TTCT - Tiểu thuyết nổi tiếng Trăm năm cô đơn vừa được chuyển thể thành phim và công chiếu vào trung tuần tháng 12, cũng vừa lúc để nhìn lại một năm 2024 đi đâu cũng nghe man mác cô đơn lạc lõng. Đi bộ giữa trận tuyết rơi dày đặc tại quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc), tháng 11-2024. Ảnh: AFPNhà sử học Fay Bound Alberti từng lập luận trong quyển A Biography of Loneliness (Tiểu sử của cô đơn, 2019) rằng trước những năm 1800, hầu như thế giới phương Tây chẳng ai dành chút thời gian nói về cô đơn. Giờ thì hàng ngàn nghiên cứu chuyên sâu đề cập đến nó mỗi năm, sách khoa học, văn học hay kỹ năng sống viết về cô đơn nhan nhản. Vì đời sống thiếu vắng các mối quan hệ có ý nghĩa, người ta nghĩ ra - và sẵn sàng tham gia - đủ thứ xu hướng, trào lưu, âu cũng là để tìm chút khuây khỏa.Bên đời hiu quạnhNăm 2023, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Vivek Murthy công bố một cảnh báo cố vấn dài 71 trang về "đại dịch cô đơn và cô lập" của Mỹ, với tất cả sự nguy hiểm mà từ 'đại dịch' có thể lột tả. Dĩ nhiên, đại dịch thì lây lan nhanh. Cô đơn đã trở thành mối quan tâm toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.Nghiên cứu mới nhất (7-2024) của Gallup vẽ ra bức tranh thế giới cùng "bên đời hiu quạnh": trung bình cứ 5 người trên thế giới có 1 người cảm thấy rất hoặc khá cô đơn. Tỉ lệ cao thấp khác nhau, từ 6% ở Việt Nam rồi đậm dần đến 45% ở quốc gia Đông Phi Comoros. Tỉ lệ người lớn cảm thấy cô đơn vượt quá 30% ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Gallup khảo sát, hơn một nửa là ở châu Phi. Còn hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc thì người trẻ 15-29 tuổi là cô đơn nhất.Tại Đức và Pháp, hai nước được mệnh danh là rất biết tận hưởng cuộc sống, cũng nhuộm chung màu. Khoảng 60% người Đức thường xuyên, đôi khi hoặc thỉnh thoảng cảm thấy cô đơn, riêng nhóm từ 18-39 tuổi thì đến 68%, theo khảo sát của công ty bảo hiểm y tế công cộng hàng đầu nước này công bố hồi giữa năm. Con số này ở Pháp là 62% ở người từ 18-24, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường IFOP.Ảnh: ReutersTổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023 từng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của cô đơn bằng phép so sánh dễ hiểu: dành quá nhiều thời gian ở một mình cũng có hại như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.Với cách nói này, định nghĩa cô đơn có hơi truyền thống vì chỉ bó hẹp ở những cá nhân ít bạn bè, những người độc thân. Nhưng theo nhà tâm lý học lâm sàng cao cấp Lin Xiangbin chia sẻ trên báo The Strait Times, bộ mặt của cô đơn đã thay đổi nhiều trong thời đại mới. Những người lớn thành đạt có mạng lưới xã hội và chuyên môn rộng, những người đã kết hôn hay đang yêu đương, ai cũng có thể cô đơn.Đời ai cô đơnBáo Le Monde của Pháp ví von sự cô đơn là "con voi khổng lồ trong phòng" - thứ hiển hiện nhưng người ta thường phớt lờ cho đến khi nó chiếm ngự cuộc sống của họ. Dù nhiều nghiên cứu được thực hiện, cũng chưa có cách nào để xác định "ai" có nhiều khả năng trải qua cô đơn hơn, xét về mặt nhân khẩu học là rất khó.Những người độc thân thường cảm thấy cô đơn hơn người đã kết hôn khoảng 28%. Để minh họa chuyện dịch bệnh cô đơn đang ảnh hưởng đến giới trẻ, Le Monde kể chuyện chàng thanh niên 21 tuổi Germain đúng như lời một bài hát ở Việt Nam: "tôi lạc quan giữa đám đông, nhưng khi một mình thì lại không". Germain không tâm sự với ai vì tránh nhận sự thương hại từ mọi người, hay phải từ chối những lời rủ rê đi chơi gượng gạo chỉ vì cậu nói cậu cô đơn.Nhưng cũng đừng tưởng người đã kết hôn thì không có tỉ lệ cô đơn cao. Họ cô đơn trong chính gia đình mình vì "nhiều nỗi niềm không thể chia sẻ được cùng chồng hay vợ". Nhà sáng tạo nội dung Jessica Loh, 32 tuổi, kể với The Strait Times sau khi chia sẻ với bạn trai mình về tổn thương tâm lý ngày thơ bé, cô càng cảm thấy cô đơn nhiều hơn trước, và buộc phải chấp nhận có những phần trong cuộc sống của mình mà đối phương sẽ không bao giờ hiểu được.Trên bình diện kinh tế, người gặp khó khăn tài chính, chật vật trang trải cuộc sống với thu nhập bấp bênh của thời kỳ suy thoái toàn cầu thì có khả năng cô đơn gấp đôi người khá giả. Có lẽ vì thế nhiều người đặt mục tiêu làm giàu, để chí ít là cảm thấy bớt cô đơn. Như ở Hàn Quốc, "mọi người sẽ rất cô đơn khi thấy mình không đủ xứng đáng hoặc sống thiếu mục đích" - giáo sư tâm lý học An Soo-jung tại Đại học Myongji giải thích với CNN. Họ thường nhạy cảm với những lời chỉ trích trong khi quá tự phê bình và sợ thất bại, nhất là thế hệ Y và Z. Nếu không "tạo ra tác động đáng kể đến người khác hoặc xã hội", người Hàn Quốc sẽ chìm trong cô đơn sâu sắc, CNN trích dẫn một nghiên cứu công bố vào tháng 6.Gốc gác của cô đơnVậy cái gì nuôi dưỡng cảm giác bất lực và nỗi sợ thất bại, thúc đẩy sự cô đơn? Các chuyên gia và nhiều nghiên cứu liên ngành cho rằng đó là sự thống trị của phương tiện truyền thông xã hội và các công cụ công nghệ kéo con người rời xa tương tác thật, chỉ chú mục vào tương tác ảo. Đếm lượt thích lượt xem cho người ta cảm giác quyền lực và giàu có, tưởng bớt cô đơn mà hóa ra cô đơn không tưởng, chỉ ta với cái màn hình.Trong bài viết ngày 10-11, tờ The New York Times lý giải các tương tác mang tính cá nhân như cuộc gọi điện thoại đã bị thay bằng tin nhắn, khi không thấy không nghe mà chỉ đọc, con người dễ suy diễn ngữ cảnh và mất kết nối chân thật. Ảnh: ReutersTiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Vivek Murthy than thở rằng truyền thống chúc mừng sinh nhật ai đó đã đổi từ một cuộc điện thoại thành một bài đăng trên tường Facebook, giờ thì chỉ còn là mấy chữ viết tắt "HBD" (ở ta là SNVV - sinh nhật vui vẻ) gọn lỏn qua bình luận.Chưa kể các ứng dụng mạng xã hội khiến người dùng rơi vào bẫy so sánh bản thân với người khác, cho rằng mình tụt hậu hơn, tệ hơn bạn bè cùng trang lứa. Cảm giác cô lập càng lớn, và họ sẽ chỉ ở trong nhà xem livestream. Các học giả thế giới đều đồng thuận rằng người sử dụng công nghệ chưa chắc đã cô đơn, nhưng người cảm thấy cô đơn thì chắc chắn đang sử dụng công nghệ theo cách không lành mạnh.Ai cũng sẽ có lý do và hoàn cảnh để một hôm nào đó thấy cô đơn dâng như sóng thần. Rủi thay, cô đơn chưa được xếp thành phổ bệnh để có thuốc đặc trị.Mọi giải pháp chỉ là tạm thờiCon người vì thế, xoay xở tìm cách xoa dịu cơn sóng này.Tờ South China Morning Post ngày 17-11 cho hay người dùng mạng xã hội Xiaohongshu gần đây bắt đầu sử dụng hashtag "trò chuyện đồng hành" trả tiền để "tâm sự cùng người lạ". Người cung cấp dịch vụ nói chuyện, tư vấn, giải đáp thắc mắc thông qua chat thường tính phí từ 8-50 nhân dân tệ cho 30 phút. Mong muốn được bầu bạn tâm sự cùng ai đó trở thành ngành dịch vụ mới nổi đầy tiềm năng ở đất nước tỉ dân, dự đoán đạt đến 6,9 tỉ USD vào năm 2025, theo Sinolink Securities.Số lượng người Trung Quốc cô đơn, chưa kết hôn trong độ tuổi 20-49 là 134 triệu (điều tra dân số 2020), nhiều hơn toàn bộ dân số Nhật Bản. Họ sẵn sàng chi tiền để tìm niềm vui và xua tan cảm giác lạc lõng. Vì thế, suốt một năm qua, thế giới chứng kiến sự ra đời liên tục của những dịch vụ, sản phẩm phục vụ riêng cho giới trẻ Trung Quốc cô đơn.Đi leo núi một mình có ngay dịch vụ cho thuê người xách hành lý, lau mồ hôi, đút thức ăn, thậm chí cõng lên núi nếu leo không nổi nữa, với chỉ 350 nhân dân tệ vào ban ngày, 450 nhân dân tệ vào ban đêm. Hoặc như xu hướng nuôi thú cưng và xem chúng như con, hay nuôi… đủ thứ, miễn có gì đó để ta chăm bẵm mỗi ngày.Một mình cô đơn tự thân nó có khi đã là một trào lưu, khi người Nhật Bản sống một mình có cả thuật ngữ riêng như bocchi, một mình đi karaoke, một mình đi cắm trại, một mình đón Giáng sinh, tận hưởng sự cô đơn của bản thân. Từ Đông sang Tây, cộng đồng "một mình" gia tăng hội viên nhanh chóng mặt. Xưa ra ngoài dùng bữa một mình còn sợ thiên hạ đánh giá, nay đi nhà hàng quán ăn một mình còn có khu vực ngồi riêng, bữa ăn thiết kế hợp khẩu phần. Nền tảng đặt chỗ OpenTable báo cáo lượng đặt chỗ cho một người tăng 29% tại các nhà hàng Mỹ trong 2 năm qua, ở Anh riêng năm nay tăng 14%, ở Đức là 18%.Dân số độc thân của Trung Quốc ngày càng chuyển sang nhiều hình thức bạn đồng hành được trả tiền khác nhau – từ trò chuyện với người lạ trực tuyến đến trò chơi nhập vai ảo. Ảnh: AFPKhông có quốc gia nào miễn nhiễm với cô đơn, "đại dịch" này không còn là thách thức cá nhân mà là thách thức chính sách công. Các quốc gia ráo riết tìm cách giảm cô đơn trong người dân, mà ví dụ vẫn được nhắc nhất là bộ trưởng cô đơn của Vương quốc Anh (từ năm 2018) và Nhật (2021). Tháng 10 vừa rồi, tới lượt chính quyền Seoul công bố chi gần 327 triệu USD trong 5 năm tới để tổ chức các hoạt động nhằm "xây dựng một thành phố mà không ai phải cô đơn", theo CNN. Hàn Quốc cũng lập Đạo luật phòng ngừa và quản lý cái chết đơn độc, lên kế hoạch và báo cáo 5 năm một lần vì số lượng người chết cô đơn tăng từ 3.378 năm 2021 đến 3.661 năm 2023.Nhà báo Matthew Shaer bình luận trên The New York Times: trừ khử nỗi cô đơn và những xáo trộn của đời sống hiện tại chắc cũng như cầu mong nhét thần đèn vào lại trong chiếc đèn thần. Hai nhà tâm lý học Louise Hawkley và John Cacioppo đã cùng nhau nghiên cứu về sự cô đơn gần 30 năm, cho rằng sự cô đơn toàn cầu đang hiển lộ những dấu hiệu về sự tiến hóa (theo một khía cạnh nào đó) mà con người phải thích nghi.Năm 2023, WHO gọi cô đơn là "mối đe dọa sức khỏe cấp bách" và lập hẳn một ủy ban để giải quyết vấn đề. Một năm qua vẫn chưa thấy cập nhật gì thêm. Nếu sự cô đơn toàn cầu là một tiến trình của sự tiến hóa như hai nhà tâm lý học đã ví von, có lẽ 2025 sẽ chứng kiến nhiều trào lưu có liên quan đến lạc lõng giữa đời hơn nữa, vì các tác nhân thúc đẩy cô đơn vẫn hiện hữu. Nói về tâm sự, những người bạn AI có lẽ đang được nhiều lựa chọn nhất. Năm 2024, các bức ảnh về cuộc trò chuyện giữa con người và AI được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người nói họ được an ủi khi kết nối với AI. Người ta có thể cho AI cái tên, giọng nói, hình ảnh, thông tin chi tiết về bản thân họ rồi trò chuyện với "người ảo" mới được nhào nặn ra. "Bạn ảo AI" không phán xét, lại luôn lắng nghe, phản hồi nhanh không để bạn chờ đợi, đủ kiến thức để kể bạn nghe chuyện trên trời dưới biển nếu bạn yêu cầu. Bạn không phải mua quà, không lo bị mích lòng hay giận dỗi. Người ta còn cần gì nữa!Đi xa hơn, có những báo cáo cho thấy một số người đã "yêu" người bạn AI mà mình tạo ra. Họ thậm chí còn nhắn tin mùi mẫn với AI, hẹn gặp ngoài đời thật rồi vỡ mộng khi nhận câu trả lời "xin lỗi tôi chỉ là một robot ảo". Theo The Verge, những công ty như Replika hay vô số công ty đáng ngờ khác hiện đang có hàng triệu người dùng và không thiếu công cụ để thu hút, lợi dụng thanh niên nam trẻ tuổi nhằm thu lợi bất chính. Kevin Roose từ tờ The New York Times thậm chí đã cho Bing của Microsoft lên trang nhất sau khi nó khuyên anh bỏ vợ. Tags: Cô đơnNhìn lại 2024Bạn bè xã hội
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
‘Sinh viên 5 tốt’ thì được gì? VŨ TUẤN 04/01/2025 Những sinh viên là nhà sư sẽ khó đạt được danh hiệu 'Sinh viên 5 tốt' vì vướng tiêu chí 'thể lực tốt'.
Rẽ phải khi đèn đỏ có bị xử phạt? HỒNG QUANG 04/01/2025 Nhiều độc giả đặt câu hỏi thắc mắc tại các nút giao, nếu rẽ phải khi đèn đỏ có vi phạm hay không?
Ông Phạm Nhật Vượng được Thủ tướng đề nghị làm tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ TIẾN LONG 04/01/2025 Thủ tướng cho biết đã đề nghị tỉ phú Phạm Nhật Vượng xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.
Khi Hoàng Đức nhận thẻ đỏ trận chung kết lượt về với Thái Lan NGUYÊN KHÔI 04/01/2025 Thật may đây chỉ là phần test truyền hình trực tiếp của ban tổ chức trước trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 giữa đội tuyển Thái Lan và Việt Nam.