Một cộng một bằng mấy?

NHIÊN ANH 04/07/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Làm sao để xây dựng một thế hệ những người lao động hướng tới các giá trị thực chất lâu dài, trong một xã hội khao khát làm giàu nhanh? Đó là nan đề mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Biểu tượng về giấc mơ giàu sang kiểu Việt Nam điển hình nhất có lẽ là công ty từng đấu giá suýt thành công 2,4 tỉ đồng một mét đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Những dự án của công ty này đều hướng đến giá trị tinh hoa châu Âu thời Louis XIV - ông vua mặt trời vĩ đại của Pháp quốc - với những cái tên: D’. Palais De Louis, D’. Le Roi Soleil, D’. El Dorado… đi kèm thông điệp kiểu: “…công trình mang vẻ đẹp vua chúa với kiến trúc tân cổ điển Pháp tinh xảo đến từng đường nét”. 

Công ty này đang bị cáo buộc lừa đảo khách hàng với con số huy động trái phiếu chui lên đến 10.000 tỉ đồng. 

 
 Ảnh: The New Yorker

Những người mua trái phiếu đang căng băngrôn kêu gọi Nhà nước can thiệp giúp họ lấy lại số tiền đã lỡ cho công ty vay dưới hình thức mua trái phiếu “hai không” (không tài sản đảm bảo, không ngân hàng bảo lãnh) với lãi suất hứa hẹn lên đến 12%/năm. 

Giấc mơ kiếm tiền nhanh đã bị một giấc mơ kiếm tiền siêu nhanh khác đè bẹp. Kẻ mất tiền còn người kia thì đang bị truy tố.

Ngậm ngùi cho những sự nghiệp lâu dài

Khởi điểm của hiện tượng phải làm giàu nhanh, nếu bỏ qua lĩnh vực bất động sản, chỗ mà dù gì muốn làm cũng phải có tiền, có lẽ bắt đầu từ phong trào khởi nghiệp và fintech khoảng 10 năm trở lại đây. 

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 - 2008, sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế sản xuất khiến cả một thế hệ người trẻ sốt ruột và các khái niệm kinh tế tri thức, fintech, hệ sinh thái tiền ảo lần lượt ra đời và có đất sống mạnh mẽ.

Chu trình kinh doanh truyền thống “vốn + công nghệ + quản lý” sinh ra lợi nhuận dần bị thay thế bởi “ý tưởng + gọi vốn + khai thác thị trường và kiếm lời thật nhanh” trước khi bị các đối thủ non trẻ và hung hãn hơn thế hệ sau đánh bật. 

Ý tưởng có thể là một thị trường ngách như bán giày theo số đo qua app điện thoại, cũng có thể là phần mềm chat bot gọi đến khách hàng thông báo bị phạt nguội do chạy quá tốc độ và yêu cầu đóng tiền cho công an nếu không sẽ bị truy tố...

Cơn sốt làm giàu nhanh lên đến đỉnh điểm khi các đồng tiền ảo ăn theo khái niệm blockchain ra đời. Hậu quả là không chỉ giới trẻ mà rất nhiều người không còn trẻ nữa cũng bắt đầu tin rằng một công ăn việc làm ổn định 5-10 năm để gầy dựng sự nghiệp - cuộc đời đồng nghĩa với an phận, lạc hậu, thậm chí là thất bại.

Việc không nhanh chóng có xe hơi, không tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, không biết than vãn về VNIndex, không bỏ tiền cho hàng trăm thứ coin đang tràn ngập thị trường, hay không đầu tư một dự án second home nào cả là chỉ dấu của một đầu óc xơ cứng, thủ thường. 

Dưới 30 tuổi mà chưa lập danh bằng con số chục tỉ thì không thể coi là thành đạt. Với quan niệm làm giàu như thế, việc theo đuổi một nghề nghiệp lâu dài để trở thành lành nghề trong một lĩnh vực nào đấy là điều cả một thế hệ không còn nghĩ đến.

Căn tính hay thời đại?

Nếu nhìn vào lịch sử 100 năm trở lại đây, có lẽ khó trả lời dứt khoát là người Việt ham giàu xổi. 

Trong giai đoạn cả nước khó khăn trước kia, đặc tính nổi trội của người Việt là sự thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh: cơi nới chung cư để có thêm cái chuồng lợn, hay biến một cái săm (ruột) xe đạp thủng trở thành vĩnh viễn không bao giờ cần thay.

Người dân có thể kêu ca nhưng họ nhất quyết không ngồi chờ ai đó đến cứu tế. Có thể ở những giai đoạn lịch sử đó không có nhiều cơ hội để họ làm giàu, nhưng nhu cầu làm giàu lúc đấy cũng không phải là hiện tượng. 

Vậy “Làm giàu không khó”, “Chuyên gia thực chiến ngoại hối quốc tế”, “Kinh doanh chứng khoán, con đường làm giàu tất yếu”… ở đâu ra mà chỉ vài năm đã trở thành xu hướng và hầu như không cản nổi?

Hay đấy là căn bệnh của thời đại, tức là bên Mỹ, bên Thái gì vào thế kỷ 21 này cũng thế cả, không liên quan gì đến căn tính của dân tộc? 

Chúng tôi không có dữ liệu hay một công trình xã hội học liên quốc gia đầy đủ trong tay để trả lời dứt khoát, nhưng nếu nhìn vào một xã hội có nhiều nét tương đồng và mở cửa sớm hơn Việt Nam khoảng 10 năm, cũng có thể coi là sự tham chiếu tương đối.

Hầu hết những phong trào làm giàu bằng mọi giá ở Việt Nam đều có thể thấy xuất hiện trước 3-5 năm ở Trung Quốc - từ nạn tham nhũng của công chức, tình trạng bán đất công vô tội vạ, phá vỡ quy hoạch và những khoản lại quả béo bở… cho đến sự hình thành những công ty công nghệ chuyên lừa đảo.

Người Trung Quốc điều chỉnh các giá trị Khổng giáo hơn 100 năm nay để vươn lên với thế giới hiện đại, đến khi đạt được cuộc sống khá giả thì lại nhận ra sự chối bỏ các giá trị cũ là mặt trái với xã hội và chất lượng cuộc sống nói chung. 

Việc buộc phải có thật nhiều tiền thật nhanh để sở đắc những giá trị vật chất vốn xuất phát từ phương Tây và cũng đã lạc hậu với nơi sản sinh ra nó, mà không có những “tam cương ngũ thường”, “an bần lạc đạo” kéo lại - làm cho hình ảnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc trở nên xấu xí, kệch cỡm.

Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu chống tham nhũng ở ta bây giờ lại là: “Danh dự nó quý hơn rất nhiều tiền bạc, vật chất….”. 

Đấy thực chất là cốt lõi của tư tưởng Nho giáo, thứ tư tưởng mà dù cổ hủ trì trệ nhưng vẫn ngấm sâu vào tầng đáy các xã hội Á Đông đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc để họ cân bằng giữa phát triển và bản sắc.

Tư tưởng đấy hầu như không còn ở thành thị Việt Nam. Một cá nhân nếu vẫn giữ được tâm niệm rằng phải tu thân, tề gia trước khi làm được điều gì lớn lao thì sẽ bớt đi những ảo tưởng và giấc mơ phải thành đạt sớm bằng mọi giá. 

Một xã hội cổ xúy sự quy củ tuần tự nhi tiến hơn là những cú sốc mang tính cách mạng sẽ khiến các thành viên bình tĩnh hơn trong quá trình vươn lên.

Nói người Việt Nam có căn tính làm nên những điều vĩ đại bằng tư duy đột phá và đầu óc cách mạng e là có phần ảo tưởng. Thế nên nhìn nhận phong trào làm giàu, thành đạt bằng mọi giá, mọi cách và mọi phương tiện như đang diễn ra là một chỉ dấu lạc quan về sự vươn lên có lẽ là sai lạc.

Cốt lõi văn hóa chúng ta có sẵn và đủ mạnh để làm chỗ dựa cho quan niệm không cần phải giàu bằng mọi cách không? 

E rằng câu hỏi đấy phải được đặt ra từ lâu và người trả lời được không phải là giới trẻ - những người đang khao khát làm giàu bằng mọi cách, khi họ được nuôi dưỡng trong một môi trường mà ở đó 1+1 không bằng hai mà phải bằng chín, bằng mười!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận