TTCT - Trong số nhiều ý kiến gửi về Câu chuyện cuộc sống, TTCT số này xin giới thiệu hai câu chuyện được sẻ chia từ một người trong cuộc và một người thứ ba... Hatrang200...@: Mong được tha thứ cho đứa trẻ - tôi Tôi tìm thấy mình đâu đó trong những giày vò, những uất nghẹn của một tuổi thơ không trọn vẹn khi đọc bài “Đứa trẻ cần được tha thứ”. Đứa trẻ đó là tôi, là em trai tôi, là em gái tôi, thậm chí là cả con tôi bây giờ. Tôi không may mắn học được từ vị tha như anh Lâm để sống thanh thản, tôi - một người con may mắn ăn học đến nơi đến chốn và ít nhiều có một vị trí khá cao trong công việc, vẫn chưa thể giao tiếp với người sinh thành ra mình một cách vui vẻ, thân thiện. Em trai tôi thì càng tệ hơn, đối xử thô bạo và cộc cằn cả với chị em mình. Và giờ là vợ và con của nó. Gia đình tôi chưa bao giờ có một cuộc họp mặt đầm ấm và thân thiện. Dù tự đáy lòng tôi thương các em hơn cả bản thân mình và có lẽ chúng cũng thế. Tuổi thơ của bốn chị em gắn liền với những trận cãi vã, đánh đập của cha mẹ. Tuổi thơ của bốn chị em có những bữa ăn phải đi xin hàng xóm vì nồi cơm của cả nhà bị cha hất đổ và giẫm nát dưới chân. Tuổi thơ của bốn chị em là nhiều lần thảng thốt nhận ra mình vẫn còn mẹ khi bà bị đòn thù của cha và khi bà tự tử nhưng được cứu sống... Còn nhiều, nhiều lắm... Giờ thì, với những nhận thức trưởng thành của mình, tôi nhận ra mình bất lực với chính mình thì làm sao cứu được tâm hồn của các em tôi, khi chúng rất ít học, thậm chí là vô học với cách hành xử hiện giờ. Chị em tôi thương nhau, nhưng cách thể hiện tình thương cũng được biểu lộ bằng bạo lực: mắng chửi nhau hơn là ngồi lại cùng nhau rồi nhẹ nhàng phân tích cái sai cái đúng..., sẵn sàng nện cho ai đó một trận nên thân nếu trong số bốn chị em bị ức hiếp. Tôi mong được như anh Trần Lâm. Được tha thứ cho đứa trẻ - tôi - em tôi và một tuổi thơ mà chúng tôi bị đánh cắp bởi bạo hành. DƯƠNG THU TRANG (giáo viên, TP.HCM): Có những bài tập cho một cuộc đời, nhưng cần nhiều người cùng... tập Năm học 2005-2006, lớp 12C1 (ban KHXH&NV) do tôi làm chủ nhiệm có một học sinh bị bệnh teo dây thần kinh mắt. Thị lực của em tỉ lệ thuận với sức khỏe. Mà học lớp cuối cấp thì có khỏe bao giờ... Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Một buổi sáng nọ, một học sinh đi tìm tôi báo tin bạn L.P. leo lên lan can định nhảy lầu. May thay, cô giáo tin học phát hiện và cùng những học sinh khác can thiệp kịp thời... Tôi nhanh chóng đến lớp chủ nhiệm, gương mặt em vẫn còn thất thần. Đưa em xuống phòng y tế nằm nghỉ, tôi bắt đầu trò chuyện với N.P. - một học sinh gần nhà L.P.. Gia đình L.P. từ Đắc Lắc đến TP.HCM nhập cư. Cuộc sống kinh tế khó khăn khiến người cha ngày càng cay nghiệt. Ba mẹ em bán quần áo cũ ở công viên Phú Lâm từ sáng đến đêm mới về. Bản thân em bệnh tật nên khả năng tư duy hạn chế, làm việc gì cũng chậm. Đó cũng là lý do khiến ba luôn giội vào em những trận đòn xối xả bằng chiếc ghế gỗ... Vị trí chiếc ghế hướng đến luôn là đầu em... Mẹ ngăn cản sẽ bị vạ lây. Cứ như thế, sức khỏe em bị sa sút. Mắt em mờ dần. Khả năng tiếp thu bài học rất chậm. Và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để hướng dẫn tận tình cho em nên em thường bị chê trách. Thậm chí em còn được gợi ý qua Trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu học... Mọi thứ cứ ùa đến thử thách em trong năm học cuối cấp đầy căng thẳng này... Và khi mắt không đủ sáng, lý trí không đủ minh mẫn, em đã quyết định dại dột. Với tính chất nghiêm trọng của sự việc, tôi phải mời phụ huynh để trình bày. Nhưng nếu gửi giấy mời qua học sinh, chắc L.P. sẽ bị ba đánh mà không cần hỏi lý do. Điện thoại thì nhà em không có. Đến nhà thuê thì không gặp. Tôi nhờ N.P. ra công viên nơi mẹ L.P. bán hàng để nhắn bà điện thoại cho cô chủ nhiệm gấp. Trong câu chuyện đẫm nước mắt của bà, tôi hiểu thêm sự gia trưởng cùng thói quen bạo hành với vợ con của ông. Tôi quyết định gặp ông. Nhận được lời nhắn từ vợ “Cô mời vào ký giấy cho con”, ông đến trường gặp tôi lúc 8g sáng. Tôi đã nói với ông tất cả. Nói bằng tình yêu của người mẹ, bằng nỗi đớn đau của con trẻ, cả sự tức giận của người làm giáo dục... Không nén được sự xáo trộn trong lòng, tôi đã khóc. Ông lắng nghe, nhìn và ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra. Rồi hình như mọi thứ thẩm thấu trong tâm hồn ông. Ông lạy sống tôi và nói: “Nó không phải con cô. Sao cô lại thương và lo cho nó đến thế! Sao tôi lại đối xử với con tôi... Cho tôi gặp cháu ngay bây giờ đi cô...”. Đưa ông lên lầu 2 nơi lớp em đang học, tôi xin phép giáo viên bộ môn cho L.P. nghỉ tiết và đề nghị ông đưa em đi ăn sáng để tiện trò chuyện. Em đi bên cha mà không quên nhìn mặt ông để dò xét thái độ. Nhìn ba mỉm cười, mặt em tươi hẳn vì bình an... Cuối tháng 6 năm đó, biết tin em đậu tốt nghiệp THPT, ông gọi điện gặp tôi: “Cảm ơn cô! Cô là người mẹ thứ hai của L.P.”. ______________ Kỳ tới: ứng xử với quá khứ đau thương
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Ông Trần Cẩm Tú: Cán bộ, thẩm phán phải luôn 'công bằng, liêm khiết, trong sạch trong xét xử' THÀNH CHUNG 16/07/2025 Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú yêu cầu xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng trong Đảng bộ Tòa án nhân dân tối cao.
Đóng một phần cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trong 30 ngày, người dân chú ý đi lại THU DUNG 16/07/2025 Các đơn vị sẽ rào chắn một phần trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để sửa chữa khe co giãn, nâng cấp hệ thống giao thông thông minh.
Xác minh thông tin bánh mì của một thương hiệu lớn ở Đà Nẵng có dòi bò lúc nhúc TRƯỜNG TRUNG 16/07/2025 Một du khách phản ánh trên mạng xã hội thông tin bánh mì của một thương hiệu lớn ở Đà Nẵng có dòi bò lúc nhúc, ngay lập tức chính quyền đã kiểm tra, xác minh.
Hà Nội vận động các hộ dân mở cửa cho du khách dùng nhà vệ sinh miễn phí dịp 2-9 PHẠM TUẤN 16/07/2025 Hà Nội cũng khuyến khích việc người dân duy trì lâu dài việc mở cửa nhà vệ sinh miễn phí cho du khách 'như một nét đẹp văn hóa'.