Mấy giờ là mấy giờ rồi

TRÚC ANH 05/04/2023 16:06 GMT+7

TTCT - Bỗng có lúc câu hỏi "Mấy giờ rồi" trở nên khó trả lời với người Lebanon.

Roula Mouawad, nhà báo của tờ Annahar (Lebanon), có lịch đến Paris công tác ngày 28-3. Lúc mua vé, giờ cất cánh là 4h chiều, nhưng đến đầu tuần, bà nhận được thông báo chuyến bay đổi lịch thành 3h chiều. "Nhưng mà 3h của múi giờ nào - giờ quốc tế hay giờ BMT?" - bà nói với The New York Times.

BMT (Berri-Mikati Time), không liên quan gì đến GMT (giờ chuẩn Greenwich), là tên quần chúng Lebanon bức xúc đặt cho cách tính giờ mới của chính phủ, ghép từ tên Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri và Thủ tướng tạm quyền Najib Mikati - hai nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm chính cho chuyện "một quốc gia, hai múi giờ", làm cuộc sống của hàng triệu người đảo lộn.

Nguồn cơn nằm ở chỗ quy ước giờ mùa hè hay giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (Daylight Saving Time - DST). Có khoảng 70 nước còn áp dụng quy ước này, mỗi năm phải chỉnh đồng hồ hai lần: cộng thêm một giờ vào tháng 3, nhằm tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày, và lùi lại một giờ vào tháng 11, tương ứng với chuyển từ giờ mùa đông sang mùa hè (ngày dài, đêm ngắn) và ngược lại.

Mọi năm, Lebanon sẽ chuyển sang giờ mùa hè vào chủ nhật cuối cùng của tháng 3 (năm nay là 26-3). Nhưng gần đến "giờ G", ngày 23-3, Quyền thủ tướng Mikati đột ngột tuyên bố sẽ hoãn việc chỉnh đồng hồ sang 21-4. 

Nguyên nhân ban đầu không được công bố, nhưng sau này được làm rõ: chính phủ muốn để hết tháng Ramadan (từ 22-3 đến 21-4) rồi mới áp dụng DST, để tín đồ Hồi giáo không phải nhịn ăn thêm một tiếng mỗi ngày.

Không phải ai cũng nắm được thông tin này của chính phủ, và không phải ai biết cũng làm theo. Vì vậy đến 26-3, Lebanon chính thức có hai chuẩn giờ - giờ quốc tế (đã cộng thêm một tiếng) và "giờ BMT" (như cũ). Các cơ quan chính phủ dĩ nhiên sẽ theo giờ BMT, còn doanh nghiệp tư nhân cảm thấy không cần phải làm thế, thành ra cả nước rối loạn.

Một phụ nữ nói với The Guardian rằng cô có hẹn với một cơ quan chính phủ lúc 8h, ngay sau đó là lớp học tiếng Ả Rập lúc 9h. Đùng một cái, hai cuộc hẹn này thành trùng nhau vì cơ quan kia theo giờ BMT, còn lớp ngoại ngữ thì chọn DST. Nhà báo Mouawad ở đầu bài là một trong nhiều nạn nhân khi hàng không cũng nơi chỉnh lại giờ, nơi giữ nguyên.

Việc lễ Ramadan được lấy làm lý do có thể làm trầm trọng thêm những rạn nứt sâu sắc sẵn có của một quốc gia có lịch sử xung đột tôn giáo lâu dài giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Thực tế đã có người gọi giờ chưa đổi là "giờ Hồi giáo", còn giờ đã điều chỉnh là "giờ Cơ đốc". 

Ngoài chế ra "giờ BMT" để mỉa mai, nhiều người Lebanon còn bức xúc vì giữa lúc đất nước rối ren đủ thứ vấn đề, từ kinh tế - hơn ¾ dân số thuộc diện nghèo sau khủng hoảng tài chính từ năm 2019, đến chính trị - không có tổng thống từ cuối tháng 10-2022, mà chính phủ còn bày thêm chuyện.

Tranh: Yasser Ahmed cho The Arab Weekly

Tranh: Yasser Ahmed cho The Arab Weekly

Đoạn kết của 48 giờ đảo điên là việc ông Mikati gặp các thành viên nội các vào chiều thứ hai và thông báo Lebanon sẽ chuyển sang giờ mùa hè vào giữa tuần.

Đây không phải lần đầu DST gây ra hỗn loạn. Ai Cập có vẻ là nước loay hoay với chuyện chỉnh giờ này nhất. Từ 2011 đến 2013, nước này không đổi sang giờ mùa hè, sang 2014 lại quyết định áp dụng hòng giảm nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng lúc đó, nhưng đến năm tiếp theo lại thôi. 

Chuyện ở Ai Cập năm 2014 còn cười ra nước mắt hơn Lebanon 2023, khi Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi tuyên bố đồng hồ sẽ thay đổi bốn lần để bớt gánh nặng cho những người nhịn ăn trong tháng Ramadan. "Người Ai Cập lên mạng xã hội để hỏi giờ, trong khi một số khách sạn ở Biển Đỏ vẫn xài giờ cũ, "giờ nghỉ dưỡng", đối đầu với múi giờ của chính phủ" - tờ The Economist kể lại. 

Năm 2016, ba ngày trước khi chỉnh giờ, chính phủ đột ngột tuyên bố dẹp DST vĩnh viễn. Thông báo bất ngờ này khiến EgyptAir thiệt hại 2 triệu USD vì lịch trình bị ảnh hưởng. Nhưng dân Ai Cập vẫn chưa yên - năm nay, chính phủ lại muốn áp dụng lại DST, từ sau kết thúc lễ Ramadan.

Ý tưởng chỉnh lại đồng hồ vào mùa hè để dậy sớm hơn và tiết kiệm nhiên liệu thắp sáng được cho là bắt nguồn từ một bài "thư gửi ban biên tập" châm biếm của Benjamin Franklin trên tờ Journal de Paris năm 1784. Ông đùa rằng dân Paris nên dậy sớm hơn để tiết kiệm tiền thắp nến và đốt đèn dầu. Đến Thế chiến I, Đức rồi sau đó là Úc, Anh và Mỹ bắt đầu áp dụng DST để tiết kiệm nhiên liệu.

Ngày nay, nhiều nước từng mỗi năm hai lần chỉnh múi giờ cũng đã bỏ quy ước này, như Sudan, Syria, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Azerbaijan, Argentina, Brazil và Nga. Lý do là có bằng chứng cho việc phải thức dậy sớm hơn một tiếng làm rối loạn nhịp sinh học, tăng nguy cơ đau tim, tai nạn giao thông, gián đoạn giấc ngủ và mất năng suất. Chưa kể việc tiết kiệm nhiên liệu thắp sáng giờ cũng đâu còn đúng, mà còn ngược lại: mùa hè nóng nực,ngày dài hơn thì phải dùng máy lạnh nhiều hơn.

Tại Hoa Kỳ, dự luật Đạo luật bảo vệ ánh nắng mặt trời bỏ luôn chuyện đổi giờ hai lần một năm, được Thượng viện nhất trí thông qua vào tháng 3-2022, song lại "chết" ở Hạ viện. 

Năm nay, thượng nghị sĩ Marco Rubio lại đưa dự luật này ra Thượng viện một lần nữa hồi đầu tháng 3, quyết tâm loại bỏ "nghi thức đổi giờ hai năm một lần", việc mà ông gọi là "ngu ngốc".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận