TTCT - Hoa quả cũng có thăng trầm. Mít là một thí dụ điển hình của "ưu thành ra nhược". Ngụ ngôn ăn mít"Trong vườn nhà thanh niên nọ có một cây mít quả trĩu trịt. Mỗi lần sờ thấy lớp da xù xì của quả là anh chán ngán bỏ đi. Xa thật xa có một cây cọ. Cuốc bộ dưới trời nắng nóng, thanh niên thèm khát hái cho được chùm quả treo đầu cành. Anh chạy vội nên ngã vào bụi cây trước mặt, gai đâm toe toét. Không nản chí, anh trèo lên cây, vảy cọ sắc như dao nhưng anh không màng. Khi anh trèo, một bầy kiến độc chích cho đau đớn toàn thân. Trèo tới ngọn, lòng anh vẫn say mê nhúm quả bé con con. Vo ve quanh chùm quả là hàng trăm con ong, chúng giận dữ khi anh vươn tay hái. Hái được thì quả rơi rụng mất hơn một nửa, anh cố gắng vừa giữ vừa trèo xuống, lại rơi thêm tiếp qua kẽ ngón tay…Xuống tới nơi trong tay chỉ còn vài quả ranh, thanh niên sung sướng ăn, ngay lập tức kinh hoàng nhận ra bên trong quả cọ là một hạt cứng to thô lố, phần vỏ cũng không ăn nổi phải vứt đi, thịt quả chỉ là một lớp tí ti vớ vẩn. Tức giận, anh quăng hết cả, trở về nhà, toàn thân bỗng thấy đau đớn quá chừng. Những vết gai đâm, vảy cắt, kiến cắn, ong đốt như quay lại tra tấn cùng một lúc. Áo quần tả tơi, da dẻ toe toét máu, về đến nơi, anh thấy bố đang ngồi đợi mình với quả mít chín. Không nói không rằng, thanh niên lao tới chân bố. Bố đưa anh quần áo thay, gắp gai cho anh, đắp thuốc cho anh, và dĩ nhiên là cho anh ăn mít. Anh thanh niên sung sướng ngủ thiếp đi". (Ta không thấy nói có ăn hạt mít luộc tiếp theo không).Nhiều tên gọi, lắm công dụngChuyện ngụ ngôn trên là của thầy Sivananda Saraswati, Ấn Độ - đất nước được cho là nơi mít ra đời.Một bài viết trên trang NPR cho biết 300 năm trước Công nguyên, triết gia kiêm nhà thực vật học người Hy Lạp Theophrastus từng viết: "Còn một cây khác rất to, có quả to và ngọt diệu kỳ; được các hiền giả Ấn không quần áo dùng làm thức ăn". Cụm từ "một cây khác" của ông thật lù mù, khiến có người bảo đó là cây chuối, có người lại bảo đó chắc chắn là cây mít - chỉ có cây mít mới có quả to và ngọt diệu kỳ - và khẳng định luôn "nguyên quán" của mít chính là chân dãy Ghats Tây của bán đảo Ấn Độ.Ở Ấn Độ, người ta gọi nó là "chakka pazham", (có lẽ) từ đó người Bồ Đào Nha gọi là "jaca", sang tiếng Anh là "jackfruit". Người Bangladesh gọi nó là "kathal" và nó là "quốc quả" của nước này. Người Thái gọi là "kanun", người Malaysia gọi là "nangka", người Việt Nam ta gọi là mít.Từ Ấn Độ, mít sang các nước quanh vùng, suốt mấy trăm năm đã trở thành một thứ cây vừa quý giá lại vừa phổ thông. Lúc cao trào, mít được xưng tụng là "vua của Ấn Độ", có thể do con người ngất ngây trước công dụng bao trùm của nó: thân lấy gỗ làm nhà và bàn tủ, cành làm củi, lá làm thuốc, quả chín để ăn đã đành, quả xanh cũng ăn luôn; đến hạt cũng ăn được nốt. Những người nấu chay nước ta đều biết làm gì với một quả mít. Họ nấu mít non kho tộ, mít giả cầy, gỏi mít trộn…, toàn những món chay mà "ăn ngon như thịt".Bức tranh Người bán mít của Hendra Gunawan, vẽ năm 1958.Nhưng theo một bài viết trên trang Tenderly, từ rất lâu rồi ở Nam Á, người ta đã dùng mít thay cho thịt, không phải vì ăn chay mà vì đúng là khi ấy thiếu thịt, thèm thịt thật. Các bà nội trợ Bengal gọi mít là gaach patha (cừu cây), dùng mít non giả thịt cừu cho những dịp ăn uống đông người, mua thịt thật thì tiền đâu cho xuể. Trong tiếng Bengal người ta phân biệt rõ, mít chưa chín là enchor, mít chín là kathal. Enchor cắt thành từng khối vuông để nấu đủ thứ món: cà ri, nấu với tôm, nấu với mướp đắng... Quả mít không đợi chín đã hái xuống nấu ăn, điều này phổ biến tới mức có người đã rất ngạc nhiên khi biết mít chín cũng ăn được!Cơ sự bị thất sủng phần nàoMít chín dĩ nhiên là ăn được, và đó có lẽ mới là công dụng chính của mít. Nhưng theo một bài viết trên trang NPR, giáo sư sinh học thực vật Nyree Zerega của Đại học Tây Bắc và Vườn bách thảo Chicago nói rằng thực ra ta đang ăn hoa mít. Quả mít gồm hàng trăm (và thậm chí hàng ngàn) bông hoa riêng lẻ hội tụ. Múi mít ta ăn chính là những cánh hoa dày thịt bao quanh hạt, và hạt ấy mới là quả thực thụ.Thôi chuyện ăn hoa hay ăn quả cứ để các nhà khoa học tranh đấu cho tới khi ngã ngũ. Tạm thời chỉ biết mỗi múi mít là một túi đựng đầy chất đạm, đường, kali và vitamin B hệt một túi nhỏ đựng lương đi đường. Trong mỗi túi lại đựng một hạt mít mà luộc chín lên là một "nắm" tinh bột thơm ngon. Mẹ thiên nhiên thật là chu đáo!Nhưng hoa quả cũng có thăng trầm, ví như quả lê ki ma giờ còn mấy người ăn, quả nhót còn đứa trẻ nào mài vào ống quần rồi chấm muối? Đến quả na giờ cũng bị chê là ngọt quá, bòn bon thì chua quá… Việc ăn hoa quả giờ nặng phần "y tế", ăn cho khỏe, cho tốt da, cho có vitamin. Những quả nhàn nhạt man mát lên ngôi. Tính "ngon ngọt" biến thành nhược điểm. Mít là một thí dụ điển hình của "ưu thành ra nhược".Trong thời đại thừa đường thừa bột, chỉ có trẻ con là không ngại ăn mít, còn người lớn có khi thèm lắm nhưng chỉ dám nhón vài múi, sợ "đường cao", sợ "nóng trong người", sợ đầy bụng… Chưa kể bổ một quả mít quá đa công.Lần lại lịch sử của cây mít, một bài viết trên trang Jstor kể, trong một tài liệu vào thế kỷ 16 của bác sĩ người Bồ Đào Nha Garcia da Orta viết về các thứ thuốc của Ấn Độ, ông kể về kinh nghiệm ăn mít: "Ta ăn tới hạt bên trong, rang lên vị như hạt dẻ; thể rồi ta ăn tới lớp thịt bao lấy hạt, màu vàng và vị dễ chịu". Hột mít ngày nay vị vẫn như hạt dẻ như vài trăm năm trước ông Orta đã từng ăn, nhưng giờ còn ai ăn nữa!Ở quê, bổ xong một quả mít cũng đã mệt rồi, cứ thế mà ăn, lắm khi nhiều đến mức no kềnh chẳng thiết ăn cơm; ăn làm gì đến hạt, lại phải luộc, phải rang. Ở thành phố lại càng không, trong khi ta sẵn sàng mua các loại hạt rang khác về nhấm nháp. Cái lười lấn át, nhiều người thậm chí ngại bổ mít, thà không ăn còn hơn. Bài báo trên NPR nhắc lại nhận xét (buồn) của giáo sư Nyree Zerega, rằng mít là một thứ cây trồng không được đánh giá đúng tầm ở những nơi nó mọc tốt. Ngay cả ở Bangladesh và Ấn Độ (nơi có những lễ hội mít kéo dài tới 3 ngày, giới thiệu hàng chục loại mít, rồi cho trẻ con thi vẽ mít, thi ăn mít…), mít cũng không còn được ưa chuộng như xưa.Ảnh: Phạm PhongBị ghét đến mức bức tửKhông phải ở đâu mít cũng được yêu quý (hoặc có thất sủng nhưng vẫn còn chút yêu). Ở một số nơi không phải châu Á, mít còn bị coi là loài xâm lấn, là tội đồ, là đối tượng để hai phe ghét và yêu cùng tranh đấu. Bài viết trên AP hồi 2021 kể chuyện, một sáng đẹp trời, một người đạp xe trên cung đường trong công viên quốc gia Tijuca đã bị một quả mít chín rơi trúng đầu, vỡ cả mũ bảo hiểm của anh, làm anh ngã lăn ra đất.Người này - cùng các tay đạp xe khác - "chia sẻ" các loại tai nạn do mít trên mạng xã hội. Một người kể mình từng bị trượt té vì mít chín. Người khác kể từng thoát chết hú vía: một quả mít nổ bẹp gần đến mức mít chín văng tung tóe lấm hết bộ nan hoa. Một người khác nâng tầm, bảo đạp xe dưới rặng mít nguy hiểm không khác gì chơi trò bóp cò may rủi của Nga (Russia roulette).Theo bài báo, mùa hè mít chín khắp Nam bán cầu nhưng người Brazil không thích ăn mít. Xưa thì họ ăn đấy nhưng tại lúc đó họ nghèo và bị bắt làm nô lệ. Bản chất say mê thịt nướng, người Brazil nay cơm đã có thịt thì lấy mít thay thịt làm gì, may ra ăn vài múi chín cho vui. Mít đã đến vùng đất này hàng trăm năm trước nhưng giờ vẫn bị gọi là loài xâm lấn. Mít dễ sống, nảy cây con, lá mướt mát lấn át nhiều loài cây bản địa trong khắp 13 đơn vị bảo tồn của Brazil, đặc biệt là ở công viên Tijuca, một trong những khu rừng đô thị lớn nhất thế giới. Ảnh: tenderly.medium.comCác nhà sinh thái học Brazil ghét mít vì nó đông đảo, nhưng Futardo, một người yêu mít, lập luận: "Lịch sử (Brazil) ngập ngụa định kiến về mít. Nào bảo là mít thối, mít bạo lực, mít xâm lấn. Đúng thật là mít hội nhập thích nghi rất tốt. Vậy bất kỳ ai thích nghi tốt với Brazil cũng nên bị diệt trừ sao?".Vào thế kỷ 17, người Bồ Đào Nha lần đầu mang mít tới Brazil. Cây mít nhanh chóng có mặt tại Rio, đúng lúc rừng ở Rio đang trụi dần vì lấy gỗ, đốt than, trồng cà phê và mía. Nhà vua khi ấy ra lệnh trồng lại rừng ồ ạt. Trên đất bạc màu, mít mọc sum suê, quả to vật vã chín rơi xuống đất, lăn lông lốc xuống đồi, lại gieo rắc bao nhiêu là hạt cho đợt cây mới. Rễ mít bám chặt giữ đất, quả mít là thức ăn cho động vật, tán mít là nơi nương náu cho nhiều loài, trong đó có những loài quý hiếm sắp tuyệt chủng đến nơi. Ngày ấy, vùng nào hay dùng mít làm thức ăn thì mít mọc càng dày.Nhưng việc đó tiềm tàng những mối nguy, bài báo dẫn lời Rodolfo Abreu, giáo sư sinh thái học tại Federal Rural University của Rio: "Thay vì hướng về sự đa dạng của hệ thực vật, của các loài bò sát và côn trùng, ta lại ưu tiên hóa những đối tượng dùng mít. Như thế là đơn giản hóa chuỗi động thực vật nhiệt đới. Một số loài sẽ hiếm dần rồi dần biến mất".Theo bài báo, trong thời kỳ Covid-19, đường công viên Tijuca là nơi lý tưởng để tập thể dục trong giãn cách, và mít chín càng thêm phần "nguy hiểm". Vài dân đạp xe đã báo chính quyền, đề nghị cắt tỉa cành trên đầu hoặc thậm chí chặt bỏ cây. Ngày xưa, chặt hay không là việc nội bộ công viên, nhưng nay, hội đạp xe cho rằng đó là vấn đề đe dọa mạng sống, là chuyện của xã hội. "Rơi vào đầu người không đội mũ bảo hiểm, hoặc rơi trúng một đứa trẻ 4 tuổi là chết như chơi!" - Raphael Pazos, nhà sáng lập Hiệp hội An toàn đạp xe của Rio de Janeiro, lo ngại."Tôi 100% tán thành việc loại mít khỏi công viên này - Emilio Bruna, chủ tịch Hội Bảo tồn và sinh học nhiệt đới, nói - Mít là thứ cây ngoại lai, chúng ta không cần nó, đời sống con người không phụ thuộc vào nó…". Người ta muốn dùng các loài bản địa để "đẩy" mít ra khỏi công viên Tijuca, riêng ở nội đô, họ vẫn trồng có kiểm soát, coi đó là nguồn trái cây miễn phí cho những người không mua được trái cây.Vả lại, có người vớt vát, mít cũng không hẳn là loài xâm lấn: nó chỉ thống trị ở những vùng đất bạc màu, trong khi giữa rừng rậm phì nhiêu thì hạt lại không dễ nảy mầm. Tức là để chống lại mít, rừng cần đạt một độ rậm rạp nhất định.Để triệt bớt mít, người ta đề xuất vài cách: lột một vòng vỏ cây để mít chết dần trong vài tháng, hoặc tiêm thuốc diệt cỏ thì cây chết nhanh hơn. Mỗi năm chỉ cần giết 5-10% cây trưởng thành là đủ để quần thể mít đang có ở Brazil phải giảm. Việc loại bớt mít là công việc ưu tiên tại công viên quốc gia Tijuca. Từ 2016 - 2017, có khoảng 2.000 cây mít đã bị lột khoanh vỏ cây đến chết.Chuyện một người yêu mítNgược lại, trong bài viết của AP, ta gặp Furtado và người yêu của bà là Lobão 57 - những người coi mít là lẽ sống. Furtado ngày nào cũng uống sinh tố mít và mơ có ngày được "hành hương" về nơi mít ra đời, chân dãy Ghats Tây, Ấn Độ. Bà nói vanh vách công thức các món ăn ngon bổ từ mít: mít giả cá tuyết, bánh mít nướng, mì mít, mít giả thịt thăn. Công việc của hai người là thu hoạch mít non, pha ra để bán cho các nhà hàng, còn lại đem cho. Có ngày họ thu được 60kg hạt mít để giao cho đầu bếp tại Rio.Furtado và Lobão lập tổ chức "Mao na Jaca", dịch sát là "Tay trong mít" để chơi chữ lại một thành ngữ địa phương là "Chân trong mít", tức hoàn cảnh mà ai giẫm phải một quả mít chín nhão trơn trượt đều biết. "Mít là một di sản quý, xét theo góc nhìn về môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội. Loại bỏ mít đi là một sai lầm to lớn, là một dạng kiêu căng của những ai không nhận ra 'đã là đời thì phải linh động'" - Furtardo đăng trên mạng.Khi vụ mít rơi trúng đầu người tại công viên, để làm dịu nhẹ sự giận dữ của những người ghét mít, Furtado đã gọi cho các tay đạp xe, trong đó có cái anh bị mít rơi vỡ mũ bảo hiểm. Bà rủ họ lập bản đồ vị trí các cây mít, dán các tấm bảng về lợi ích của mít, tổ chức thu hái mít bằng một chiếc xe tải có cần cẩu nhẹ rồi đem phát cho những người cần mít. "Tay trong mít" sẽ tổ chức các buổi hướng dẫn bổ mít - vốn là cả một nghệ thuật đa công. Futardo, dĩ nhiên, cũng bàn bạc kỹ với các nhân viên điều phối của công viên.Thế rồi, nỗ lực của Furtado đã có tác dụng. Hội an toàn đạp xe đã tán thành đề nghị thu hái mít và phân phát cho cộng đồng. Họ thậm chí không hề biết có một hội yêu mít đến thế tồn tại, và làm sao có thể từ chối cái ý tưởng đem mít đi phát không cho dân? Họ sẽ trình bày ý tưởng đó tại cuộc họp tiếp theo của nhóm tư vấn công viên - nơi mà họ cũng có một chân. Tuy nhiên với hàng mít sát con đường đạp xe trong công viên, họ vẫn muốn lột vỏ cho chúng chết. Cậu chủ tịch hiệp hội an toàn đạp xe chỉ một quả mít mới rơi xuống nát bét trên đường như một bằng chứng hùng hồn.Furtado thấy đến nước cùng, có thể loại một số cây mít mọc bên đường nếu ý tưởng thu hoạch mít hoặc cắt tỉa bất khả thi, hoặc sau khi công viên đã cân nhắc kỹ. Nhưng bà kịch liệt phản đối việc bóc vỏ cây hay dùng thuốc diệt cỏ. Bà tin rằng có thể quản lý thông qua tiêu thụ, bởi vì: "Nếu chúng ta (chịu) ăn mít và hạt mít thì có thể kiềm chế được chúng thôi!".■(*) Tổng hợp và lược dịch. Người hùng một thuở Trong lịch sử của mình, mít từng là niềm trăn trở đến quên ăn quên ngủ của nhiều người Anh quan trọng. Đó là khi đế quốc Anh muốn tìm một nguồn thức ăn "mau no, lắm chất" cho đám nô lệ và lao động khổ sai trên khắp những nơi họ xâm chiếm. Theo trang Jstor, chính những người Anh thực dân khi đến Ấn đã nhìn ra nguồn dinh dưỡng dồi dào của múi mít, hạt mít. Vào thế kỷ 18, nhà thực vật học William Roxburgh của Công ty Đông Ấn đã đưa cây mít vào các vườn thực vật ở Nam Ấn, khuyến khích nên trồng mít ở vùng Ceylon do nạn đói cứ tái đi tái lại ở vùng này. Nhà thực vật học Joseph Banks khi viết thư giới thiệu mít cùng với cây sa kê như nguồn cung lương thực bổ sung cho dân nô lệ vào năm 1787, đã khen mít là "thứ quả có giá trị nhất, cho rất nhiều dinh dưỡng trong nhiều cách nấu nướng khác nhau thích hợp với mức độ chín khác nhau". Đến thế kỷ thứ 18, mít đã có mặt trong ẩm thực vùng Caribê, đặc biệt vùng đảo St. Vincent. Một cây mít được mang từ đảo này tới trồng trong vườn thực vật Edinburgh Botanic Gardens và đã ra hoa vào năm 1827. Nhưng rồi nói như ngôn ngữ của các nhà bình luận bóng đá, mít đã phải dừng chân đầy tiếc nuối, không đi được xa hơn vào Bắc Mỹ và châu Âu. Mít khó chống chọi được với thời tiết có mùa đông lạnh. Và cũng như con người, mít "cá tính" quá, mùi hương của nó nồng nàn quá, thậm chí như bài viết trên Jstor đã nói, nhiều người châu Âu chê thứ quả này có mùi khó chịu, đến mức "gớm tởm". Tags: Quả mítTrái mítMítTrái câyHoa quảLịch sửDinh dưỡng
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.