Malaysia và phong trào "làm sạch"

DANH ĐỨC 09/09/2015 21:09 GMT+7

TTCT- Những cuộc biểu tình tại nhiều thành phố và bang ở Malaysia ngay trước lễ quốc khánh của nước này không chỉ đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức vì tham ô, mà còn vì làm hoen ố thanh danh Đảng UMNO cầm quyền từ khi đất nước này độc lập.

Một người biểu tình trong cuộc tuần hành do phong trào "làm sạch" (Bersih) tổ chức tại Kuala Lumpur ngày 30-8 đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức vì dính đến xì căng đan tài chính. Reuters

Phong trào “làm sạch” (đất nước), gọi tắt bằng tiếng Malay là “Bersih”, năm nay đã tổ chức xong đợt tuần hành kéo dài trong hai ngày 29 và 30-8-2015 tại các thành phố lớn như Kuala Lumpur, Kota Kinabalu, Kuching...

Phong trào này là một liên minh các tổ chức phi chính phủ có mục tiêu ban đầu là cải cách bầu cử, sau đó chuyển sang đấu tranh vì một sự quản trị đất nước trong sạch và minh bạch, đồng thời tăng cường nền dân chủ nghị viện. Đợt tuần hành năm nay là đợt thứ tư nên được gọi là “Bersih 4”, diễn ra vào lúc Thủ tướng Najib đang bị cáo buộc tham ô với “của nổi” lên đến 700 triệu USD trong các tài khoản ngân hàng.

Tất nhiên phong trào này còn chỉ trích thủ tướng nhiều điều khác, trong đó có việc kỳ thị dân tộc do quá thiên nhóm dân tộc Malay (50,1% dân số) hơn là các nhóm Hoa (22,6%), Ấn (6,7%)... cho dù khi mới lên nắm quyền ông Najib đã đề ra chính sách “1 Malaysia” (Đoàn kết Malaysia làm một).

Phản ứng của Thủ tướng Najib nghe cũng có vẻ chính đáng: “Nhiều người đã hi sinh cho đất nước để chúng ta có thể hưởng độc lập. Song thay vì tôn vinh các anh hùng đấu tranh vì độc lập, quân đội và cảnh sát, họ lại biểu tình và gây phân hóa xã hội”.

Nguy cơ phân hóa nay đã được khẳng định qua cảnh cáo của Datuk Jamal Md Yunos, thủ lĩnh khối đảng viên cơ sở của Đảng UMNO cầm quyền mà Thủ tướng Najib đang là chủ tịch đảng, rằng: “Ngày 10-10 tới chúng tôi sẽ tuần hành với cả triệu người mặc “áo đỏ” xuống đường bày tỏ sự hậu thuẫn cho Thủ tướng Najib”.

Một công ty chỉ có vốn là 1 triệu ringgit làm sao có thể vay được đến 42.000 lần số vốn của mình? 1MDB đã chỉ có thể làm được điều đó nhờ vào sự đảm bảo của chính phủ!

Thế nhưng, sự phân hóa không chỉ trong xã hội mà còn ngay cả trong nội bộ UMNO. Hôm thứ hai (31-8), đảng bộ khối cơ sở Đảng UMNO đã họp đột xuất và bỏ phiếu yêu cầu phó chủ tịch đảng Tan Sri Muhyiddin Yassin từ chức để nhường chỗ cho một nhân vật khác trung thành hơn với ông Najib.

Cuối tháng 7 trước đó, phó chủ tịch đảng Muhyiddi đã cách chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục cùng một số bộ trưởng khác do đã (dám) lên tiếng chỉ trích cách ông Najib xử lý vụ tai tiếng tham ô dính líu đến ông và Tập đoàn “1 Malaysia Development Berhad” (1MDB).

Nghị quyết “xử lý” trên được đưa ra sau việc thủ lĩnh đảng này tại thành phố Langkawi là bà Anina Saaduddin hôm thứ sáu (28-8) đã đệ đơn kiện Chủ tịch đảng kiêm Thủ tướng Najib ra trước tòa để bảo vệ uy tín cho đảng: “Tôi cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của 3 triệu đảng viên Đảng UMNO. Tôi lo rằng ông Najib đã gây tác động xấu đến hình ảnh và lợi ích Đảng UMNO... Hôm nay, nhân danh Đảng UMNO, tôi ra trước tòa đệ đơn kiện ông Najib”.

Một lãnh tụ Đảng UMNO, cựu thủ tướng, tiến sĩ Mahathir Mohamad, hôm chủ nhật cũng đã lên tiếng đòi Thủ tướng Najib từ chức vì lợi ích của Đảng UMNO.

Khi thủ tướng kiêm chủ tịch tập đoàn

Tất cả bắt đầu với việc ông Najib kiêm nhiệm chức chủ tịch hội đồng cố vấn 1MDB, một tập đoàn quốc doanh chuyên lo đầu tư phát triển được thành lập từ năm 2009 bởi chính ông Najib, sau khi lên giữ chức thủ tướng từ tháng 4 trước đó. Nếu ông Najib không là thủ tướng, có lẽ ghế chủ tịch tập đoàn này là thích hợp với cựu sinh viên tốt nghiệp cử nhân kinh tế công nghiệp ĐH Nottingham (Anh) năm 1974, rồi thì thứ trưởng năng lượng, viễn thông và bưu điện chỉ bốn năm sau.

Trên website của 1MDB vẫn còn giương cao khẩu hiệu của ông Najib: “Hãy táo bạo và liều lĩnh... để khai phá vùng đất mới và làm những việc khác hẳn”. Tầm nhìn cũng như sứ mệnh của 1MDB (“Lôi kéo sự phát triển kinh tế bền vững bằng cách đúc ra những mối quan hệ chiến lược toàn cầu đồng thời cổ súy đầu tư nước ngoài), quả là rất khớp với lý do ra đời của nó trong khuôn khổ sáng kiến “Chương trình biến đổi kinh tế” của chính phủ Najib.

Thành phần hội đồng cố vấn càng cho thấy tầm cỡ cùng mục tiêu chiến lược của 1MDB: bên cạnh chủ tịch hội đồng là thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia, còn có cố vấn đặc biệt Sheik Hamad Bin Al-Thani, cựu thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Qatar; hay Khaldoon Khalifa Al Mubarak, chủ tịch Cơ quan hành chính Abu Dhabi...

Với những cố vấn từ Trung Đông tầm cỡ như vậy, dòng vốn từ Trung Đông không chảy như suối vào đất nước Hồi giáo cùng phái Sunni này (61,3% dân số) mới là chuyện lạ! Muốn hay không, cũng có thể thấy việc ông Najib khi mới lên nhậm chức quyết định nắm luôn Bộ Tài chính và kiêm nhiệm thêm chủ tịch 1MDB là một chủ đích rất tầm cỡ, không chỉ chính sách suông mà còn đi vào thực tiễn, hoàn toàn trong khả năng của ông Najib.

Những thua lỗ bất ngờ

Thế nhưng, thực tế đã không màu hồng như ban đầu. 1MDB thua lỗ “không đáy”, buộc cựu thủ tướng Mahathir, hôm 24-4, đã đặt vấn đề trách nhiệm của Thủ tướng Najib trên FB: “1MDB thua lỗ mất tiền thì chính phủ phải gánh sự thua lỗ đó. Một công ty chỉ có vốn là 1 triệu ringgit làm sao có thể vay được đến 42.000 lần số vốn của mình? 1MDB đã chỉ có thể làm được điều đó nhờ vào sự đảm bảo của chính phủ! Ấy thế mà hoạt động của 1MDB vẫn không được các viên chức quản lý công quỹ của nhà nước giám sát!”.

1MDB đã vay đến 42 tỉ ringgit (khoảng 11,7 tỉ USD) và đầu tư vào những thương vụ không rõ ràng khiến thua lỗ mất vốn. Giở lại hồ sơ, 1MDB đã nhờ Tập đoàn tài chính Goldman Sachs phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất 5,9%, cao hơn nhiều so với lãi suất chính phủ đang vay, chỉ khoảng 3% hay thấp hơn (đó là chưa kể “phí tổ chức phát hành trái phiếu quốc tế” phải ngắt từ tổng số nợ vay được trả cho cơ sở trung gian, ở đây là Goldman Sachs).

Theo Bloomberg ngày 9-5-2013, Goldman Sachs đã thu được 500 triệu USD qua hai lần bán trái phiếu quốc tế huy động vốn cho 1MDB, mỗi lần huy động 1,75 tỉ USD!

Từ đó, có thể tính ra rằng cứ phát hành 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế phải trả cho Goldman Sachs đến 142 triệu USD, tức 14,2%, một “lãi suất” bổ sung lớn gấp bội lãi suất trái phiếu. 1MDB chỉ nhận được 858 triệu USD song vẫn cứ phải trả lãi cho 1 tỉ USD! Đây chính là mặt sau của “mặt trăng” trái phiếu quốc tế mà không ít nước đang “nghiện”.

Ngay từ chủ nhật 3-5, ông Mahathir đã lên tiếng đả kích Thủ tướng Najib: “Chính sự biến mất của một số tiền rất lớn mà 1MDB vay được, cùng với việc mất khả năng trả lời về những gì đã xảy ra, đã khiến ông Najib bất xứng với chức vụ thủ tướng Malaysia”. 

Việc một cựu thủ tướng phê phán một đương kim thủ tướng là bất xứng rất dễ hiểu trong bối cảnh các chính đảng tranh chấp nhau kịch liệt, song cả hai ông đều chung một đảng cầm quyền (ông Mahathir cầm quyền từ năm 1981-2003, còn ông Najib từ năm 2009 tới nay, kế vị ông Abdullah Ahmad Badawi) nên có thể hiểu rằng chỉ trích trên là vì thanh danh của Đảng UMNO.

Theo ông Mahathir, 1MDB “số đỏ” kia đã mở tài khoản ở quần đảo Cayman vốn được xem là “thiên đường chuyển ngân lậu”. Ngày 2-7, tờ Wall Street Journal khui ra rằng có một số tiền lên đến 2,672 tỉ ringgit (khoảng 700 triệu USD) đã được chuyển vào các tài khoản cá nhân của ông Najib và được Ủy ban chống tham nhũng xác nhận vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, ủy ban này cho đó là của hiến và không nêu tên người hiến, sau đó lại báo rằng tiền này là của Saudi Arabia thưởng công chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sau này, Đảng UMNO lại bảo là tiền hiến của cộng đồng Hồi giáo tại Philippines và miền nam Thái Lan (The Malaysian Insider 17-8-2015). Tất cả càng làm rối tung lên.■

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận