TTCT - Chỉ mới bốn năm, một nhóm nhỏ xã viên của Hợp tác xã (HTX) - làng nghề tơ lụa Mã Châu đã khép kín việc sản xuất lụa từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa để duy trì nghề tằm tơ canh cửi có từ hàng trăm năm qua. Phóng to Ông Trịnh Anh nhặt tằm đến tuổi đưa lên chà bủa cho chúng làm kén. Không là xã viên, gia đình ông thu nhập mỗi năm chừng 15 triệu đồng từ việc nuôi tằm bán kén cho HTX - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ Mới 7g sáng, trong làng Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã ầm ào tiếng máy dệt vọng ra từ các xưởng dệt tập trung, các hộ gia đình. “Mười mấy năm nay dân mình chuyển sang dệt các loại vải khác, chỉ một ít người giữ được nghề dệt lụa thôi. Cũng nhờ có họ mà làng tơ lụa Mã Châu mình giữ được cái tiếng suốt từ xưa đến giờ” - một chủ dệt nói. Chung tay giữ nghề Ở phân xưởng dệt của HTX, những phụ nữ quay tơ, dệt lụa đã vào việc. “Bỏ dệt lụa mấy năm, cứ tưởng mình không còn có ngày được đứng bên khung dệt lụa nữa” - chị Chung Thị Tố Loan nói với nụ cười bên cỗ máy cho ra loại lụa cổ truyền óng mượt. Ở góc xưởng, chị Lê Thị Vân đang dệt tấm lụa có hình hoa văn đều tăm tắp. Để có niềm vui bên những tấm lụa Mã Châu dưới mười chủng loại và hơn 200 mẫu mã được làm từ sợi tơ tằm là câu chuyện nỗ lực đáng khâm phục của những xã viên quyết “giữ HTX để giữ nghề xưa”. Chị Trần Thị Ánh, một trong 16 xã viên của HTX hiện nay, kể: “Cuối năm 2008 khi HTX sắp bị giải thể vì hơn 300 xã viên rút ra, tui với một ít người vẫn quyết ở lại. Thấy lụa của HTX mình làm ra được thị trường ưa chuộng, cuối năm 2011 tui đã thế chấp sổ đỏ nhà đất vay ngân hàng giao cho HTX 400 triệu đồng để có vốn xoay xở”. Phóng to Chị Nguyễn Thị Nữ dệt loại lụa cổ truyền. Là thợ dệt lành nghề, lương chị ở mức 4 triệu đồng/tháng - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ Cũng như các xã viên còn lại đã không lấy lãi từ năm 2009 khi HTX được “sống lại” đến giờ, chủ nhiệm Trần Hữu Phương và ba thành viên trong ban quản trị còn góp hẳn khoản lương hằng tháng của mình vào nguồn vốn của HTX từ đó đến nay. “HTX có 16 xã viên thì hơn mười xã viên cầm sổ nhà đất vay vốn góp vào HTX. Mình với bà con làm vậy cũng là vì làng nghề, vì cái tâm với quê nhà, với ông cha. Nó khác với tư duy thuần doanh nghiệp là phải đặt lợi nhuận lên trên hết” - chủ nhiệm Phương tâm sự. Đứng lên từ món nợ trên 1 tỉ đồng, 16 xã viên trụ lại với tơ lụa Mã Châu biết mình phải làm gì. Không vốn mua tơ, để giữ chân và cả giữ tay nghề cho thợ dệt lụa ở quê, những người chủ chốt ở đây đã ra Đà Nẵng, đến tận Hà Nội xin nhận tơ về dệt thuê, khoản thu nhập chỉ đủ để trả công theo giá thấp cho thợ dệt. Anh Phương nhớ lại: “Có lúc tui dong xe ra Đà Nẵng nhận chỉ được non 1kg tơ, ít nhưng cũng có hàng dệt ra vài mét lụa cầm chừng. Năm 2008 có tháng tui phải đi hầu tòa 3-4 lần vì ngân hàng kiện đòi khoản nợ mà HTX đã vay thời trước. Khó khăn vậy đó nhưng mình phải cố vượt qua để tính chuyện làm ăn”. Và phương án làm ăn mà HTX vạch ra là phải làm tấm lụa đẹp từ cây dâu, con tằm, từ sợi tơ tằm có chất lượng. Rồi đến khi ra được sản phẩm, phải tự mình đưa ra thị trường qua các khách hàng uy tín để lụa Mã Châu khỏi bị đánh đồng với rất nhiều loại lụa ngoại vùng, ngoại nhập vốn có rất ít sợi tơ tằm trong đó. Để có lụa đẹp, đa dạng hóa chủng loại, cần phải cải tiến, nâng cấp máy móc, thiết bị. Anh Phương đã sáng chế máy mắc trục thay cho mắc, chải bằng tay hồi năm 2009. Nhờ đó năng suất tăng gấp mười lần làm thủ công, sợi mắc có chất lượng cao lại giảm được công dệt bởi với trục sợi mỗi máy dệt chỉ cần một thợ đứng thay vì hai như trước đây. Tiếp đến, hệ thống điều sợi của máy dệt lụa được cải tiến thành công, giúp dệt các loại lụa táp ta đẹp (loại lụa dày được dệt từ sợi tơ tằm lớn hơn), giống các loại vải thường dùng trong trang phục của nước ngoài. Năm 2011, vẫn chủ nhiệm HTX cải tiến các loại máy dệt lụa hiện có để có máy dệt lụa hoa văn. Phóng to Chủ nhiệm Trần Hữu Phương bên chiếc máy cán - sấy lụa đang chờ lắp ráp để thay cho công đoạn thủ công khi hoàn thiện tấm lụa dệt - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ Anh Phương cho biết: “Sợi tơ tằm rất mảnh mai, nhạy cảm với độ ma sát, độ căng trên máy, tốc độ máy chạy. Bởi vậy máy dệt lụa phải là máy bán cơ giới, vừa gỗ, vừa sắt kết hợp chứ máy dệt công nghiệp hiện đại khó dệt lụa với trăm phần trăm sợi tơ tằm được. Như lụa hoa văn chẳng hạn, các nơi tuy có bán nhưng tấm lụa thật sự chỉ có chừng 15-20% sợi tơ tằm. Cũng nhờ vậy mà lụa hoa văn Mã Châu bán cho các đại lý ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Đông (Hà Nội) rất chạy”. Về nhuộm màu cho lụa, qua việc tập huấn nhuộm màu cho vải bằng chất tự nhiên do người Nhật tổ chức, HTX đã bắt tay thực hiện vài ba năm nay để thay hóa chất nhuộm. Với số vỏ - lá - hoa của một số cây được giới thiệu dùng làm chất nhuộm không có ở địa phương, HTX lại thử nghiệm với một số cây sẵn có. May là thành công. “Đến nay, phần lớn các loại lụa của Mã Châu đều được nhuộm bằng chất liệu thảo mộc, cho ra lụa có màu khói hương, vàng chanh, rêu, cà phê sữa... mỗi loại với nhiều gam màu đậm, nhạt...” - anh Trần Hữu Nghĩa, trưởng ban quản trị HTX, cho biết. Với các công đoạn tẩy (truội), cán (ủi - là) để thay thủ công, một máy cán - sấy lụa được chủ nhiệm HTX thiết kế xong, chờ lắp ráp đưa vào sử dụng. “Để tấm lụa Mã Châu trăm phần trăm thiên nhiên, mấy năm nay tụi tui vẫn nấu - nhuộm - tẩy - cán theo kiểu ông cha mình dù khâu tẩy có thể dùng hóa chất. Nay với máy cán - sấy lụa tui vừa thiết kế, năng suất sẽ rất cao so với thủ công nhưng vẫn dùng các chất thảo mộc để tẩy...” - anh Phương giải thích. Phóng to Các loại lụa táp ta Mã Châu được ưa chuộng, có thể dùng cho y phục nam, nữ - Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ Trăn trở mở rộng sản xuất Lụa Mã Châu hai năm lại đây được nhiều nơi biết đến và ưa chuộng nhờ đa dạng chủng loại, mẫu mã, đặc biệt chất lượng 100% tơ tằm. Nhiều công ty thời trang ở các đô thị lớn đã đặt hàng HTX với số lượng khả quan. Nhưng 1 tấn tơ giá 1,3 tỉ đồng, tẩy nhuộm xong lên đến 1,7 tỉ, trong khi đồng vốn của xã viên có hạn nên muốn mở rộng sản xuất là bài toán khó. “Thành công trong sản xuất làm tụi tui rất phấn khởi, nhưng lại rất lo vì không đẩy mạnh sản xuất được. Cung không đủ cầu, lại cầu lớn, tiếc lắm” - chủ nhiệm Phương nói. Vì là HTX làng nghề, đất đai thuê mướn, máy móc là loại cải tiến, không xuất xứ nên không có gì thế chấp để vay vốn ngân hàng. Anh Phương cho biết HTX đang xoay xở hết cách để có vốn ra lụa cho hai phòng trưng bày ở hai TP Hội An và Tam Kỳ do các doanh nhân ở TP.HCM và Hội An lập ra. Trong khi đó, HTX lại đang lo làm sao có hàng giới thiệu tại hai phòng trưng bày: một ở khu đền tháp Mỹ Sơn (lụa Mã Châu vừa được tổ chức UNESCO Việt Nam chọn là sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu du lịch) và một đặt ngay HTX. Về chuyện hỗ trợ vốn, ông Nguyễn Thế Vinh, chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước, chỉ mong sao Nhà nước có những hỗ trợ thích đáng để HTX có thể phát triển bền vững. Chính quyền thị trấn Nam Phước đã giao cho HTX 10ha đất bãi bên sông Thu Bồn từ năm 2009, nhưng thực chất HTX chỉ khai thác được chừng 6ha, phần còn lại bà con ở gần lấn chiếm, không lấy được. “Thiếu đất là thiếu dâu nuôi tằm. Toan tính làm một trại nuôi tằm ở bãi dâu này rất khó thực hiện vì đất được giao bị chiếm quá nhiều” - chủ nhiệm Phương nói thêm về một nỗi lo. “Một số chủ công ty, doanh nghiệp, người có vốn lớn muốn hợp tác làm ăn với HTX. Nhưng bỏ vốn vào nhiều, đương nhiên họ phải nắm quyền, hướng tới lợi nhuận. HTX của mình có bản chất là làng nghề, vì tâm huyết làng nghề mà làm, tuy cũng nghĩ đến lợi nhuận nhưng đó không phải là trên hết. Bởi vậy chúng tôi từ chối. Ngay trong số xã viên chúng tôi có người có thể lập công ty riêng, nhưng họ vẫn vào HTX để giữ nghề truyền thống, giữ làng nghề, giữ văn hóa lụa hàng trăm năm của quê mình” - chủ nhiệm HTX Trần Hữu Phương. Tags: Phóng sựHồi sinhLắng ngheTơ lụaLụa Mã Châu
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Toàn cảnh thảm khốc Làng Nủ: Cha đi tìm con giữa tan hoang lũ quét 14/09/2024 Thảm khốc ấy ập đến khi người dân Làng Nủ còn đang ngủ. Lũ quét đi tất cả. Bao gia đình tan hoang, con mất mẹ, chồng mất vợ, tang thương bao trùm lấy ngồi làng nghèo giữa đại ngàn bao phủ.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Ngoài bánh chưng, mì tôm, có thể cứu trợ thực phẩm gì cho bà con vùng bão lũ? DƯƠNG LIỄU 14/09/2024 Ngoài đóng góp tiền, đồ dùng thiết yếu, những loại thực phẩm nào nên được mang đến cho người dân lúc này?