TTCT - "Mấy chị người Việt" giờ đã trở thành một phần dân cư "Tân Di Dân" giỏi của xứ Đài Loan. Một ngày đầu xuân, Đài Bắc mưa nặng hạt và lạnh. Gió thổi mạnh làm sụp một bên tán dù. Tôi cố đi nhanh qua đoạn cầu vượt dẫn xuống tòa Taipei 101 để ăn trưa và đụt mưa."Có Yuenan Hefen Việt Nam kìa cháu!" - người chú đi cùng nói trong tiếng mưa rào. Tôi nhìn theo bàn tay của chú, một quán ăn cũ với bảng hiệu 越南河粉 (Yuenan Hefen, cách người Đài Loan gọi phở Việt Nam) mịt mờ trong màn mưa. Quán lặng lẽ trong một con hẻm nhỏ và cũ, bên hông khu Taipei 101 phồn hoa.Chúng tôi lập tức thay đổi quyết định ăn trưa ở Taipei 101 và đi nhanh đến quán ăn. Chị chủ quán đưa tờ thực đơn và mời chúng tôi vào bàn bằng thứ tiếng Trung giọng Việt đặc trưng. Có lẽ chị là người miền Tây, vì chị có khuôn mặt châu thổ hiền hậu và dáng điệu nhanh nhẹn."Dạ, em chào chị! Ở Việt Nam nhà chị ở đâu?", tôi hỏi chị như lời chào "đồng hương" quen thuộc, như mọi khi tôi đến các quán ăn Việt Nam…"Ủa, Việt Nam hả! Chị ở Sóc Trăng, chị qua hơn 20 năm rồi, con chị vô đại học rồi!".Đồ ăn của quán chị thoảng vị miền Tây, bữa trưa của tôi vì thế thêm ngon lành và gần gũi. Tôi ăn xong tô phở bò và nửa ổ bánh mì thịt, chuẩn bị gọi tính tiền thì chị mang đến một chiếc gỏi cuốn: "Chị cho em nè, vì là đồng hương!". Chữ "đồng hương" trong giọng miền Tây tình cảm, tỏa ra một niềm vui thật ấm giữa tiếng mưa vẫn rào rào ngoài hiên quán. Người chú Đài Loan đi cùng, từng sống ở Canada hóm hỉnh nói: "Chú chưa bao giờ được ăn một món ăn miễn phí nào trong nhà hàng người Đài Loan ở Canada!". Khi tôi rời quán, chị còn dúi cho tôi một bó viết bơm tử mà một trường trung học tư thục tặng chị…Một ngày mùa hè, nắng trùm lên làng Chí Học (tỉnh Hoa Liên) một màu vàng rượm. Đang mua đồ tại cửa hàng tạp hóa Việt Nam của một bạn trẻ Việt Nam mới lấy chồng sang, có tiếng gọi tôi từ sau lưng "Em trai, lát mua đồ xong qua lấy mấy trái chuối già về ăn nha!". Đó là một chị Việt gốc Tiều ở Trà Vinh, mở một quán ăn bên cạnh tiệm tạp hóa, nổi tiếng với món mì bò Đài Loan. Chị lấy chồng Đài Loan từ tình cảm trong những ngày xuất khẩu lao động, không qua mai mối. Những trái chuối già hương thơm tho, có vị ngọt của tình đồng hương giữa mùa hè Đài Loan oi bức.Có lần tôi đang ăn mì bò Đài Loan tại quán chị, từ trong khu bếp, chị với tay gắp bỏ vào tô mì một miếng tàu hủ kho khô: "Tặng cho miếng đậu hủ nè, hôm nay khuyến mãi đặc biệt!" - giọng điệu hài hước đặc chất miền Tây của chị chưa hề phai vị dù đã hai mươi năm rời xa xứ sở.Quán Shunbafang của một chị Việt Nam, gần trường đại học của tôi, có món hủ tiếu bò hầm đậm vị miền Nam. Chị người làm là người Trà Vinh, lúc nào cũng đeo tạp dề màu đỏ, đội nón kết đỏ để làm thức ăn cho khách. Thỉnh thoảng tôi ngồi ăn, nghe tiếng Việt rổn rảng trong bếp, cảm thấy như đang ngồi trong một căn quán nhỏ vùng sông Mekong. "Chị bỏ thêm cho em mấy lát thịt, ăn cho no!" - chị bưng tô phở, nhỏ nhẹ nói với tôi, giọng miền Tây hiền hậu."Mấy chị Việt Nam" là ụm từ sinh viên chúng tôi tại làng Chí Học hay gọi những chị người Việt Nam lấy chồng Đài Loan, dù bây giờ trên hộ chiếu, các chị đã là người Đài Loan. Còn nhớ những năm 2000,"nỗi hổ thẹn quốc gia", "bán con hợp pháp", "âm mưu Hán hóa nòi giống" là những cụm từ cay đắng về "mấy chị Việt Nam" trong làn sóng lấy chồng đất Đài Loan lúc đó. "Mấy chị Việt Nam" như vẽ thêm những vằn đen bi kịch người Việt tha phương xa xứ. "Mấy chị Việt Nam" cũng vô tình gửi về quê hương những câu chuyện khiến người Việt phải khóc, xót thương cho phận người con gái Việt, cho cảnh nghèo bất lực của những gia đình ở ruộng vườn xa xôi…Nhưng thời gian cứ thong thả trôi. "Mấy chị người Việt" giờ đã trở thành một phần dân cư "Tân Di Dân" giỏi của xứ Đài. Từ những người "bỏ xứ ra đi", "mấy chị Việt Nam" là người "mở con đường Việt" ở Đài. Những gói mì Việt Nam, những gói bún khô, những gói nui, những hũ mắm ruốc kho sả, những chai nước mắm, những cọng rau răm, rau húng, diếp cá mua được ở Đài Loan… cũng là nhờ sự mày mò con đường nhập khẩu, những kinh nghiệm nấu nướng và trồng trọt "mang theo" trong những ngày rời quê hương theo chồng của các chị. Những bữa ăn có chút nước mắm, có cọng rau răm… thành thứ hương vị mạnh mẽ, an ủi sự trống trải, thiếu quê hương của những sinh viên, công nhân xa nhà. Và bao nhiêu năm, vẫn dung dị ân cần ấy, với những lát thịt bò bỏ thêm trong tô hủ tiếu, những trái chuối già hương, cái gỏi cuốn, bàn tay của "mấy chị Việt Nam" tặng thêm hơi ấm đồng hương…■ Tags: Ẩm thực Việt NamĐài LoanPhụ nữ Việt ở Đài LoanCô dâu Việt Nam
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.