TTCT - Những người từng tham gia tổ chức, quản lý các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chưa quên giai đoạn 1988-2001, khi các trường tự tổ chức thi cùng sự xuất hiện của bộ đề thi khiến ở những đô thị lớn trước ngày thi hàng tháng trời luôn ngột ngạt không khí luyện thi. Những lò luyện thi cấp tốc xung quanh các trường ĐH phát triển rầm rộ, đồng thời phong trào dùng “phao” cũng phát triển mạnh. Phóng to Áp lực tuyển sinh gây nên cảnh “toàn dân đi thi”? - Ảnh: Thuận Thắng Trước áp lực của dư luận, Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT - hồi ấy là Bộ Giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp) quyết định bỏ việc dùng bộ đề và để các trường tự tổ chức ra đề thi. Hàng trăm trường ĐH, CĐ đồng nghĩa hàng trăm bộ đề thi khác nhau trong khi rất ít trường có sẵn nguồn lực ra đề trong tay hoặc có nhưng chất lượng không cao. Bộ GD-ĐT vẫn phải kiểm tra, kiểm soát và kết quả là phát hiện rất nhiều vi phạm. Đề án cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ thực hiện từ năm 2002 được xem là giải pháp tối ưu nhằm giải quyết những bùng nhùng trước đó. Theo nhiều chuyên gia, kỳ thi “ba chung” như hiện nay không phải là một sáng kiến mới lạ. Năm 1970, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hồi đó là GS Tạ Quang Bửu đã đấu tranh để khôi phục kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thậm chí công tác này còn tiến thêm một bước mới về mặt tổ chức thực hiện: các trường trong cả nước thi cùng đợt, thí sinh cả nước cùng làm chung một đề thi (theo từng khối thi). “Với tư cách là một người nghiên cứu kỹ, sâu về khoa học đo lường, tôi khẳng định trên thế giới rất nhiều nước tổ chức thi chung. Rất ít nơi các trường ĐH tổ chức thi”. Trước đó, số phận kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng lắm trần ai. TS Nguyễn Trọng, tổng biên tập tạp chí Thông Tin Khoa Học Công Nghệ (Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM), cho biết: những ai từng giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ ở miền Bắc những năm 1966-1969 mới thật sự thấy giá trị của việc thi ĐH mang lại. Trước đó, giai đoạn 1955-1965, các kỳ thi vào ĐH do các trường trực tiếp tổ chức. Từ năm 1966, Nhà nước chủ trương bỏ thi, việc tuyển sinh được giao cho các địa phương tuyển theo kiểu tuyển quân. Vì vậy trình độ sinh viên trong một lớp có sự chênh lệch quá đáng khiến việc giảng dạy “khó vô cùng tận”. Theo GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), việc tổ chức một kỳ thi chung trên diện rộng xuất phát từ quan điểm hiện đại của GS Tạ Quang Bửu về khoa học đo lường. Nhưng sau đó, bộ trưởng Trần Hồng Quân lại cho rằng thi chung là cách làm của thời chiến, không hợp với thời bình và lại chủ trương các trường tự tổ chức thi (hết thi theo bộ đề rồi các trường tự ra đề) như đã nói ở phần trên và kết cục năm 2002 Bộ GD-ĐT phải quay lại với “cách làm thời chiến” của GS Tạ Quang Bửu nhưng có cải tiến đôi chút ở chỗ các ngành/trường thi cùng khối sử dụng chung kết quả. Những éo le trong phận đời của “cô nàng tuyển sinh” chưa dừng lại ở đấy. Những hệ lụy từ một sự kiện có sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của hàng triệu lượt người cùng với áp lực từ tâm lý trọng khoa bảng của xã hội Á Đông khiến nhiều người nhìn vào kỳ thi bằng con mắt ác cảm. Nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục cũng cho rằng mặc dù kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay gây nhiều phiền phức cho người dân cũng như nhiều khó khăn cho chính các trường ĐH, CĐ nhưng việc duy trì kỳ thi “ba chung” như hiện nay là cần thiết. “Tự nhiên bỏ ba chung cũng gay. Mỗi trường sẽ làm một kiểu và nhiều khả năng làm không chuẩn, người dân sẽ thêm lo lắng. Trong khi đó áp lực thi cử vẫn không giảm, thậm chí mọi việc sẽ quay trở về như trước đây, phụ huynh chỉ yên tâm khi con em mình được luyện thi ở lò nọ lò kia của trường nọ trường kia” - PGS.TS Hà Huy Bằng, phó chủ nhiệm khoa vật lý ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận xét. Còn TS Phạm Xuân Thạch, giảng viên khoa văn học ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), đề xuất nên để Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ thi chung trong đó có nhiều môn, các trường sẽ căn cứ vào kết quả này để xét tuyển, các môn được dùng để xét tuyển tùy yêu cầu đào tạo của từng trường: “Bộ nên thiết kế ba môn văn, toán, ngoại ngữ là bắt buộc. Từ môn thứ tư trở đi tùy từng trường lựa chọn. Thiết kế khối thi như hiện nay rất dở vì quá thiên lệch. Đặc biệt, khối C sẽ mất hẳn ở thành phố vì đơn giản học sinh thành phố thấy không thể bỏ toán, ngoại ngữ trong khi khối C thiếu hẳn những môn này”. Trên website của mình, TS Nguyễn Văn Tuấn ở Úc cho rằng việc bỏ hay không bỏ thi tuyển sinh ĐH, CĐ cần có số liệu và bằng chứng khoa học: “Ở nước ta rất ít nghiên cứu khoa học về giáo dục, và hệ quả là chúng ta chẳng có nhiều số liệu hay bằng chứng để phát biểu”. Tags: Tuyển sinh
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Cán bộ nghĩ đến lợi ích chung sẽ vượt qua nỗi lo tinh gọn bộ máy TIẾN LONG 04/12/2024 Cán bộ nếu đặt lợi ích quốc gia, thành phố và người dân lên trên, mọi nỗi lo đến bản thân sẽ nhẹ nhàng, có thể vượt qua được khi tinh gọn bộ máy.
Quỹ từ Trung Quốc nắm bao nhiêu cổ phiếu Sacombank? BÌNH KHÁNH 04/12/2024 Sacombank vừa công bố thông tin cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ. Trong danh sách này, ngoài 4 cổ đông tổ chức, chỉ có duy nhất cổ đông cá nhân là ông Dương Công Minh - chủ tịch của ngân hàng này.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền HOÀI PHƯƠNG 04/12/2024 Ca sĩ Bích Tuyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn kiện chồng mình là ông Gerard Williams.
Tiết lộ về hành trình Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc leo rào vào tòa nhà Quốc hội UYÊN PHƯƠNG 04/12/2024 Tối 3-12, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik đã leo rào vào tòa nhà Quốc hội nước này để chỉ đạo toàn bộ phiên họp bất thường yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật. Hành trình bắt đầu từ đâu?