Malaysia: Mạnh tay xóa lán trại tồi tàn của công nhân

XUÂN TÙNG 18/12/2021 18:30 GMT+7

TTCT - Từng khét tiếng về những khu nhà ở “kongsi” xập xệ cho công nhân quanh các công trường, Malaysia đang quyết liệt theo đuổi chính sách cải thiện chất lượng không gian sống cho người lao động, đồng thời mở ra cánh cửa để các nhà đầu tư cùng tham gia giải quyết vấn đề.

 
 Một kongsi dành cho lao động nhập cư ở Malaysia. Ảnh: The Star

Vi phạm tràn lan

Tháng 11 vừa rồi, truyền thông Malaysia xôn xao vì một con số được nhà chức trách nước này đưa ra: Một nửa trong số 34.248 chủ sử dụng lao động bị thanh tra trong năm nay không cung cấp chỗ ở đạt tiêu chuẩn cho người lao động.

Theo ông Awang Hashim, thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, từ tháng 2 năm nay cơ quan này đã mở 1.169 cuộc điều tra và ra 796 quyết định xử phạt với số tiền 9,14 triệu ringgit Malaysia (gần 50 tỉ đồng) với các cơ sở không thực hiện đúng Đạo luật tiêu chuẩn tối thiểu về nhà ở và tiện nghi cho người lao động, hay còn được biết đến với cái tên Đạo luật 446.

Kết quả thanh tra cho thấy khối vi phạm nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất chế tạo, còn một trong những vi phạm phổ biến nhất là việc thiếu khu vực ăn uống và nghỉ ngơi cho nhân viên, theo báo Malay Mail.

Nỗ lực này của giới chức Malaysia được khởi động sau khi các ổ dịch COVID-19 liên tục được phát hiện ở các cộng đồng công nhân nhập cư. Theo lời ông Awang, một trong các lý do gây bùng dịch là “sự thiếu thốn, mất kiểm soát về điều kiện vệ sinh nơi ở” mà một lượng lớn người lao động nhập cư nước này đang phải chịu đựng.

Với dân số 33 triệu người và tỉ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 68%, Malaysia hiện đang sử dụng khoảng 2 triệu lao động nước ngoài, chưa kể hàng triệu lao động khác di cư theo đường không chính thức. Phần đông lao động ngoại nhập này làm việc trong lĩnh vực xây dựng và chế biến, nơi các nhà tuyển dụng không ngừng tìm kiếm nhân công rẻ từ các nước lân cận như Indonesia, Bangladesh và Pakistan để lấp đầy các vị trí trống mà dân bản địa không mấy mặn mà.

Tuy nhiên, nơi ăn chốn ở cho lực lượng này lại không phải ưu tiên số 1 được các nhà tuyển dụng Malaysia quan tâm. Lao động tha hương, mà phần lớn là công nhân xây dựng, thường bị đẩy vào các khu nhà ở tồi tàn, còn gọi là “kongsi”, nơi hàng chục người sống chen chúc các phòng giường tầng xây tạm bợ, thiếu nguồn nước và khu vực vệ sinh đảm bảo.

Trả lời phóng viên điều tra của tạp chí R.age thuộc báo The Star (Malaysia), một lao động nhập cư cho biết khu kongsi nơi anh đang sống “còn tệ hơn cả bãi rác ở khu ổ chuột của Bangladesh”, khi chỉ có 3 cái toalét cho 400 công nhân và một bồn nước ximăng lớn là nơi duy nhất có nước tắm.

Theo cuộc khảo sát vào cuối năm 2020 của Bộ Nguồn nhân lực Malaysia, có tới 91,1%, tương đương 1,4 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại nước này sống trong điều kiện nơi ở không đáp ứng các quy định theo Đạo luật tiêu chuẩn tối thiểu về nhà ở và tiện nghi cho người lao động. 

Luật mạnh tay

Dù đã nhức nhối từ lâu, vấn đề nhà ở cho công nhân chỉ mới thực sự được coi là nghiêm trọng khi có COVID-19 can dự vào. Hồi cuối năm 2020, hãng sản xuất dụng cụ y tế Top Glove đã phải dừng hoạt động 28 nhà máy tại Malaysia sau khi hàng loạt công nhân xét nghiệm dương tính với COVID-19. Nhiều nhân viên Top Glove đổ lỗi cho hãng vì đã nhét tới 30 công nhân vào các phòng ở chật chội, bức bí khiến virus dễ lây lan, thay vì phải bảo vệ họ trước dịch bệnh.

Với sự cấp bách của vấn đề nhà ở công nhân trong dịch bệnh, mọi con mắt đổ dồn về hiệu quả của việc thực thi Đạo luật 446. Đạo luật này vốn đã ra mắt từ năm 1990, nhưng khi đó chỉ quy định tiêu chuẩn nhà ở công nhân trong các trang trại đồn điền. Phải đến năm 2019, văn bản này mới được sửa đổi để áp dụng cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo chỗ ở có nguồn nước, điện ổn định, đồng thời bố trí nhà vệ sinh và nhà tắm với tỉ lệ trung bình không vượt quá 15 người/đơn vị. Khu bếp và nhà ăn cần được đảm bảo, trong khi diện tích chỗ ngủ trung bình phải bằng hoặc trên 3m2 cho 1 người.

Trước đây, các tiêu chuẩn của Chính phủ Malaysia về nhà ở công nhân chỉ dừng lại ở mức khuyến nghị. Thế nhưng, nhờ có Đạo luật 446 sửa đổi, nhà chức trách sẽ có quyền buộc chủ lao động tiến hành thay thế hoặc sửa chữa nhà ở để đảm bảo chất lượng sống tối thiểu cho người lao động, đồng thời áp dụng mức phạt lên đến 200.000 ringgit Malaysia (1 tỉ đồng) và 3 năm tù giam cho các cá nhân không chấp hành.

Các sửa đổi theo dự định ban đầu sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2020, nhưng do các cản trở của dịch COVID-19 mà mãi đến tháng 9-2021 mới thật sự được thi hành. “Người lao động, bất kể là công dân Malaysia hay người nhập cư, đều cần cảm thấy an toàn trong chỗ ở được chủ lao động cung cấp” - Thứ trưởng Awang cho biết.

Tràn trề cơ hội đầu tư

Sự cương quyết trong thực thi Đạo luật 446 của Chính phủ Malaysia được dự đoán sẽ gây ra nhiều biến chuyển trên thị trường nước này. Chủ sử dụng lao động đang loay hoay tìm cách thích ứng với yêu cầu mới, còn các nhà đầu tư thì ngay lập tức nhìn thấy cơ hội.

Theo một báo cáo gần đây của đơn vị tư vấn bất động sản Knight Frank Malaysia, sức ép thi hành Đạo luật 446 sẽ khiến nhà ở chất lượng tốt dành cho công nhân được các chủ lao động và các bên liên quan săn lùng trong thời gian tới.

“Các cơ sở công nghiệp đang đi qua giai đoạn phản kháng và đang tìm cách thích nghi với đạo luật mới. Cùng với đó, họ cũng tiếp nhận các góc nhìn mới, cho rằng nhà ở cho công nhân sẽ giúp đảm bảo sự bền vững cho công việc kinh doanh của họ” - báo New Straits Times dẫn lời Allan Sim, giám đốc thị trường vốn và công nghiệp của Knight Frank Malaysia, cho biết.

Đối với các nhà đầu tư, nhà ở chuyên biệt cho người lao động (purpose-built workers' accommodation - PBWA) ở Malaysia đang trở thành một phân loại đầu tư ngách mới mang tính phi truyền thống, với nhiều công trình mới đang tập trung ở các khu vực có tốc độ phát triển cao như Selangor, Johor hay Penang. Giá không gian ở tính theo giường tại các khu vực vào khoảng 155-300 ringgit (800.000 - 1,6 triệu đồng) một tháng, mức giá được cho là hợp lý và phù hợp với túi tiền của người lao động phổ thông. Tuy vậy, các phúc lợi xã hội đi kèm chỗ ở vẫn sẽ được các nhà đầu tư chú trọng.

“Tiện ích trong các khu nhà ở chuyên biệt này như siêu thị mini, tiệm cắt tóc và tiệm ăn, khu giải trí, WiFi và các hoạt động giao lưu xã hội sẽ giúp đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho người lao động, ngay cả khi họ phải di chuyển ra ngoài trong tình hình dịch bệnh” - Sim nói thêm.

Với tiềm lực mạnh từ các đơn vị sản xuất công nghiệp, cụ thể là chuỗi sản xuất giá trị cao tại Malaysia, các khu nhà ở đảm bảo chất lượng cho công nhân sẽ trở thành một phân loại đầu tư có chất lượng trong thời gian không xa, Allan khẳng định.

“Nguồn chỗ ở đảm bảo cho người lao động cũng là một yếu tố quan trọng giúp hoàn thành hệ sinh thái công nghiệp, giúp Malaysia cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, đồng thời thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả nhất. Cơ hội vẫn đang tràn trề cho các dự án nhà ở chuyên biệt cho người lao động mới ở Malaysia”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận