Morgan chống Mc Donald

VIỆT LINH 18/07/2004 01:07 GMT+7

TTCN - Nếu cả nước Mỹ đang ồn lên vì bộ phim Fahrenheit 9-11 của đạo diễn Michael Moore, xem Michael Moore như một “chiến sĩ” chống Bush, thì nước Mỹ cũng đang ồn lên vì bộ phim tài liệu Super size me của Morgan Spurlock, có điều thay cho chống Bush thì Morgan Spurlock chống... McDonald!

Phóng to
TTCN - Nếu cả nước Mỹ đang ồn lên vì bộ phim Fahrenheit 9-11 của đạo diễn Michael Moore, xem Michael Moore như một “chiến sĩ” chống Bush, thì nước Mỹ cũng đang ồn lên vì bộ phim tài liệu Super size me của Morgan Spurlock, có điều thay cho chống Bush thì Morgan Spurlock chống... McDonald!

Nhìn thấy tác hại của các loại thức ăn nhanh đã và đang gây hại trầm trọng trên nhiều thế hệ người Mỹ, Morgan Spurlock đã nghĩ ra phương pháp tố cáo độc nhất vô nhị: tự ăn
McDonald, ăn cấp tập sáng, trưa, chiều, tối... trong bốn tuần liên tục (ảnh)! Và như “vật thí nghiệm”, Morgan Spurlock tự quay phim sự “khổ hạnh” của chính mình... Nhà đạo diễn khổ hạnh gì? - Chỉ trong một tháng Morgan Spurlock đã “phồng” lên 12kg, gan thương tổn và đầu nhức buốt...

Khi bộ phim quay xong cũng là lúc Morgan phải chấp nhận khổ hạnh khác: ăn kiêng để giảm cân, điều trị chứng gan to, liệt dục và nhức nửa đầu. Theo lời bác sĩ, phải mất hơn một năm sức khỏe Morgan mới có thể hồi phục hẳn.

Trả lời câu hỏi vì sao phải và dám thí nghiệm bản thân mình như thế, Morgan Spurlock khẳng định: “Nếu tôi làm một phim tài liệu cổ điển về chuyện ăn uống ba vạ thì chẳng ai đến xem cả”. Đúng vậy, chính sự dấn thân tận cùng của anh, vì mục đích tốt đẹp của phim đã gây cho công chúng sự tò mò, cảm kích. Bên cạnh siêu thành công tài chính của Fahrenheit 9-11 “vĩ đại”, bộ phim đơn giản của Morgan Spurlock cũng lôi kéo ào ạt khách, đứng top 10 liên tục trong suốt hai tháng rưỡi - một thành công mà có lẽ Morgan Spurlock đã không hình dung nổi khi quyết định bấm máy.

Cũng như Morgan Spurlock, Tập đoàn McDonald đã không hình dung nổi tác động của tác phẩm: suốt thời gian phim quay họ chỉ xem đây như “một trò đùa vô trách nhiệm”, thế nhưng dư luận ngày càng lan tỏa, bất lợi đến mức khi phim còn chưa xong McDonald đã phải tuyên bố bỏ món Super size(*) trong thực đơn, cùng lúc tung ra món Go active - ít thịt, nhiều rau - trước ngày phim công chiếu! Rất hài lòng Morgan Spurlock khẳng định: “Khi những nghiên cứu tiếp thị được chứng minh thì người ta phải thay đổi chiến thuật”. Vì sao cần phải chứng minh? Theo nhà đạo diễn, đa số dân Mỹ không biết họ ăn gì, 50% bữa ăn xảy ra trên đường phố, lại không thích chơi thể thao. Đó chính là cơ hội cho bệnh béo phì phát triển, cơ hội thao túng, vô trách nhiệm của các tập đoàn thực phẩm. Theo điều tra của phim, cứ ba người Mỹ thì có hai bị béo phì do thức ăn nhanh, trong đó McDonald là thủ phạm lớn nhất.

Bằng những hình ảnh chân thực ở căngtin, nơi đường phố..., Super size me đã cho thấy hiện tượng ăn uống vô thức của người dân Mỹ, đặc biệt trong các trường học, nơi trẻ con hằng ngày phải liên tục ngốn ngấu những món ăn kiểu pizza, nốc soda và các thức uống quá ngọt... Ngoài các khuyến cáo trực quan, các phỏng vấn chuyên môn trong phim, Super size me còn giúp khán giả nhận ra những kiến thức thường thức y học, hiểu biết hơn sự nguy hiểm của đường, của mỡ trên cơ thể con người. Bằng con đường đó Super size me vừa như một câu chuyện kể vui nhộn, vừa như một thứ nhật ký kinh hoàng, gớm ghiếc trong cuộc sống đương đại...

Phim không chỉ lôi kéo khách bởi đề tài mới lạ, một phương pháp thực hiện không giống ai mà còn mang dấu ấn nghệ thuật. Trong phim có nhiều trường đoạn gây ấn tượng như đoạn hai phẫu thuật viên đang cắt bớt dạ dày của bệnh nhân béo phì - người mà theo bệnh sử đã từng ngốn 8 lít nước ngọt có gaz mỗi ngày! Trên màn ảnh là một bi hài kịch: những thớ thịt nhúc nhích, những khúc ruột đỏ hồng vung vẩy như... lượn múa, như... bỡn cợt với giai điệu “Danube xanh” của Strauss...

Đau đớn đến hài hước, hài hước đến đau đớn, có lẽ cảm xúc đó cũng chính là thông điệp Morgan Spurlock muốn gửi đến cuộc sống hôm nay, cho các thế hệ đồng bào của anh... Bằng chính bản thân mình, Morgan Spurlock đã trở thành người điều tra, người tố cáo hệ thống ăn uống tổn hại dân tộc.

Bộ phim là một bằng chứng hùng hồn khiến công chúng phải giật mình, khiến McDonald phải rúng động: những quảng cáo gần đây của McDonald đã không còn vàng - đỏ như quen thuộc, biến mất cả hình ảnh ổ bánh núc ních trùm lên ảng thịt bằm, thay vào đó là các màu xanh rau cải... Điều đó chứng tỏ tác động thức tỉnh của phim rất lớn, cho dù thoạt nghe có vẻ như nó chỉ là chuyện vui chơi.

Sau thành công điện ảnh, Morgan Spurlock dự định sẽ khuếch trương Super size me trên màn ảnh nhỏ qua các chương trình ẩm thực. Trong khi chờ đợi những hợp đồng đua nhau mời gọi, nhà đạo diễn này đã trở nên nổi tiếng thế giới.

Nhưng nổi tiếng không phải là mục đích của ông. Tâm điểm, tâm huyết của ông là cuộc đấu tranh với các “thế lực” làm giàu trên sức khỏe nhân loại - những thế lực mà theo ông không thể nào khống chế bởi siêu lợi nhuận của nó đã được phân chia đều khắp. Người nghệ sĩ khi đó chỉ còn cách mở mắt cho người tiêu dùng để họ tự quyết định.

Bằng phương pháp tận dụng nghệ thuật để qui trách nhiệm, Morgan Spurlock và Michael Moore quả rất giống nhau trong ý tưởng. Lém lỉnh, vui tính mà quyết liệt, Morgan và Michael đã chia sẻ với người xem những điều thiết thực trong cuộc sống. Như bản hòa tấu đầy nhân bản, nếu Fahrenheit 9-11 đang khiến cả thế giới nhìn lại nước Mỹ, thì Super size me khiến người xem phải nhìn lại bản thân mình. Nghệ thuật xem ra có sức mạnh lớn hơn người ta tưởng...

-----------------------------

(*) Tên món bánh mì kẹp thịt nổi tiếng của McDonald

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận