toàn cầu", theo mô tả của chính NSA.

Tổng thống Mỹ hằng ngày đều phải "điểm tâm" bằng xấp "Báo cáo tổng thống hằng ngày" (PDB). Còn cựu tổng thống thứ 45 đang bị "khui" đem tài liệu tình báo về nhà. 

Những diễn biến này đều cho thấy ở Mỹ, tin tình báo quan trọng thế nào: đơn giản vì giới lãnh đạo không thể "ù ù cạc cạc" thế sự được. Hợp tác tình báo do đó càng quan trọng: trong một thế giới đang dần chia rõ thành "phe ta" và "các đối thủ cạnh tranh", các liên minh như FVEY là sống còn.

Có thể hình dung một khía cạnh của sự hợp tác này qua tin về Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai về "Tương tác bảo mật trong môi trường chiến thuật" (SITE) giữa tháng 12-2022 tại tổng hành dinh DISA (Cơ quan Hệ thống thông tin quốc phòng) Mỹ ở Maryland. 

Hội nghị đưa ra những sáng kiến để kết hợp tất cả các nhánh của quân đội năm nước FVEY thành một mạng thống nhất hoạt động bằng AI, cho phép các quân đội liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo và dữ liệu trên môi trường điện toán đám mây.

Ảnh: VPN Compass

Ảnh: VPN Compass

Rúng động vì sự can thiệp của nước ngoài

Trở lại với những bực dọc của vị quan chức nói trên, phát biểu của ông thể hiện nỗi sợ nhất định về những hậu quả sau khi ít nhất hơn 100 tài liệu của năm nước FVEY bị tiết lộ trong vụ rò rỉ của Lầu Năm Góc. 

Và 100 tài liệu đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, ngoài ra còn gì nữa, không ai dám nói chắc, điều khiến nhân vật không nêu tên kia gọi đây là "cơn ác mộng" (News.com.au của Úc 10-4).

Theo New York Times, tờ báo đã khui vụ rò rỉ Lầu Năm Góc này trước tiên, các tài liệu mật bao gồm chi tiết các bí mật an ninh quốc gia của Mỹ liên quan đến Ukraine, Trung Đông và Trung Quốc... Đáng sợ ở chỗ tất cả đều là thông tin tuyệt mật. 

Thông tin về Trung Quốc đấy có thể là quan điểm, sách lược của từng nước trong FVEY với siêu cường mới nổi này. Muốn hay không, mỗi nước đã và đang duy trì quan hệ các mặt với Bắc Kinh và ở mức độ nào đó, tùy theo lợi ích quốc gia của họ hay cũng có khi là lợi ích của vài cá nhân có chức, có quyền. Nên các thông tin trên nhạy cảm cỡ nào thật khó nói hết.

Cụ thể, hôm 26-4, Hãng tin SBS News của Úc đưa tin cộng đồng tình báo nước này ASIO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài. Lãnh đạo ASIO Mike Burgess vào tháng 2-2023 từng nói hoạt động gián điệp ở Úc đang diễn ra ở mức "chưa từng có". 

Đe dọa lớn nhất, theo ông Burgess, là ông "không tin rằng nước Úc, như một quốc gia đơn lẻ, có thể đánh giá đầy đủ những thiệt hại [mà các hoạt động tình báo] gây ra với an ninh, dân chủ, chủ quyền, nền kinh tế và cơ cấu xã hội của Úc".

Theo ông, môi trường an ninh hiện nay của Úc đang là "phức tạp, thách thức và thay đổi".

"Phức tạp" do lẽ các thế lực nước ngoài có thể cùng lúc can thiệp, dọ thám và dàn xếp phá hoại. "Thách thức", theo ông, bởi Úc đang là mục tiêu của những kẻ thù nước ngoài tinh vi, có tài nguyên gần như vô hạn và không bị ràng buộc bởi đạo đức và luật pháp, đồng thời cẩn thận che giấu hoạt động. 

"Thay đổi", vì các mối đe dọa được định hình qua thay đổi địa chính trị, công nghệ mới nổi và xu hướng xã hội rộng lớn hơn, trong đó có tình trạng gia tăng các quan điểm cực đoan, âm mưu và bất bình, nhất là trên mạng.

Ông Mike Burgess. Ảnh: The Canberra Times

Ông Mike Burgess. Ảnh: The Canberra Times

Tổng giám đốc ASIO Burgess cho rằng hiện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang có sự tranh chấp quyền lực lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng nhiều tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng, bao gồm Biển Đông, Kashmir, eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. 

Từ đó dẫn đến khao khát thông tin nội bộ và bí mật gây ảnh hưởng từ các nước trong và ngoài khu vực. Ông cáo giác nhiều quốc gia đang sử dụng hoạt động gián điệp và can thiệp để thúc đẩy lợi ích của họ và làm suy yếu nước Úc.

Đáng ngại hơn nữa, các thế lực nước ngoài này đang tuyển mộ quan chức, công chức dân cử, nhân vật có địa vị cao trong doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng ở Úc để phục vụ cho họ. Ông Burgess không giấu giếm khi khẳng định hoạt động chiêu mộ này là "để định hình quá trình ra quyết định chính trị và kinh doanh có lợi cho họ". 

Tổng giám đốc ASIO nêu ra một số lĩnh vực cụ thể, như báo chí và tòa án: "Chúng tôi đã chứng kiến nhiều nỗ lực xâm nhập vào các cơ quan truyền thông của Úc - có vẻ đó là một chiến dịch phối hợp... Chúng tôi đánh giá họ đang tìm cách định hình các bài báo. Chúng tôi đã thấy các nhà báo, nhà sản xuất chương trình và nhà bình luận bị gián điệp nhắm đến trực tiếp, tìm cách gây ảnh hưởng tới việc đưa tin... gần như chắc chắn là với mục đích đưa tin bài có lợi cho chính phủ nước ngoài".

Trường hợp Canada

Diễn biến ở Úc có quan hệ với một sự cố lớn ở̉ Canada trước đó. Tờ Herald Sun 19-2 của Úc hớt hải chạy tít: "Úc được đặt trong tình trạng báo động sau khi cơ quan tình báo Canada phát hiện âm mưu của Trung Quốc nhằm can thiệp vào chiến thắng bầu cử năm 2021 của Justin Trudeau". 

Theo tờ báo này, ở Canada đang xuất hiện cáo buộc một nghị sĩ thuộc phe cầm quyền được Trung Quốc "hà hơi" nên đã đắc cử. Hậu quả là nghị sĩ này phải từ chức, đồng thời đã có những kêu gọi Canada nên xem xét đưa ra luật chống can thiệp nước ngoài tương tự như của Úc.

Thành viên Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau, nghị sĩ Han Dong, bị buộc tội đã khuyên Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Toronto khoan trả tự do cho hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giam từ tháng 12-2018, vì nếu thả họ ra sẽ có lợi cho đảng đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới ở Canada, từ đó gây khó khăn cho việc trả tự do cho giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu. 

Lúc đó, Đảng Bảo thủ đối lập ở Canada đang bảo trợ đạo luật về điều tra sự can thiệp của nước ngoài, được đa số ủng hộ nhưng không có tính ràng buộc và bị hầu hết các thành viên trong Đảng Tự do của Thủ tướng Trudeau phản đối. Nghị sĩ Han Dong bác bỏ những cáo buộc này, song vẫn rời đảng cầm quyền.

Ông Justin Trudeau và ông Tập Cận Bình. Ảnh: CNN

Ông Justin Trudeau và ông Tập Cận Bình. Ảnh: CNN

Hai công dân Canada Michael Spavor và Michael Kovrig bị Trung Quốc bắt giữ trong vụ việc có liên quan đến vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu ở Canada trước đó. Bà Mạnh, ái nữ của ông chủ Tập đoàn Huawei, bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố với tội danh gian lận tài chính và yêu cầu Canada dẫn độ. 

Hai công dân Canada, trong khi đó, bị Trung Quốc buộc tội làm gián điệp. Mãi đến ngày 24-9-2021, sau khi bà Mạnh thôi bị quản thúc tại gia ở Canada, hai người Canada kia mới được trả tự do, sau 1.019 ngày giam giữ.

Vụ việc khiến Thủ tướng Trudeau chịu áp lực nặng nề, cụ thể là từ cơ quan tình báo an ninh Canada CSIS. Trong tuyên bố trên Đài CBC/Radio-Canada hồi tháng 3, người phát ngôn CSIS nói mối đe dọa không phải từ "người dân Trung Quốc", mà là từ chính quyền, vốn đang triển khai chiến lược "lợi ích địa chính trị" trên các mặt trận kinh tế, công nghệ, chính trị và quân sự. CSIS đánh giá tình trạng can thiệp của nước ngoài này là "rất nghiêm trọng" và đã sử dụng mọi công cụ pháp lý hiện có để điều tra các mối đe dọa, tư vấn cho chính phủ liên bang và thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ.

Những vụ việc liên quan đến 3/5 thành viên FVEY nêu ra câu hỏi phải chăng nay là lúc mà lợi ích kinh tế đang lấn lướt các cân nhắc an ninh, ngay cả ở những nước giàu nhất thế giới?■

Ngũ nhãn là liên minh tình báo bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Hoa Kỳ (chỉ New Zealand là không có trong G7). Từ đầu thập niên 1940, những năm Thế chiến II, Anh và Hoa Kỳ đã bí mật thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tình báo tín hiệu. Sau đó, hiệp ước bí mật được công khai ngày 5-3-1946 với tên viết tắt UKUSA. Hiệp ước sau đó mở rộng để bao gồm Canada, Úc và New Zealand, gộp chung lại thành FVEY - cơ chế chia sẻ thông tin tình báo tự động. Về sau, Đức, Philippines và một số quốc gia Bắc Âu cũng tham gia với tư cách liên kết.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận