Loay hoay tìm cách thoát vùng trũng

HUY ĐĂNG 13/12/2024 14:26 GMT+7

TTCT - Ngay trong trận mở màn, ASEAN Cup 2024 đã ghi nhận bất ngờ đầu tiên của giải, khi Campuchia cầm hòa Malaysia 2-2, thậm chí là một trận hòa trên thế thắng.

Nhờ đâu Campuchia gây bất ngờ? Câu trả lời là… nhập tịch cầu thủ.

Khởi nguồn của nhập tịch

HLV người Nhật Bản của Campuchia, Koji Gyotoku, đã tung vào sân tổng cộng 4 cầu thủ nhập tịch trong trận gặp Malaysia: trung vệ Takaki Ose (gốc Nhật), 2 tiền vệ Yudai Ogawa (Nhật), Nick Taylor (người Mỹ gốc Campuchia) và tiền đạo gốc Bờ Biển Ngà Coulibaly Abdel. 

Đó là chưa kể trên ghế dự bị, Campuchia vẫn còn ít nhất 2 cái tên nhập tịch nữa. Đừng ngạc nhiên nếu họ trở thành một thế lực của ASEAN Cup năm nay.

Loay hoay tìm cách thoát vùng trũng - Ảnh 1.

Cả Campuchia (áo xanh) và Malaysia (áo vàng) đều có nhiều cầu thủ nhập tịch. Ảnh: CAMSPORT

Nhưng có phải nhờ vậy mà ASEAN Cup trở nên hấp dẫn? Cũng có thể, càng nhiều đội bóng mạnh, giải đấu càng hay. 

Nhưng niềm vui thực sự có hơi khiên cưỡng, bởi đó là câu chuyện lặp đi lặp lại đến chán ngắt của bóng đá vùng trũng, gần như là phương sách duy nhất để các nền bóng đá nhỏ bé tìm kiếm hy vọng quật khởi.

Những năm qua, bóng đá Đông Nam Á đã chứng kiến rất nhiều làn sóng nhập tịch, từ Philippines, Malaysia cho đến Indonesia, Thái Lan và cả Việt Nam hiện tại. 

Nhưng nền bóng đá đi đầu trong việc nhập tịch ở khu vực lại là Singapore, và đảo quốc sư tử có cả một chiến dịch dài hạn hẳn hoi, mang tên Goal 2010.

Là một đảo quốc nhỏ bé với chỉ vài triệu dân, Singapore hiển nhiên gặp khó trong việc phát triển môn bóng đá, trò chơi nhiều người và còn đòi hỏi các cấp độ giải đấu chuyên nghiệp khác nhau. 

Năm 1998, Singapore khởi xướng chiến dịch Goal 2010, với mục tiêu giành vé tham dự World Cup 2010. Người đề ra kế hoạch này chính là thủ tướng Singapore thời điểm đó, ông Ngô Tác Đống.

"Tôi từng cho rằng Singapore không bao giờ có hy vọng dự World Cup, nhưng sau khi xem hành trình vô địch của tuyển Pháp, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Hãy nhìn vào tuyển Pháp ở World Cup 1998, với Zidane - một người gốc Algeria là ngôi sao sáng nhất". 

"Hơn một nửa đội Pháp ở giải "không thực sự giống người Pháp", với gốc gác Argentina, Armenia, Basque, Caribê, Ghana… Có lẽ nếu chúng ta thay đổi tiêu chí nhập cư để đưa những tài năng bóng đá hàng đầu vào và giúp họ thành công dân, một ngày nào đó chúng ta cũng có thể tham dự World Cup", ông Ngô Tác Đống phát biểu trong ngày lễ quốc khánh Singapore năm 1998.

Singapore không nhập tịch theo hướng "ăn xổi", mà có chiến lược hẳn hòi. Họ đầu tư nhiều cho các lứa cầu thủ U18, U20, và mời về các chuyên gia ngoại làm việc với từng cấp độ trẻ. 

Giai đoạn 2004-2007, Singapore bắt đầu hái quả ngọt nhờ chiến lược nhập tịch này khi vô địch 2 kỳ AFF Cup liên tiếp (tiền thân của ASEAN Cup). Nhưng tất cả cũng chỉ có vậy. Các cầu thủ nhập tịch như Dikson, Alam Shah, Precious, Lewis, Duric… cho thấy đẳng cấp khi chơi bóng ở khu vực. 

Nhưng khi bước ra châu lục, họ vẫn chẳng có chút cơ hội nào. Singapore thậm chí bị loại sớm ở các giải vòng loại World Cup 2010 hay vòng loại Asian Cup 2007.

Kết cục, đến năm 2010 Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) quyết định xóa sổ Goal 2010. Chiến dịch đã không cho kết quả như ý và thay vì lùi thời hạn, FAS quyết định xóa bỏ luôn, vì cho rằng việc nhập tịch không mang lại hiệu quả.

Hạng ba ở châu Âu, ngôi sao ở Đông Nam Á

Ngay sau thất bại của Singapore, Philippines tiếp bước với dàn cầu thủ nhập tịch tại AFF Cup 2010. Nhưng khác với đảo quốc sư tử, bóng đá Philippines cầu viện các cầu thủ kiều bào và hầu như không quan tâm tới đào tạo trẻ. Dân Philippines đơn giản là không mê bóng đá.

10 năm qua, lần lượt Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã nối tiếp chiến lược nhập tịch, điều cũng dần trở thành xu hướng toàn cầu. Thật ra nền bóng đá hàng đầu Nhật Bản cũng từng sử dụng không ít các cầu thủ Nhật kiều, hoặc thậm chí là người nước ngoài nhập tịch. Việc Thái Lan hay Indonesia mang về những trung vệ, chân sút cao to từ phương Tây để có thể mơ giấc mơ châu lục trở nên dễ hiểu.

Nhưng chiến lược nhập tịch cũng đã đẩy ASEAN Cup - giải đấu bản lề của bóng đá khu vực - vào tình huống dở khóc dở cười. Các đội tuyển Thái Lan, Indonesia chỉ có thể mang đến giải đội hình dự bị, thậm chí là đội U22, bởi lẽ đội chính của họ có rất nhiều ngôi sao nhập tịch chơi bóng ở phương Tây không thể trở về dự giải.

Thành tích nhất thời có thể đến, nhưng điều khó hơn vẫn là thực sự nâng tầm các giải đấu khu vực. Thái Lan và Indonesia gặp khó vì cầu thủ nhập tịch của họ đều chơi bóng ở Tây, và thật ra chỉ là những cầu thủ hạng hai, hạng ba. 

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu các cầu thủ này đến Thái Lan hay Indonesia chơi bóng, nhưng giải vô địch của các quốc gia này không đủ sức hút với họ. Điều đó cho thấy khoảng cách mênh mông của bóng đá Đông Nam Á với phương Tây, khi ngay cả các cầu thủ chơi bóng ở giải hạng nhất Hà Lan, hạng nhì Anh cũng chê Đông Nam Á.

Trái lại, Campuchia - với mục tiêu nhập tịch cấp thấp hơn là cầu thủ Nhật Bản - không gặp khó tại ASEAN Cup vì bản thân những cầu thủ này cũng chơi bóng ở Campuchia.

Đó là lý do vì sao FIFA đề ra quy định để một cầu thủ nhập tịch, họ phải sinh sống tại quốc gia tiếp nhận tối thiểu 5 năm. Khoảng thời gian 5 năm này sẽ phản ánh chất lượng của một nền bóng đá. Phải sở hữu một giải đấu xứng tầm, đủ chất lượng mới có thể thu hút những ngôi sao đến chơi bóng lâu dài như vậy.

Từ Singapore đến Philippines, từ Indonesia đến Thái Lan, và giờ là cả Việt Nam, chính sách nhập tịch vẫn chỉ như hy vọng về đường tắt đến thành công, là nỗ lực loay hoay để thoát mác vùng trũng… ■

Hy vọng cho ASEAN Cup

Trước thềm giải đấu năm nay, người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á đón nhận tin vui khi FIFA chính thức xác nhận ASEAN Cup được thăng cấp vào nhóm loại A, bậc cao nhất trong hệ thống giải đấu do họ quản lý.

Nhưng mặt khác, trang ASEAN Football cũng đính chính lại là giải năm nay vẫn chỉ nằm ở hệ thống tính điểm bậc 5, mức thấp nhất của FIFA, do giải không thuộc FIFA Days, tức thời gian diễn ra các giải chính thức của FIFA. Việc ASEAN Cup được thăng lên giải cấp cao nhất vì vậy mới là "danh chính, nhưng ngôn chưa thuận".

Trong năm tới, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) chắc chắn sẽ tính đến việc sắp xếp lịch thi đấu để ASEAN Cup thuộc FIFA Days. Nếu muốn vậy, giải nhiều khả năng sẽ phải chuyển sang đá vào mùa hè, để không vướng lịch của các câu lạc bộ. Trừ khoảng thời gian này, các đợt FIFA Days rải rác trong năm chỉ kéo dài tối đa 2 tuần, không đủ để tổ chức một giải đấu như ASEAN Cup.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận