Morocco - Tây Ban Nha: Từ lịch sử thực dân tới khủng hoảng di dân

SÁNG ÁNH 02/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Tây Ban Nha đã phải triển khai cả quân đội lẫn cảnh sát vũ trang ở vùng lãnh thổ tách rời của họ tại Bắc Phi, Ceuta, trong cuộc khủng hoảng nhập cư mới nhất của Liên minh châu Âu (EU). Lịch sử cho biết gì về hiện tại của một vùng đất đa đoan?

Bộ phim hư cấu Tây Ban Nha Adú (2020) thuật lại câu chuyện của một em bé người Cameroon lên 6 tuổi sau khi mẹ chết, lên đường sang Tây Ban Nha tìm cha đang lao động bên đó. 

Dọc đường, em gặp một bạn 16 tuổi người Somalia. Hai anh em dắt díu nhau đến bờ biển Địa Trung Hải thuộc Morocco, thị trấn Melilla (90.000 dân, diện tích 12km2). Đây là một trong hai thị trấn Bắc Phi còn thuộc Tây Ban Nha (thị trấn kia là Ceuta - 85.000 dân, 18km2), và vì thế là lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU). 

Hai chấm nhỏ trên bản đồ này là châu Âu trên lục địa Phi. Lọt qua biên giới Ceuta hay Melilla là đến Tây Ban Nha và EU 27 nước, có thể làm đơn xin tị nạn và tạm trú trong thời gian xét đơn. 

Hai em nhỏ trong phim khi đến Melilla, không thể vào thị trấn bằng lối đất liền, bèn ôm phao lội biển 1-2km để vào bằng lối bãi biển. Trong phim, hai em sống sót nhưng phải chia tay nhau vì được đưa vào hai trại khác nhau, trại trẻ con và trại người lớn.

Quân đội Tây Ban Nha gom những người vượt biển vào Ceuta lại, chủ yếu là dân Morocco và có rất nhiều trẻ em. Ảnh: AP

 

Ba đường tới “đất hứa”

Đó là hư cấu dựa trên khủng hoảng tị nạn ở châu Âu 2015 - 2016. Biến động chính trị tại châu Phi và Trung Đông đẩy hàng triệu người tị nạn sang châu Âu trong cao trào này. 

Đến châu Âu cơ bản có ba lối. Một lối là từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho khu vực Trung Đông, Syria, Iran, Iraq và Tây Á, Afghanistan, Pakistan. Đến đây rồi đi đường biển hay đường bộ vào Hi Lạp. Đường bộ khá an toàn, không có cướp bóc. 

Nhưng lối biển rất nguy hiểm vì ghe phao chất đầy để kiếm tiền, tuy chỉ đi một đoạn ngắn nhưng ai ra biển đều biết, cách bờ 10m là có thể chết chìm rồi. Lối này, sau năm 2016 đã được Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận với châu Âu để đóng lại. 

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ là nước chứa nhiều người tị nạn nhất thế giới - 3 triệu người, nếu có gì bất bình, họ lại dọa “thả cửa” biên giới để Âu châu khốn đốn.

Lối thứ nhì, chủ yếu dành cho khu vực châu Phi, là qua bờ biển Libya. Lối này đi đường bộ rất dài, có khi 6 tháng hay một năm, băng qua nhiều nước, có thể bị bắt làm con tin, tống tiền, cướp bóc, hãm hiếp... 

Libya là một nước loạn từ năm 2011, có hai chính phủ và 36 lực lượng vũ trang phe phái, đến đại sứ Hoa Kỳ còn không giữ được mạng, nói gì thân phận một người tị nạn. 

Các cảng Libya hoàn toàn không có an ninh. Hành trình vượt biển tới các đảo của Ý xa vời và đầy nguy hiểm. Đây là giải pháp liều mạng nhất, nhưng cũng là giải pháp “mở” cuối cùng vì Libya không có ai kiểm soát.

Lối thứ ba là từ Morocco đi ghe sang quần đảo Canarias thuộc Tây Ban Nha hoặc leo rào đột nhập Ceuta hay Melilla. Đối với dân châu Phi hạ Sahara, giải pháp này chỉ khả thi nếu chính quyền Morocco cho phép. 

Morocco là một nước có an ninh và nếu muốn thì họ có thể ngăn chặn người di dân bất hợp pháp. Mọi biên giới được kiểm soát ở hai phía, nếu hai bên hợp tác thì xuất lẫn nhập được mát mẻ điều hòa.

Từ siêu cường thuộc địa tới tranh chấp sa mạc

Tây Ban Nha là siêu cường của thế kỷ 17, nhưng bỏ qua châu Phi là lục địa lúc đó chả bõ bèn gì, để tập trung vào hốt vàng ở châu Mỹ. Sang thế kỷ 19, châu Phi mới bị thực dân để mắt, thì Tây Ban Nha đã lép vế so với Pháp và Anh. 

Bản đồ các lãnh thổ Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha ở Bắc Phi. Ảnh: Britannica

 

Thuộc địa của họ chỉ có một dải be bé bên kia bờ biển ở Morocco, phần còn lại của Morocco ngày nay là thuộc Pháp. Ngoài ra, Tây Ban Nha còn có quần đảo Canarias ngoài khơi châu Phi (2,1 triệu dân), Guinea Xích Đạo (1,5 triệu dân) và một mảnh lớn sa mạc gọi là Tây Sahara.

Năm 1956, Tây Ban Nha và Pháp đồng trả độc lập cho Morocco trên hai phần họ cai trị. Tại bờ biển Địa Trung Hải, Tây Ban Nha chỉ giữ lại hai chốt là Melilla và Ceuta. Ceuta có vị trí chiến lược, đối diện eo biển Gibraltar về phía nam, là yết hầu độc đạo giữa Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, rộng chỉ 13km. 

Nếu đứng bờ bên này vào một ngày quang đãng sẽ thấy núi, thấy đèn, nghe gió biển thổi tưởng như tiếng nói cười ở bờ bên kia lục địa!

Phần Tây Sahara là nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi, 266.000km2 nhưng chủ yếu là sa mạc cát nắng mênh mông với hơn nửa triệu dân. Lãnh thổ phía nam Morocco này đã bị Morocco đòi chủ quyền ngay từ khi độc lập. 

Nhưng Tây Ban Nha giữ đến năm 1975, và khi ra đi, mặt trận Polisario Tây Sahara tuyên bố thành lập Cộng hòa Ả Rập dân chủ Sahara (SADR). Hiện Polisario chỉ giữ 20% lãnh thổ - kết quả cuộc chiến tranh với Morocco năm 1975 - 1991. SADR được Liên Hiệp Quốc và 46 nước công nhận, nhưng dĩ nhiên Morocco thì không.

Như ta biết, hiện thế giới đang có dịch COVID-19. Mới vừa rồi một vị 73 tuổi tên là Brahim Ghali bị COVID-19. Ông không có phương tiện chữa chạy trong sa mạc nên được Tây Ban Nha đưa sang nước họ nhập viện để điều trị. Kẹt một nỗi, ông Ghali không phải bệnh nhân bình thường, ông là chủ tịch SADR, tức là phiến loạn ly khai trong mắt Morocco.

Cơn bất bình của Morocco

Morocco bất bình, nhưng làm sao bày tỏ thái độ với Tây Ban Nha, một thành viên EU và NATO? Morocco không có hàng không mẫu hạm, tàu bay, xe tăng đủ để dọa được Tây Ban Nha hay EU. 

Một khu trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

 

Họ bèn ra lệnh gỡ kiểm soát phía họ tại biên giới thị trấn Ceuta. Chưa đến nỗi mở biên giới đường bộ như có bận, khiến cả ngàn người ồ ạt leo rào, Morocco hiện mới cho phép di dân bất hợp pháp mang phao lao xuống biển “đánh” hai đầu nam - bắc Ceuta là các bãi Benju và Tarajal. 

Công an biên phòng Morocco đơn giản là nói: Ai biết lội và muốn qua Tây Ban Nha thì cứ việc. Ngày 19-5, 6.000-8.000 người đã tham gia cuộc thi bơi không phần thưởng đó, bao gồm 1.500 trẻ em vị thành niên, có em còn sơ sinh cha mẹ ẵm dưới nước. 

Đa số là người Morocco vì thời gian sau này chính quyền Morocco đã có biện pháp kiểm soát người tị nạn các nước châu Phi khác theo thỏa ước với Tây Ban Nha và EU.

Nói cách khác, đây là một áp lực ngoại giao của phía Morocco, kiểu giận lẫy. Áp lực vừa qua tại Ceuta chỉ ở mức vài ngàn và chủ yếu là người Morocco. Giờ thì đa số đã được Morocco nhận lại, chí ít là các công dân của họ. 

Morocco hoàn toàn có thể từ chối nhận lại các thành phần không phải người Morocco, mặc Tây Ban Nha muốn làm gì thì làm. Họ có thể từ chối nhận ngay cả công dân Morocco nếu không đạt được thỏa thuận với Tây Ban Nha. 

Morocco còn có thể leo thang bằng cách mở cả lối bộ cho dân leo rào vào Ceuta, chưa kể ở Melilla. Quần đảo Canarias cách đất liền 100km trước từng thấy ghe tị nạn đổ bộ vào những bãi biển khách sạn 5 sao. Morocco thậm chí có thể mở biên giới cho di dân tràn đến bờ biển và đi ghe 13km qua vịnh Gibraltar.

Nhắc lại, ngày 11-7-2002, hơn một chục quân nhân Morocco đổ bộ lên tiểu đảo Perejil để cắm cờ. Hòn đá này cách thị trấn Ceuta 10km và cách bờ biển Morocco có 200m. Trước giờ, hai bên đồng ý là để đảo trống. 

Đến 17-7, biệt kích Tây Ban Nha đu dây trực thăng xuống Perejil bắt toàn bộ lính Morocco mang về Ceuta, sau đó thả họ ra. Tây Ban Nha cũng chỉ dọn hòn đá thôi chứ không ở lại phất cờ “đại đế quốc”. 

Chuyện này cũng dính dáng đến SADR. Năm 2001, Liên Hiệp Quốc đề nghị giải pháp Baker cho SADR. Năm 2003 - 2004 sẽ đến lượt Tây Ban Nha làm ủy viên Hội đồng Bảo an, Morocco sợ Tây Ban Nha sẽ bênh SADR nên từ chối giải pháp này. Vào lúc đó, chưa có chiêu dùng người tị nạn.

Nói chung, đây đều là những di chứng thuộc địa, khi các nước thực dân cũ mắc bệnh dây dưa, dù đã rút lui nhưng còn chưa chịu ra đi hẳn.■

EU cũng không nhất trí được với nhau về người tị nạn. Ví dụ năm 2015, cả khối phân chia nhau 160.000 người tị nạn trong các trại Hi Lạp, nhưng Czech chỉ nhận 12 người, Hungary và Ba Lan không nhận người nào. Hiện mấy nước Đông Âu này cũng đang chống việc thông qua ngân sách EU 2021-2027 vì không muốn bị ép phải nhận người tị nạn. Giờ nếu Morocco “tấn công” Tây Ban Nha, có lẽ cũng khó nhờ họ. Nếu Ý, Hi Lạp, Tây Ban Nha là những nước “chiến sĩ tuyến đầu” trong tiếp nhận tị nạn thì Czech, Ba Lan, Hungary bị coi là loại “đâm sau lưng chiến sĩ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận