Minari - Giữ chặt lấy nhau trong đời lạc lõng

LÂM LÊ 04/02/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nhiều lúc tôi có cảm giác không thuộc về nơi nào cả, chỉ là bị mắc kẹt giữa những khoảng trống của các nơi chốn khác nhau. Sự lạc lõng đó đôi khi khiến gia đình chúng tôi phải giữ chặt lấy nhau, bởi vì đó là tất cả những gì chúng tôi thực sự có”

 

Khác với Parasite, bộ phim Hàn Quốc “nguyên bản” với ngôn ngữ điện ảnh đầy kịch tính và phóng túng, lấy bối cảnh tại Seoul và từng phá vỡ rào cản đối với dòng phim nói tiếng nước ngoài khi giành tới 4 giải thưởng lịch sử tại Oscar năm ngoái, Minari là bộ phim của một đạo diễn Mỹ gốc Hàn, nói cách khác, là một bộ phim Hàn được kể trên đất Mỹ. 
Việc bộ phim đang được xem là ứng cử viên hàng đầu của giải Oscar 2021 có lẽ bởi sự khác biệt hoàn toàn của nó thông qua cách kể một câu chuyện nhỏ nhẹ mà thấm thía về trải nghiệm nhập cư của người gốc Á trên đất Mỹ.
 

 

SỨC MẠNH CỦA MỘT CÂU CHUYỆN NHỎ

Dù trước đây đã từng làm ba bộ phim, đạo diễn Lee Isaac Chung không có được tên tuổi và tạo dựng vị thế đáng nể trong làng điện ảnh quốc tế như Bong Joon Ho. Nhưng rất có thể, mọi thứ sẽ thay đổi sau Minari, bộ phim “nhỏ mà có võ” đang có mặt trong hàng loạt cuộc bình chọn và giải thưởng điện ảnh đầu năm 2021.

Lee là con trai của một người Hàn Quốc nhập cư tại Mỹ vào đầu thập niên 1980, lớn lên trong một trang trại nhỏ ở vùng nông thôn Arkansas, sau đó theo học Đại học Yale, chuyên ngành sinh thái học. Năm cuối đại học, anh bỏ học và chuyển sang học làm phim tại Trường đại học Utah và bắt đầu làm tác phẩm đầu tay Munyurangabo (2007), bộ phim có bối cảnh ở Rwanda (từng tranh giải Camera D’or và Un Certain Regard tại LHP Cannes). Anh làm ba bộ phim độc lập, được đánh giá khá cao nhưng hầu như không được ra rạp tại Mỹ.

Tới Minari - bộ phim thứ 4, mọi sự đổi thay hoàn toàn. Nó nhanh chóng trở thành một trong ít tác phẩm được nói nhiều nhất tại Mỹ hồi năm 2020 sau khi ra mắt tại LHP Sundance đầu năm và đoạt cả hai giải thưởng của ban giám khảo và khán giả bình chọn. 

Những khán giả Mỹ, phần đông là da trắng, đã khóc cười cùng bộ phim theo trải nghiệm sâu sắc và chân thực của một người Mỹ gốc Á, vốn rất ít được kể tại Hollywood, với những thủ thỉ ấm áp về tình gia đình.

Minari – tên phim – được lấy cảm hứng từ loài thảo mộc Minari, “một loài gia vị mà người giàu và người nghèo đều ăn, có thể làm kim chi, làm súp và thậm chí trở thành cây thuốc khi ta bị bệnh” - như lời bà ngoại dạy cho hai đứa cháu nhỏ. 

“Đó là một loài rau thường dùng làm gia vị trong món ăn của người Hàn Quốc, hạt giống của nó luôn có trong túi xách của người Hàn nhập cư. Loại rau này thường chết trong năm đầu tiên, phát triển mạnh mẽ trong năm thứ hai và làm sạch nguồn nước, đất ở xung quanh nó. Có lẽ không có sự ví von hoàn hảo nào hơn cho câu chuyện về giấc mơ Mỹ này” - Lee nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến. 

Đó là một câu chuyện mang trải nghiệm cá nhân, luôn nằm sâu trong tâm trí và trái tim anh, cho đến khi anh quyết định biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật.

Diễn viên nhí Alan S. Kim

Trong Minari, Lee đã tái hiện giấc mơ Mỹ và những ký ức tuổi thơ qua góc nhìn của David, cậu bé 6 tuổi của một gia đình người Hàn chuyển đến sinh sống và lập nghiệp ở vùng nông thôn hẻo lánh tại Arkansas. 

Jacob Yi (do Steven Yuen, nam diễn viên Mỹ gốc Hàn từng gây tiếng vang với phim Burningcủa đạo diễn Lee Chang Dong, đóng) đưa cả gia đình đến Arkansas thay vì California bởi đất đai ở đó rẻ hơn, nơi anh có thể thực hiện giấc mơ phát triển một trang trại trồng các loại cây và rau quả đặc trưng của người Hàn Quốc. 

 

 

Quyết định này của Jacob khiến vợ anh, Monica (Yeri Han) khá phiền lòng, không chỉ vì cuộc sống mới đầy bấp bênh, mà cô còn lo cho căn bệnh yếu tim bẩm sinh của đứa con trai nhỏ có thể gặp vấn đề ở một nơi hoang vắng và thiếu thốn về chăm lo y tế. Nhưng cũng giống như nhiều phụ nữ gốc Á khác trong chuyện gia đình, nơi đàn ông luôn có tiếng nói quyết định, đặc biệt là về chuyện sinh kế, cô đành chấp nhận theo chồng, dù điều đó dẫn đến những tranh cãi bất tận giữa họ.

Chọn góc nhìn của cậu con trai út 6 tuổi David (Alan S. Kim), nhưng với một khoảng lùi hơn 30 năm, Lee mang lại cái nhìn thứ hai cho giấc mơ Mỹ này. Đó là những xung đột và chịu đựng lẫn nhau giữa người lớn, là đức tin tôn giáo và đặc biệt là sự chữa lành vết thương sau những biến cố lớn trong đời, khi mà tình thân gia đình trở thành điều cứu vãn cho một sự đổ vỡ chực chờ. 

Những đoạn thoại trong phim thật cô đọng và khó quên, như đoạn đối thoại giữa Jacob và vợ anh khi cả hai đứng trước một quyết định lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ: 

“Cho dù là thất bại, nhưng anh muốn cái gì đã khởi đầu thì phải có kết thúc. Và anh muốn lũ trẻ phải thấy ba nó thành công ít nhất một lần” - Jacob nói. 

Và vợ anh đáp: “Để làm gì? Không phải được ở cùng nhau quan trọng hơn sao?”.

Diễn viên Steven Yeun và Yeri Han

Những khoảnh khắc chứa đựng tiếng cười và sự ấm áp trong phim nằm trong mối quan hệ giữa bà ngoại Soonja (do nữ diễn viên kỳ cựu đến từ Hàn Quốc Youn Yuh-jung đóng) và David, đứa cháu ngây thơ và ngỗ nghịch sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Ban đầu, David luôn tìm cách chống đối bà ngoại, từ việc “bà có mùi người già, có mùi Hàn Quốc” đến việc “bà không phải là một bà ngoại thực sự, vì bà không biết làm bánh, hay chửi thề và mặc quần đùi đàn ông”. 

Ta sẽ đi từ những khúc mắc thế hệ đó tới những khoảnh khắc tan chảy vì sợi dây kết nối diệu kỳ của tình thân gia đình, mà chỉ một cái ôm của thằng cháu nhỏ sinh ra trên đất Mỹ và người bà ngoại đến từ Hàn Quốc đã xóa bỏ hết thảy khoảng cách thế hệ và xung đột văn hóa, kết đọng lại tình thâm.

 Diễn viên kỳ cựu của Hàn Quốc Youn Yuh-jung và bé Alan S. Kim trong phim.

MỘT LÁT CẮT CỦA CUỘC ĐỜI BÌNH DỊ

Trong hơn hai thập niên qua, điện ảnh Hàn Quốc nổi lên ở quốc tế với một loạt bộ phim gây tiếng vang của các đạo diễn thuộc Làn sóng mới, đem đến những câu chuyện và cách kể chuyện hoàn toàn khác biệt. Phim của họ phủ sóng khắp các liên hoan phim quốc tế hàng đầu, giành hàng loạt giải thưởng danh giá, mà đỉnh cao là Parasite của Bong Joon Ho. 

Khán giả toàn cầu đã “quen biết” Bong Joon Ho, Park Chan Wook, Lee Chang Dong, Kim Ki Duk và nhiều tên tuổi khác trong phong vị có phần cực đoan, dị biệt hoặc quá khích, với những chủ đề nổi trội về bạo lực, cái ác, sự xung đột của các giá trị đạo đức hay sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Bởi vậy, Minarinhư một lát cắt cuộc sống hoàn toàn mới mẻ, nó thiếu vắng những xung đột, kịch tính dữ dội thường thấy trong các bộ phim Hàn, nhưng làm lay động tâm can bởi chính sự bình dị, ấm áp về gia đình mà bất cứ ai cũng có thể chia sẻ ít nhiều.

 

 

Trong phim, nhân vật do Steven Yeun, một nam diễn viên Hàn nhập cư từ bé, đóng thường phát âm bằng thứ tiếng “Konglish”, một cách phát âm tiếng Anh kiểu Hàn khó nghe mà anh học được từ bố mẹ mình, những người đưa anh đến Mỹ lúc Yeun mới 5 tuổi. Minari cũng phản ánh trải nghiệm của chính Yeun với tư cách là một người nhập cư ở Michigan.

“Bạn không phải là người Hàn, cũng không phải là người Mỹ. Nhiều lúc tôi có cảm giác không thuộc về nơi nào cả, chỉ là bị mắc kẹt giữa những khoảng trống của các nơi chốn khác nhau. Sự lạc lõng đó đôi khi khiến gia đình chúng tôi phải giữ chặt lấy nhau, bởi vì đó là tất cả những gì chúng tôi thực sự có” – Steven Yeun nói trong cuộc họp báo trực tuyến tại Liên hoan phim Busan. ■
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận