Mô hình của xã hội thông minh

VŨ THÁI HÀ 03/08/2017 05:08 GMT+7

t
 

 

​Tuy chưa có các nghiên cứu trên diện rộng, ở quy mô lớn để đo lường tác động của kinh tế chia sẻ đến các chỉ số kinh tế của một quốc gia, nhưng hoàn toàn có cơ sở để tin rằng hiệu quả sử dụng nguồn lực của xã hội sẽ tăng, với một lý do khá trực tiếp là mọi thứ sẽ được sử dụng triệt để hơn khi công năng của chúng trở thành hàng hóa trong quá trình chia sẻ. 

Một ví dụ có thể thấy ngay: những người ủng hộ Uber hay Grab có thể nói ngay rằng họ đang đi lại với chi phí rẻ hơn trước.

Nếu nhìn rộng ra, kết luận cho rằng với kinh tế chia sẻ, chi phí hậu cần chung của xã hội sẽ giảm xuống không phải là một kết luận võ đoán.

Cần lưu ý rằng một trong những yếu tố cản trở tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam chính là chi phí hậu cần còn quá cao.

Hai nhóm dịch vụ phổ biến đang được các hệ ứng dụng của kinh tế chia sẻ cung cấp bao gồm: nhóm thứ nhất là các dịch vụ cho phép chia sẻ công năng nhàn rỗi của các tài sản hữu hình, nhóm thứ hai khớp những người có năng lực và thời gian với những người đang cần nhân lực để thực hiện một công việc cụ thể nào đó.

Về bản chất, mô hình cung cấp dịch vụ kiểu chia sẻ giải quyết bài toán liên quan đến thông tin: cho hai đầu cung và cầu nhìn thấy nhau một cách trong suốt, tường minh trong thời gian thực với chi phí thấp.

Lợi ích và xu thế tất yếu

Các khảo sát gần nhất của hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu Nielsel cho thấy người ta rất sẵn sàng chia sẻ.

Các món đồ mà người ta sẵn lòng chia sẻ nhất để kiếm tiền, theo khảo sát, gồm: thiết bị điện tử, dụng cụ cơ khí, xe đạp, quần áo, đồ dùng thể thao, đồ gia dụng, xe hơi và chỗ ở, thậm chí họ còn sẵn sàng chia sẻ các bài học, như bài học nhạc, lên Internet.

Đấy cũng chính là cơ sở cho sự nở rộ của các tên tuổi mới, tiên phong trong kinh tế chia sẻ. Và người ta đã nhìn thấy mô hình kinh tế mới này xuất hiện ở rất nhiều ngành: vận tải, giao nhận và hậu cần, du lịch và lưu trú, giúp việc nhà, nấu ăn, ăn uống và tài chính...

Kinh nghiệm ở khu vực Mỹ Latin cũng cho thấy kinh tế chia sẻ đang đem đến nhiều cơ hội để biến chuyển quá trình phát triển của các đô thị, khuyến khích đổi mới và phát triển kinh tế tư nhân.

Các thành phố như Buenos Aires (Argentina), Montevideo (Uruguay), Santiago (Chile) và Rio de Janeiro (Brazil) đã khai thác tiềm năng của nguồn thông tin mở thông qua các sự kiện huy động nhân lực từ cộng đồng để tạo ra các ứng dụng giúp giải quyết những vấn đề liên quan đến rác thải, thúc đẩy dịch vụ du lịch và cải tiến giao thông công cộng, hay cho phép người dân gửi đi các ý kiến đóng góp và than phiền của họ về điều kiện sống đến chính quyền.

Các ứng dụng đó là những công cụ tốt và mạnh để khuyến khích sự hợp tác giữa người dân sống trong đô thị, thúc đẩy sự hình thành của các ý tưởng sáng tạo, từ đó làm cho đô thị trở nên thông minh hơn.

Hình thức giao dịch mới cũng bắt các ngành dịch vụ khác như ngân hàng phải vận động tích cực hơn để thay đổi: kinh tế chia sẻ cần thanh toán trực tuyến khắp nơi, giữa mọi đối tượng.

Trong hoàn cảnh Việt Nam cần giải quyết việc làm cho thanh niên, sáng kiến sau rất đáng xem xét: xây dựng một kênh dạy nghề chia sẻ, trong đó các thành viên hướng dẫn nhau những kỹ năng nghề nghiệp đơn giản, giúp họ tăng khả năng kiếm sống, chẳng hạn như sửa chữa điện nước, giúp việc nhà, chăm sóc người già và bảo mẫu.

Mô hình kinh tế chia sẻ rất phù hợp cho việc khuyến khích tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp bằng cách biến chính các đô thị đang có rất nhiều vấn đề nội tại thành một nền tảng năng động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từ đó tự giải quyết các vấn đề của chính mình và tạo ra động lực phát triển cho cả nền kinh tế.

Khi nhìn từ góc nhìn của văn hóa đô thị và văn hóa cộng đồng, kinh tế chia sẻ cũng có những tác động vô cùng có ý nghĩa.

Khi người dân có nhận thức tốt hơn về việc chia sẻ những gì mình có, như một cách tạo ra giá trị cho xã hội đồng thời kiếm lợi cho bản thân thì sự tiêu dùng thái quá cũng sẽ có xu hướng giảm đi; sự chia sẻ - mà đầu tiên là chia sẻ về thông tin - tăng lên sẽ khiến con người gần nhau hơn, xóa bớt đi sự cô đơn máy móc mà họ vẫn có khi sống trong các đô thị hiện đại nhưng lạnh lùng.

Chưa kể kinh tế chia sẻ là cơ chế vận hành dựa vào niềm tin lẫn nhau, cho nên chính nó sẽ là động cơ để giúp xây dựng hay khôi phục niềm tin có thể đang thiếu vắng hoặc đổ vỡ.

Những méo mó ngắn hạn

Các nhà chuyên môn đã bắt đầu xác định rõ thế nào là kinh tế chia sẻ: đó là một hệ thống kinh tế có các mạng lưới và thị trường phi tập trung cho phép giải phóng giá trị sử dụng còn dư thừa, chưa sử dụng hết của các loại tài sản bằng cách khớp nguồn cung với nguồn cầu một cách trực tiếp, bỏ qua vai trò trung gian vẫn có trong hoạt động kinh tế truyền thống.

Một mạng lưới của kinh tế chia sẻ cần đảm bảo những người đưa tài sản ra để chia sẻ sẽ kiếm được thêm thu nhập, còn người có nhu cầu sử dụng sẽ tiếp cận được dịch vụ dễ dàng mà không cần sở hữu tài sản, đồng thời giúp đời sống của cả hai bên tốt lên.

Kinh tế chia sẻ hình thành và phát triển trên nền móng là sự tiến bộ của công nghệ thông tin và thiết bị di động, nhưng không phải mọi mô hình kinh doanh phát triển dựa trên nền móng đó đều là kinh tế chia sẻ.

Một cá nhân nào đó sở hữu một chiếc xe nhưng không dùng nó toàn bộ 24 tiếng/ngày, nên tham gia Uber để chở khách có nhu cầu đi lại vào những lúc xe rảnh, tức là anh ta đã tham gia kinh tế chia sẻ.

Còn một cá nhân khác sắm 100 bộ veston đủ kiểu và kích cỡ, phát triển một ứng dụng trên smartphone để người dùng có thể chọn thuê veston khi họ có nhu cầu sử dụng trong một dịp đặc biệt nào đó lại không phải là kinh doanh kiểu kinh tế chia sẻ.

Mua xe mới để chạy Uber và chọn việc chạy GrabBike làm nghề nghiệp không phải là hoạt động của kinh tế chia sẻ, vì đấy không phải là giải phóng giá trị sử dụng còn dư thừa, chưa sử dụng hết của các tài sản đang có sẵn.

Thế nhưng đó lại là chuyện đã và đang diễn ra, cũng chính là lý do dư luận xã hội đang đặt câu hỏi với mô hình kinh tế mới này.

Người ta thắc mắc, thậm chí phản đối, rằng cái gọi là kinh tế chia sẻ đang diễn ra đã làm lệch lạc hướng đầu tư của xã hội nói chung, quan trọng hơn nữa là nó bần cùng hóa lực lượng lao động khi thu hút cả những người được đào tạo chuyên môn bài bản tham gia cung cấp các dịch vụ không cần tay nghề như là chạy GrabBike.

Có thể gọi đấy là sự méo mó trong ngắn hạn, mà nguyên nhân của nó là áp lực phải hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trước mắt: để đảm bảo tốc độ tăng trưởng về quy mô, các mạng lưới như Uber hay Grab phải đầu tư rất nhiều cho tiếp thị dịch vụ và bán hàng - điều mang lại nhiều ưu đãi cho cả bên cung lẫn bên cầu, biến việc tham gia mạng lưới thành một việc rất hấp dẫn, khiến nhiều người sẵn sàng đầu tư tài sản hoàn toàn mới để tham gia.

t
 

 

Sự điều chỉnh cần thiết

Các công ty truyền thống đang phản ứng rất khác nhau trước thách thức mà kinh tế chia sẻ đặt ra. Một số phản ứng kiểu tự vệ thuần túy, từ lên tiếng bảo vệ mô hình kinh doanh cũ đến tìm cách tác động vào chính sách quản lý xã hội của nhà nước nhằm làm chậm bước tiến của các loại hình dịch vụ chia sẻ.

Một số khác tìm cách thích nghi, chuẩn bị điều kiện để biến chuyển, hòa mình vào dòng chạy của kinh tế chia sẻ.

Đứng trước những gì mà Uber, Grab hay Lyft đang làm, các hãng sản xuất xe hơi lớn đã không thể đứng yên: BMW và Daimler mở dịch vụ thuê xe theo yêu cầu, General Motor đầu tư vào Turo - một dịch vụ cho thuê xe theo kiểu chia sẻ lớn ở Mỹ...

Ở Việt Nam, các công ty taxi cũng đã chuẩn bị cho những thay đổi không thể tránh khỏi: ứng dụng đặt xe trên smartphone đã trở nên khá quen thuộc với người sử dụng, cho phép đặt xe theo lịch, chọn loại xe mình muốn... và đáng chú ý hơn nữa là các công ty taxi đã cung cấp dịch vụ mới với dòng xe cao cấp không gắn tên và logo trên xe.

Bằng sự chuẩn bị đó, khoảng cách từ một công ty taxi truyền thống đến một cung cấp kết nối chia sẻ phương tiện đi lại dường như đang ngắn lại.

Mô hình kinh tế mới này sẽ làm thay đổi căn bản thị trường lao động và đòi hỏi ở lực lượng lao động những kỹ năng mới: người lao động không còn hoàn toàn là người làm công để nhận cố định một khoản lương hằng tháng, thay vào đó họ sẽ làm việc khi có yêu cầu và nhận thù lao cho từng việc họ làm, hoặc đem tài sản và vật dụng của mình chia sẻ với người khác để kiếm thu nhập.

Nghĩa là họ phải quản lý công việc họ làm bằng tư duy và phương pháp của một người quản lý một công ty, dù là ở quy mô siêu nhỏ.

Từng con người khi đó đều phải có các kỹ năng để quản lý một doanh nghiệp siêu nhỏ, đều phải là một doanh chủ biết cách quản lý nguồn lực, tự đặt ra và hoàn thành mục tiêu, thiết kế được dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường, quản lý quan hệ với khách hàng và biết cách đặt giá cho dịch vụ mà mình cung cấp.

Mô hình kinh tế mới sẽ thay đổi sự phát triển kinh tế và tương lai của việc làm như thế nào? Liệu chúng ta sẽ sống trong một thế giới của các doanh chủ uy quyền hưởng thụ sự độc lập và linh hoạt của nghề nghiệp, hay ta sẽ trở thành những người lao động không có danh tính, chạy vòng quanh từ hệ ứng dụng này sang hệ ứng dụng khác để tìm cho mình những mảnh việc làm vụn vặt?

Ngay lúc này đây, chính mô hình kinh tế chia sẻ đang bộc lộ các vấn đề của nó: quyền lợi của những người lao động tham gia mạng lưới chia sẻ sẽ như thế nào khi mà họ không được tuyển dụng chính thức bởi bất cứ tổ chức nào và vì thế không được bảo vệ bởi luật tương ứng.

Khách hàng sẽ được bảo vệ ra sao trong mối quan hệ nhiều bên khá lỏng lẻo đang dựa chủ yếu vào thiện chí và lòng tin của các bên, chứ chưa được điều chỉnh bằng một khung pháp lý phù hợp?

Các vấn đề đó đặt ra yêu cầu cải tiến và đổi mới đối với bộ máy quản lý nhà nước. Khi kinh tế chia sẻ tiếp tục phát triển, hệ thống thuế và bảo hiểm xã hội phải thay đổi theo để giải quyết các vấn đề căn bản như: làm thế nào để người lao động trong đó có thể tiếp cận với bảo hiểm y tế và chế độ hưu trí.

Cuộc sống luôn vận động và khi các điều kiện được tích lũy đủ thì sự thay đổi lớn sẽ xảy ra; từ góc nhìn khác, mọi sự thay đổi đều được đón nhận rất e dè từ ban đầu, bởi nhận thức của xã hội chưa được chuẩn bị đầy đủ và cũng bởi những rủi ro mà thay đổi đó đem đến. Kinh tế chia sẻ cũng vậy.

Trong khi các nhà chuyên môn đã đồng ý hoàn toàn rằng nó là một xu hướng tất yếu thì chúng ta vẫn chưa thể dự đoán nhiều về con đường phát triển của nó.

Chỉ biết rằng với sự vận hành của kinh tế chia sẻ, nguồn lực của toàn xã hội chắc chắn được sử dụng thông minh hơn, vấn đề còn lại là chúng ta sẽ phải thay đổi ra sao để không biến mình thành kẻ đứng ngoài cuộc.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận