"Liệu pháp" của ông Hồ Cẩm Đào

DU LONG 20/10/2007 19:10 GMT+7

TTCT - “Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền trung ương đã quyết định chọn việc xây dựng một xã hội hài hòa là nhiệm vụ tối quan trọng...”.

Phóng to
Tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
TTCT - “Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính quyền trung ương đã quyết định chọn việc xây dựng một xã hội hài hòa là nhiệm vụ tối quan trọng...”.

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã loan báo như trên khi khai giảng khóa huấn luyện bảy ngày tại Trường Đảng trung ương hôm 17-2-2005 (Xinhuanet, 27-2-2005). Từ đó, “hài hòa” trở thành từ ngữ thịnh hành nhất trong ngôn ngữ chính trị Trung Quốc hiện đại. Tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần này, từ ngữ này lại được nhắc đến bên cạnh các từ khác như “xã hội thịnh vượng”, “cách nhìn khoa học”... Xã hội hài hòa trong bối cảnh phát triển từ nay đến năm 2020 của Trung Quốc cụ thể là gì?

Từ ngàn xưa, người Trung Quốc đã quan niệm sống hài hòa, cân bằng rồi. Cân bằng giữa âm và dương, ngay trong kinh mạch, huyệt đạo mỗi người. Cân bằng giữa người với người, giữa người với trời và đất... Từ trong y học và dưỡng sinh, đến kiến trúc và phong thủy. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ chính là hài hòa trong một trật tự cân bằng, bằng không sẽ là cái chết, sự suy vong, sự hủy diệt.

Bất thông tất thống!

“Các vấn đề cùng những mâu thuẫn mà Trung Quốc sẽ đối diện trong thập niên tới có thể sẽ còn phức tạp và gai góc hơn nhiều” (Hồ Cẩm Đào, Trường Đảng trung ương 17-2-2005).

Ông Hồ Cẩm Đào đã nói như thế cách đây hai năm tám tháng. Mâu thuẫn tức là không thông giữa hai bên hay nhiều bên. Trung y gọi là bất thông và dạy rằng: bất thông tất thống. Cơ thể người ta phải cân bằng, bằng không kinh mạch sẽ bế, nghẹt, không thông được, mà không thông sinh đau ốm. Tây y cũng đồng ý với Trung y ít nhất ở cái khoản tuần hoàn. Trung y thì đả thông kinh mạch. Tây y nhắm vào cái cục huyết khối, lọc bớt cholesterol xấu, gây giãn mạch, can thiệp thông mạch. Anh nào cũng chủ trương “thông” cả. Thông, bất thống!

Xã hội cũng thế. Khi quan hệ cứ từ tỉnh “xuống” huyện, huyện “xuống” xã, xã “xuống” cơ sở, “xuống” đến tận đáy là dân thì đó là một quan hệ đóng, bất thông, bế tắc.

Hai năm tám tháng sau câu nói trên, trong bài viết về báo cáo chính trị của ông Hồ Cẩm Đào tại đại hội tuần này, Tân Hoa xã viết: “Lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đề nghị một liệu pháp khoa học nhằm giải phóng sự sinh động của chủ nghĩa xã hội”.

Liệu pháp khoa học

Tại sao Tân Hoa xã lại gọi đó là một “liệu pháp khoa học”? Cơ bản vì khoa học dựa trên cơ sở quan sát, mô tả, chính xác, chứ không dựa trên cảm tính và tùy tiện.

Tân Hoa xã chạy tựa “Hồ chống lại cách ra quyết định tùy tiện trong đảng” và thuật lại: “Cần phải nỗ lực chống lại và ngăn ngừa việc một cá nhân hay một nhóm thiểu số trong đảng tự tiện ra quyết định, Hồ Cẩm Đào tuyên bố như thế trong báo cáo... Đảng sẽ cải cách hệ thống bỏ phiếu trong nội bộ đảng và cải thiện hệ thống đề cử ứng viên cùng các phương thức bầu bán, lần hồi mở rộng bầu trực tiếp các lãnh đạo trong các tổ chức đảng...”.

Có thể toa thuốc “lần hồi” của ông Hồ Cẩm Đào còn thận trọng, song rõ ràng là ông đã chẩn đoán chính xác: bệnh tùy tiện chuyên quyền của một cá nhân hay một nhóm thiểu số hoàn toàn đi ngược với chữ “dân”. Rõ ràng, ông muốn xét lại cái cơ chế cán bộ mà cho đến nay đã cho phép cá nhân hay một nhóm ít người có thể lũng đoạn không chỉ cả một tập thể mà còn tác oai tác quái cả một đơn vị xã hội lớn nhỏ. Bởi thế, Tân Hoa xã ngày 15-10 chạy tựa: “ Ông Hồ Cẩm Đào hơn 60 lần đề cập đến “dân chủ” trong báo cáo bước ngoặt”. Tất nhiên, “dân chủ” theo “đặc thù Trung Quốc”, song rõ ràng ông Hồ cũng đã nhận ra đây chính là căn nguyên của mọi chứng bệnh trong xã hội Trung Quốc. Các chứng bệnh đó đã gây tác hại như sau, theo ông:

“- Còn nhiều vấn đề tác động đến đời sống thường ngày của dân chúng trong các lĩnh vực như việc làm, an sinh xã hội, phân phối thu nhập, giáo dục, y tế công cộng, nhà ở, an toàn lao động, thi hành pháp luật và trật tự công cộng...

- Năng lực lãnh đạo của đảng có phần không đáp ứng đối với tình hình và nhiệm vụ mới.

- Một số tổ chức đảng ở cơ sở còn yếu và buông thả. Một số ít đảng viên không lương thiện và không thẳng thắn. Lãng phí, tham ô cùng các hành vi bất xứng khác vẫn còn là những vấn đề nghiêm trọng nơi các đảng viên này” (nguồn: Emphasis on scientific outlook on development, Xinhua 15-10-2007).

Hậu quả của những tác hại đó nơi dân chúng là gì? Khi đề ra biện pháp: “Chúng tôi luôn tin rằng cải thiện đời sống dân chúng chính là nhiệm vụ then chốt của cải cách... nhằm đảm bảo sao cho các cải cách của chúng ta luôn được dân chúng tán thành và hậu thuẫn”, ông Hồ Cẩm Đào cho thấy đã nhận diện rất chính xác thách thức: cải cách gì đi nữa thì đời sống người dân cũng phải được cải thiện; tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2020 gấp bốn lần so với năm 2000 mà đa số người dân không được hưởng, thì dân chúng cũng chẳng tham gia tăng trưởng để làm gì! Lịch sử đã cho thấy “bước tiến đại nhảy vọt” đã biến thành “đại thụt lùi” trong những năm 1960 như thế nào.

Thế cho nên sau khi đã chỉ ra rằng phải chống lại “cơ chế” một người hay một nhóm nhỏ tùy tiện ra quyết định, ông Hồ đã nhấn mạnh đến nhu cầu cải tổ lại phân phối thu nhập: “Chúng ta sẽ tăng cường điều chỉnh thu nhập qua thuế, phá bỏ thế độc quyền kinh doanh, tạo cơ hội đồng đều, kiểm tra phân phối thu nhập, theo chiều hướng đảo ngược lần hồi sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng này”. Ông Hồ Cẩm Đào còn nhấn mạnh: phân phối thu nhập công bằng chính là một dấu chỉ của công bằng xã hội. Đảng sẽ bảo vệ các thu nhập hợp pháp, điều chỉnh các thu nhập cao quá đáng, và cấm chỉ các thu lợi bất hợp pháp.

Thông điệp của Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc: Một xã hội hài hòa trong một thế giới hài hòa

Phóng to
Quang cảnh Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc
Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) sẽ lãnh đạo nhân dân TQ xây dựng một xã hội thịnh vượng đảm bảo tăng trưởng kinh tế cân bằng, cải thiện dân sinh và công bằng xã hội vào năm 2020, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã khẳng định như thế trong báo cáo chính trị trước 2.200 đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản TQ khai mạc hôm thứ hai vừa qua.

Ông Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: “Đáp ứng với các biến đổi trong tình hình quốc nội và quốc tế, và trong ánh sáng các khát vọng của nhân dân gồm mọi dân tộc về một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta phải đề ra những yêu cầu mới và cao hơn cho công cuộc phát triển của TQ, dựa trên mục tiêu xây dựng một xã hội thịnh vượng một cách chừng mực trong mọi lĩnh vực đã được đại hội lần thứ 16 đề ra”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, TQ sẽ tiếp tục tăng sức cho cỗ máy tăng trưởng kinh tế đạt tổng sản lượng nội địa vào năm 2020 cao gấp bốn lần so với năm 2000.

Ông Hồ Cẩm Đào cũng cam kết: “TQ sẽ không bao giờ tìm kiếm lợi ích cho riêng mình bằng cái giá mà các nước khác phải trả hoặc tống khứ những rối rắm của mình sang người khác. Chia sẻ cơ hội phát triển và cùng ra sức phấn đấu vì hòa bình và phát triển của nhân loại chính là vì lợi ích căn bản của nhân dân tất cả các nước”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận